Kiến nghị để chính sách pháp luật đi vào đời sống doanh nghiệp…

31/07/2018 08:15

(Pháp lý) - Hiện nay, chính sách pháp luật liên quan đến doanh nghiệp còn nhiều điểm “chồng chéo”, “vướng mắc”, cán bộ và bộ máy thực thi pháp luật dựa vào đó mà gây khó dễ, làm khó, “vòi vĩnh”, nên doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) chưa được hỗ trợ nhiều để phát triển. Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng từ cơ quan xây dựng, ban hành chính sách pháp luật đến bộ máy thực thi cần phải có sự thay đổi thực sự.

Rà soát, khắc phục những chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản pháp luật

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý về những hạn chế của chính sách luật pháp đối với doanh nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Cầu Hà Bắc thẳng thắn nói: Pháp luật về doanh nghiệp, kinh tế hiện nay đã có cải thiện nhiều cho doanh nghiệp. Song trong cách đối xử vẫn chưa công bằng. Nhất là thủ tục xin thuê đất kinh doanh và vay tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất khó khăn. Ngân hàng nói cho vay tín chấp, song đã cho doanh nghiệp nào vay được tín chấp đâu.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tich Hiệp hội Bất động sản TP. HCM
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tich Hiệp hội Bất động sản TP. HCM)

Đồng tình với quan điểm trên, ông Mạc Quốc Anh, Phó Viện Trưởng - Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Vừa & Nhỏ, cũng cho rằng trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng gặp khó khăn về vướng mắc thủ tục hành chính, doanh thu và chi phí sản xuất, nhân sự… chứ chưa nói đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ông Mạc Quốc Anh đánh giá, các khó khăn này là luôn luôn hiện hữu và doanh nghiệp quy mô càng nhỏ thì càng khó tiếp cận vốn vay, tỷ trọng doanh thu đầu ra để bù đắp chi phí đầu vào càng thấp, lợi nhuận biên mỏng. Phần nữa cũng vì doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực mỏng nên hiểu biết về thị trường, tình hình kinh doanh, quy trình làm việc chưa chuyên nghiệp nên cũng khó khăn khi làm việc với đối tác, bạn hàng và cả cơ quan quản lý.

Nhìn nhận một cách tổng quát hơn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Hạn chế, bất cập của nhiều quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành là có tính chất dạng "Luật khung, Luật ống". Điều này gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp. Theo ông Châu, "Luật khung, Luật ống" chỉ phát huy hiệu lực đầy đủ khi được Chính phủ quy định chi tiết bằng Nghị định, Quyết định và Bộ, ngành hướng dẫn thực hiện bằng Thông tư, Thông tư liên tịch. Trước đây, khi chưa có "Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015" thì đã xảy ra tình trạng Bộ, ngành ban hành nội dung văn bản pháp quy vượt quyền hoặc có những nội dung khác luật, hoặc Thông tư của Bộ, ngành vượt quyền hoặc trái Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hoặc tình trạng Bộ, ngành "đẻ" ra nhiều quy định mới, nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, giành thuận lợi về phía cơ quan nhà nước, đẩy khó khăn về phía doanh nghiệp, người dân, thậm chí có dấu hiệu "lợi ích cục bộ" của bộ chuyên ngành khi xây dựng quy phạm pháp luật. Ông Châu thẳng thắn: hình như sau mỗi điều "luật khung" quy định "Chính phủ quy định chi tiết thi hành..." đều ẩn khuất trong đó là quyền và lợi ích của một số Cục, Vụ thuộc Bộ. Từ sau khi có "Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015", nhất là có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, thì tình hình này bước đầu đã có sự chuyển biến ở một số Bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, Chính phủ, Bộ, ngành chỉ được ban hành văn bản pháp quy nếu Luật hoặc Nghị định có yêu cầu; đã chấm dứt hẳn việc ban hành Thông tư liên tịch; và các Bộ đều đang trình Chính phủ xem xét bãi bỏ hàng trăm điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc trái luật.

Phân tích sâu hơn những vướng mắc trong áp dụng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, ông Vũ Văn Thiệu, Giám đốc một công ty đấu giá cho biết: một trong những vấn đề tồn tại đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, đó là tình trạng các văn bản pháp luật được ban hành trước thời điểm Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực vẫn chưa được điều chỉnh hoàn thiện để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với những cải cách của luật này. Ngoài ra, còn có những hạn chế khác về mặt nội dung, mà những quy định đó gây “vướng” cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Có thể đưa ra những ví dụ như: Về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Ngày 14/9/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, mà theo đó, tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định này, có quy định: “Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định”. Tuy nhiên, theo Công văn số 2544/BXD-QLN ngày 19/11/2009 của Bộ Xây dựng, về việc thực hiện các quy định về quản lý nhà chung cư, gửi đến các Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội; thành phố Hồ Chí Minh; thành phố Hải Phòng; thành phố Đà Nẵng; tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa, khi đăng ký trụ sở công ty tại một căn hộ nằm trong cao ốc phức hợp để ở và thương mại, Sở Kế hoạch Đầu tư buộc nhà đầu tư phải chứng minh quyền được dùng căn hộ để làm trụ sở công ty. Yêu cầu này được hiểu là căn cứ vì Công văn trên của Bộ Xây dựng không cho phép sử dụng nhà chung cư làm văn phòng công ty. Vấn đề đặt ra ở đây là Sở Kế hoạch Đầu tư có quyền yêu cầu nhà đầu tư nộp hồ sơ chứng minh quyền được đặt trụ sở công ty tại căn hộ đã thuê không?

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Viện Trưởng - Viện nghiên cứu Doanh nghiệp vừa & nhỏ
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Viện Trưởng - Viện nghiên cứu Doanh nghiệp vừa & nhỏ)

Về thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC) và Giấy chứng nhận đầu tư (IRC). Giữa Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) đã có quy định mâu thuẫn nhau, đó là, theo Luật Doanh nghiệp yêu cầu phải góp vốn trước mới làm thủ tục tăng vốn điều lệ. Ngược lại, Pháp lệnh Ngoại hối lại yêu cầu làm thủ tục tăng vốn điều lệ trước, sau mới cho phép góp vốn. Tương tự, đối với một số ngành nghề kinh doanh, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì cần có giấy phép cho phép thành lập trước của các bộ chuyên ngành. Ví dụ lĩnh vực sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp; lĩnh vực thuốc chữa bệnh cho người do Bộ Y tế cấp; … Vậy Sở Kế hoạch Đầu tư có được quyền yêu cầu nhà đầu tư cung cấp các giấy phép này ngoài thành phần hồ sơ đã ấn định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 không? Rõ ràng, nếu yêu cầu nộp thêm, Sở Kế hoạch Đầu tư đã vi phạm quy định của khoản 2 Điều 9 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Song nếu không yêu cầu thì Sở Kế hoạch Đầu tư lại vi phạm các quy định của luật chuyên ngành khác.

Về thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư: Luật Đầu tư năm 2014 đã cải cách mạnh thủ tục đầu tư theo hướng thay thủ tục thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện bằng thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không yêu cầu lấy ý kiến thẩm tra của các bộ, ngành. Cùng với đó, đầu mục hồ sơ đăng ký đầu tư được giảm thiểu đáng kể theo hướng không yêu cầu nhà đầu tư phải chuẩn bị các tài liệu như: giải trình kinh tế - kỹ thuật, giải trình đáp ứng điều kiện… để tạo thuận lợi và giảm thời gian, thủ tục cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước thời điểm Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực, vẫn yêu cầu thực hiện một số thủ tục khác trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Điều này dẫn đến xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan đăng ký đầu tư. Sự thiếu thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật đang là rào cản lớn, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, gây rủi ro trong quá trình đăng ký cấp phép đầu tư, tạo tâm lý thiếu tin tưởng vào sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản luật pháp cũng như việc tuân thủ, triển khai thực hiện của các bộ, ngành và cơ quan quản lý nhà nước.

Xử nghiêm cán bộ thực thi pháp luật gây khó dễ, “vòi vĩnh” doanh nghiệp

Đánh giá về bộ máy quản lý, cán bộ chấp pháp, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, bộ máy quản lý vẫn chưa vận hành đồng bộ hoàn toàn, có triển khai nhưng chưa quyết liệt và trình độ quản lý hành chính chưa cao. Ông lấy ví dụ từ phản ánh của doanh nghiệp rằng, việc thực hiện kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu như hiện nay đang gây khó khăn cho doanh nghiệp; mặc dù thủ tục hải quan đã giảm bớt giấy tờ, tuy nhiên chưa đồng bộ với các cơ quan liên quan như ngân hàng và các cơ quan Thuế nên có những giấy tờ mà cơ quan Hải quan không cấp nhưng ngân hàng hoặc cơ quan Thuế vẫn yêu cầu.

Nhìn nhận thực tế một cách thẳng thắn hơn, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, nhiều cán bộ thực thi pháp luật hiện nay hay lợi dụng kẽ hở hoặc sự thiếu đồng bộ của luật để vòi vĩnh doanh nghiệp. Đáng lý ra phải tận tình hướng dẫn doanh nghiệp làm cho đúng pháp luật nếu họ sai lần đầu. Nhưng ngược lại, nhiều cán bộ thực thi pháp luật lại vòi vĩnh là chính.

Đồng quan điểm với những ý kiến trên, ông Vũ Văn Thiệu cho biết thêm: hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ rất lớn trong khối doanh nghiệp tại Việt Nam. Thế nhưng cũng chính những đối tượng này lại thường gặp khó khăn nhiều hơn cả trong việc tiếp cận các thông tin pháp luật, tiếp cận các ưu đãi chính sách…

Quy định pháp luật vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp (ảnh minh họa)
Quy định pháp luật vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp (ảnh minh họa))

Hỗ trợ pháp lý cần tích cực hơn cho doanh nghiệp

Theo ông Thiệu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đã trải qua 10 năm, tuy công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã có nhiều tiến bộ rõ rệt nhưng vẫn diễn ra thiếu hiệu quả khi nhìn vào tổng thể. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa được thực hiện một cách đồng bộ và có hệ thống. Một bộ phận cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quan tâm đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn ít về số lượng, chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đa số cán bộ làm việc kiêm nhiệm, do đó, chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay chưa cao. Kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu tập trung, chưa được thực hiện một cách đồng bộ trên cả nước, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ pháp lý chưa được đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả, dẫn đến tình trạng bỏ trống nhiều địa bàn hoặc không đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp ở các địa bàn kinh tế, xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn khó tiếp cận với dịch vụ tư vấn pháp luật.

Kết mở

Ông Vũ Văn Thiệu nêu ý kiến: Các cơ quan nhà nước cần tiếp thu kịp thời những phản ánh của doanh nghiệp và cân nhắc, xem xét, kiến nghị tới cơ quan ban hành văn bản pháp luật, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức; xây dựng quy chế làm việc và áp dụng luân chuyển cán bộ thường xuyên để tránh tình trạng tham nhũng, cửa quyền, sách nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải chủ động hơn nữa trong việc phản hồi những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi pháp luật với các cơ quan nhà nước, đồng thời tích cực đóng góp, đề xuất giải pháp cho cơ quan quản lý trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới thuế, hải quan nhằm đảm bảo tính khả thi, sự công bằng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện của các văn bản pháp luật. Bộ Tài chính cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế, hải quan để hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa công chức thuế, hải quan với doanh nghiệp; xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ và xử lý nghiêm các cán bộ, công chức vi phạm.

Bên cạnh đó, theo ông Thiệu, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cần được hệ thống hóa một cách toàn diện, đầy đủ bằng văn bản luật để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận chính sách này, tránh để ở nhiều văn bản luật dẫn đến khó thực hiện và không kiểm soát được đồng bộ, hiệu quả thực thi trong thực tiễn không cao. Các cơ quan quản lý cần cung cấp thông tin pháp lý thường xuyên cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp về kiến thức và hiểu biết pháp luật thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo chuyên sâu về từng lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động.

Một kiến nghị khác của ông Lê Hoàng Châu khá sắc sảo và tâm huyết, đó là, Quốc hội nên có cơ quan chuyên trách soạn thảo các đề án xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật nhằm đảm bảo tính thống nhất, logic, đồng bộ của hệ thống pháp luật; Đề nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương trong công tác thực thi pháp luật và kịp thời "thổi còi" các văn bản pháp quy trái luật hoặc vượt quyền; có cơ chế và giải pháp để nâng cao vị thế và chất lượng công tác thẩm định các đề án Luật của các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội. Song song đó, Quốc hội xem xét có thể hạn chế ban hành "luật khung, luật ống" để tránh trường hợp Nghị định, Thông tư quy định khác với tinh thần của Luật hoặc vượt quyền; đồng thời, trong trường hợp ban hành quy phạm pháp luật kiểu "luật chi tiết" thì đề nghị Quốc hội có cơ chế linh hoạt để điều chỉnh, sửa đổi từng quy phạm pháp luật (từng điều luật) phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

Đối với Chính phủ và các Bộ, ngành, ông Châu đề nghị cần nâng cao chất lượng xây dựng các đề án luật, lắng nghe ý kiến phản biện của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài và các tầng lớp nhân dân, để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy phạm pháp luật không còn phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, logic, đồng bộ của hệ thống pháp luật; nâng cao chất lượng công tác lập quy, chỉ quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các quy phạm pháp luật, đi đôi với quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt rào cản điều kiện kinh doanh, với tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, đồng hành với doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân là mục tiêu.

Đình Hòa (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết "Kiến nghị để chính sách pháp luật đi vào đời sống doanh nghiệp…" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin