Kiểm soát khu vực kinh tế tư nhân để phòng, chống tham nhũng toàn diện

(Pháp lý) - Thời gian vừa qua, dư luận cho rằng có không ít quan chức đã “bắt tay” với các doanh nghiệp ngoài nhà nước để làm ăn hoặc đã sử dụng các doanh nghiệp tư nhân “sân sau” để trục lợi, nhưng pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) lại chưa điều chỉnh đối tượng tư nhân, nên rất khó xử lý khi phát hiện sai phạm.

 Phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào nhiều Dự Luật quan trọng
Phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào nhiều Dự Luật quan trọng)

Trước thực trạng nhức nhối đó, Dự thảo Luật PCTN ( sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV đã bổ sung thêm đối tượng là “Người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước”. Quy định này thể hiện tinh thần đấu tranh toàn diện, không khoan nhượng với tội phạm tham nhũng, không để lọt lưới tội phạm nguy hiểm này dù chúng có biến hóa tinh vi đến đâu.

Ngay khi dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) vẫn còn “nóng” trên bàn nghị sự , mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về việc xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng đoàn ĐBQH Đồng Nai vì vi phạm Luật PCTN.

Kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ: Trong thời gian giữ các cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐTV là vi phạm Luật PCTN. Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã có các vi phạm, khuyết điểm sau: Ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án Khu dân cư thương mại xã Phước Tân, vi phạm Luật PCTN và quy định về những điều đảng viên không được làm; Ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực bà phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh; Ký văn bản chấp thuận hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án BOT đường chuyên dùng cho Hợp tác xã An Phát, nhưng không thông qua tập thể UBND tỉnh, chưa báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư; Kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định của Đảng và Nhà nước là vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. UBKT Trung ương nhận thấy những vi phạm nêu trên của bà Phan Thị Mỹ Thanh là nghiêm trọng. Căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cảnh cáo.

Với mức “vi phạm nghiêm trọng” và hình thức kỉ luật Đảng ở mức cảnh cáo đã nói lên sự nghiêm khắc, đồng thời khẳng định khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh là không nhỏ. Khó để có thể thanh minh bà Phan Thị Mỹ Thanh khi làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã không đứng sau “chống lưng” cho chồng là Giám đốc Công ty Cường Hưng. Bởi việc bà ký duyệt dự án làm đường ở khu vực mỏ đá Tân Cang, sử dụng ngân sách nhà nước để đền bù và đặc quyền đầu tư một số dự án, công trình ở tỉnh Đồng Nai đã “tiếp sức” cho Công ty Cường Hưng hưởng lợi bất chính.

Chính vì vậy tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Nhơn Trạch vào sáng 2/10/2017, nhiều ý kiến cử tri đã bày tỏ bức xúc, đề nghị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh. Lý do mà cử tri Đồng Nai đưa ra là bà Thanh đã bị Ban Bí thư thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo do vi phạm nghiêm trọng các qui định pháp luật trong quá trình đảm nhiệm công tác, vi phạm Luật PCTN.

Hiện nay, trước những đề xuất của một số cử tri tỉnh Đồng Nai về việc bãi miễn tư cách Đại biểu Quốc hội với bà Phan Thị Mỹ Thanh, các cơ quan chức năng đang tiến hành những việc cần thiết. Tin rằng quy trình này cũng sẽ sớm về đích phù hợp ý Đảng, lòng dân.

Vụ việc xảy ra đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh không phải là hiếm trên thực tế, thậm chí có ý kiến cho rằng, quan chức hiện nay nhiều người có “sân sau” (trực tiếp hoặc gián tiếp). “Sân sau” được hiểu là nơi hình thành nên nhóm lợi ích “quan chức Nhà nước và tư nhân” bắt tay nhau tiêu cực, tham nhũng, bòn rút tiền từ ngân sách...

Thực tế trong hoạt động thuộc khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua đã xuất hiện tình trạng đưa, nhận hối lộ, móc nối giữa tư nhân và cán bộ, quan chức Nhà nước để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt nhiều vụ chiếm đoạt tài sản nhà nước xảy ra ở các loại hình doanh nghiệp khác nhau, kể cả doanh nghiệp ngoài nhà nước, là doanh nghiệp “sân sau”, được sự đỡ đầu của người có chức vụ, quyền hạn cũng đã xảy ra gây bức xúc trong nhân dân. Đây là một thực tế nhức nhối cần phải sớm có thuốc đặc trị.

Xuất phát từ thực tế đó, Chính phủ đề nghị mở rộng từng bước về phạm vi điều chỉnh của dự Luật PCTN sang khu vực ngoài nhà nước, trước mắt tập trung vào các loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư; các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức xã hội khác có tư cách pháp nhân, không sử dụng ngân sách Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện (gọi chung là các tổ chức xã hội). Còn đối với các loại hình doanh nghiệp và tổ chức xã hội khác, dự thảo Luật chỉ quy định các tổ chức này có trách nhiệm tự ban hành, thực hiện quy định đối với một số nội dung về phòng ngừa tham nhũng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia Công ước Liên hiệp quốc về PCTN và là thành viên nên việc đặt ra yêu cầu về chống tham nhũng trong khu vực tư nhân cũng là mục tiêu để hội nhập. Mặt khác, Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã hình sự hóa một số hành vi tham nhũng trong khu vực tư nhân như tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ. Đó là những cơ sở quan trọng để mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh của Luật PCTN sang cả lĩnh vực tư.

Tại phiên họp thẩm tra dự án Luật PCTN của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, đa số thành viên tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật (sang khu vực ngoài nhà nước) song đề nghị giải thích rõ khái niệm “tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước”; làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với các tổ chức xã hội thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện, các loại hình doanh nghiệp là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư. Các loại hình doanh nghiệp và quỹ đầu tư có mô hình tổ chức khác nhau, nên Luật cần có quy định phân biệt cụ thể việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với mỗi loại hình cho phù hợp.

Như vậy, tới đây, Luật PCTN (sửa đổi) sẽ “vươn rộng” nhắm đến kiểm soát các tổ chức , thành phần kinh tế, kể cả kinh tế tư nhân . Việc hoàn thiện công cụ pháp lý quan trọng này sẽ giúp kiểm soát, PCTN toàn diện hơn, đáp ứng yêu cầu PCTN trong tình hình mới.

Tuy nhiên, trong khi chờ Luật PCTN (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thực thi, cử tri mong rằng, với những quan chức “dính chàm” đã bị kỷ luật nghiêm khắc về mặt Đảng, thì cần thiết phải bị xử nghiêm theo các quy định khác của pháp luật, kể cả việc phải làm rõ xem họ có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? Có như vậy mới có tác dụng răn đe đối với những quan chức chưa bị lộ hoặc những quan chức có tư tưởng tham lam khác.

Thành Chung

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin