Không thu được tài sản tham nhũng là có tội với dân

29/11/2017 06:59

Chúng ta chống tham nhũng mà không thu hồi được tài sản tham nhũng là có tội với dân.

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, phải thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, kể cả tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Theo vị đại biểu này, Quốc hội vừa thảo luận về Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), tại đây, ông cũng đã có tham luận rất dài nhưng vì thời gian không đủ nên đã không nói hết được quan điểm của mình.

 Không thu hồi được tài sản tham nhũng là có lỗi với dân
Không thu hồi được tài sản tham nhũng là có lỗi với dân)

Ông cho rằng, một trong những nội dung rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng chính là thu hồi cho được số tài sản tham nhũng. Trong đó gồm: tài sản bất minh và tài sản không chứng minh được nguồn gốc sau khi kê khai.

Đối với loại tài sản bất minh, tức là tài sản có được từ các hoạt động bất chính, từ vi phạm pháp luật, từ tham nhũng mà có... Ở đây có thể là do pháp luật bị buông lỏng, hoặc do các biện pháp kiểm tra, kiểm soát không nghiêm để các đối tượng có ý đồ tham nhũng có cơ hội thực hiện chót lọt hành vi tham nhũng nhằm vơ vét, tẩu tán tài sản của dân, của nước.

Đối với loại tài sản này, khi xác định rõ là tài sản có được từ những hoạt động phi pháp cần phải thực hiện thu hồi dù tài sản đó đang thuộc quyền sở hữu của bất kỳ ai.

"Bởi vì có một thực tế là, những đối tượng tham nhũng sau khi có được khối tài sản khổng lồ thì đã thực hiện các biện pháp chuyển dịch tài sản như: sang tên cho người thân, cho vợ, con, họ hàng. Thậm chí, có cả việc xác lập quyền sở hữu cho người thân đứng tên một khối tài sản khổng lồ ngay từ đầu nhưng không có được cơ chế kiểm soát, kiểm tra nào nhằm phát hiện, xử lý, ngăn chặn ngay từ đầu. Thậm chí, cũng không có được một bộ lưới lọc để thực hiện việc xác minh nguồn gốc khối tài sản đang được chuyển dịch đó có minh bạch, rõ ràng hay không, tài sản đó từ đâu mà có...?

Trong hoàn cảnh các cơ chế kiểm soát quá yếu, việc chuyển dịch tài sản lại trở thành nơi để những đối tượng tham nhũng lựa chọn cất giấu tài sản có được từ những hoạt động tham nhũng, vi phạm pháp luật mà không ai có thể làm gì được. Khi tài sản tham nhũng không đứng tên bởi những cán bộ, lãnh đạo có hành vi tham nhũng mà được sang tên cho người khác nghĩa là số tài sản đó mặc nhiên được công nhận là hợp pháp. Việc này rất bức xúc, rất vô lý bởi ai cũng biết tài sản đó có được là từ những hoạt động bất minh.

Do đó, tài sản bất minh phải được thu hồi triệt để, không phải chỉ khoanh vùng, giới hạn trong phạm vi tài sản của những cán bộ, công chức có chức, có quyền", ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, việc thu hồi tài sản bất minh đã được thế giới làm từ lâu. Một nguyên lý rất đơn giản, đã là tài sản thì phải xác lập quyền sở hữu và nhà nước phải bảo hộ cho quyền sở hữu đó. Hiến pháp Việt Nam cũng nêu rõ nhà nước bảo hộ sở hữu tài sản hợp pháp cho công dân, nhưng nếu tài sản không hợp pháp thì không được nhà nước hay pháp luật bảo hộ.

Ông Sơn cho biết, trong trường hợp này, không cần phải chờ đợi bắt giữ, khởi tố rồi mới thu hồi tài sản bất minh.

"Ở đây cần phải hiểu rất rõ, thu hồi là thu hồi tài sản bất minh. Đây là vấn đề rất mới, pháp luật cần phải đặt ra trong Luật phòng chống tham nhũng để cùng thảo luận, nghiên cứu cụ thể hơn. Ví dụ, ở nước ngoài, đối với những khối tài sản bất minh, họ có thể dựa vào tính chất của từng vụ việc, từng hoàn cảnh cụ thể để đưa ra hình thức xử lý cho phù hợp. Có thể là tịch thu ngay nhưng cũng có thể đánh thuế thật cao (từ 50-70% giá trị khối tài sản đó). Đó cũng là một cách thu hồi", ông Sơn nói.

Thứ hai là, loại tài sản không chứng minh được nguồn gốc sau khi kê khai. Theo ông Sơn, đây là vấn đề khúc mắc đang vướng trong nội hàm Luật phòng chống tham nhũng.

Loại tài sản này thuộc diện những đối tượng buộc phải kê khai, tuy nhiên, việc kê khai tài sản lâu nay vẫn mang tính hình thức, công tác thẩm tra, xác minh yếu, vì vậy, nhân dân nói thẳng việc kê khai quá hời hợt, làm cho có, không chống được tham nhũng.

"Tới đây, nếu muốn vấn đề kê khai thật sự trở thành công cụ để phòng chống tham nhũng thì cần phải nâng cao công tác giải trình. Giải trình phải được xem là trách nhiệm pháp luật buộc những người nằm trong diện phải kê khai tài sản thì cũng phải tự giải thích, chứng minh được nguồn gốc khối tài sản họ đang sở hữu là hợp pháp hay không hợp pháp. Tức là, giải trình không chỉ dừng lại ở mức báo cáo, giải trình nữa mà phải được nâng cấp lên, phải quy định thành "trách nhiệm chứng minh".

Việc tự chứng minh tính hợp pháp của khối tài sản họ đang sở hữu chính là cách để pháp luật thừa nhận tính hợp pháp và để được pháp luật bảo hộ cho khối tài sản của họ theo đúng quy định của Hiến pháp. Trong trường hợp đương sự không chứng minh, hoặc không thể chứng minh được thì tùy vào mức độ, tính chất của từng vụ việc để xử lý. Có thể là điều tra, khởi tố hình sự, cũng có thể thu hồi ngay về ngân sách", ông Sơn chỉ rõ.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho rằng, để công cuộc phòng chống tham nhũng thật sự có hiệu quả thì cần đưa quy định thu hồi tài sản bất minh vào luật pháp.

Ông nói rõ, nếu chúng ta chống tham nhũng nhưng chỉ làm hời hợt như thời gian vừa qua thì không thể đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân, mà nhân dân cũng không đủ kiên nhẫn để chờ đợi mãi như vậy được.

"Chống tham nhũng mà không thu hồi được tài sản bất minh, không thu hồi được tài sản tham nhũng là có tội với dân", ông Sơn nói rõ.

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết "Không thu được tài sản tham nhũng là có tội với dân" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin