Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng đã được triển khai đồng bộ, sâu rộng và đạt một số kết quả nổi bật:
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Một là, chỉ đạo, định hướng tuyên truyền trong hệ thống tuyên giáo (ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội), đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ Trung ương đến cơ sở.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Ban Tuyên giáo Trung ương đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng đối với ban tuyên giáo các cấp, các cơ quan truyền thông, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể là:
Ban hành Hướng dẫn số 27-HD/BTGTW ngày 20-2-2017 hướng dẫn công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Kết luận 10-KL/TW và các quy định mới ban hành của Đảng liên quan đến phòng, chống tham nhũng.
Biên soạn và phát hành Tài liệu tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Xây dựng, ban hành Kế hoạch số 159-KH/BTGTW ngày 19-12-2017 về “Chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng” trong hệ thống tuyên giáo các cấp. Kế hoạch đã đề ra nội dung, lộ trình thực hiện các nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng một cách đầy đủ, toàn diện thông qua các nhiệm vụ: Chỉ đạo, định hướng tuyên truyền phòng, chống tham nhũng trong hệ thống tuyên giáo các cấp và trên các phương tiện thông tin đại chúng; định hướng tư tưởng và dư luận xã hội trước những vụ việc, vụ án tham nhũng phức tạp, nhạy cảm; chỉ đạo, phát hiện, xử lý sai phạm trong việc thực hiện các quy định pháp luật về báo chí liên quan đến thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại; chỉ đạo công tác đấu tranh, phản bác những luận điệu của các thế lực thù địch...
Tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án trình Ban Bí thư và đã được Ban Bí thư thông qua, ban hành Quy định số 65-QĐ/TW ngày 03-02-2017 về “chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng” với việc xác định rõ nguyên tắc, nội dung, phương thức, trách nhiệm của các cơ quan chức năng và liên quan trong việc chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; Quy định đã tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng, các cơ quan tuyên truyền phối hợp, thực hiện việc thông tin, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng kịp thời, hiệu quả hơn.
Phối hợp với Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan liên quan định hướng, cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu về tình hình, kết quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí và những vụ việc phức tạp được dư luận xã hội quan tâm (như: Xây dựng “Báo cáo thông tin về kết quả xem xét kỷ luật đối với cán bộ chủ chốt của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và đồng chí Đinh La Thăng” thông tin đến cán bộ, đảng viên).
Thường xuyên chỉ đạo, định hướng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng tại hội nghị báo cáo viên hàng tháng.
Triển khai thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, Quy định số 65-QĐ/TW, ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu các cấp ủy đảng tiến hành quán triệt và xây dựng kế hoạch, chương trình chỉ đạo và phối hợp chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng. Nhiều địa phương, đơn vị phát huy tính chủ động, sáng tạo, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, định huớng thông tin tuyên truyền về phòng, tham nhũng phù hợp với địa phương, đơn vị mình.
Hai là, cùng với việc ban hành các văn bản, công tác chỉ đạo, định hướng, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng còn được thực hiện chủ động, kịp thời tại các cuộc giao ban báo chí hàng tuần.
Đối với những vụ việc tham nhũng phức tạp, dư luận quan tâm, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, như: Vụ cơ quan điều tra, khởi tố ông Đinh La Thăng, xử lý kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh… Nhờ vậy, công tác thông tin, tuyên truyền đã đảm bảo đúng định hướng, hạn chế tối đa các thông tin suy diễn, sai lệch, một chiều về vụ việc trên báo chí và trên mạng xã hội.
Đối với công tác xử lý sai phạm trong quản lý, cung cấp thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh theo pháp luật những cơ quan báo chí có sai sót, vi phạm.
Ba là, Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 94, thường xuyên chỉ đạo Ban chỉ đạo 94 các cấp đẩy mạnh công tác đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, vu cáo tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước để chống phá, gây mất đoàn kết nội bộ của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị. Nhằm thực hiện phương châm lấy “xây” để “chống”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đang xây dựng, trình Ban Bí thư Đề án “Chủ động thông tin tích cực trên internet, mạng xã hội”.
Về nội dung và phương thức tuyên truyền phòng, chống tham nhũng
Trong hơn 2 năm qua, nội dung công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng không chỉ tập trung tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng mà đã chú trọng vào tuyên truyền những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, như: Kết quả thanh tra, kiểm tra, việc điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm; gắn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng với với việc tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch…
Hình thức tuyên truyền phòng, chống tham nhũng cũng đa dạng, phong phú hơn. Bên cạnh vai trò chủ lực của các cơ quan báo chí, các hình thức tuyên truyền khác, như: Trang tin điện tử ngành; tờ gấp, tờ rơi; tổ chức tập huấn, hội thảo, tọa đàm; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng; truyền thông qua mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp… đã được chú trọng.
Báo chí đã đi đầu trong công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng. Không dừng lại ở phản ảnh vụ việc, báo chí còn giám sát quá trình xem xét, xử lý của cơ quan chức năng; kịp thời lên tiếng nếu vụ việc có dấu hiệu “chìm xuồng”, hoặc chưa được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật(1). Công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên báo chí tiếp tục được phát huy, được dư luận đánh giá cao(1). Điều đáng ghi nhận là công tác tuyên truyền kết quả phòng, chống tham nhũng bước đầu đã đáp ứng được tính kịp thời. Ngay khi có kết quả thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để thông tin rộng rãi giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ vấn đề, hạn chế các thông tin suy diễn, xuyên tạc. Việc xét xử các vụ án tham nhũng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, báo chí cũng đã bám sát, thông tin đầy đủ diễn biến quá trình xét xử, các tội danh theo cáo trạng, kể cả phần tranh luận của luật sư, tự bào chữa của bị cáo… làm cho mọi người thấy rõ việc xét xử tội phạm tham nhũng bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch và nghiêm minh.
Các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương dành nhiều thời lượng để tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí với những hình thức đa dạng như: Tin tức, phóng sự, phóng sự điều tra, ghi chép, thông tin chính sách, pháp luật, phim tài liệu... Riêng trong năm 2017, đã có hàng chục nghìn bài viết liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí(3). Nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng những chuyên trang, chuyên mục về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như: Đài Truyền hình Việt Nam mở chuyên mục “Đảng trong cuộc sống hôm nay”; Báo Nhân Dân mở chuyên mục “Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng”; Báo Đại đoàn kết có chuyên mục “Giám sát, phản biện”; Truyền hình Công an nhân dân xây dựng chuyên mục “Những việc cần làm ngay”. Đài Phát thanh - Truyền hình nhiều địa phương như Nam Định, Thanh Hóa, Vĩnh Long, Cần Thơ… có chuyên mục riêng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Cùng với tuyên truyền trên báo chí, nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Phú Thọ, Lạng Sơn, Đắk Lắk... đã chú trọng hình thức tuyên truyền cổ động trực quan: Treo panô, khẩu hiệu, áp phích... với nội dung phòng, chống tham nhũng trên các đường phố và tại trụ sở các cơ quan Nhà nước. Nhiều bộ, ngành đã chủ động tổ chức biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn dưới dạng sách, tờ gấp, tờ rơi, cập nhật thường xuyên, liên tục các quy định pháp luật(4).
Công tác tuyên truyền miệng về phòng, chống tham nhũng cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền nhiều địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo, hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng và nghiệp vụ tuyên truyền cho báo cáo viên pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức(5).
Có thể khẳng định, với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp uỷ đảng, các ban, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, công tác thông tin, tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng hiện nay; tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đối với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tạo dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ cao với những biện pháp, hình thức xử lý các vụ án, các sai phạm của tổ chức, cá nhân tham nhũng; tạo sự tin tưởng, phấn khởi của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
(1) Vụ bổ nhiệm thần tốc ở Thanh Hoá.
(2) Vụ Trịnh Xuân Thanh; các vụ việc ở Hải Dương, Yên Bái.
(3) Qua Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí” năm 2017 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đã nhận được 1.126 tác phẩm báo chí ở các loại hình: Báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình.
(4) Năm 2017, Bình Dương cấp phát hơn 75.000 tờ gấp tuyên truyền về Luật phòng, chống tham nhũng cho 91 đơn vị xã, phường, thị trấn; Lào Cai cấp phát 22.167 cuốn tài liệu, tờ rơi, tờ gấp; ...
(5) Theo thống kê của Tỉnh ủy Lào Cai về công tác phòng, chống tham nhũng, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền 5.622 buổi cho 412.476 lượt người là cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân tham gia; tại Bình Dương đã tổ chức 13 Hội nghị tập huấn cho hơn 900 lượt cán bộ lãnh đạo chủ chốt, các cơ quan, ngành, đoàn thể tham gia; 1.198 cuộc tuyên truyền pháp luật có lồng ghép nội dung phòng, chống tham nhũng với hơn 37.000 lượt người tham dự...
Theo noichinh.vn
Nguồn bài viết: http://noichinh.vn/cong-tac-phong-chong-tham-nhung/201808/ket-qua-noi-bat-trong-cong-tac-thong-tin-tuyen-truyen-ve-phong-chong-tham-nhung-tu-dau-nhiem-ky-dai-hoi-xii-den-nay-304412/