1. Khái niệm và vấn đề khai thác kinh tế tài sản trí tuệ
Với tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, khi công nghệ là một trong những yếu tố trung tâm tạo nên sự chi phối đối với nền kinh tế thì tài sản trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp nói riêng và trong nền kinh tế hiện đại nói chung.
Thuật ngữ “intellectual property” được hiểu là sở hữu trí tuệ hay tài sản trí tuệ đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) định nghĩa là những sáng tạo của trí óc, ví dụ như phát minh; tác phẩm văn học, nghệ thuật; kiểu dáng; các biểu tượng, tên và hình ảnh được sử dụng trong thương mại[1].
Khái niệm về tài sản trí tuệ cũng đã được đưa ra trong pháp luật về sở hữu trí tuệ của một số nước. Chẳng hạn như Luật Cơ bản về sở hữu trí tuệ của Nhật Bản năm 2002 đã làm rõ định nghĩa tài sản trí tuệ bằng việc liệt kê các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm: Sáng chế, thiết bị, giống cây trồng mới, thiết kế, công trình và tài sản khác được tạo ra từ hoạt động sáng tạo của con người. Theo đó, nhãn hiệu, tên thương mại và các dấu hiệu khác dùng để chỉ hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động kinh doanh, các thông tin kỹ thuật, kinh doanh khác có ích cho hoạt động kinh doanh cũng được xếp vào tài sản trí tuệ[2].
Ở Úc, mặc dù định nghĩa về tài sản trí tuệ chưa được đưa ra trong các đạo luật cụ thể về sở hữu trí tuệ nhưng trong cuốn Sổ tay chỉ dẫn về sở hữu trí tuệ của Bộ Truyền thông và Nghệ thuật thuộc Chính phủ Úc có làm rõ về thuật ngữ này. Khác với cách tiếp cận về tài sản trí tuệ trên phương diện là đối tượng của quyền (quyền sở hữu trí tuệ) như Nhật Bản, thuật ngữ “tài sản trí tuệ” (“intellectual property”) ở Úc được tiếp cận dưới góc độ là một loại quyền, hay nói cách khác là một đối tượng có bản chất là quyền. Theo đó, thuật ngữ tài sản trí tuệ dùng để chỉ các quyền khác nhau mà pháp luật trao cho các chủ thể nhằm bảo vệ những kết quả sáng tạo của mình, đặc biệt là để bảo vệ giá trị kinh tế của những kết quả sáng tạo đó[3].
Tại Việt Nam, mặc dù thuật ngữ “tài sản trí tuệ” đã được đề cập trong quy định về khái niệm quyền sở hữu trí tuệ tại khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung các năm 2009 và 2019 (Luật Sở hữu trí tuệ)[4], tuy nhiên, Luật này lại không làm rõ khái niệm tài sản trí tuệ và theo tìm hiểu của chúng tôi thì cũng không thấy có văn bản quy phạm pháp luật nào của Việt Nam đưa ra định nghĩa cụ thể về tài sản trí tuệ. Do đó, khái niệm tài sản trí tuệ ở Việt Nam hiện nay thường được nghiên cứu dưới góc độ pháp lý thông qua quyền sở hữu trí tuệ hoặc được tiếp cận dưới góc độ tài sản. Trong giới nghiên cứu khoa học, tồn tại một số quan điểm về khái niệm tài sản trí tuệ như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Tài sản trí tuệ là tài sản vô hình có tính sáng tạo, xác định được, kiểm soát được và có khả năng tạo ra lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu[5].
- Quan điểm thứ hai: Tài sản trí tuệ là tài sản vô hình, là thành quả của hoạt động tư duy, sáng tạo của con người. Tài sản trí tuệ là loại tài sản đặc biệt bởi nó là tài sản vô hình nhưng trong nhiều trường hợp nó lại chứa đựng giá trị vật chất, tinh thần to lớn và xã hội thường tiếp cận tài sản trí tuệ thông qua các dạng vật thể, tức là khi sản phẩm trí tuệ đã được vật chất hóa[6].
- Quan điểm thứ ba: Quan điểm này đưa ra khái niệm tài sản trí tuệ từ cách tiếp cận theo cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp. Theo đó, tài sản trí tuệ hiểu theo nghĩa rộng là kết quả của hoạt động sáng tạo trí tuệ của con người, bao gồm tất cả các sản phẩm của hoạt động trí tuệ từ các ý tưởng, tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình khoa học cho tới các giải pháp kỹ thuật, thiết kế bố trí, phần mềm máy tính..., hay theo một cách rộng hơn nữa, tài sản trí tuệ được hiểu là bất kỳ tri thức nào có giá trị do cá nhân hoặc tổ chức nắm giữ, dù được pháp luật bảo hộ hay chỉ có tính hữu ích thông thường. Còn theo nghĩa hẹp, tài sản trí tuệ được hiểu dưới góc độ pháp lý chính là các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm: Các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả (tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng); các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý…) và các đối tượng của quyền đối với giống cây trồng (vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch)[7].
Chúng tôi đồng tình với cách đưa ra khái niệm về tài sản trí tuệ theo cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp của quan điểm thứ ba, bởi nó đã bao hàm được đầy đủ cả hai góc độ tiếp cận đối với tài sản trí tuệ: Từ góc độ tài sản với những tính chất đặc biệt của nó và từ góc độ là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với tư tưởng của Luật Sở hữu trí tuệ.
Như vậy, một cách ngắn gọn, tài sản trí tuệ là tài sản được tạo ra từ những sáng tạo của trí óc con người, bao gồm các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, như tác phẩm văn học, sáng chế, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, vật liệu nhân giống… Tài sản trí tuệ có thể mang lại những lợi ích về tinh thần và đặc biệt là lợi ích về vật chất cho chủ thể nắm giữ thông qua hoạt động khai thác, sử dụng.
Với những ưu thế như: (i) Không bị giới hạn phạm vi sử dụng, có thể được khai thác cùng một lúc ở nhiều nơi; (ii) Không bị khấu hao như tài sản hữu hình; (iii) Có khả năng sinh lợi quyết định sự gia tăng giá trị của sản phẩm, dịch vụ và tạo cho doanh nghiệp có ưu thế cạnh tranh trên thị trường[8], có thể thấy, tài sản trí tuệ không những chứa đựng giá trị tinh thần mà còn mang giá trị kinh tế to lớn, góp phần quan trọng vào sự hình thành và phát triển nền khoa học, công nghệ, kỹ thuật và văn minh xã hội. Theo đánh giá của Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, “các tài sản trí tuệ đang là cơ sở để đánh giá sự trụ vững và hoạt động trong tương lai của doanh nghiệp”[9].
Thực tiễn cho thấy, tài sản trí tuệ hiện đang chiếm một tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu giá trị của doanh nghiệp. Chỉ một vài thập kỷ trước đây, tài sản hữu hình vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá trị của các doanh nghiệp. Điển hình như ở Hoa Kỳ, trước đây, tài sản hữu hình trong doanh nghiệp chiếm tới 80%. Tuy nhiên, đến nay, theo số liệu thống kê, tỷ lệ giá trị tài sản trí tuệ trung bình chiếm trên 65% tổng giá trị tài sản trong các công ty thuộc top 500 Fortune, thậm chí hơn 90% đối với một số công ty trong nhóm. Tài sản trí tuệ cũng đem lại trung bình lên đến 40% doanh thu cho doanh nghiệp và thường không được thể hiện trong các báo cáo tài chính[10].
Thực tế trên đã và đang đặt ra tính cần thiết đối với công tác bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển các tài sản trí tuệ. Trong đó, khai thác kinh tế các tài sản trí tuệ chính là một hướng đi có triển vọng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh dư địa phát triển của nền kinh tế dựa vào tài nguyên thô và lao động giá rẻ đang ngày càng thu hẹp. Theo đó, khai thác kinh tế các tài sản trí tuệ có thể được hiểu là việc khai thác các tài sản trí tuệ nhằm biến chúng thành giá trị kinh tế hay tạo ra lợi nhuận từ chính việc chủ sở hữu hoặc chủ thể được chủ sở hữu cho phép tiến hành khai thác giá trị của quyền sở hữu và quyền sử dụng các kết quả của hoạt động sáng tạo trí tuệ. Hoạt động này sẽ giúp khai thác tối đa hiệu quả của các tài sản trí tuệ, góp phần đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội.
2. Ý nghĩa khai thác kinh tế tài sản trí tuệ đối với phát triển kinh tế - xã hội.
2.1. Khai thác kinh tế tài sản trí tuệ là giải pháp để Nhà nước cân bằng lợi ích giữa xã hội với chủ sở hữu tài sản trí tuệ
Tài sản trí tuệ là một loại tài sản đặc thù, giá trị cốt lõi nhất của tài sản trí tuệ là “chất xám”, tri thức mà một cá nhân, tập thể bỏ ra trong quá trình lao động và thực sự là sáng tạo ra một hoặc nhiều tài sản mà nhiều trong số đó có tính ứng dụng cao, có khả năng làm thay đổi mạnh mẽ các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Do giá trị cao nhất của tài sản trí tuệ thuộc về cá nhân hoặc nhóm cá nhân nhưng lại có tác động to lớn đến sự phát triển chung của cộng đồng nên việc khai thác tài sản trí tuệ cho lợi ích chung đặt ra vấn đề về cân bằng lợi ích giữa hai bên chủ thể gồm chủ sở hữu tài sản trí tuệ và xã hội, cộng đồng.
Nhà nước với vai trò là tổ chức quản lý xã hội, đã giải quyết bài toán cân bằng này bằng việc ban hành pháp luật về sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ thông qua việc công nhận, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời, quy định về giới hạn và thời hiệu của những quyền này để bảo đảm cho xã hội vẫn có khả năng tiếp cận và khai thác tài sản trí tuệ.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của khoa học, công nghệ ngày càng nhanh, việc chờ đợi rất lâu mới được tiếp cận tài sản trí tuệ là gây lãng phí rất lớn đối với loại tài sản này. Do đó, cần phải thực hiện đưa tài sản trí tuệ vào lưu thông như một loại hàng hóa, thông qua việc định giá, ứng dụng kịp thời và phát triển cao hơn các tài sản trí tuệ mới là giải pháp đúng đắn. Trong quá trình này, chủ sở hữu tài sản trí tuệ sẽ nhận được lợi ích kinh tế tương ứng và xã hội cũng kịp thời tiếp cận và khai thác tài sản trí tuệ.
Trong nền kinh tế thị trường, chỉ cần Nhà nước bảo đảm được khung pháp lý vững chắc và có chính sách xúc tác, tự bản thân lợi ích của chủ sở hữu tài sản trí tuệ và lợi ích của xã hội sẽ “gặp nhau” để giải quyết chính bài toán cân bằng ban đầu mà không cần có sự can thiệp bắt buộc.
2.2. Khai thác kinh tế tài sản trí tuệ giúp bảo vệ quyền của chủ sở hữu và nâng cao giá trị của tài sản trí tuệ
Khai thác kinh tế tài sản trí tuệ bên cạnh việc đem đến giá trị kinh tế cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ, còn là quá trình bảo đảm cho tài sản trí tuệ được định danh chủ sở hữu một cách rõ ràng trên thị trường, đây là cơ sở vô cùng quan trọng để hạn chế kẻ xấu đánh cắp hay khai thác trái phép tài sản trí tuệ. Ngoài việc tự khai thác tài sản trí tuệ để khẳng định quyền sở hữu, các chủ thể sở hữu tài sản trí tuệ có thể thông qua các biện pháp thương mại hóa tài sản trí tuệ như: Nhượng quyền thương mại, góp vốn bằng tài sản trí tuệ, liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, thành lập doanh nghiệp khoa học, công nghệ…
Trong quá trình khai thác kinh tế tài sản trí tuệ, giá trị của tài sản trí tuệ cũng sẽ được tăng lên theo thời gian dựa theo mức độ ứng dụng, độ nổi tiếng hay sự ưu việt của tài sản trí tuệ đó trên thị trường. Tài sản trí tuệ là tài sản có thể nâng cấp và cải tiến, phát triển vô hạn miễn sao chủ thể phát triển tài sản trí tuệ có đủ năng lực trí tuệ và kinh tế.
Hiện nay, vẫn còn nhiều tài sản trí tuệ là các công trình nghiên cứu, các sáng chế, phát minh đang chưa được đầu tư khai thác kinh tế dẫn đến thất thoát một nguồn tài sản có tiềm năng vô cùng lớn của quốc gia[11]. Một điển hình là hoạt động nghiên cứu ở các trường đại học và thậm chí sau đại học của nhiều quốc gia hiện nay chưa được chú trọng. Những kết quả nghiên cứu của học sinh, sinh viên có thể là chưa đầy đủ và trọn vẹn nhưng có tiềm năng rất lớn để phát triển thành những sản phẩm có thể ứng dụng vào phát triển kinh tế - xã hội.
2.3. Khai thác kinh tế tài sản trí tuệ mở ra nhiều triển vọng phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học
Trên thực tế, có một nghịch lý đang tồn tại là: (i) Nhiều doanh nghiệp muốn đổi mới sáng tạo nhưng không thể/không dám đầu tư vào nghiên cứu khoa học[12]; (ii) Nhiều nhà nghiên cứu chật vật với nguồn kinh phí eo hẹp, thiếu nguồn tài liệu, thậm chí từ bỏ nghiên cứu[13]. Việc nhà nghiên cứu và doanh nghiệp “chưa gặp được nhau” xuất phát từ việc chưa xây dựng được một không gian giao lưu giữa họ.
Khai thác kinh tế tài sản trí tuệ là biện pháp giúp đưa sản phẩm của các nhà nghiên cứu khoa học và nhu cầu của doanh nghiệp “gặp nhau”. Việc tạo cơ chế cho tài sản trí tuệ trở thành một hàng hóa giá trị cao sẽ tạo động lực to lớn cho các nhà nghiên cứu trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Ở các quốc gia phát triển, hoạt động đặt hàng các nghiên cứu của doanh nghiệp đối với các nhà nghiên cứu hay các triển lãm nghiên cứu khoa học đã diễn ra từ lâu, giải quyết được rất nhiều vấn đề của nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Sự giao lưu giữa các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp không đơn thuần là quan hệ mua bán, nó còn là một hoạt động phát triển xã hội khi một bên sẽ nêu vấn đề còn một bên tìm cách giải quyết vấn đề và chỉ khi giải quyết được các mâu thuẫn còn tồn tại thì xã hội mới có thể phát triển. Đối với nhà nghiên cứu, bên cạnh các mục tiêu về tài chính thì việc công trình của họ thông qua thị trường lưu thông, giải quyết được nhu cầu của xã hội mới là động lực to lớn nhất thúc đẩy họ tiếp tục hoạt động nghiên cứu của mình.
Vì thế, việc khai thác kinh tế tài sản trí tuệ không đơn thuần là thương mại hóa một tài sản trí tuệ, là định giá, là mua bán tài sản trí tuệ để đem về lợi nhuận. Khai thác kinh tế tài sản trí tuệ đặt trong tổng thể sự phát triển của nền kinh tế và nền khoa học của một quốc gia, là hoạt động kết nối, giữ cho kinh tế và khoa học tương tác lẫn nhau, tạo động lực phát triển cho cả hai trụ cột này.
3. Pháp luật sở hữu trí tuệ trong khai thác kinh tế tài sản trí tuệ
3.1. Thực trạng pháp luật quốc tế về khai thác kinh tế tài sản trí tuệ
Hiện nay, pháp luật quốc tế quy định về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhưng lại chưa có một văn bản pháp luật nào thống nhất quy định về việc khai thác kinh tế tài sản trí tuệ mà chỉ quy định về thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ rải rác ở nhiều văn bản pháp luật.
Pháp luật quốc tế quy định tập trung vào 03 hình thức thương mại hóa, đó là: Quy định các quyền của chủ sở hữu được bảo hộ, để từ đó, họ có thể tự khai thác những quyền này, quy định về chuyển nhượng quyền sở hữu và quy định về chuyển quyền sử dụng.
Với hình thức chủ sở hữu tự khai thác quyền tác giả và quyền liên quan, các quy định pháp luật quốc tế quy định về việc chủ sở hữu tự khai thác quyền tác giả và về việc chủ sở hữu tự khai thác quyền liên quan. Việc chủ sở hữu tự khai thác quyền tác giả được quy định tại Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (Hiệp ước WCT) và Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS). Bên cạnh đó, việc chủ sở hữu tự khai thác quyền liên quan được quy định tại Công ước quốc tế về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng (Công ước Rome năm 1961), Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống việc sao chép không được phép bản ghi âm của họ (Công ước Geneva), Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (Hiệp ước WPPT), Hiệp định TRIPS. Ngoài ra, việc chủ sở hữu tự khai thác quyền sở hữu công nghiệp được quy định trong Công ước Paris năm 1883 về bảo hộ sở hữu công nghiệp (Công ước Paris), Hiệp định TRIPS và việc chủ sở hữu tự khai thác quyền đối với giống cây trồng được quy định tại Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (Công ước UPOV).
Với hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu, các quy định pháp luật quốc tế nằm trong các văn bản sau: Công ước Paris, Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa, Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa, Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp và Hiệp định TRIPS.
Với hình thức chuyển quyền sử dụng, các quy định tập trung tại Công ước Geneva và Hiệp định TRIPS.
Như vậy, qua việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, có thể thấy, vai trò của các quy định pháp luật quốc tế là xác định những hình thức khai thác kinh tế tài sản trí tuệ tiêu biểu và đặt ra định hướng chung cho các phương thức thương mại hóa tài sản trí tuệ, đặc biệt là hình thức chủ sở hữu tự khai thác các quyền mà họ được bảo hộ. Tuy nhiên, xét dưới góc độ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như hoạt động khai thác kinh tế tài sản trí tuệ ngày càng được đẩy mạnh, các quy định pháp luật quốc tế như vậy là còn nằm rải rác, thiếu tính tập trung.
3.2. Vai trò của pháp luật sở hữu trí tuệ trong khai thác kinh tế tài sản trí tuệ
Trong thời kỳ đầu của pháp luật về sở hữu trí tuệ, các tổ chức quốc tế và các nhà nước xây dựng pháp luật về sở hữu trí tuệ đơn thuần dựa trên nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu tài sản trí tuệ và lợi ích xã hội. Pháp luật nhiều nước dù có công nhận tài sản trí tuệ có thể sử dụng trong hoạt động kinh tế nhưng không thực sự xây dựng một hành lang pháp lý đủ vững chắc dành cho nó, dẫn đến khi nhu cầu của thị trường xuất hiện, pháp luật hiện hành không đủ cơ sở để bảo đảm cho các hoạt động khai thác kinh tế tài sản trí tuệ diễn ra thuận lợi, đánh mất nhiều cơ hội phát triển của nền kinh tế.
Pháp luật sở hữu trí tuệ không thể thay cho pháp luật về kinh doanh, thương mại để đưa ra những quy định liên quan đến mua bán, kinh doanh tài sản trí tuệ mà chủ yếu quy định về các cơ sở cho những hoạt động đó, như: Làm rõ hơn các quyền nhân thân và quyền tài sản; tiêu chí định giá tài sản trí tuệ; các thời điểm chuyển giao quyền trong chuỗi các quy trình trong hoạt động khai thác kinh tế tài sản trí tuệ; khả năng tăng giá trị của tài sản trí tuệ; mở rộng thêm trách nhiệm của các bên có liên quan trong việc khai thác kinh tế tài sản trí tuệ, kể cả cơ quan chuyên trách nếu thành lập mới…
4. Một số giải pháp đối với Việt Nam
Để khai thác kinh tế tài sản trí tuệ có hiệu quả, cần thiết phải xây dựng một chế định pháp luật riêng cho khai thác kinh tế tài sản trí tuệ, trong đó, làm rõ những cơ sở mà chúng tôi đã nêu. Ngoài ra, chúng ta cần có sự học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm khai thác kinh tế tài sản trí tuệ từ các quốc gia đã thành công như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… để tìm ra phương pháp đúng đắn và quy trình thực hiện phù hợp cho từng phương pháp trong bối cảnh thực tế Việt Nam chưa có quá nhiều kinh nghiệm và nhận thức của người dân, doanh nghiệp về vấn đề này còn hạn chế.
Chúng tôi cũng nhận định rằng, cơ sở tốt nhất để bắt đầu đẩy mạnh việc khai thác kinh tế tài sản trí tuệ là từ các trường đại học - cái nôi của hoạt động nghiên cứu ở Việt Nam và cũng là nơi cần phải đầu tư nhất về các hoạt động học thuật, nghiên cứu khoa học. Thông qua các cơ chế như: Kết nối doanh nghiệp - nhà trường; kết nối viện nghiên cứu - nhà trường; Văn phòng chuyển giao công nghệ trong trường đại học… sẽ là cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ nghiên cứu khoa học của sinh viên nói riêng và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam nói chung trong tương lai.
[1]. WIPO (2020), What is intellectual property?, https://www.wipo.int/edocs/pubdocs/en/wipo_pub_ 450_2020.pdf, truy cập ngày 08/10/2022.
[2]. Đinh Mạnh Tuấn, Nguyễn Thị Phương Dung (2019), “Quy định pháp lý về bảo vệ tài sản trí tuệ công nghiệp ở Nhật Bản và một số khuyến nghị đối với Việt Nam”, Tạp chí Cộng Sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/ guest/chi-tiet-tim-kiem/-/2018/493351/quy-%C4%91inh-phap-ly-ve-bao-ve-tai-san-tri-tue-cong-nghiep-o-nhat-ban-va-mot-so-khuyen-nghi-%C4%91oi-voi-viet-nam.aspx, truy cập ngày 08/10/2022.
[3]. Australian Government - Department of Communications and the Arts (2018), Intellectual property manual, tr. 32.
[4]. Khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ đưa ra định nghĩa về quyền sở hữu trí tuệ như sau: “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”.
[5]. Trần Văn Nam (2019), “Nhận dạng một số bất cập về xác định giá trị tài sản trí tuệ của các startup Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Pháp luật và thực tiễn, Số 41, tr. 56.
[6]. Kiều Thị Thanh (1999), “Quyền sở hữu vật chất và quyền sở hữu trí tuệ - Những khác biệt cơ bản”, Tạp chí Luật học, Số 5, tr. 46.
[7]. Trần Lê Hồng (2012), “Một số vấn đề về tài sản trí tuệ nhìn từ góc độ khoa học pháp lý và vấn đề về hoàn thiện pháp luật Việt Nam”, Bài viết hội thảo, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 5.
[8]. Trần Thị Bảo Ánh (2018), “Hoàn thiện quy định của pháp luật về định giá tài sản trí tuệ và sử dụng lao động trong các thương vụ mua lại và sáp nhập ngân hàng thương mại”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 22(374), tr. 47.
[9]. Kamil Idris (2009), “Sở hữu trí tuệ - Một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế”, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, tr. 54.
[10]. Khắc Vinh (2022), “Làm thế nào để quản lý tốt tài sản trí tuệ? 2 bài học từ Viettel”, https://phaply.net.vn/lam-the-nao-de-quan-ly-tot-tai-san-tri-tue-2-bai-hoc-kinh-nghiem-tu-viettel-a254822.html, truy cập ngày 08/10/2022.
[11]. Lan Hương, “Đề tài nghiên cứu khoa học cất ngăn kéo, gây lãng phí ngân sách nhà nước”, https://quochoi.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-tuc.aspx?ItemID=68273&CategoryId=0, truy cập ngày 19/11/2022.
[12]. Thu Ngân, “Đầu tư vào khoa học công nghệ: Vì sao Doanh nghiệp còn lúng túng, chần chừ?”, https://moit.gov.vn/tin-tuc/bo-cong-thuong-voi-doanh-nghiep/dau-tu-vao-khoa-hoc-cong-nghe-vi-sao-dn-con-lung-tung-chan-c.html, truy cập ngày 19/11/2022.
[13]. Lê Thoa, “Làm nghiên cứu “tử tế” quá khó”, https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/lam-nghien-cuu-tu-te-qua-kho-2018050821014193.htm, truy cập ngày 19/11/2022.