Thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng của Đại hội Đảng lần thứ XII về “tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Đảng, chỉnh sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả;...; xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội, tổ chức - bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị và thể chế về phòng, chống tham nhũng theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quả độ lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng”, công tác hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng và hoàn thiện chính sách kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, có thể khái quát một số kết quả cụ thể như sau:
Tiến hành sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật quan trọng, đóng vai trò chủ đạo trong công tác phòng, chống tham nhũng, điển hình là việc sửa đổi các quy định của Bộ luật hình sự về các tội phạm về tham nhũng, chức vụ và sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng để phù hợp với tình hình mới. Việc sửa đổi nội dung của các văn bản này, một mặt nhằm đáp ứng giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mặt khác cũng hài hòa hóa các quy định của pháp luật Việt Nam với các chuẩn mực quốc tế về vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Các quy định này đã và đang được triển khai áp dụng trên thực tế sẽ trở thành một hệ thống công cụ pháp lý đấu tranh có hiệu quả hơn đối với tham nhũng.
Nội dung sửa đổi, bổ sung thể chế về phòng, chống tham nhũng đã đề cập đến những nội dung cơ bản, hết sức quan trọng góp phần vào hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng như vấn đề mở rộng đấu tranh phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước (Bộ luật hình sự quy định 04 tội phạm tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước bao gồm tội tham ô, tội đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ; dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng quy định các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong một số loại hình doanh nghiệp ngoài Nhà nước); vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng (Bộ luật hình sự năm 2015 quy định người bị kết án tử hình về tội tham ô, nhận hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành hình phạt tử hình mà trong trường hợp này hình phạt tử hình sẽ được chuyển xuống thành tù chung thân; dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng đưa ra các phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và không được giải trình một cách hợp lý...).
Trong thời gian qua, các văn bản trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội được sửa đổi nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước, qua đó góp phần phòng ngừa tham nhũng như các quy định của Luật Tiếp cận thông tin, các quy định liên quan đến quản lý tài chính công, đấu thầu, v.v...Việc sửa đổi một cách tổng thể các quy định pháp luật trên nhiều lĩnh vực góp phần tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Có thể thấy rằng trong hai năm qua, việc hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng đã có những bước phát triển khá toàn diện, cơ bản, góp phần to lớn vào hiệu quả của công cuộc phòng, chống tham, nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Theo Noichinh