Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định Việt Nam dễ tổn thương trước những cú sốc đến từ bên ngoài nếu không củng cố hệ thống ngân hàng và chuyển đổi cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Trong một cuộc phỏng vấn tại TP.HCM hôm 18/3, Christine Lagarde, giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay, Việt Nam không đứng ở vị trí có thể chịu được những ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tiền tệ của những quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, Bloomberg đưa tin.
“Việt Nam có thể rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc đến từ bên ngoài. Nó ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam và điều này không tốt cho người dân”, Lagarde nói.
[caption id="attachment_137329" align="aligncenter" width="410"]
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón bà Lagarde hôm 18/3. Ảnh: Getty[/caption]
Việc hội nhập với nền kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy tăng trưởng và giảm đói nghèo tại quốc gia Đông Nam Á này. Theo Bloomberg, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay là 6,6%. Trong khi đó, Chính phủ đề xuất nâng cao mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 của đất nước từ 6,7% đến 7%.
Người đứng đầu IMF cho biết, tỷ lệ nghèo của Việt Nam giảm xuống còn 13,5% từ mức 60% vào năm 1993. Nền kinh tế sẽ bền vững nếu mục tiêu tăng trưởng cao hơn 6%. Hiện tại, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới.
Tiềm năng đáng chú ý
"Việt Nam đã làm rất tốt khi có thể duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô trong một môi trường thách thức. Phần còn lại của thế giới đang không tăng trưởng với khả năng và tốc độ mà chúng tôi mong muốn. Các bạn đã làm rất tốt trong việc xoá đói giảm nghèo và không tăng tỷ lệ bất bình đẳng, tình trạng thường đi kèm với tăng trưởng”, Lagarde nhận xét.
Tuy nhiên, người phụ nữ này cho hay, từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm hơn so với 2 thập kỷ trước. Điều này không phù hợp với tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người, tình trạng mà các nền kinh tế thành công nhất trong khu vực từng trải qua ở giai đoạn tương tự.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải tăng linh hoạt trong tỷ giá hối đoái nhằm giảm tác động của những cú sốc kinh tế đến từ những nơi khác, đồng thời xây dựng dự trữ bên ngoài. Cải cách doanh nghiệp nhà nước và giải quyết nợ xấu tại các ngân hàng sẽ bù đắp cho sự lão hoá dân số, tình trạng có thể cản trở tăng trưởng trong tương lai.
Quản trị doanh nghiệp
“Chúng tôi tin rằng hệ thống ngân hàng cần phải được cải thiện, tăng cường vốn và giảm nợ xấu trong bảng cân đối để họ có thể thực sự là động lực thúc đẩy nền kinh tế”, Lagarde nói. Ngân hàng cần quản trị tốt hơn và tái tập trung vào công việc kinh doanh cốt lõi.
Ngoài ra, Việt Nam cũng gặp vấn đề với nợ công với khoảng 60% tổng sản phẩn quốc nội và lão hoá dân số.
“Khi tình trạng nợ cao kết hợp với việc giảm nhẹ trong độ tuổi lao động, các bạn cần phải cẩn thận với sự ổn định trong nền kinh tế vĩ mô. Bạn cần phải cân đối chi tiêu một cách hợp lý”, bà nhận định.
Theo Zing