Lỗ hổng trách nhiệm

09/10/2016 13:28

(Pháp lý) - Công vụ là hoạt động mang tính quyền lực – pháp lý, được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức hoặc những người được nhà nước trao quyền nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, phục vụ nhân dân. Do đó, hoạt động công vụ phải tuân thủ các nghĩa vụ và có trách nhiệm thực hiện đúng quyền hạn được giao. Tuy nhiên, do các quy định của pháp luật điều chỉnh vấn đề này còn khuyết thiếu, nên rất khó để truy trách nhiệm cá nhân cán bộ công chức có những hành vi, quyết định sai lầm gây hậu quả xấu (đặc biệt là những cán bộ công chức gián tiếp gây hậu quả xấu).

Cuối tháng 9 vừa qua, Công an tỉnh Hậu Giang đã thi hành kỷ luật khiển trách đại tá Nguyễn Chí Thanh - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh, do cấp biển số xanh sai quy định cho xe Lexus LX570 tư nhân của ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (nhân vật đang bị truy nã quốc tế trong một đại án kinh tế vừa bị khởi tố).

[caption id="attachment_154598" align="aligncenter" width="662"]Trịnh Xuân Thanh (bên trái) đang bị truy nã quốc tế. Vũ Đức Thuận (bên phải) – nguyên Tổng Giám đốc PVC (bên phải) bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam và khởi tố về hành vi sai phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC Trịnh Xuân Thanh (bên trái) đang bị truy nã quốc tế. Vũ Đức Thuận (bên phải) – nguyên Tổng Giám đốc PVC (bên phải) bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam và khởi tố về hành vi sai phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC[/caption]

Ông Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hậu Giang trong thẩm quyền của mình phải từ chối, phải ngăn chặn việc cấp biển số xanh cho xe tư nhân mới đúng trách nhiệm và quyền hạn được giao. Ông Trưởng phòng làm trái qui định trong công vụ của mình, cấp biển số xanh cho xe tư nhân nên phải chịu trách nhiệm về sai lầm của mình, phải chịu kỷ luật khiển trách là điều bình thường. Như vậy, việc cấp biển số xanh sai pháp luật đã có người chịu trách nhiệm. Còn những người khác, khâu khác thì sao?

Trước đó, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn truyền đạt ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao 9 cơ quan kiểm tra vấn đề ông Thanh sử dụng xe Lexus gắn biển xanh; tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng Công ty PVC, nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2007 đến năm 2013; lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng ông Thanh vẫn được bổ nhiệm Phó Chủ tịch tỉnh.

Sau những lùm xùm, ông Thanh không được giới thiệu tái cử Phó chủ tịch Hậu Giang và bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội. Ngày 8/9, ông Thanh bị khai trừ Đảng.

Ngày 15/9, Bộ Công an khởi tố vụ án Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng khiến thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng xảy ra tại PVC. Cựu Tổng Giám đốc PVC Vũ Đức Thuận cùng Nguyễn Mạnh Tiến (Phó Tổng Giám đốc), Trương Quốc Dũng (Phó Tổng Giám đốc), Phạm Tiến Đạt (kế toán trưởng) bị khởi tố bị can, tạm giam. Ngày 16/9, ông Thanh là bị can thứ 5 trong vụ án tại PVC bị khởi tố và bị phát lệnh truy nã quốc tế.

 

[caption id="attachment_154599" align="aligncenter" width="410"]Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất được đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, nay đã dừng hoạt động Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất được đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, nay đã dừng hoạt động[/caption]

Người dân đang đòi hỏi làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đã giúp ông Thanh từ một cán bộ sai phạm, năng lực hạn chế, có trách nhiệm trong việc để doanh nghiệp thua lỗ hàng ngàn tỷ, nhưng lại liên tục được thăng chức, từ lãnh đạo doanh nghiệp chuyển sang ngạch hành chính, lên đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh và trúng cử Đại biểu Quốc hội. Xưa nay tổ chức là khâu được làm rất chặt chẽ, vậy những người có trách nhiệm, có thẩm quyền đã thực thi công vụ của mình như thế nào để “con voi chui qua lỗ kim” dễ dàng ? Những ai đã ký vào hồ sơ cán bộ giúp ông Thanh thăng tiến “vù vù” cần được công khai, minh bạch và phân định rõ trách nhiệm. Rồi trách nhiệm trực tiếp và gián tiếp trong vụ thua lỗ 3200 tỷ đồng ở PVC…?

Hay câu chuyện xả thải đầu độc biển bốn tỉnh miền Trung của Formosa, cho đến nay vẫn chưa có cán bộ nào chịu trách nhiệm, trừ ông cán bộ môi trường địa phương. Mới đây, trả lời câu hỏi của báo chí rằng Quốc hội có yêu cầu việc xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến vụ Formosa hay không, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội cho biết đây là việc sẽ được thực hiện. “Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan, có quy trình đánh giá đúng người, đúng việc, đúng mức độ vi phạm để có hình thức xử lý phù hợp”.

Biển vẫn chưa thể hồi sinh, kế sinh nhai của hàng triệu người dân đã bị tước đoạt, người dân chờ việc xem xét trách nhiệm của những người có liên quan. Trong đó đặc biệt là trách nhiệm của ông Võ Kim Cự đến đâu trong việc này khi thời điểm đó ông là Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, sau đó là Chủ tịch UBND rồi Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh?

[caption id="attachment_154600" align="aligncenter" width="613"]Cá chết dạt vào bờ biển huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình do sự cố môi trường biển mà Formosa gây ra (ảnh lớn). Ông Võ Kim Cự (ảnh nhỏ) – người ký quyết định cho Formosa thuê đất 70 năm Cá chết dạt vào bờ biển huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình do sự cố môi trường biển mà Formosa gây ra (ảnh lớn). Ông Võ Kim Cự (ảnh nhỏ) – người ký quyết định cho Formosa thuê đất 70 năm[/caption]

Mới đây, trình ra trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế đã điểm danh nhiều dự án thua lỗ, đắp chiếu. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ các dự án nghìn tỷ đắp chiếu mỗi ngày lỗ bao nhiêu, trách nhiệm như thế nào...?

Điển hình như Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hoá chất) đầu tư với số vốn 12.000 tỷ đồng nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 7.000 tỷ đồng nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động. Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất là một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia với số vốn đầu tư lên đến hơn 2.200 tỷ đồng đã dừng hoạt động. Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai. Nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6) đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.

Người ta ví câu chuyện “trách nhiệm” thời gian qua như quả bóng được chuyền đi, đá lại giữa các cơ quan nhằm né trách nhiệm. Thực tế đã xảy ra nhiều sự vụ đình đám nhưng dường như hiếm khi quy trách nhiệm được cá nhân cụ thể nào, mà có quy được trách nhiệm thì xử lý chế tài cũng rất nhẹ. Không quy được trách nhiệm cho tập thể, cá nhân là chứng tỏ sự bất thường, bất minh, không công bằng, thiếu thượng tôn pháp luật.

Hiệu quả đầu tư của nhiều dự án, đặc biệt là dự án vốn Nhà nước thấp, nhiều dự án thất thoát, mất vốn nhưng hầu như chưa có dự án nào truy cứu được trách nhiệm của những người gây ra thua lỗ, thất thoát trực tiếp và gián tiếp. Đây có lẽ là vấn đề nhức nhối hiện nay. Người dân cho rằng dự án đầu tư lớn thì số tiền lại quả, chia chác càng lớn, nếu thực trạng này không được ngăn chặn thì nguy cơ lập dự án nhằm trục lợi, gây thiệt hại cho ngân sách sẽ như căn bệnh nan y tiếp tục hoành hành, còn nguy hiểm hơn cả tội phạm tham nhũng.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất thực hiện các giải pháp đồng bộ, kịp thời xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước nếu thực hiện không đúng, chậm trễ triển khai và gây thất thoát, lãng phí, thiệt hại tài sản nhà nước nhằm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đề ra như vậy nhưng thực hiện thế nào sẽ lại là một vấn đề nan giải.

Ngay như tại Quốc hội, việc xây dựng, thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 có đến hơn 90 lỗi, đã phải dừng lại để xem xét sửa đổi. Cử tri đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào và chế tài xử lý ra sao, cho đến nay Quốc hội vẫn chưa xác định cụ thể.

Lỗ hổng trách nhiệm nhìn vào đâu cũng thấy, cần phải khẩn trương có cơ chế quy được trách nhiệm cá nhân và xử lý nghiêm minh.

* * *

Kết luận số 37-KL/TW ngày 02/2/2009 của Trung ương 9 (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Cán bộ từ nay đến năm 2020 nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, thiếu tự giác rèn luyện, phấn đấu, thiếu tinh thần đồng chí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ diễn ra nghiêm trọng, kéo dài nhưng chậm có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và kịp thời xử lý, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ”. Rõ ràng, thiếu trách nhiệm đang là căn bệnh trầm kha trong bộ máy cán bộ, công chức hiện nay, nó làm xã hội mất lòng tin, hiệu quả quản lý nhà nước sa sút.

Có người cho rằng, để thay đổi tình trạng trên đây, nâng cao trách nhiệm và chịu trách nhiệm cần thống nhất nhận thức về tính cấp thiết của việc nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Theo đó, phải xác định rõ trách nhiệm công vụ còn có cả trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm giải trình, trách nhiệm đạo đức. Và khi có sự vụ xảy ra phải kiên quyết xử lý thỏa đáng trách nhiệm bất kỳ cấp nào, cá nhân nào, tuyệt đối không bao che, dung túng.

Đặc biệt, điều mà người dân cần là “cán bộ nói cần đi đối với làm”. Nhiều chỉ đạo đã được đưa ra, nhiều biện pháp đã được công bố nhưng thực trạng chưa có thay đổi đáng kể nên vấn đề cấp bách hiện nay là “làm” chứ không phải “nói”. Trở lại với mắt xích xe Lexus biển xanh, mắt xích đầu tiên đã bung ra, người đầu tiên đã chịu trách nhiệm, còn những mắt xích lớn hơn, phức tạp và nghiêm trọng hơn thì sao? Vụ Trịnh Xuân Thanh đã vậy, còn Fomosa, còn các đại dự án thua lỗ và nhiều vụ việc bức xúc khác thì sao?! Cử tri cả nước vẫn đang theo dõi.

Nguyễn Thị Minh Hảo

Bạn đang đọc bài viết "Lỗ hổng trách nhiệm" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin