Lộ diện tham nhũng quyền lực

Một loạt cán bộ bị kỷ luật vừa qua, trong đó có những người lãnh đạo đứng đầu một địa phương cho thấy hành vi “ưu ái, không trong sáng” của họ đối với những trường hợp bổ nhiệm cán bộ, tuyển chọn công chức, viên chức, cho đi học bằng tiền ngân sách... là những biểu hiện rõ rệt của tham nhũng quyền lực.

7

Khác hẳn với các trường hợp bị xử lý kỷ luật đối với cán bộ Trung ương chủ yếu là các sai phạm về kinh tế thì ở các địa phương những sai phạm đó thuộc lĩnh vực sử dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cho người nhà tiến thân, chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị.

Sự tham nhũng quyền lực này còn thể hiện ở chỗ nó có thể vô hiệu hóa sức chiến đấu của cả một tập thể, thủ tiêu đấu tranh nội bộ. Thấy rõ nhất là ở các trường hợp người đứng đầu có những hành vi sai phạm mà cả tập thể lãnh đạo không dám có một động thái phản ứng nào, vì thế, có đến 2 Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải kiểm điểm và chịu trách nhiệm về chuyện này. Có thể thấy tham nhũng quyền lực thao túng được cả một hệ thống chính trị ở một địa phương.

Tham nhũng quyền lực cũng tạo ra những “sân sau”, sự ưu ái bất thường dành cho doanh nghiệp, bao che cho những sai phạm trong đấu thầu, xây dựng cơ bản, khai thác tài nguyên, khoáng sản,... thậm chí, có những vụ việc bị Thanh tra kết luận sai phạm rõ ràng, đến mức phải xử lý hình sự nhưng được làm ngơ, cho qua, để lâu hóa bùn.

Con đẻ của tham nhũng quyền lực là sự bao che, biến mình thành “ô dù” cho cấp dưới, khi buộc phải xử lý cán bộ sai phạm thì dùng hình thức rất nhẹ nhàng hoặc còn có thể “lái” những đoàn thanh, kiểm tra từ Trung ương về kết luận theo ý của mình. Sự tham nhũng quyền lực cũng chính là cha đẻ của nạn “chạy ghế, chạy chức, chạy quyền, chạy vào biên chế” khá thịnh hành hiện nay.

Ngoài ra biểu hiện chủ yếu của tham nhũng quyền lực như thao túng bộ máy, bao che sai phạm, ưu ái người nhà thăng quan tiến chức, “nâng đỡ không trong sáng”, triệt hạ đối thủ hoặc những người có ý kiến khác mình, tạo vây cánh và tiến cử “hậu duệ” thế chân mình thì thấp thoáng đâu đó có những bóng hồng nhan sắc tiến thân bằng hiến thân chỉ có điều chưa được làm rõ mà thôi. Các quan tham ở Trung Quốc thường sử dụng chiêu này, đầu tư quyền lực và kinh tế cho bồ nhí, biến họ không chỉ là “phòng nhì” mà còn là người “tay hòm, chìa khóa”, cuối cùng là cái kết đớn đau cho nhiều người, đó không phải là tấm gương tày liếp của nước ngoài đối với cán bộ của ta hay sao?.

Có quyền lực thì mới có thể tham nhũng được và khi đạt đến mức độ tham nhũng quyền lực thì đã là đỉnh cao của tham nhũng rồi, mối nguy hại là rất lớn đối với thể chế và gây ra những bất công xã hội. Vì thế, dân ta phấn khởi đến nhường nào khi các vụ tham nhũng quyền lực bị phanh phui, xử lý!

Theo Bao Phapluat

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin