Một số ảnh hưởng quan trọng của Luật Giao dịch điện tử 2023 đến hoạt động doanh nghiệp

(Pháp lý). Ngày 01/7/2024, Luật Giao dịch điện tử 2023 chính thức có hiệu lực, đây là một văn bản luật quan trọng trong việc xác định tính pháp lý của các giao dịch trên nền tảng điện tử hiện nay. Theo đó, Luật Giao dịch điện tử 2023 có nhiều nội dung mới, sẽ có tác động mạnh mẽ đến hoạt động của doanh nghiệp.
a1-1720086702.jpg

Ảnh minh hoạ

Trong bài viết sau, chúng tôi sẽ đề cập đến một số tác động quan trọng của Luật Giao dịch điện tử 2023 để các doanh nghiệp lưu ý thực thi luật trong quá trình hoạt động

Ưu tiên thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Giao dịch điện tử 2023, cung cấp dịch vụ công là một trong những lĩnh vực hoạt động của cơ quan Nhà nước ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử.

Hiện nay, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đã không còn quá xa lạ với doanh nghiệp, khi mà rất nhiều thủ tục hành chính đã được triển khai và thực hiện trên môi trường điện tử. Tuy nhiên, việc triển khai và thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo đánh giá của chúng tôi vẫn còn chưa thật sự đồng bộ và triệt để. Có thể lấy ví dụ về thủ tục đăng ký đầu tư của doanh nghiệp, cụ thể là thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp phải kê khai thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư, sau đó doanh nghiệp có thể lựa chọn việc nộp hồ sơ trực tuyến (với điều kiện phải sử dụng chữ ký số để ký hồ sơ) hoặc phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong khi đó, cũng là thủ tục này, nhưng nếu thực hiện tại các địa phương khác, đơn cử như Tỉnh Kiên Giang, doanh nghiệp chỉ có thể khai báo thông tin trực tuyến và sau đó phải gửi hồ sơ bản gốc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, hoặc phải nộp trực tiếp tương tự với một số địa phương khác. Như vậy, với cùng một thủ tục hành chính, nhưng nếu thực hiện tại các địa phương khác nhau, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện theo các hình thức khác nhau.

Ngoài ra, qua thực tế cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều thủ tục hành chính mới chỉ được thực hiện trực tuyến một phần, chưa được thực hiện toàn trình. Việc chưa triển khai toàn trình đối với một số dịch vụ công có thể xuất phát từ sự lo ngại về tính xác thực của hồ sơ mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan có thẩm quyền. Mối lo ngại này hoàn toàn có thể bị xóa bỏ một khi hồ sơ mà doanh nghiệp nộp được ký số và xác thực điện tử bởi doanh nghiệp.

Thực tế đã có một số cơ quan Nhà nước triển khai việc ưu tiên thực hiện các thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến, đơn cử như Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, ngày 25/7/2023, Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Thông báo số 4326/TB-SCT về việc ưu tiên tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đối với tất cả các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương, ngưng tiếp nhận việc nộp hồ sơ qua hình thức bưu điện (trừ dịch vụ bưu chính công ích). Sau khi ban hành quy định này, chúng tôi nhận thấy Sở Công thương cũng đã từ chối tiếp nhận hoặc hướng dẫn để doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan này.

Việc Luật Giao dịch điện tử 2023 quy định cụ thể nội dung ưu tiên thực hiện toàn trình các dịch vụ công trên môi trường điện tử sẽ là căn cứ để các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc giải quyết các thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến toàn trình, giảm tải chi phí về thời gian, công sức đi lại cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, khi phát sinh các thủ tục hành chính, đặc biệt là ở các địa phương khác nằm ngoài trụ sở hoạt động của mình, doanh nghiệp nên tham khảo trước ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về phương thức nộp hồ sơ để có thể thực hiện một cách hiệu quả nhất.

a2-1720086712.jpg

Ảnh minh hoạ

Thúc đẩy việc giao kết hợp đồng điện tử

Các quy định về hợp đồng điện tử đã có từ Luật Giao dịch điện tử 2005, tuy nhiên, việc giao kết hợp đồng điện tử hiện nay vẫn còn khá hạn chế. Điều này một phần xuất phát từ việc thiếu các quy định cụ thể để hướng dẫn việc giao kết hợp đồng điện tử. Không những vậy, việc giao kết hợp đồng điện tử trước đây do các bên thỏa thuận và rất khó để bảo đảm tính toàn vẹn của hợp đồng mà các bên đã giao kết. Luật Giao dịch điện tử 2023 mặc dù cũng bao gồm những quy định có phần tương tự, nhưng đã bổ sung thêm hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử. Theo đó dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử là một dịch vụ tin cậy, mà cụ thể là dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, bao gồm dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu và dịch vụ gửi, nhận thông điệp dữ liệu bảo đảm. Có thể hiểu rằng, nếu các bên giao kết hợp đồng điện tử thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử, việc ký kết, lưu trữ, truy xuất, thông báo, trao đổi liên quan đến hợp đồng đều có thể thực hiện thông qua dịch vụ này.

Quy định này cùng với việc Luật Giao dịch điện tử 2023 đã yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phù hợp với điều kiện thực tiễn có thể sẽ giúp cho việc giao kết hợp đồng điện tử trong thời gian tới sẽ được áp dụng rộng rãi hơn.

Thực tế hiện nay, việc giao kết hợp đồng điện tử cũng chủ yếu được áp dụng đối với hoạt động cung cấp dịch vụ thiết yếu như điện, nước, internet, bởi số lượng các hợp đồng này thường rất lớn và đòi hỏi các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ này phải hạn chế giao kết hợp đồng theo phương thức truyền thống. Ngoài ra, vẫn chưa có quá nhiều các doanh nghiệp lựa chọn giao kết hợp đồng điện tử, điều này có thể hiểu được bởi ngoài việc ký hợp đồng bằng USB ký số, các hình thức khác như chữ ký hình ảnh, chữ ký scan, “click” chọn chấp thuận giao kết hợp đồng vẫn chưa thật sự phổ biến và chưa rõ ràng về mặt giá trị pháp lý tại Việt Nam. Không những thế, việc không xác thực được tính chính danh, tự nguyện của các bên khi giao kết hợp đồng điện tử cũng sẽ dẫn đến nguy cơ rủi ro cho các bên giao kết.

Không những thế, hiện nay một số cơ quan Nhà nước vẫn yêu cầu doanh nghiệp nộp bản chính hoặc bản sao hợp đồng trong một số hoạt động/ thủ tục hành chính nhất định, đơn cử như khi doanh nghiệp tham gia tố tụng. Khi đó, việc chứng thực như thế nào đối với các hợp đồng điện tử này để có thể nộp và được chấp thuận bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng là một vấn đề chưa rõ ràng và góp phần khiến doanh nghiệp e ngại khi lựa chọn phương thức giao kết hợp đồng này.

Để dễ hình dung, chúng tôi lấy ví dụ tại Singapore, việc cấp các giấy chứng nhận, xác nhận của cơ quan Nhà nước hay ký kết hợp đồng giữa các bên hiện nay đã được triển khai rộng rãi trên môi trường điện tử. Khi có yêu cầu cấp bản sao y của những giấy tờ, hợp đồng này, đơn vị sao y chỉ cần sao y đối với bản sao được in ra từ hệ thống dữ liệu có thể hiện mã QR trên tài liệu (không yêu cầu chữ ký, con dấu trên tài liệu).

Nhìn chung, Luật Giao dịch điện tử 2023 ra đời có thể thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số và thực hiện các giao dịch điện tử trong thời gian tới, tuy vậy chúng tôi cho rằng, để các quy định của Luật này nhanh chóng đi vào thực tiễn, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có những hướng dẫn, quy định cụ thể hơn về các vấn đề liên quan để doanh nghiệp có thể triển khai, áp dụng trên thực tế. Về phần mình, doanh nghiệp cũng nên tự trang bị cho mình những kiến thức cũng như trang thiết bị kỹ thuật cần thiết khác, nhằm phục vụ cho các giao dịch điện tử có thể sẽ phổ biến hơn trong giai đoạn sắp tới.

 

Luật sư Nguyễn Văn Phúc

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin