Khởi nguồn và sự phát triển: Nơi kết nối đam mê nghiên cứu và giảng dạy pháp luật
Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương, được thành lập ngày 30/07/2012 theo Quyết định số 869/QĐ-ĐHNT-TCHC, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực pháp lý chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tiền thân là Bộ môn Luật thuộc Khoa Quản trị Kinh doanh, Khoa Luật đã không ngừng vươn lên, trở thành nơi đào tạo và nghiên cứu pháp luật hiện đại, gắn kết chặt chẽ giữa tư duy pháp lý và thực tiễn kinh tế.
Lễ tốt nghiệp chương trình Cử nhân Luật Thương mại quốc tế
Không chỉ là nơi đào tạo, Khoa Luật còn là ngôi nhà chung của những cá nhân đam mê mãnh liệt với luật học. Với tầm nhìn trở thành trường đào tạo trong chia sẻ tri thức, nghiên cứu và giảng dạy pháp luật, Khoa luôn nỗ lực kiến tạo một môi trường học thuật năng động, nơi giảng viên, sinh viên và chuyên gia cùng hợp tác để xây dựng những giá trị tri thức bền vững, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của xã hội.
Trải qua 12 năm hình thành và phát triển, Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương, đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, khẳng định vị thế tiên phong trong đào tạo pháp lý tại Việt Nam. Xuất phát với chương trình cử nhân luật chuyên ngành Luật thương mại quốc tế, Khoa Luật đã triển đào tạo chương trình cử nhân định hướng nghề nghiệp Luật Kinh doanh Quốc tế vào năm 2020, cùng với hai chương trình thạc sĩ là thạc sĩ luật kinh vế và chương trình thạc sĩ Luật liên kết với Đại học Tây Anh Quốc ( UWE - University of the West of England) là điểm nhấn, thể hiện sự kết nối quốc tế mạnh mẽ trong giáo dục pháp luật.
Tuyên dương tân thạc sĩ có kết quả học tập cao nhất ngành Luật kinh tế
Ngoài ra, Khoa Luật cũng đã xây dựng chương trình tiến sĩ ngành Luật kinh tế, đánh dấu bước đi chiến lược quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống đào tạo toàn diện của mình từ cấp độ đại học cho đến sau đại học. Năm 2024, một cột mốc mới đã được ghi nhận khi chương trình cử nhân luật liên kết đầu tiên giữa Đại học Ngoại thương và Đại học UWE được chính thức triển khai tại Việt Nam. Đây là minh chứng rõ rệt cho nỗ lực không ngừng của Khoa trong việc kết nối tri thức toàn cầu, mang đến cho sinh viên cơ hội tiếp cận với nền giáo dục pháp luật chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam.
TS Hà Công Anh Bảo, Trưởng Khoa Luật – Trường Đại học Ngoại thương cùng các tân thạc sĩ Chương trình Luật Chính sách và Thương mại quốc tế liên kết với Đại học UWE
Không chỉ dừng lại ở việc đào tạo, Khoa Luật còn chú trọng xây dựng một môi trường học thuật nơi sinh viên được truyền cảm hứng để nghiên cứu khoa học, tham gia vào các hội thảo chuyên ngành và các dự án pháp lý thực tiễn. Qua từng năm, Khoa không ngừng tổ chức các diễn đàn, hội nghị, và hoạt động ngoại khóa để sinh viên và giảng viên cùng chia sẻ niềm đam mê và kiến thức pháp luật, từ đó phát triển tư duy pháp lý sắc bén và kỹ năng ứng dụng thực tế.
Đội ngũ giảng viên tại Khoa Luật
Với đội ngũ giảng viên gồm 6 Phó Giáo sư, 18 Tiến sĩ, và 9 Nghiên cứu sinh, cùng sự đồng hành của các chuyên gia, luật sư uy tín trong nước và quốc tế, Khoa Luật đang hiện thực hóa sứ mệnh đào tạo thế hệ luật sư, nhà nghiên cứu và chuyên gia pháp lý có khả năng hội nhập toàn cầu, góp phần xây dựng một Việt Nam thịnh vượng và công bằng.
Phương pháp đào tạo hướng tới thực hành và thực tiễn
Điểm đặc biệt trong đào tạo luật tại Đại học Ngoại thương là triết lý giáo dục luôn gắn liền với thực tiễn và tính ứng dụng cao. Các chương trình đào tạo, tiêu biểu như chương trình đào tạo Thạc sĩ Luật Kinh tế theo mô hình ứng dụng và chương trình Tiến sĩ Luật Kinh tế, không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu về pháp luật mà còn trang bị cho học viên kỹ năng thực hành và tư duy pháp lý toàn diện.
Học viên được tham gia vào các môn học mang tính thực tế cao như diễn án (moot court), nơi họ đảm nhận các vai trò như luật sư, trọng tài viên, hoặc thẩm phán để giải quyết các tình huống tranh chấp giả định được xây dựng trên những vụ việc thực tế. Đây là cơ hội quý báu để học viên áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn, rèn luyện kỹ năng tranh tụng, tư duy pháp lý, và làm việc nhóm trong môi trường giả lập chuyên nghiệp. Trong các buổi diễn án đều có các luật sư, thẩm phán và trọng tài viên tham dự để hướng dẫn và đánh giá học viên.
Bên cạnh đó, học phần thực tập đòi hỏi các học viên phải phân tích và đánh giá tình hình đàm phàn, giao kết, thực hiện hợp đồng tại đơn vị mình thực tập để có thể rút ra được những kinh nghiệm và đề xuất cho đơn vị thực tập. Sự kết hợp giữa đơn vị đào tạo và đơn vị thực tập được thể hiện trong yêu cầu nhận xét của đơn vị thực tập về kết quả của học viên, từ đó giúp cho đơn vị đào tạo đánh giá được chất lượng và công việc thực tế của học viên.
Phiên toà giả định của lớp Thạc sĩ Luật Kinh tế tại Toà án nhân dân Uông Bí, Quảng Ninh
Một điểm nhấn khác trong phương pháp đào tạo thạc sĩ luật kinh tế là sự đồng hành của các chuyên gia thực tiễn trong các môn học. Dựa trên khảo sát nhu cầu của học viên, lồng ghép vào các môn học sẽ mời các báo cáo viên là chuyên gia thực tiễn đến đến chia sẽ.
Chương trình Tiến sĩ Luật Kinh tế các môn học được thiết kế theo hướng từng chủ đề để giúp nghiên cứu sinh có thể tiếp cận vấn đề nghiên cứu của mình dưới nhiều góc độ. Trong quá trình triển khai, giảng viên sẽ cùng phân tích các vấn đề liên quan của các chủ đề môn học với đề tài luận án của học viên, từ đó đồng hành cùng với học viên trong việc phân tích các vấn đề có liên quan đến luận án. Trong quá trình nghiên cứu, nghiên cứu sinh sẽ tham dự các hội thảo do Khoa và nhà trường tổ chức để có thể công bố các nghiên cứu của mình. Các tiểu ban sinh hoạt chuyên môn cũng được nhà trường xây dựng nhằm góp ý cho nghiên cứu sinh trong quá trình viết luận án.
Thầy và trò Khoa Luật trong chuyến đi tư vấn pháp luật cộng đồng cho doanh nghiệp tại tỉnh Thái Bình
Để tăng cường tính ứng dụng thực tế, Khoa Luật còn tạo cơ hội cho sinh viên, học viên tham gia vào các dự án tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp và người dân, giải quyết các vấn đề pháp lý thực tế dưới sự hướng dẫn của giảng viên và các chuyên gia trong ngành. Từ một dự án được tài trợ bưởi UNDP năm 2014 về tư vấn pháp luật cho người lao động tại các khu công nghiệp, Khoa Luật đã tiếp tục duy trì và phát triển để trở thành hoạt động thường niên. Đây không chỉ là cơ hội để sinh viên, học viên hiểu rõ hơn môi trường làm việc thực tế mà còn giúp mở rộng mạng lưới quan hệ chuyên môn, tạo tiền đề cho sự nghiệp sau này.
Các Hội thảo, Toạ đàm Khoa học được tổ chức thường niên
Ngoài ra, Khoa thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như tham quan tòa án, tham dự các phiên tòa thực tế, và tham gia các hội thảo chuyên đề có sự tham gia của các luật sư, trọng tài viên, và chuyên gia pháp lý uy tín. Đặc biệt, từ năm 2016 Phòng Thực hành pháp luật đã được nhà trường xây dựng nhằm tào ra môi trường lý tưởng để sinh viên thực hành tư vấn pháp lý và tham gia các phiên xét xử mô phỏng.
Những trải nghiệm phong phú và đa dạng này giúp học viên Đại học Ngoại thương không chỉ nắm chắc kiến thức pháp lý mà còn được trang bị kỹ năng thực tiễn và tư duy chuyên sâu, sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu cao của thị trường lao động trong bối cảnh kỷ nguyên vươn mình.
Kết nối thực tiễn và nghiên cứu khoa học
Khoa Luật, Đại học Ngoại thương, luôn coi trọng sự gắn kết giữa thực tiễn và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong các hoạt động dành cho sinh viên. Hằng năm, ngoài việc tham gia các cuộc thi Khoa học của nhà trường tổ chức, Khoa còn tổ chức Hội nghị Sinh viên ngành Luật, tạo sân chơi học thuật cho các bạn sinh viên yêu thích luật trên cả nước. Đây là cơ hội để sinh viên, học viên thể hiện đam mê nghiên cứu, trình bày các ý tưởng sáng tạo và tranh luận các vấn đề pháp lý đa dạng. Hội nghị thu hút sự tham gia của nhiều sinh viên từ các trường đại học trên cả nước, với những bài nghiên cứu xuất sắc được đánh giá cao bởi hội đồng chuyên môn.
Hội nghị Khoa học sinh viên ngành Luật lần thứ VI
Các nghiên cứu tiêu biểu từ hội nghị này đã trở thành nền tảng để sinh viên công bố các công trình của mình trên các tạp chí chuyên ngành. Điều này không chỉ khẳng định năng lực nghiên cứu của sinh viên mà còn giúp các bạn xây dựng hồ sơ học thuật vững chắc, mở ra nhiều cơ hội học tập và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.
Từ năm 2023, để thúc đẩy hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học quốc tế, Khoa Luật đã tiên phong tổ chức Hội thảo Sinh viên Khoa học Quốc tế Ngành Luật, hợp tác cùng Đại học Laval (Canada). Hội thảo này đánh dấu bước tiến mới trong việc kết nối sinh viên luật của Đại học Ngoại thương với các bạn trẻ quốc tế, tạo môi trường để chia sẻ tri thức, trao đổi ý tưởng, và thảo luận các vấn đề pháp lý mang tính toàn cầu.
Các giám khảo và thí sinh của Hội thảo Sinh viên Khoa học Quốc tế Ngành Luật năm 2024
Sự kiện không chỉ giúp sinh viên, học viên Việt Nam tiếp cận với các chuẩn mực nghiên cứu quốc tế mà còn góp phần nâng cao vị thế của Đại học Ngoại thương trong cộng đồng học thuật toàn cầu. Đây cũng là bước đi quan trọng trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực pháp lý chất lượng cao, có khả năng làm việc hiệu quả trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Kết nối và Phát triển: Mở rộng cánh cửa hội nhập pháp luật quốc tế
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Khoa Luật, Đại học Ngoại thương đã chủ động xây dựng mạng lưới kết nối rộng lớn để tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai các chương trình đào tạo luật. Nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng giảng dạy, Khoa đã ký kết hợp tác với nhiều tổ chức uy tín trong và ngoài nước, bao gồm các trung tâm trọng tài thương mại, trung tâm hòa giải, và các văn phòng luật hàng đầu.
Những quan hệ hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực trong việc hỗ trợ sinh viên tiếp cận thực tiễn mà còn góp phần đưa các chương trình đào tạo của Khoa tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Sinh viên có cơ hội tham gia vào các hoạt động thực tế như thực tập tại các văn phòng luật lớn, tiếp cận các phiên hòa giải, và quan sát trực tiếp quy trình giải quyết tranh chấp thương mại tại các trung tâm trọng tài.
Đặc biệt, việc hợp tác với các tổ chức quốc tế đã giúp Khoa triển khai thành công các chương trình đào tạo liên kết, tạo điều kiện cho sinh viên không chỉ học tập trong môi trường pháp lý tiên tiến tại Việt Nam mà còn có cơ hội tiếp cận các nền giáo dục luật học hàng đầu thế giới.
Các hoạt động hợp tác này còn mở ra cánh cửa để giảng viên và người học của Khoa tham gia vào các hội thảo quốc tế, các dự án nghiên cứu chung, và các khóa tập huấn chuyên sâu, góp phần phát triển chuyên môn và khẳng định vị thế của Khoa Luật trong cộng đồng học thuật toàn cầu.
Với tầm nhìn chiến lược và sự quyết tâm không ngừng, Khoa Luật đang từng bước xây dựng một hệ sinh thái đào tạo và nghiên cứu luật học toàn diện, kết nối chặt chẽ giữa học thuật, thực tiễn và nhu cầu của thị trường lao động pháp lý trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Định hướng phát triển
Trong thời gian tới, Khoa Luật, Đại học Ngoại thương, sẽ tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong với định hướng phát triển đa ngành, dựa trên nền tảng lợi thế về đào tạo thực tiễn, phương pháp giảng dạy hiện đại và sự tích hợp sâu rộng các học phần về tiếng Anh pháp lý.
Khoa Luật tập trung xây dựng các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động trong nước và quốc tế, giúp sinh viên không chỉ vững về chuyên môn mà còn thành thạo các kỹ năng làm việc trong môi trường toàn cầu. Các học phần về tiếng Anh pháp lý sẽ được đẩy mạnh, trang bị cho sinh viên khả năng tiếp cận và làm việc hiệu quả trong các lĩnh vực pháp lý quốc tế.
Đồng thời, Khoa Luật hướng tới việc phát triển các ngành học mới, đa dạng hóa các lĩnh vực đào tạo nhằm tạo ra những chuyên gia pháp lý không chỉ hiểu biết sâu rộng về pháp luật mà còn có khả năng ứng dụng trong các ngành liên quan như kinh tế, kinh doanh và công nghệ.
Với cam kết không ngừng đổi mới, Khoa Luật, Đại học Ngoại thương, sẽ là nơi khởi nguồn cho những thế hệ luật sư, chuyên gia pháp lý đa năng, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của một thế giới toàn cầu hóa và không ngừng biến đổi.