Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và những sơ hở, hạn chế trong các qui định về Vốn doanh nghiệp

09/04/2024 13:37

(Pháp lý) – Nghiên cứu từ thực tiễn một số vụ việc và đặc biệt một số vụ án liên quan đến hành vi tăng vốn ảo thời gian gần đây, cho thấy pháp luật vẫn còn nhiều sơ hở, hạn chế.

Hành vi tăng khống vốn của một số doanh nghiệp thời gian qua gây không ít hệ lụy cho xã hội, gây thiệt hại tài sản của nhà đầu tư… khi các đối tượng sử dụng hồ sơ doanh nghiệp có vốn ảo nhằm mục đích thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để thu lợi bất chính như lừa đảo; thao túng các hoạt động đấu thầu, đấu giá; thao túng thị trường chứng khoán…

Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán còn những sơ hở, hạn chế trong các qui định về Vốn doanh nghiệp

Tăng vốn ảo trái luật gây hệ lụy lớn cho môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo quy định pháp luật, đối với công ty chưa đại chúng, Luật Doanh nghiệp quy định quá trình tăng vốn, doanh nghiệp phải gửi Hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh lên Phòng Đăng ký Kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Đối với doanh nghiệp tăng vốn sau khi đã đăng ký công ty đại chúng với UBCK, Luật Chứng khoán quy định, doanh nghiệp đại chúng chào bán cổ phần tăng vốn phải nộp hồ sơ với phương án sử dụng vốn rõ ràng và chỉ được thực hiện khi UBCK phê duyệt…

Tuy nhiên, với mục đích không trong sáng nhằm mục đích tô hồng hồ sơ để tham gia đấu thầu, vay vốn ngân hàng… thậm chí là cả mục đích lừa đảo, nên không ít doanh nghiệp đã sử dụng thủ đoạn tinh vi nhằm nâng khống vốn điều lệ công ty gây ra không ít hệ lụy đối với kinh tế vĩ mô, khi nó làm sai lệch các con số thống kê về tình hình kinh tế của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nguy hiểm hơn, hành vi nâng khống vốn điều lệ của một số doanh nghiệp còn gây ra không ít hệ lụy cho xã hội khi các đối tượng sử dụng hồ sơ doanh nghiệp có vốn ảo nhằm mục đích thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để thu lợi bất chính như lừa đảo; thao túng các hoạt động đấu thầu, đấu giá; thao túng thị trường chứng khoán… gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Nghiên cứu thực tiễn một số vụ việc và đặc biệt một số vụ án liên quan đến hành vi tăng vốn ảo, chúng tôi nhận thấy các đối tượng thường sử dụng một số thủ đoạn tinh vi nhằm mục đích tăng vốn ảo để đánh bóng cá nhân, tạo hồ sơ đẹp để câu kéo hợp đồng, làm giá cổ phiếu, thậm chí để lừa đảo, gây hệ lụy rất lớn cho môi trường đầu tư . Cụ thể:

Thứ nhất, định giá khống tài sản cao gấp nhiều lần giá trị thực tế để thành lập DN, tham gia điều hành DN.

Với định hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, theo quy định Luật Doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ hậu kiểm đối với vấn đề góp vốn đăng ký. Khi đăng ký doanh nghiệp, đối với công ty cổ phần, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn nhất định.

Thực tế, nhiều trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký vốn điều lệ khủng nhưng không góp đủ vốn hoặc không góp vốn. Những vụ việc kiểu này phải kể đến như vụ việc đăng kí “siêu công ty” 144 nghìn tỷ ở Hà Nội năm 2020 hay Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group), đăng ký vốn điều lệ 500,000 ngàn tỷ tại TP. Hồ Chí Minh… rất may là những trường hợp này đều bị cơ quan quản lý nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời thông qua giám sát hoạt động góp vốn của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có trường hợp dù cổ đông không góp đủ vốn hoặc không góp vốn nhưng các đối tượng đã dùng những thủ thuật đơn giản nhằm lẩn tránh sự kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng.

Theo đó, để hợp thức hoá hồ sơ đăng ký khống vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp, thay vì góp vốn bằng tiền Đồng, các đối tượng sử dụng thủ đoạn góp vốn bằng tài sản, bằng sở hữu trí tuệ, hay bằng công nghệ nào đó... và định giá khống tài sản cao gấp nhiều lần giá trị thực tế.

 Để hợp thức hoá hồ sơ đăng ký khống vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp, các đối tượng sử dụng thủ đoạn góp vốn bằng tài sản, bằng sở hữu trí tuệ, …và định giá khống tài sản cao gấp nhiều lần giá trị thực tế. (ảnh minh hoạ).

Đáng lưu ý là dù thực tế không góp đủ vốn hoặc không góp vốn để có cổ đông theo quy định pháp luật nhưng các cổ đông này vẫn thực hiện đủ các quyền của cổ đông, thậm chí còn tham gia điều hành doanh nghiệp, hay tiến hành bán cổ phần tạo ra những hệ lụy rất lớn trong môi trường kinh doanh đầu tư.

Thứ hai, tăng khống vốn điều lệ nhằm mục đích câu kéo hợp đồng, thậm chí lừa đảo…

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, do có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty doanh nghiệp cần tiến hành thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ của công ty. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp doanh nghiệp thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ của công ty đều phục vụ nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh mà nhiều trường hợp doanh nghiệp liên tục điều chỉnh tăng vốn điều lệ công ty nhằm mục đích câu kéo được hợp đồng, thậm chí là lợi dụng “lý lịch đẹp” để lừa đảo…

Điển hình như vụ án lừa đảo của Địa ốc Alibaba, ban đầu Nguyễn Thái Luyện cùng các đồng phạm thành lập nhóm các công ty với vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng. Tuy nhiên sau nhiều lần đăng ký thay đổi đã vốn điều lệ lên đến 1.600 tỷ đồng nhằm tạo hồ sơ năng lực tài chính đẹp, tạo niềm tin cho khách hàng, thực hiện hành vi lừa đảo, gây ra thiệt hại cho khách hàng số tiền 2.500 tỷ đồng.

Hay như mới đây nhất là trường hợp của Trịnh Văn Quyết đã nâng khống vốn FLC Faros từ 1,5 lên 4.300 tỉ để lừa đảo các nhà đầu tư sau khi cổ phiếu của công ty này được niêm yết trên thị trường chứng khoán…

Về mặt kỹ thuật, nếu các cổ đông bổ sung vốn bằng tiền thực của mình, sẽ không có nhiều điều đáng nói khi đây là một hoạt động tăng vốn thông thường của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều đáng nói là bằng các thủ thuật nghiệp vụ kế toán và tài chính, một doanh nghiệp có thể tự “tăng vốn” mà không cần cổ đông phải góp thêm bất cứ một đồng tiền thật nào.

Chiêu thức đơn giản nhất mà các đối tượng thường sử dụng chính là cổ đông góp vốn vào doanh nghiệp bằng một lệnh chuyển tiền đến, nhưng tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến thì có một lệnh chuyển tiền đi trong một khoảng thời gian nhất định dưới hình thức doanh nghiệp ủy thác đầu tư cho cá nhân và tổ chức trong cùng hệ thống. Tiền chảy lòng vòng nhiều lần, nhưng thực tế chỉ loanh quanh khoản tiền gốc và một vài nhân vật trụ cột.

Cổ phiếu ROS thuộc FLC bị hủy niêm yết từ ngày 5.9

Cơ quan điều tra mới đây đã quyết định điều tra hành vi của một số đối tượng nâng khống vốn điều lệ Cty Faros (ROS) từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng nhằm chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Một thủ thuật khác là các cổ đông nội bộ sẽ vay mượn trước một khoản tiền của bên thứ ba, hoặc thậm chí bên thứ ba kia có thể ứng trước. Các cổ đông này mua vào cổ phần phát hành ra, đương nhiên, công ty sẽ nhận một khoản tiền lớn và vốn điều lệ được tăng lên. Tuy nhiên, có thể ngay sau đó, công ty lại chuyển tiền ra theo các hình thức cho vay, hợp tác kinh doanh, hay thậm chí lập công ty con... rồi cuối cùng tiền lại chạy về túi các cổ đông nội bộ này.

Thứ ba, tăng vốn ảo của các công ty niêm yết để làm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nhằm trục lợi.

Việc tăng vốn điều lệ đối với công ty đại chúng, quá trình tăng vốn sẽ khó khăn hơn khi phải được sự đồng ý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đồng nghĩa với việc sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn và khó có cơ hội “phù phép” vốn. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán, không ít nhà đầu tư đã nếm trải đau thương bởi những mã cổ phiếu tăng vốn bất thường sau khi lên sàn.

Để nâng khống vốn ảo trên thị trường chứng khoán, thông thường các đối tượng sử dụng các cách chủ yếu như làm giả giấy tờ góp vốn qua ngân hàng bằng cách đi “thuê tiền” và nhờ người thân đứng tên trong danh sách cổ đông; hoặc làm giả giấy tờ giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa các công ty liên quan, sau đó đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán… nhằm thu hút các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm hoặc không kiềm chế được lòng tham nhập cuộc.

Sau khi phát hành thành công, một lượng tiền mặt đúng bằng số tiền phát hành sau khi trừ đi các chi phí phát sinh sẽ được thể hiện trên báo cáo tài chính quý gần nhất. Để xóa dấu vết tăng vốn ảo, doanh nghiệp đó sẽ phải tìm cách làm biến mất số tiền từ tăng vốn ảo khỏi báo cáo tài chính bằng nhiều cách khác nhau, như: thanh toán tiền cho công ty liên quan, hay ký kết hợp đồng góp vốn…

Tăng khống cổ phiếu, cựu Giám đốc Công ty CP ASA bị bắt tạm giam

Nguyễn Văn Nam - cựu Giám đốc Công ty CP ASA bị khởi tố về hành vi có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống 7 triệu cổ phiếu ASA, tương đương 70 tỉ đồng

Thủ đoạn này có thể thấy rõ trong vụ án thao túng giá cổ phiếu ASA liên quan đến Nguyễn Văn Nam, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần ASA mới bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố hồi đầu năm 2022. Theo theo đó, tháng 4/2013, công ty này đã hoàn tất chào bán 7 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu cho 18 cổ đông chiến lược. Điều đáng nói là kết quả điều tra của cơ quan chức năng xác định Nguyễn Văn Nam đã có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống 7.000.000 cổ phiếu ASA, tương đương 70.000.000.000 đồng, niêm yết bổ sung 7.000.000 cổ phiếu ASA tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội để bán và thu tiền bất chính.

Ngoài ra, còn có một thủ đoạn tăng vốn ảo kinh điển hơn nữa là niêm yết cửa sau bằng cách hoán đổi cổ phiếu, mà mới chỉ có một vài DN thực hiện thành công, như CTCP Đầu tư Alphanam, CTCP Luyện thép Sông Đà…

Điều đáng nói là, mục đích của việc tăng vốn ảo của các công ty niêm yết đều là để làm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nhằm thu hút các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm hoặc không kiềm chế được lòng tham nhập cuộc. Sau khi đã huy động được một lượng tiền không nhỏ từ các nhà đầu tư mê “lướt sóng”, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp đó bắt đầu lao dốc bằng chuỗi giảm sàn liên tục.

Nhiều sơ hở, hạn chế trong các qui định pháp luật về Vốn doanh nghiệp

Nghiên cứu từ thực tiễn một số vụ việc và đặc biệt một số vụ án liên quan đến hành vi tăng vốn ảo, chúng tôi nhận thấy không ít khoảng trống, lỗ hổng trong các quy định pháp luật đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng lách luật thực hiện hành vi sai phạm.

Thứ nhất, trước đây, Luật Doanh nghiệp 2014, quy định chủ sở hữu, thành viên góp vốn và cổ đông các loại hình công ty có trách nhiệm góp đủ phần vốn đã cam kết trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quá thời hạn này, công ty sẽ phải thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn.

Quy định như vậy đã hạn chế được phần nào tình trạng cổ đông sáng lập và thành viên công ty TNHH không góp đủ vốn khi thành lập, làm cho vốn ảo quá nhiều và doanh nghiệp hạch toán ghi nợ cho cổ đông, dẫn đến tình trạng bán cổ phần khi chưa góp vốn thực sự, nhiều người thành lập công ty nhưng thiếu khả năng tài chính, có thể đi lừa đảo người khác.

Tuy nhiên, các quy định về góp vốn này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 90 ngày. Trường hợp công ty đang hoạt động và có nhu cầu tăng vốn điều lệ, thì chưa có điều luật nào điều chỉnh thời hạn phải góp đủ phần vốn tăng thêm đối với thành viên hoặc cổ đông công ty. Điều đáng nói là vấn đề này cũng chưa được khắc phục trong lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2020.

Chính vì thế, các doanh nghiệp vẫn có thể lách luật bằng cách đăng ký số vốn điều lệ thấp nhằm đảm bảo việc góp đủ vốn trong vòng 90 ngày, sau khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp tiến hành đăng ký tăng vốn điều lệ và trong nhiều trường hợp, số vốn điều lệ sau khi tăng là vốn khống, vốn ảo. Đặc biệt có không ít trường hợp công ty cổ phần phát hành tăng vốn ồ ạt trước đại chúng, lên sàn chứng khoán.

Ngoài ra,theo quy định tại Điều 35 Luật doanh nghiệp năm 2014, và nay là Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020, tài sản góp vốn thành lập công ty có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Điều 37 Luật doanh nghiệp năm 2014, và nay là Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về định giá tài sản góp vốn, tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số (trên 50%) các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận…

Mặc dù việc cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 16, Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên không có quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế giám sát, kiểm tra việc định giá tài sản góp vốn.

Đây là một lỗ hổng rất lớn, bởi các cổ đông có thể thống nhất định giá tài sản góp vốn cao hơn, thậm chí gấp nhiều lần giá trị thực tế làm cho vốn điều lệ “ảo” tăng lên nhiều lần và khó kiểm soát.

Một hạn chế nữa đó chính là chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm kê khai khống vốn điều lệ mặc dù đã được tăng lên nhưng thực còn nhẹ so với những thiệt hại hoặc khoản thu lợi bất chính của các đối tượng dẫn đến chưa đủ sức răn đe.

Theo quy định tại Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế. Theo quy định Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định xử phạt đối với vi phạm về kê khai vốn điều lệ cao nhât chỉ từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.

Với mức phạt như thế theo chúng tôi là khá nhẹ. Bởi, so với những khoản lợi bất chính thu được hàng tỉ đồng thậm chí hàng nghìn tỷ đồng thu được nếu thực hiện trót lọt hành vi nâng khống vốn điều lệ thì thực sự không tương xứng, các đối tượng sẵn sàng phạm luật.

Thứ hai, đó chính là những lỗ hổng trong các quy định của một số luật liên quan. Điển hình như hạn chế trong các quy định của Luật Chứng khoán. Theo đó, điều kiện để một doanh nghiệp được niêm trên sàn chứng khoán gồm: Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; Hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua;… (Khoản 1 Điều 15 Luật chứng khoán 2019).

Tuy nhiên, mặc dù quy định về điều kiện như vậy nhưng dường như Luật Chứng khoán lại thiếu vắng những quy định cụ thể về cơ chế kiểm tra xác định vốn thực của doanh nghiệp khi lên sàn. Bởi, việc giám sát tuân thủ các điều kiện niêm yết lên sàn chủ yếu dựa vào việc kiểm tra trên hồ sơ doanh nghiệp nộp. Điều này tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng ồ ạt tăng vốn điều lệ trước khi lên sàn trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, việc thiếu vắng những quy định bổ sung trách nhiệm tham gia vào việc giám sát, kiểm tra việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn của các tổ chức các nhân liên quan khác ngoài cơ quan quản lý nhà nước (ở đây là Uỷ ban Chứng khoán, các sở giao dịch chứng khoán) như cá ngân hàng, tổ chức tư vấn, các nhà đầu tư… cũng là một khoảng trống dễ bị lợi dụng. Theo đó, điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng, ngoài việc đáp ứng đủ quy định tại các điểm a, c, e, g, h và i Khoản 1 Điều 15 Luật chứng khoán 2019, doanh nghiệp còn pháp đáp ứng các điều kiện khác như: Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;… Và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được giao trách nhiệm kiểm tra giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Quy định như vậy tưởng chừng là quá chặt chẽ, và không còn kẽ hở nào để các đối tượng có thể lợi dụng để lách luật tăng vốn ảo nhưng thực tế vẫn còn những khoảng trống. Bởi, việc kiểm tra, giám sát thường dựa trên theo nguyên tắc quản lý rủi ro, cơ quan thanh tra giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không thể thanh tra, kiểm tra tất tật các doanh nghiệp chào bán ra công chúng, phát hành riêng lẻ.

Và bằng những thủ thuật nghiệp vụ kế toán và tài chính đơn giản các đối tượng có thể dễ dàng qua mặt cơ quan giám sát để dễ dàng thực hiện hành vi nâng khống vốn ảo.

Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam dường như cũng đang thiếu vắng những quy định cụ thể về hoạt động “uỷ thác đầu tư” ngoài một số quy định trong lĩnh vực tài chính chứng khoán.

Về tính hợp pháp, ủy thác đầu tư giữa doanh nghiệp và cổ đông, cá nhân, tổ chức nhận uỷ thác không có giới hạn nào khống chế và thực tế việc góp vốn đều thông qua chuyển tiền trong hệ thống ngân hàng, các khoản vào ra đều bằng… tiền thật. Tuy nhiên đây lại là thủ thuật để các Doanh nghiệp “lách” qua các quy định của pháp luật để đẩy vốn thông qua hình thức “ủy thác đầu tư” đối với các cá nhân, tổ chức do các cổ đông nội bộ chỉ định và kiểm soát.

Từ nhiều vụ việc xảy ra thời quan qua cho thấy, có thể thấy những cá nhân đăng ký mua cổ phần đã nộp tiền vào tài khoản của doanh nghiệp để chứng minh với cơ quan quản lý nhưng sau đó, tiền đã được rút ra bằng nhiều cách khác nhau như uỷ thác đầu tư...

Một điều nữa mà chúng tôi muốn nói đến ở đây chính là khoảng trống trong cơ chế giám sát việc thực thi nhiệm vụ của các cá nhân, tổ chức trách nhiệm quản lý bởi thực tế, nhiều vụ việc xảy ra khiến dư luận phải đặt ra dấu hỏi về trách nhiệm của cơ quan chức năng? Đặc biệt, cũng không loại trừ trường hợp có sự cấu kết, thông đồng, cố tình làm ngơ, bao che của một bộ phận cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trong các cơ quan quản lý nhà nước.(?)

Kiến nghị, đề xuất

Thực tế cho thấy hành vi tăng khống vốn doanh nghiệp gây ra không ít hệ lụy đối với nền kinh tế và chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô các cơ quan quản lý nhà nước. Nguy hiểm hơn, hành vi đó còn gây ra không ít hệ lụy cho xã hội, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư… khi các đối tượng sử dụng hồ sơ doanh nghiệp có vốn ảo nhằm mục đích thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để thu lợi bất chính như lừa đảo; thao túng các hoạt động đấu thầu, đấu giá; thao túng thị trường chứng khoán…

Do đó từ những phân tích trên đây, để ngăn chặn tình trạng “vốn ảo”, góp phần làm trong sạch môi trường đầu tư kinh doanh, cơ quan quản lý nhà cần thiết thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

1, Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến vốn điều lệ của doanh nghiệp. Đặc biệt sửa đổi bổ sung qui định pháp luật theo hướng cấm doanh nghiệp uỷ thác đầu tư bằng vốn doanh nghiệp đối với cá nhân là cổ đông của chính doanh nghiệp hoặc cá nhân tổ chức có liên quan đến cổ đông của doanh nghiệp.

2, Khẩn trương sửa đổi bổ sung, hoàn thiện pháp luật để bịt kín những lỗ hổng của pháp luật như: quy định rõ về thời hạn hoàn góp vốn của cổ đông đối với trường hợp doanh nghiệp tăng vốn; tất cả những tài sản góp vốn phải được định giá bởi tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp; bổ sung quy định về trách nhiệm, cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân (ngoài cơ quan quản lý nhà nước) đối với các hoạt động liên quan đến vốn điều lệ của doanh nghiệp, đặc biệt quy định về cơ chế giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cá nhân, tổ chức có trách nhiệm quản lý, nhằm loại trừ trường hợp có sự cấu kết, thông đồng, cố tình làm ngơ, bao che của một bộ phận cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trong các cơ quan quản lý nhà nước.

3, Bổ sung cơ chế để kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp đảm bảo dòng vốn góp vào doanh nghiệp là dòng tiền thật và chỉ để sử dụng vào việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh mà không phải để dùng mục đích quay vòng tăng khống vốn điều lệ. Song song với đó cần tăng cường chế tài xử phạt và xử lý hình sự để đảm bảo tính răn đe…

Thái Dương - Văn Chiến – Đăng Công
Bạn đang đọc bài viết "Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và những sơ hở, hạn chế trong các qui định về Vốn doanh nghiệp" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin