Làm rõ góc khuất trong vụ VN Pharma

Nhiều bệnh viện và Sở Y tế đã trúng thầu các loại thuốc của Công ty Health 2000 Inc Canada, trong khi doanh nghiệp này liên quan trong vụ án VN Pharma

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 13-11-2014, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) - đơn vị cấp phép - đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đề nghị ngừng nhập khẩu thuốc do Công ty Health 2000 Inc Canada sản xuất hoặc cung cấp.

Nghi vấn công ty "ma"

Theo nội dung Công văn số 19727/QLD-KD, do ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, ký ngày 27-8-2014, đơn vị này đã có Công văn số 14654/QLD-PCD gửi Tổng Lãnh sự quán Canada tại Việt Nam đề nghị cung cấp các thông tin liên quan đến việc thành lập và hoạt động tại Canada của Công ty Health 2000 Inc Canada, có trụ sở tại 70 Beaver Creek Road # 30, Richmond Hill, Ontario - Canada (theo hồ sơ đăng ký hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam).

Trong thời gian chờ ý kiến trả lời chính thức từ phía các cơ quan quản lý có thẩm quyền của Canada, Cục Quản lý Dược thông báo tạm dừng nhập khẩu tất cả các thuốc do Công ty Health 2000 Inc Canada sản xuất hoặc cung cấp vào Việt Nam. Ngay sau đó, ngày 1-12-2014, Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố ngừng nhập khẩu thuốc do Công ty Health 2000 Inc Canada sản xuất hoặc cung cấp theo đề nghị của Cục Quản lý Dược.

 Danh sách thuốc của Công ty Health 2000 Inc Canada trúng thầu vào một số bệnh viện và Sở Y tế
Danh sách thuốc của Công ty Health 2000 Inc Canada trúng thầu vào một số bệnh viện và Sở Y tế)

Theo kết quả trúng thầu thuốc vào Sở Y tế và các bệnh viện năm 2013-2014 do Bộ Y tế thống kê, các thuốc: H2K Ciprofloxacin (số đăng ký VN-11531-10), H2K Levofloxacin 500mg/100ml (VN-11532-10), Vipanzol 40mg (VN-17965-14), Kafotax-1000 (VN-8496-09)... của Công ty Health 2000 Inc Canada trúng thầu vào một trong số các cơ sở y tế, gồm: Bệnh viện Đa khoa Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (với số tiền 9,6 triệu đồng), Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang (552 triệu đồng), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang (630 triệu đồng), Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, TP Hà Nội (140 triệu đồng), Sở Y tế Hà Tĩnh (gần 438 triệu đồng), Sở Y tế Hậu Giang (gần 64 triệu đồng), Sở Y tế Hưng Yên (hơn 3,2 tỉ đồng), Sở Y tế Bến Tre (hơn 1,1 tỉ đồng), Sở Y tế Bình Phước (173 triệu đồng). Báo cáo của các bệnh viện gửi về Sở Y tế TP HCM cũng cho thấy có 3/57 bệnh viện do ngành y tế TP quản lý trúng thầu và có sử dụng thuốc trúng thầu của Công ty Health 2000 Inc Canada, gồm: Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi.

Tuy nhiên năm 2014, Cục Quản lý Dược đã rút giấy phép nhập khẩu của Công ty Health 2000 Inc Canada, đồng thời đình chỉ lưu hành các loại thuốc của doanh nghiệp này. Đến nay, cơ quan chức năng vẫn đang điều tra Công ty Health 2000 Inc Canada liệu có phải là công ty "ma" như Công ty CP Dược phẩm VN Pharma đã từng làm với công ty "ma" Helix Canada để nhập khẩu thuốc ung thư giả.

Sẽ thanh tra toàn diện VN Pharma?

Trước đó, ngày 22-9-2017, VKSND Cấp cao tại TP HCM đã kháng nghị theo hướng hủy bản án sơ thẩm mà TAND TP HCM đã tuyên trong vụ án VN Pharma. Nội dung kháng nghị cho rằng vụ án chưa được các cơ quan chức năng điều tra một cách toàn diện. Bên cạnh đó, quá trình điều tra cũng như diễn biến phiên tòa, xét hỏi các bị cáo cho thấy có dấu hiệu vụ án bị lọt người, lọt tội. Trong kháng nghị này, VKSND Cấp cao tại TP HCM sau khi nêu dẫn chứng vụ việc đã yêu cầu giám định vật chứng và xử lý vật chứng của vụ án. VKSND Cấp cao cho rằng đối với số tiền chi hoa hồng cũng cần phải làm rõ bởi giá trị lô thuốc nhập về chỉ hơn 5 tỉ đồng mà chi hoa hồng tới 7,5 tỉ đồng thì liệu có phù hợp không, hay số tiền 7,5 tỉ đồng có phải chi cho những lô thuốc khác…

Dự kiến, trong tuần này Thanh tra Chính phủ sẽ công bố quyết định thanh tra tại Bộ Y tế về việc cấp giấy đăng ký một số loại thuốc và việc trúng thầu cung cấp thuốc của Công ty CP Dược phẩm VN Pharma (VN Pharma) tại các bệnh viện. Được biết, ngoài thuốc H-Capital bị phát hiện làm giả hồ sơ, còn có nhiều loại thuốc khác do Helix Pharmaceuticals (Canada) sản xuất và được VN Pharma nhập khẩu đã bị rút đăng ký gồm: H2K Cirprofloxacin 200 (hoạt chất Ciprofloxacin 200 mg/100 ml); H2K Cirprofloxacin 400 (hoạt chất Cirprofloxacin 400 mg/200 ml); H2K Levofloxacin 250 (hoạt chất 250 mg/100 ml); H2K Levofloxacin 500 (Levofloxacin 500 mg/100 ml); H2K Levofloxacin 75 (hoạt chất Levofloxacin 750 mg/100 ml); H-Cipox 200 (hoạt chất Cirprofloxacin 200 mg/100 ml) và H-Levo 500 (hoạt chất Levofloxacin 500 mg/100 ml). Những loại thuốc này năm 2014 cũng bị Cục Quản lý Dược rút số đăng ký lưu hành, đồng thời không cấp số đăng ký lưu hành thuốc đối với các hồ sơ đã nộp do VN Pharma đăng ký và Công ty Helix Pharmaceuticals sản xuất.

Theo NLD

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin