“Khám phá” lợi ích của những giải thưởng Nobel Kinh tế 3 năm gần đây

09/03/2021 09:53

(Pháp lý) - Nghiên cứu phương pháp để giúp nhân loại đến gần hơn với phát triển kinh tế bền vững và phúc lợi cho mọi người; Nỗ lực xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng, giới thiệu một cách tiếp cận mới để giải quyết tình trạng đói nghèo toàn cầu; Hay phát minh ra các hình thức đấu giá hoàn toàn mới để bán hàng hóa và dịch vụ…., là những nội dung giá trị được giải thưởng Nobel kinh tế 3 năm gần đây.

Nếu như năm 2018, đóng góp của 2 nhà khoa học Paul Romer và William Nordhaus đều mang tính phương pháp luận, cung cấp cho chúng ta những cái nhìn cơ bản về nguyên nhân và hệ quả của những sáng tạo công nghệ và biến đổi khí hậu. Công trình nghiên cứu của họ đã mang nhân loại đến gần hơn với phát triển kinh tế bền vững. Thì năm 2019, giải Nobel Kinh tế đã được trao cho ba nhà kinh tế học là Esther Duflo (người Mỹ gốc Pháp), Abhijit Banerjee (người Mỹ gốc Ấn Độ) và Michael Kremer (người Mỹ) cho những thử nghiệm của họ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Còn năm 2020, Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã chọn ra những chủ nhân mới cho giải Nobel Kinh tế 2020: Paul R. Milgrom và Robert B. Wilson - hai nhà kinh tế học xuất sắc đạt giải Nobel kinh tế năm 2020. Họ đã có những đóng góp lớn, phát minh ra các hình thức đấu giá hoàn toàn mới để bán hàng hóa và dịch vụ. Những hình thức đấu giá do Paul R. Milgrom và Robert B. Wilson tạo ra đã phổ biến rộng rãi, mang lại lợi ích cho các thương nhân, người tiêu dùng và cơ quan thuế trên toàn thế giới.

Hai nhà khoa học người Mỹ Paul R.Milgrom (trái) và Robert B.Wilson đạt giải Nobel Kinh tế 2020

Nobel Kinh tế 2020 tôn vinh nghiên cứu về đấu giá thương mại, mang lại lợi ích xã hội to lớn

Thông thường, mọi người luôn muốn bán cho những người trả giá cao nhất hoặc mua từ người bán nào đưa ra mức giá rẻ nhất. Ngày nay, các vật dụng hay hàng hóa có giá trị lớn được giao dịch mỗi ngày qua các cuộc đấu giá, không chỉ đồ gia dụng, các tác phẩm nghệ thuật và cổ vật, mà còn cả chứng khoán, khoáng sản và năng lượng. Các chương trình mua sắm công cũng có thể được tiến hành như các cuộc đấu giá.

Vận dụng thuyết đấu giá, hai nhà nghiên cứu người Mỹ đạt giải Nobel Kinh tế 2020 đã nỗ lực tìm hiểu những tác động của các quy tắc khác nhau về đấu thầu và các mức giá cuối cùng, hình thức đấu giá. Đây là một vấn đề khó, bởi những người tham gia đấu giá thường hành xử theo một chiến lược bài bản, dựa trên những thông tin sẵn có. Họ cân nhắc cả những điều họ biết và cả những điều mà họ tin rằng những người đấu giá khác phải biết.

Nhà kinh tế học B.Wilson đã phát triển lý thuyết đấu giá các vật dụng mang giá trị chung (Common Value), một giá trị dù không mang tính chắc chắn trước đó nhưng cuối cùng lại được tất cả mọi người có chung nhận định. Ví dụ như giá trị tương lai của tần số vô tuyến hay sản lượng khoáng sản tại một địa điểm cụ thể.

Ông B.Winson đã chỉ ra lý do tại sao những nhà đặt giá thầu thường có xu hướng đưa ra giá thầu thấp hơn so với giá trị chung được ước lượng: đó là vì họ lo lắng về cái gọi là Lời nguyền của kẻ thắng cuộc (Winner's Curse) hay sai lầm của kẻ thắng cuộc là tình huống trong đó người thắng đấu giá bị thiệt hại do đánh giá cao giá trị của sản phẩm và trả giá quá cao để có được sản phẩm đó.

Trong khi đó, nhà kinh tế học R.Milgrom đã xây dựng một lý thuyết tổng quát hơn về đấu giá, theo đó không chỉ cho phép các giá trị chung mà còn cho phép các giá trị riêng khác nhau giữa những người đấu giá. Ông đã phân tích các chiến lược đấu giá trong một số hình thức đấu giá nổi tiếng, chứng minh rằng một hình thức sẽ mang lại cho người bán doanh thu dự kiến cao hơn khi những người đấu giá nghiên cứu và tham khảo thêm về các giá trị ước tính của nhau trong quá trình đấu giá.

Để đáp ứng nhu cầu định giá, hai nhà kinh tế R.Milgrom và B.Wilson đã sáng tạo ra hình thức đấu giá mới, trong đó bán đấu giá đồng thời nhiều hàng hóa có liên quan với nhau. Phương pháp này dựa trên lý thuyết rằng người bán được động viên bởi các lợi ích xã hội lớn hơn doanh thu tối đa.

Chủ tịch Ủy ban Nobel Kinh tế Peter Fredricksson đánh giá hai nhà kinh tế đoạt giải Nobel Kinh tế 2020 đã nghiên cứu từ những lý thuyết cơ bản, từ đó vận dụng kết quả thu được trong các ứng dụng thực tế để áp dụng trên quy mô toàn cầu. Ông nhấn mạnh khám phá này của họ mang lại lợi ích to lớn cho xã hội. Những tác động từ thành quả nghiên cứu của 2 nhà kinh tế học Mỹ có thể được nhìn thấy khắp thế giới, theo AP.

Theo nghiên cứu của 2 nhà kinh tế Wilson và Milgrom, một giải pháp là để người bán cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt trước khi cuộc đấu giá bắt đầu, có thể là cung cấp đánh giá độc lập về mặt hàng đang được bán. Điều này giải quyết vấn đề không chỉ giúp người bán có giá tốt hơn mà còn giúp đảm bảo vật phẩm được đấu giá đến tay người trả giá để sử dụng hiệu quả nhất. Đây cũng chính là một mục tiêu chính của chính sách kinh tế.

Nobel Kinh tế 2019 vinh danh ba nhà khoa học Mỹ với công trình nghiên cứu giảm nghèo

Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer - 3 nhà kinh tế học người Mỹ với công trình nghiên cứu giúp nhân loại tiến gần hơn với mục tiêu chiến thắng tình trạng nghèo khó.

Bất chấp những bước tiến đáng kể gần đây, cái nghèo vẫn là một trong những vấn đề hàng đầu con người phải đối mặt: Hơn 700 triệu người trên thế giới vẫn đang sống với mức thu nhập cực kỳ thấp. Mỗi năm khoảng 5 triệu trẻ em qua đời vì những chứng bệnh hoàn toàn có thể chữa hoặc ngăn chặn được bằng những phương pháp không quá tốn kém.

Những nhà kinh tế đạt giải Nobel năm 2019 đã giới thiệu một cách tiếp cận mới để giải quyết tình trạng đói nghèo toàn cầu: họ chia vấn đề vĩ mô này thành những vấn đề nhỏ và sau đó xử lý chúng bằng các thực nghiệm được thiết kế tỉ mỉ và chuẩn xác, với trọng tâm là những nạn nhân đang chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Từ giữa những năm 1990, Michael Kremer và đồng nghiệp đã chứng minh sức mạnh của phương pháp này bằng cách áp dụng và cải thiện hiệu quả của các trường học tại Kenya. Không lâu sau đó, Kremer cùng Abhijit Banerjee và Esther Duflo tiếp tục những thực nghiệm tương tự tại nhiều quốc gia khác nhau.

Phương pháp tiếp cận này đã giúp 5 triệu trẻ em Ấn Độ hưởng lợi từ các chương trình học hiệu quả hơn. Bên cạnh đó ngành y tế nhiều nước khác cũng được hỗ trợ về tài chính, nhờ đó củng cố chương trình chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật cho nhiều người.

Abhijit Banerjee ra đời năm 1961 tại Mumbai, Ấn Độ. Ông đã nhận bằng Tiến sĩ của Đại học Harvard năm 1988. Hiện tại ông là Giáo sư Kinh tế quốc tế tại Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ).

Esther Duflo sinh năm 1972 tại Paris (Pháp). Bà được Viện Công nghệ Massachusetts trao bằng Tiến sĩ năm 1999. Hiện bà là một Giáo sư về xóa đói giảm nghèo và kinh tế phát triển tại Viện Công nghệ Massachusetts.

Tiến sĩ Michael Kremer sinh năm 1964, hiện đang công tác tại Đại học Harvard và phụ trách giảng dạy bộ môn Phát triển xã hội.

Nobel Kinh tế năm 2018 cung cấp cho xã hội phương pháp để giải quyết vấn đề phát triển bền vững và phúc lợi của người dân

Hai nhà kinh tế học người Mỹ William D.Nordhaus (trái) và Paul M.Romer được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018

Năm 2018, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố giải Nobel Kinh tế 2018 thuộc về nhà kinh tế học William Nordhaus với nghiên cứu về kinh tế khí hậu và Paul Romer với nghiên cứu về thuyết tăng trưởng nội sinh.

Paul M. Romer sinh năm 1955, hiện là Giáo sư môn Kinh tế học kiêm Giám đốc dự án Đô thị hóa tại trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York (Mỹ). Ông là người đã đặt nền móng cho "thuyết tăng trưởng nội sinh", một lý thuyết vừa mang tính học thuật vừa giàu giá trị thực tiễn. Đóng góp này đã tạo cảm hứng và tiền đề cho các nghiên cứu về các quy định và chính sách, nhằm khuyến khích sự ra đời của các ý tưởng mới và thúc đẩy sự thịnh vượng dài hạn.

Người chiến thắng còn lại, Giáo sư Đại học Yale William Nordhaus, sinh năm 1941, được công nhận nhờ những phát hiện liên quan tới sự tương tác giữa xã hội và thiên nhiên. Ông chính là người đầu tiên tạo ra mô hình đánh giá hợp nhất, mô hình định lượng mô tả mối quan hệ giữa khí hậu và kinh tế. Thành tựu của ông hiện đang được sử dụng rộng rãi để đánh giá tác động của các chính sách khí hậu.

Ông Göran K. Hansson, Tổng Thư ký Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển, nhận định: "Đóng góp của Paul Romer và William Nordhaus đều mang tính phương pháp luận, cung cấp cho chúng ta những cái nhìn cơ bản về nguyên nhân và hệ quả của những sáng tạo công nghệ và biến đổi khí hậu".

Công trình nghiên cứu của hai nhà khoa học đã mang nhân loại đến gần hơn với phát triển kinh tế bền vững. Cả hai sẽ chia nhau phần thưởng chín triệu kronor (tương đương khoảng một triệu đô la Mỹ) và ghi tên mình vào lịch sử của giải thưởng Nobel danh giá.

Hồng Quân

Bạn đang đọc bài viết "“Khám phá” lợi ích của những giải thưởng Nobel Kinh tế 3 năm gần đây" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin