Ông Tề Trí Dũng (SN 1981), Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận ( IPC) và cấp dưới là bà Hồ Thị Thanh Phúc (SN 1977), Tổng Giám đốc Sadeco bị khởi tố, bắt tạm giam do nhiều sai phạm, nhất là thương vụ bán bất thường 9 triệu cổ phiếu của Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim với giá cực rẻ, gây thất thoát lớn cho doanh nghiệp nhà nước.
Sáu sai phạm lớn của IPC
Tháng 10/2018, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ra thông báo kết luận đối với kết luận số 33 của Thanh tra TP.Hồ Chí Minh về thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC), làm rõ trách nhiệm ông Tề Trí Dũng – tổng giám đốc Công ty này. Nhiều sai phạm liên quan được. Cuối tháng 10/2018, hồ sơ vi phạm của của công ty IPC được chuyển cho Công an TP.HCM điều tra. Theo đó, IPC có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong tổ chức, hoạt động, quản lý cán bộ, việc chấp hành các quy định đi nước ngoài; quản lý vốn, tài sản tài chính, quản lý công nợ cũng như thực hiện các dự án đầu tư chưa đúng quy định pháp luật, chậm tiến độ, kéo dài, có khả năng gây thiệt hại tài sản nhà nước và doanh nghiệp.
Có nội dung 6 sai phạm lớn được làm rõ. Thứ nhất, về quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn và tài sản. Thứ hai là, về công tác quản lý tài chính, tài sản, chế độ kế toán. Thứ ba là, thực hiện đầu tư các dự án: Nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ; khu dân cư Hiệp Phước; khu dân cư Long Hậu – Long An và công tác thiết kế, dự toán công trình tòa nhà văn phòng IPC giai đoạn 2. Thứ tư là, giảm tỉ lệ sở hữu vốn của IPC tại Sadeco và Công ty Cảng Hiệp Phước. Thứ năm là, việc thoái vốn đầu tư theo đề án tái cơ cấu (giai đoạn 2016-2017). Thứ sáu là, việc cử người đại diện vốn tại các công ty liên doanh, liên kết.
Những vụ chuyển nhượng bất thường
Tháng 3/2015, IPC bán hơn 5,2 triệu cổ phiếu tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn – Sadeco cho Công ty Cổ phần bất động sản Exim (Exim) với giá hơn 26.000 đồng/cổ phiếu, giảm tỉ lệ vốn góp của IPC tại Sadeco từ 74,8% xuống còn 44%. Toàn bộ số cổ phiếu trên đã được Exim chuyển nhượng cho Công ty Nguyễn Kim với giá … 57.000 đồng/cổ phiếu.
Cuối năm 2016, Công ty Nguyễn Kim đề xuất mua thêm cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco và đề nghị cùng phát triển 2 dự án bất động sản (79B Lý Thường Kiệt, Tân Bình và Khu dân cư Rạch Chiếc, Thủ Ðức). Sadeco có nghị quyết tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu chọn Nguyễn Kim làm đối tác chiến lược và đã được nhóm đại diện vốn của IPC tại Sadeco đồng ý.
Công ty Sadeco đã kí hợp đồng với Công ty Cổ phần chứng khoán TPHCM (HSC) để xác định giá trị doanh nghiệp và HSC đã định giá 36.500 đồng/cổ phiếu Sadeco.
Tuy nhiên, HSC không có chức năng thẩm định giá, không được cung cấp hồ sơ đầy đủ. Vì lẽ đó, HSC đã cảnh báo với Sadeco mức giá đưa ra “chỉ có tính chất tham khảo, không có giá trị pháp lý”. Tháng 6/2017, chưa trình UBND TP Hồ Chí Minh duyệt chủ trương tăng vốn góp, IPC đã bán 9 triệu cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phiếu. Thương vụ này đã giúp Nguyễn Kim nâng tỉ lệ sở hữu vốn lên hơn 54% và thâu tóm Sadeco vì tỉ lệ sở hữu vốn nhà nước của IPC chỉ còn hơn 28%.
Hơn nữa, vào năm 2015, khi duyệt đề án tái cơ cấu, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu IPC không được giảm thêm tỷ lệ sở hữu vốn. Vậy là IPC đã làm trái chủ trương đã được phê duyệt.
Theo Kết luận thanh tra chỉ ra tại thời điểm bán cổ phần, hoạt động kinh doanh của Sadeco rất hiệu quả. Tỉ lệ chia cổ tức năm 2015 lên tới 20%, năm 2016 là 40% và năm 2017 là 10%. Thời điểm bán cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim, Sadeco chưa thực sự có nhu cầu để tăng vốn bởi số tiền thu từ phi vụ này là 360 tỷ đồng, lãnh đạo Sadeco đem … gửi ngân hàng lấy lãi. Theo kết luận thanh tra, thương vụ bán 9 triệu cổ phiếu nếu chỉ so sánh với giá cổ phiếu Exim bán cho Nguyễn Kim vào tháng 6/2016 thì đã gây thiệt hại cho nhà nước 153 tỷ đồng.
Theo Báo Tiền phong, với thủ đoạn tương tự, lãnh đạo IPC đã tạo điều kiện cho Công ty Tuấn Lộc thâu tóm Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (Công ty Hiệp Phước), một thành viên của IPC đang làm ăn hiệu quả. Cuối năm 2016, Công ty Hiệp Phước phát hành 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu và bán 20 triệu cổ phiếu cho Công ty Tuấn Lộc với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Thương vụ này đã góp phần làm giảm tỉ lệ sở hữu vốn của IPC xuống còn hơn 40%.
IPC được UBND tỉnh Long An chấp thuận là chủ đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Long Hậu. Toàn bộ diện tích tái định cư được duyệt là hơn 60.000 m2. IPC ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Hồng Lĩnh để doanh nghiệp này hoàn trả cho IPC toàn bộ chi phí bồi thường và chi phí ban đầu theo sổ sách khi đầu tư vào dự án trên. Theo Thanh tra TPHCM, phi vụ này thực chất là IPC bán dự án cho Công ty Hồng Lĩnh. IPC phải mua đất nền tái định cư giá cao là 630.000 đồng/m2 nhưng chỉ bán lại giá thấp từ 398.000 đồng/m2 đến 564.000 đồng/m2 để bố trí tái định cư dự án Khu công nghiệp Long Hậu.
Trách nhiệm của ông Tất Thành Cang
Kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh còn chỉ ra các sai phạm tại IPC, trong đó có việc công ty này thực hiện theo chỉ đạo của ông Tất Thành Cang, khi đó là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Theo Ðề án tái cơ cấu, IPC với tỷ lệ vốn sở hữu 44% – không cần giảm thêm tỷ lệ sở hữu tại Sadeco, đặc biệt là trong bối cảnh công ty này đang có lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, văn bản ngày 31/5/2017 và 7/6/2017 của IPC đã nêu: “… Văn phòng Thành ủy TPHCM có thông báo số 495 ngày 18/5/2017 (văn bản đính kèm) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco…”. Từ đó, IPC đề nghị Chi cục Tài chính doanh nghiệp thành phố chấp thuận và trình UBND thành phố phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco xuống 28,8%.
Tại văn bản ký ngày 16/6/2017, IPC báo cáo UBND TPHCM, bổ sung về vai trò, tác động của Sadeco đối với việc phát triển của khu Nam Sài Gòn nêu: “…Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Thông báo số 495 ngày 18/5/2017…”.
Thanh tra TP Hồ Chí Minh, IPC cho rằng, “Thường trực Thành ủy TPHCM đã chấp thuận chủ trương…” là không chính xác, bởi văn bản số 495 chỉ truyền đạt ý kiến của cá nhân Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang.
Trong hai năm 2016-2017, ông Tề Trí Dũng – tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC) – đi nước ngoài tổng cộng 9 lần với 106 ngày. Ông Dũng đi công tác 7 lần, nghỉ mát 2 lần. Điển hình, tháng 10/2016, ông Dũng và bà Phúc có chuyến công tác tại Bỉ, Hà Lan và Mỹ nhưng đều đi vượt quá 5 ngày so với quyết định của UBND TP. Cuối năm 2017, UBND TP Hồ Chí Minh có quyết định cử ông Dũng đi công tác tại Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha và Pháp từ ngày 2/1/2018 đến 12/1/2018 nhưng thực tế, ông đi từ ngày 29/12/2017 đến 15/1/2018. Nhiều chuyến công tác khác, ông Dũng cũng đi trước và về trễ hơn so với thời gian được UBND TP chấp thuận. Còn bà Phúc trong năm 2016 có số ngày đi nước ngoài nhiều hơn số ngày phép theo quy định của Bộ Luật Lao động là 35 ngày.
Theo kết luận thanh tra, chỉ tính riêng việc đi công tác, ông Dũng có vi phạm đi vượt nhiều ngày so với số ngày được UBND TP cho phép. Đồng thời, mục đích chuyến công tác là học tập nhưng báo cáo sau chuyến đi không thể hiện rõ kết quả, kinh nghiệm nào được đúc kết.
Theo tapchitoaan.vn
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/kinh-te/ipc-mua-ban-co-phan-khuat-tat-gay-thiet-hai-hang-tram-ti-dong