(Pháp lý) - Chánh án Đỗ Thị Bảo Thu và anh em Tòa án huyện đảo Phú Quý dẫn chúng tôi đi thăm chùa Linh Sơn trên núi Cao Cát, Vạn An Thạnh nơi thờ cá voi, Mộ Thầy, Đền thờ công chúa Bàn Tranh… rồi nói: Bây giờ chúng ta đi thăm một nơi đặc biệt, nơi mà không một ai đến đảo mà không muốn đến thăm. Nơi đặc biệt ấy là ngọn hải đăng trên núi Cấm.
1. Lời giới thiệu thật hấp dẫn, khiến chúng tôi hăm hở hướng về núi Cấm, có ngôi chùa Linh Bửu trầm mặc ở chân núi và đỉnh núi là nơi có ngọn hải đăng.
Trên thế giới, ngọn hải đăng đầu tiên được xây dựng từ trước công nguyên. Hải đăng là công trình đóng vai trò định hướng, chỉ đường cho tàu bè và người đi biển, nhưng vượt ra ngoài giá trị thiết thực đó, những ngọn hải đăng trở thành những chủ đề của nhiều tác phẩm văn học, gắn liền với những câu chuyện lịch sử, văn hóa và là điểm đặc biệt thu hút khách du lịch. Chả thế mà tháp Hercules vốn là hải đăng của cảng La Coruna, Galicia ở vùng Đông Bắc Tây Ban Nha do người La Mã xây dựng cách đây 20 thế kỷ đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Ở Việt Nam, Hải đăng Vũng Tàu là một trong những ngọn hải đăng lâu đời nhất, được xây dựng trên đỉnh núi Nhỏ, công trình này xây dựng và khánh thành năm 1862 với chiều cao khoảng 170 mét so với mực nước biển. Hải đăng Kê Gà thuộc huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận là ngọn hải đăng cao nhất với tổng chiều dài 66 mét tính từ chân tháp, được làm bằng đá… Đó là những biểu tượng văn hóa của mỗi địa phương.
Hải đăng Phú Quý nằm trên đỉnh núi Cấm, một trong ba ngọn núi của đảo. Núi Cấm cao 108 m so với mặt nước biển, nhìn xa núi tròn đều như một bầu ngực người con gái, và xanh biếc một màu cây lá nguyên sinh. Chạy xe máy đến chân núi, ta có thể vô tư bỏ lại xe máy dù chẳng có ai trông, để leo núi. Chừng 120 bậc đá được kê xếp vững vàng bằng những tảng đá tự nhiên, thỉnh thoảng lại có mấy ghế đá cho khách nghỉ chân. Mặc dù trời nắng chói chang nhưng lối lên núi như đi trong hang động mát rượi vì tán cây phủ dày, thỉnh thoảng mới có tia nắng lọt xuống lung linh, lao xao trong gió. Mỗi bậc đá phủ đầy lá rụng… Ngồi nghỉ dưới tán lá, Chánh án đảo Phú Quý chợt phát hiện thấy một vạt nấm rẫy trắng ngần mọc trên một thảm lá mục ẩm ướt, mọi người thích thú thu hái, một lát đã được mấy ký. Tối hôm đó, bữa tối có thêm món lẩu nấm thiên nhiên thơm ngon.
Đi hết vòm cây, bất chợt một khoảng sáng mênh mông hiện ra, chúng tôi đã lên đến đỉnh núi, cổng vào Trạm Hải đăng Phú Quý rộng mở, bình yên. Tôi ngước nhìn lên thấy ngọn Hải đăng hình trụ vuông, thân sơn màu đen, tọa lạc trên nóc của tòa nhà hai tầng sơn màu vàng nhạt có những ô cửa sổ sơn xanh… Vào trong nhà , chúng tôi thấy có đủ ti vi, tủ lạnh, bếp. Xung quanh sân là những chậu cây cảnh, bể nước mưa, như một ngôi nhà bình yên ở một vùng quê trong đất liền…
2.Trưởng trạm Hải đăng Phú Quý Huỳnh Kiên Trung, bậc lão làng của đèn, vui vẻ tiếp chúng tôi trên sàn nhà sạch bóng. Anh cho biết, từ thời Pháp thuộc trên đảo đã có Hải đăng nhưng ở vị trí khác, năm 1997 ngọn Hải đăng Phú Quý này mới được xây dựng. Anh đã gắn bó với nơi đây suốt từ đó đến nay, trừ 4 năm phải công tác ở điểm khác.
Hải đăng Phú Quý như vậy là thuộc lứa trẻ nhất trong số 92 ngọn Hải đăng của cả nước trải dài từ Bắc chí Nam. Bù lại, Hải đăng Phú Quý là một trong những ngọn đèn biển thuộc loại lớn nhất. Hiệu lực ánh sáng của đèn 20 hải lý (gần 40 km) và tầm nhìn địa lý là 28 hải lý. Tháp đèn cao 18 m. Tọa độ địa lý của đèn là 10 độ 3205" vĩ độ Bắc, 108 độ 5507" kinh độ Đông. Đèn dùng năng lượng mặt trời với 24 bình ắc quy nên tự động hoàn toàn, khi ánh sáng tự nhiên yếu thì đèn sẽ bật sáng và đèn quay liên tục không ngưng nghỉ.
- Vậy thì ban ngày đèn có ý nghĩa gì không anh? Tôi hỏi.
- Có chứ. Nhiệm vụ của hải đăng là báo cho tàu bè qua lại vùng biển này biết đây là đảo Phú Quý. Tàu nhìn bằng ra-dar chứ không nhìn bằng mắt thường nên hình dáng của tháp đèn sẽ hiện trên màn hình để tàu nhận biết.
Thế ra, ngọn hải đăng nào cũng mang một dáng vẻ kiến trúc riêng biệt, không sao chép hay na ná giống nhau về hình dáng, màu sắc là có ý nghĩa quan trọng về mặt an toàn hàng hải, để tàu bè dễ nhận ra chứ không chỉ đơn thuần về vẻ đẹp bề ngoài.
- Hải đăng yêu cầu hoạt động không ngưng nghỉ nhưng tránh sao được lúc trục trặc, hư hại giữa bão gió mênh mông thế này… Tôi băn khoăn.
Trạm trưởng Huỳnh Kiên Trung chia sẻ: Nhiệm vụ hàng ngày của chúng tôi là lau chùi, bảo dưỡng để bảo đảm đèn luôn luôn hoạt động tốt, nếu vì lý do nào đó mà đèn ngừng hoạt động thì trong vòng 15 phút phải khắc phục, nếu không được thì bật đèn phụ và phải có ngay thông báo trên Thông báo hàng hải toàn thế giới. “Nếu không làm ngay những động tác đó, để xảy ra sự cố trên phạm vi 20 hải lý thuộc vùng bảo đảm an toàn hàng hải của hải đăng thì anh em tôi không đủ năm để tù đâu. Tù mọt gông đó anh. Cho nên công việc hàng ngày của chúng tôi thì nhẹ nhàng nhưng trách nhiệm thì cực kỳ nặng nề”.
Vì thế, người trực đêm như ngồi không vậy thôi nhưng không bao giờ ngừng quan sát ánh đèn, xem ánh sáng có chớp có đúng chu kỳ hay không, nếu thấy dấu hiệu khác lạ thì phải kiểm tra, xem xét và xử lý ngay. Và bao giờ cũng có đèn phụ, để đèn chính ngừng hoạt động thì vẫn bảo đảm an toàn cho tàu xác định điểm đảo. Nói đến trực đêm, anh em nhắc đến kỷ niệm nhớ đời là trận bão kinh hoàng ngày 9/11/2006 mà sức gió giật lên đến cấp 14 đổ vào Phú Quý. Đây là cơn bão được người già trên đảo nói là mạnh nhất từ ngày có dân trên đảo đến khi đó. Trước khi bão ập đến, anh em chằng buộc thật kỹ càng mọi thứ rồi rút vào phòng đóng chặt cửa. Cửa có chốt nhưng phải gia cố thêm dây buộc thật kỹ. “Chúng tôi nghiêm cấm không ai được ra ngoài. Bão chỉ có phòng chứ đâu chống được. Hôm đó, Trạm có ba người. Bảo vệ tính mạng anh em là trên hết anh ạ”- Trưởng trạm Huỳnh Kiên Trung nhớ lại tối đó.
Cơn cuồng phong đến xé bung toàn bộ kính và văng cả đèn ra ngoài. Toàn bộ hệ thống đèn hư hỏng hoàn toàn, hệ thống pin mặt trời cũng bị giật vỡ và bay khắp nơi. Ngồi trong nhà, anh em xót xa nghe tiếng đèn vỡ, kính bay loảng xoảng mà xót xa. Anh Kiên cứ tiếc mãi bộ đèn của Anh cực tốt, hiệu lực ánh sáng đến 28 hải lý và cả hệ thống pin mặt trời cũng bị hủy hoại. Phải gần 1 tháng tích cực khắc phục, thay bằng hệ thống đèn nội địa, hải đăng Phú Quý mới trở lại bình thường.
Ngoài nhiệm vụ giữ cho đèn luôn hoạt động tốt, anh em hải đăng Phú Quý còn phải thường xuyên quan sát vùng biển phụ cận, trong phạm vi 20 hải lý. Nếu phát hiện trong phạm vi có tàu gặp sự cố thì phải khẩn trương xác định xem sự cố như thế nào, do máy tàu hư hay có liên quan gì đến chức năng của hải đăng hay không…
Trưởng trạm Huỳnh Trung Kiên dẫn chúng tôi lên tháp thăm đèn. Cao chót vót là đèn chính, đèn đặt trong lồng kính chịu lực, mỗi bề 2 m. Đèn phụ nhỏ hơn đặt ở sân dưới chân tháp chính. Đứng trên tháp gió thổi lồng lộng, đôi khi có cảm giác gió mạnh hơn chút nữa sẽ cuốn bay cả người. Hệ thống pin mặt trời khung sắt được bắt chặt vào bê tông, vững chãi. Từ tháp đèn nhìn được toàn cảnh đảo Phú Quý, nhà cửa, công trình, núi non và những bãi biển, cánh đồng phong điện với những cánh quạt trắng hiên ngang, tàu thuyền cái xa, cái gần trên nền biển xanh bao la trông rất quyến rũ. Xa xa là những Hòn Trứng, Hòn Đen, Hòn Trào như phụ họa cho Phú Quý trong bức tranh kỳ vĩ của thiên nhiên. Đảo Phú Quý hay còn gọi là Cù lao Thu, Cù lao Khoai xứ nhìn từ hải đăng có một vẻ đẹp khác, có thể nói vừa hoang sơ vừa tráng lệ, vừa hùng vĩ vừa dịu dàng.
Núi Cấm xanh tươi mơn mởn, nhưng anh Kiên nói: Bây giờ là mùa gió Nam nên cây cối xanh tươi vậy đó, nhưng ít nữa, trời trở gió Bắc thì cây cối xơ xác anh à. Trên đảo khắc nghiệt lắm, gió biển mang theo hơi mặn khiến thiết bị chóng hư, mà gió Bắc thì sóng lớn, tàu bè khó ra vào, anh em chúng tôi muốn vô đất liền cũng khó khăn lắm…
3.Nói đến sóng gió là đụng đến tâm sự sâu xa của mỗi cán bộ nhân viên trên trạm. Trạm có 6 người gồm Huỳnh Kiên Trung, Đinh Văn Hải, Đoàn Thanh Trung, Trần Phái, Trần Văn Bảo Huy, Phạm Thành Tín thì Tín ở xa nhất, tận Tứ Kỳ, Hải Dương, còn lại thì anh em ở Bình Định, Nha Trang. Ai cũng có gia đình ở trong đất liền. Công tác xa gia đình đã bất tiện, mà ở ngoài đảo thì lại càng khó khăn.
Phạm Thành Tín, chàng trai cao gầy, có nụ cười hiền lành chia sẻ, Tín đã có vợ và một con trai, nhưng phải 4 tháng mới được về thăm vợ con một lần. Nhớ vợ con lắm, nhất là khi nghe tin ở nhà có chuyện gì đó, nhưng đành chịu. Mọi nhớ thương đều gửi qua điện thoại thôi.
Sống trên đảo nên anh em cũng phải chấp nhận khó khăn, khi biển có sóng gió lớn, nhất là những quãng thời gian từ tháng Chín đến tháng Hai (âm lịch) năm sau, thì có khi cả tuần mới có tàu vào bờ… Vì thế, khi biển sóng đến cấp 7, cấp 8 thì dù gia đình có chuyện gì cũng sẽ không báo tin, vì có biết tin cũng không thể nào về được. Anh em công tác tại những trạm hải đăng luôn luôn phải xác định như thế.
- Khó khăn, vất vả như thế nhưng chưa thấm vào đâu so với anh em Công ty chúng tôi ở Trạm Hải đăng Hòn Hải anh ạ - Trạm trưởng Trung nói. Hòn Hải cách Phú Quý 32 hải lý. Đó là một khối đá lớn vách dựng đứng nổi lên giữa mặt biển, chỗ cao nhất 113,4 m, chỗ rộng nhất là 80m, chỗ nhỏ nhất 30m, đảo dài 556m. Trên đảo không có cây xanh. Vì thế, phải khoan hầm, làm cái nhà nhỏ trong lòng đá để nhân viên làm việc, từ hầm có đường ngầm dẫn lên Hải đăng trên đỉnh núi. Anh em ở Hải đăng Hòn Hải có khi phải ăn lương khô trường kỳ, nước ngọt cũng phải mang theo ra. Ở đó chỉ có tàu cá ra vào, nhưng nếu sóng gió lớn tàu tiếp tế hay tàu cá của ngư dân cũng không thể vào được. Anh em trong Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ phải luân phiên ra làm việc ở Hải đăng Hòn Hải là vì thế. Đã có trường hợp ở quê nhà mẹ mất mà gia đình và Công ty quyết định không báo tin cho đến khi biển đã lặng.
- Nếu chính cán bộ nhân viên đau ốm thì sao anh?
- Trường hợp đó nếu cần thiết thì Tổng Công ty sẽ thuê máy bay trực thăng đưa người bệnh vào đất liền anh à - anh Trung cho hay.
- Nhưng trên đó có nhiều trứng chim lắm, Phạm Thành Tín vui vẻ nói. Chim biển chọn Hòn Hải làm chỗ đẻ trứng nên anh em có thể nhặt trứng chim về ăn mỗi khi hết thức ăn.
Công việc của anh em trạm hải đăng cứ lặng lẽ, âm thầm như thế. Họ cứ ở chót vót trên đỉnh núi không mấy khi hạ sơn, nhưng ngoài tàu bè quốc tế, anh em Trạm Hải đăng với bà con vùng biển đảo này lại vô cùng thân thiết, thậm chí nói không ngoa là gắn bó sinh tử với nhau qua anh sáng chớp tắt mỗi đêm của ngọn hải đăng.
Đối với bà con trên đảo đi đánh cá, thì ánh sáng ngọn hải đăng như người thân đang dõi theo họ, và họ nhìn vào đó để có điểm tựa tinh thần, có động lực làm việc. Nhìn thấy hải đăng là thấy gia đình, vợ con đang đợi chờ họ mỗi chuyến đi biển trở về. Anh Trung kể rằng, có hôm xuống núi, bà con xúm vào nói: Những người này đã thoát chết, còn sống đến giờ là nhờ mấy anh đó. Lâu nay cứ nhìn lên hải đăng mà cám ơn chứ không biết cám ơn ai. Hôm đó, hai tàu vào bán cá trong Phan Thiết rồi chở gạch ra đảo. Một tàu bị phá đáy nên chìm, sóng to gió lớn nên không có sao trời, định vị cũng lạc hướng. Vậy là người ta cứ nhắm hướng hải đăng mà chạy miết nên thoát nạn.
- Vậy đó anh, nghe bà con nói thế mình sung sướng vô cùng. Xưa thì bà con đi biển quen nhìn sao, sau này có máy định vị thì dựa vô máy, nhưng trời xấu thì đâu có sao, khi sóng gió thì máy định vị cũng lạc hướng, khi đó chỉ có hải đăng là điểm mốc bất di bất dịch. Hải đăng này giúp cho tàu bè xác định được vị trí đảo Phú Quý, đồng thời là đèn nhập bờ để tàu bè được định hướng khi ra vào. Hơn nữa, đây gần đường hàng hải quốc tế, khoảng cách từ 6 đến 12 hải lý, nên nhiều thủy thủ nước ngoài gọi hải đăng của chúng tôi là “mắt biển Phú Quý”.
- Cái tên thật đẹp. Nếu được mong ước thì anh mong ước điều gì?
Trưởng trạm Huỳnh Kiên Trung nói ngay: Ước mơ là đèn của chúng tôi luôn luôn sáng. Công việc của chúng tôi là thắp sáng niềm tin cho những người đi biển mà… Nhìn vào gương mặt hiền hậu của anh Trưởng trạm Hải đăng Phú Quý, tôi biết câu trả lời bay bổng đó lại rất thành thực.
Quả thật, nếu không có một tâm hồn lãng mạn và tình yêu với biển đảo bao la thì sao họ có thể gắn bó bao nhiêu năm dài với một ngọn đèn cao vút, cô đơn trên biển cả, quanh năm sóng gió mênh mang… cách đất liền chừng hơn 100 cây số.
Phóng sự của Nguyễn Phan Khiêm