Làm gì để chặn đứng hiểm họa ma túy hiện nay?

15/05/2019 06:01

(Pháp lý) - Trong quý 1/2019, lực lượng chức năng triệt phá, thu giữ số lượng ma túy nhiều hơn cả năm 2018. Trong đó, năm 2018, cả nước đã thu giữ 1.584,36 kg heroin; 136,98 kg cocain; 196,65 kg thuốc phiện; 254,4 kg cần sa; 4,2 kg cỏ Mỹ; 6,23 kg ketamine; 1.755,74 kg và 1.363.405 viên ma túy tổng hợp; 133 khẩu súng… Ngày 12/4/2019, các lực lượng chức năng bắt 1,4 tấn ma túy. Thực trạng này đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực hơn nữa để chặn đứng loại tội phạm nguy hiểm này.

1,4 tấn ma túy trong một đường dây

Chỉ trong vòng một thời gian ngắn (từ đầu năm 2019 đến giữa tháng 4/2019), nhiều đường dây tàng trữ, vận chuyển cả tấn ma túy lần lượt được triệt phá tại TP Hồ Chí Minh và miền Trung. Đây là sự khác biệt, thay đổi rất lớn về khối lượng ma túy được triệt phá, khác biệt quá lớn so với những vụ án ma túy trước đây thường chỉ vài bánh heroin đã là lớn.

 Phát hiện, bắt giữ 1,1 tấn ma túy do người Đài Loan vận chuyển tại TP.HCM. (Ảnh: Công an TP.HCM cung cấp)
Phát hiện, bắt giữ 1,1 tấn ma túy do người Đài Loan vận chuyển tại TP.HCM. (Ảnh: Công an TP.HCM cung cấp))

Gần đây nhất, ngày 12/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt tạm giam Yeh Ching Wei, Chiang Wei Chih (cùng quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc) và Bùi Nguyễn Huy Vũ (trú tại TP Hồ Chí Minh) về hành vi tàng trữ, vận chuyển hơn 1,1 tấn ma túy. Trong quá trình phối hợp phá án, lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh cũng thu giữ khoảng 300kg ma túy, nâng tổng số ma túy thu giữ trong đường dây cùng với Công an TP Hồ Chí Minh lên đến khoảng 1,4 tấn ma túy.

Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với lực lượng chức năng khác triển khai, thu giữ trong một chuyên án được 1,161 tấn ma túy tổng hợp dạng đá; bắt giữ được 7 đối tượng, trong đó 4 đối tượng là người nước ngoài, 3 đối tượng người Việt Nam.

Trong quý 1/2019, lực lượng chức năng triệt phá, thu giữ số lượng ma túy nhiều hơn cả năm 2018. Trong đó, năm 2018, cả nước đã phát hiện, bắt giữ 24.552 vụ, 37.842 đối tượng, thu giữ 1.584,36 kg heroin; 136,98 kg cocain; 196,65 kg thuốc phiện; 254,4 kg cần sa; 4,2 kg cỏ Mỹ; 6,23 kg ketamine; 1.755,74 kg và 1.363.405 viên ma túy tổng hợp; 133 khẩu súng; 2.044 viên đạn; hơn 82 tỷ đồng (tăng 10,53% số vụ, 10,59% số đối tượng; 102% số heroin và 125% số ma túy tổng hợp so với năm 2017); lập hồ sơ đưa 25.400 người nghiện vào các cơ sở bắt buộc; gọi hỏi răn đe và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ với hơn 14.300 đối tượng liên quan đến ma túy.

Trong năm 2018, có những vụ rất lớn. Có thể điểm qua vài vụ. Ví dụ, ngày 17/2/2018, tại khu vực cầu Tàu 2, xã Sơn Kim 1, Hương Sơn (Hà Tĩnh), đối tượng Vangchueyang Briachear trú tại Xay Chăm Phon, Bolykhamxay (Lào) đi xe Hyundai vận chuyển 12 bao tải mầu xanh chở 278 kg ma túy đá bị bắt quả tang. Tháng 3/2018, Tếnh Và và Kay Lỳ (người Lào) vận chuyển 600 nghìn viên ma túy tổng hợp và 36 bánh heroin; hai đối tượng Khăm Lả và Bi Viêng (người Lào) vận chuyển 118 nghìn viên ma túy tổng hợp cũng bị bắt. Hay vụ Vừ Chù Sếnh và Mùa Thị Đớ ở Na Ư (Điện Biên) dù đã dùng hung khí điên cuồng chống trả lực lượng chức năng nhưng vẫn bị bắt với tang vật là 489 bánh heroin. Hay vụ Trần Văn Bằng cầm đầu, thu 288 bánh heroin. Vụ Cảnh sát giao thông Quảng Bình phát hiện, thu giữ 308,6 kg ma túy đá do Xệng Vàng ở Khăm Cợt (Bolykhamxay, Lào) khai nhận vận chuyển thuê vào Đà Nẵng...

Thực tế đó cho thấy nhiều đường dây ma túy rất lớn đã chọn Việt Nam là địa điểm trung chuyển ma túy sang nước thứ ba. Nó cũng cho thấy tính chất manh động, liều lĩnh và chuyên nghiệp cao của các tổ chức tội phạm này, đặc biệt là có sự liên kết của các đối tượng nước ngoài với các đối tượng trong nước.

 Phối hợp với Công an Lào, bắt đối tượng Giàng A Tú và hai đồng phạm, thu giữ 60 bánh heroin, 40.000 viên ma túy tổng hợp, 1 khẩu súng.
Phối hợp với Công an Lào, bắt đối tượng Giàng A Tú và hai đồng phạm, thu giữ 60 bánh heroin, 40.000 viên ma túy tổng hợp, 1 khẩu súng.)

Giải pháp nào để ngăn chặn?

Tác hại của ma túy rất khủng khiếp, hầu như ai cũng đã thấy điều đó. Tuy nhiên, gần đây tác hại về ma túy trong xã hội còn nguy hiểm hơn những năm trước do ma túy đá gây ảo giác cho người sử dụng, dẫn đến những vụ án đâm chém, giết người vô cớ rất đau lòng; nhiều lái xe sử dụng ma túy gây tai nạn thảm khốc, làm chết nhiều người … đang trở thành một thực trạng đáng sợ trong xã hội. Những sự việc đau lòng do tác hại của ma túy gây ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác hại cũng như những hệ quả khôn lường đối với xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm từng báo cáo trước Quốc hội: Hiện nay toàn quốc có 224.690 người nghiện có hồ sơ kiểm soát, nhưng trên thực tế con số này lớn hơn rất nhiều. Trong khi đó công tác lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện tập trung rất khó khăn do quy trình thủ tục đặt ra. Mới chỉ có khoảng 10% người nghiện bị đưa vào các cơ sở cai nghiện tập trung.

Một phần ma túy được tiêu thụ trong nước, một phần sẽ được vận chuyển sang nước thứ ba. Bọn tội phạm ma túy đang muốn biến Việt Nam thành vùng trung chuyển ma túy quốc tế.

Theo đánh giá của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), tình hình tội phạm ma túy sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Cùng với sự xuất hiện của nhiều loại ma túy mới, tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần gia tăng ở hầu hết các quốc gia, xu hướng này có thể rất khó kiểm soát. Châu Á đã là thị trường tiêu thụ các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần. Tình hình ma túy trên thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, trong đó về số lượng ma túy toàn cầu bị bắt giữ hằng năm tăng từ 12 đến 26%, 10 năm qua xuất hiện 739 chất hướng thần mới… tác động tới tội phạm ma túy ở nước ta.

Thực tế đó cho thấy, phải tìm ra những giải pháp hữu hiệu hơn nữa chặt đứt các đường dây ma túy, được đặt ra một cách cấp thiết cho lực lượng chức năng phòng chống tội phạm ma túy nói riêng, các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung.

Ma túy thẩm lậu vào nước ta qua đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không, đường bưu điện, qua đường chính ngạch và tiểu ngạch các tuyến biên giới đường bộ Việt - Trung, Việt - Lào và Việt Nam - Campuchia, tạo ra nhiều điểm nóng. Đội lốt dưới vỏ bọc tinh vi, những tên trùm thường không trực tiếp vận chuyển hàng mà chỉ đạo từ xa, thuê đội ngũ cửu vạn xách mang, giao dịch, trao đổi thông tin qua điện thoại, qua mạng. Do đó, giải pháp truyền thống là tăng cường, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và chặn bắt. Tuy nhiên, do thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi nên cần có sự đầu tư thỏa đáng để bảo đảm đủ biên chế và trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại, để lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm ma túy thật sự tinh nhuệ.

Giải pháp khác là hoàn thiện pháp luật, phải khắc phục được những tồn tại hạn chế như: Thiếu thống nhất; chưa chặt chẽ; chưa khả thi trong thực tế; thiếu cơ chế phối hợp thực hiện… Việc thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế của pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy là hết sức cần thiết.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết, gần đây có rất nhiều loại ma túy xâm nhập vào Việt Nam, trong đó AMB và AMB-Fubinaca là những chất mới trong nhóm cần sa tổng hợp, có tác dụng gây ảo giác tương tự Delte 9-TDC (là hoạt chất chính trong cần sa). Tuy nhiên, hai chất trên chưa có trong danh mục các chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành cũng như chưa có trong danh mục các điều ước quốc tế về ma túy mà Việt Nam tham gia nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác xử lý. Hơn nữa, bọn tội phạm có thể tổng hợp một hoặc nhiều loại tiền chất khác nhau để cho ra các loại ma túy mới, thậm chí cũng các loại tiền chất đó nhưng pha trộn tỉ lệ khác nhau cũng cho ra các loại ma túy khác nhau. Do vậy ma túy tổng hợp mới sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và rất khó kiểm soát. Trong khi đó Nghị định 126/2015 của Chính phủ về danh mục các chất ma túy và tiền chất đã bổ sung một số chất nhưng vừa bổ sung đã lạc hậu vì sau đó đã xuất hiện một số chất ma túy và tiền chất mới.

Tăng cường phối, kết hợp giữa các lực lượng chuyên trách ở Trung ương và giữa các cơ quan chuyên trách ở Trung ương với các địa phương, nhất là những địa phương trọng điểm phức tạp về ma túy; kịp thời rút kinh nghiệm việc thực hiện các kế hoạch phối hợp nhằm bổ sung các biện pháp phù hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch này.

Triển khai các hoạt động nghiệp vụ nhằm phát hiện, đấu tranh, xử lý triệt để tội phạm về ma túy, nhất là các vụ phạm tội nghiêm trọng và tại các địa bàn trọng điểm phức tạp như: Điều tra cơ bản, xây dựng kế hoạch đấu tranh sát với tình hình; ngăn chặn ma túy xâm nhập ở khu vực biên giới; triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; phối hợp các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; phòng ngừa, kiểm soát nhằm phát hiện sớm và tổ chức triệt xóa cây có chất ma túy; truy bắt tội phạm, thu hồi triệt để tài sản do phạm tội mà có.

Xây dựng, tổ chức thực hiện những kế hoạch phối hợp trong quản lý, kiểm tra, giám sát để ngăn chặn hiệu quả việc thất thoát, thẩm lậu các tiền chất, hóa chất, dược liệu vào việc sản xuất ma túy tổng hợp trong nước; chủ động tổ chức các biện pháp ngăn chặn việc trồng trái phép cây có chứa chất ma túy.

Nói về các giải pháp phòng chống, đẩy lùi tội phạm ma túy hiện nay, Bộ trưởng Tô Lâm đã đưa ra 4 giải pháp trọng tâm gồm: Tiếp tục tham mưu tổng kết Chỉ thị số 21 của Bộ Chính trị, đánh giá những việc làm được, chưa làm được, từ đó đưa ra giải pháp đẩy mạnh thực hiện nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý. Tham mưu sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống ma tuý và những văn bản có liên quan, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn trong phòng, chống ma tuý. Vừa qua sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015, xác định thái độ của chúng ta đối với tội phạm ma tuý đã góp phần đấu tranh và tăng số lượng các vụ ma tuý bị xử lý trong năm 2018. Phối hợp chặt chẽ với các ngành trong công tác quản lý, giám sát người nghiện tại gia đình, cộng đồng dân cư; tăng cường lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện tập trung, làm trong sạch địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm. Tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý từ nước ngoài vào trong nước, làm giảm nguồn cung, triệt phá các tụ điểm phức tạp về sản xuất, mua bán ma tuý trong nước.

PV

 

Bạn đang đọc bài viết "Làm gì để chặn đứng hiểm họa ma túy hiện nay?" tại chuyên mục Hồ sơ phá án. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin