Một số chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước hỗ trợ Doanh nghiệp vượt khó, thúc đẩy phát triển kinh tế thời gian gần đây.

15/10/2023 20:34

(Pháp lý) - Xác định đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ chương, chính sách quan trọng hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân.

Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Tạp chí Pháp lý điểm lại một số chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thời gian gần đây đồng hành cùng Doanh nghiệp vượt khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Chú thích ảnh

Ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. (Ảnh: Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII)

Nghị Quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị: “Món quà” đặc biệt ý nghĩa dành cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam

Ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nghị quyết số 41 nêu rõ quan điểm, đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần xây dựng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.

Nghị quyết số 41 đặt mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng; năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật; có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.

Mục tiêu đến năm 2030 phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Để thực hiện các mục tiêu, tầm nhìn trên, Nghị quyết số 41 đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

- Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.

- Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.

- Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

- Xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

- Tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.

Nhiều quyết sách quan trọng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển

Với tinh thần luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều chính sách, giải pháp linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới; chỉ đạo các Thành viên Chính phủ làm việc thường xuyên với các địa phương, thành lập các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của cán bộ, công chức nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Theo đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 8 luật, 17 nghị quyết. Một số vướng mắc của dự án, doanh nghiệp bất động sản về thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nộp tiền sử dụng đất… đã được xem xét, tháo gỡ. Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; tư vấn, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện doanh nhân Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện doanh nhân Việt Nam ngày 11/10/2023

 

Đặc biệt, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, Chính phủ đã ban hành liên tiếp nhiều quyết sách quan trọng để trợ lực cho cộng đồng doanh nghiệp.

Điển hình như, ngày 21-4, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ mục tiêu tổng quát hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh; đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong ngắn hạn, trong trung và dài hạn. Qua đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành, địa phương.

Đối với nhiệm vụ, giải pháp chính trong ngắn hạn, Chính phủ đề ra 4 nhóm, gồm: Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong trung và dài hạn, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; Hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; Triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.

Hay như, ngày 15/7/2023 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Mục tiêu nhằm tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất kết quả tăng trưởng kinh tế, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 đã đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Quyết liệt cải cách đồng bộ, hiệu quả, thực chất thủ tục hành chính; đạt và vượt các chỉ tiêu về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tại Nghị quyết số 01/NP-CP của Chính phủ. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; xử lý cơ bản khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp, dự án đầu tư, người dân, nhất là những vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của hệ thống hành chính, các cấp, các ngành, các địa phương.

Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề ra như: Thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn FDI gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc…

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên chủ trì nhiều hội nghị đối thoại chuyên đề với doanh nghiệp theo các nhóm ngành nhằm lắng nghe và kịp thời có các chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng các FTA đã ký kết; triển khai hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại trong nước…

 

Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững

Đảng, Nhà nước luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển

 

Để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của năm 2023, ngay từ cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng giá trị hỗ trợ dự kiến khoảng 196 nghìn tỷ đồng; trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%. Thực hiện giải pháp này, số tiền thuế được giảm khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Để giải pháp này nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn cần hỗ trợ, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 và có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực trong năm 2023, dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 38 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, ngày 14/4/2023, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn là hơn 110 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, ngày 21/6/2023 Chính phủ Nghị định số 36/2023/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế các tháng 6, 7, 8 và 9/2023 đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước dự kiến sẽ gia hạn khoảng từ 10.400 đến 11.200 tỷ đồng; ngày 28/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP về giảm lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước, dự kiến giảm thu NSNN khoảng 8.000-9.000 tỷ đồng…

Về điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác.

Trước thực tế Doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, lãi suất tăng cao, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo ngành ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu…

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong 9 tháng năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần liên tục điều chỉnh giảm lãi suất chính sách để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng bằng VND giảm xuống 4,75%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế hiện ở mức 4%/năm…

Tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Chính phủ giao Bộ Tài chính đề xuất việc trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã quy định tại Nghị quyết 30/2022/UBTVQH15 trong năm 2024.

 

Xuân Trường (tổng hợp)
Bạn đang đọc bài viết "Một số chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước hỗ trợ Doanh nghiệp vượt khó, thúc đẩy phát triển kinh tế thời gian gần đây." tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin