Hối lộ, “may rủi” kẻ nhận, người đưa…

01/08/2019 15:08

(Pháp lý) - Để ngăn chặn tham nhũng, hối lộ, pháp luật hình sự Việt Nam quy định tội đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ. Tuy nhiên trên thực tế, có vụ chỉ xử lý được người đưa hối lộ, không xử lý được người nhận hối lộ; có vụ ngược lại chỉ xử lý được người nhận hối lộ, không xử lý được người đưa hối lộ…

Thực tế tố tụng này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Do giới hạn của pháp luật hay còn nguyên nhân khác?!

Có người đưa không có người nhận

Vừa qua, trong phiên tòa xét xử phúc thẩm các bị cáo Ngô Anh Quốc - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty CP VN Pharma, có hành vi đưa 10,8 tỷ đồng cho Luật sư Dương Kim Sơn để chuyển tới kiểm sát viên, giúp mình và đồng bọn không bị bắt. Vụ việc bị phát hiện, dù tất cả các lời khai của bị cáo đều trùng khớp, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn không thể khởi tố, đưa ra xét xử bất cứ một đối tượng nào nhận hối lộ. Lời khai của bị cáo cho thấy, những kẻ nhận hối lộ gợi ý đòi đến 500.000 USD và thực tế, các bị cáo đã hối lộ hơn chục tỉ đồng. Tuy vậy, chỉ có Ngô Anh Quốc lĩnh án 5 năm tù về tội đưa hối lộ, Dương Kim Sơn 17 tháng 17 ngày tù và Lê Phú Toàn 14 tháng 30 ngày tù, cùng về tội môi giới hối lộ, mà không có người nhận hối lộ nào được xét xử trước pháp luật.

Bị cáo Ngô Anh Quốc (cựu Phó Tổng Giám đốc VN Pharma) tại phiên tòa sơ thẩm
Bị cáo Ngô Anh Quốc (cựu Phó Tổng Giám đốc VN Pharma) tại phiên tòa sơ thẩm)

Trong khi đó, Toàn đã khai rằng sau khi nhận được hơn 7,2 tỉ đồng từ Sơn, Toàn đã đưa cho ông NTT (kiểm sát viên trung cấp thuộc Vụ 1, VKSNDTC) 5 tỉ đồng và đưa cho bà BTT (cán bộ Vụ 1, VKSNDTC) 1,1 tỉ đồng và 50.000 USD để nhờ “giúp đỡ”. Tuy nhiên, ông NTT và BTT đều chối, không thừa nhận việc nhận tiền từ Lê Phú Toàn.
Vậy là cuộc chiến chống tham nhũng, cụ thể là chống tội phạm đưa hối lộ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ kết thúc “ngập ngừng”, thiếu vắng đối tượng nhận hối lộ vì không chứng minh được.

Sự bất lực của cơ quan chức năng với các đối tượng nhận hối lộ xưa nay không hiếm. Dư luận còn nhớ vụ án “Vua logo” làm nóng dư luận một thời gian dài liên quan đến lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) và Thanh tra giao thông (TTGT) ở Đồng Nai . Tháng 10-2018, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Thới (42 tuổi) 14 năm tù, Trần Quốc Thái (47 tuổi) 10 năm tù, Lê Thị Cẩm Vân (36 tuổi) 9 năm tù và 5 bị cáo còn lại lĩnh từ 18 tháng đến 4 năm tù cùng về tội Đưa hối lộ.

Các bị cáo trong vụ án Vua Logo
Các bị cáo trong vụ án Vua Logo)

Bị cáo Nguyễn Cảnh Chân (nguyên cán bộ Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) lĩnh 8 năm tù về tội Môi giới hối lộ. Tại tòa, Nguyễn Văn Thới và Lê Thị Cẩm Vân thừa nhận là chủ doanh nghiệp vận tải, có xe thường xuyên lưu thông đến TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương nên tiếp cận lực lượng Thanh tra giao thông (TTGT), CSGT đưa hối lộ để không bị xử phạt. Hơn chục đối tượng bị khởi tố về tội môi giới hối lộ và đưa hối lộ hơn 100 lần, với tổng số tiền là 25 tỷ đồng.

Riêng bị cáo Chân khai nhận từ Thới 1,2 tỷ đồng để đưa hối lộ cho lãnh đạo và giữ lại 300 triệu đồng tiêu xài cá nhân. Đến thời điểm bị bắt, Vân và đồng phạm thu về gần 8 tỷ đồng từ việc bán logo. Một phần số tiền này được dùng để hối lộ.

Theo cáo trạng, Thới, Thái, Vân đã đưa hối lộ cho 62 cán bộ CSGT, 18 cán bộ TTGT ở Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM. Cơ quan điều tra đã lấy lời khai của 80 người nhưng không có ai thừa nhận đã nhận tiền. Và họ vô can…

Có người nhận bỏ qua người đưa

Trong vụ án nổi tiếng khác là vụ chạy điểm ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang thì ngược lại, cơ quan chức năng chỉ chứng minh được người nhận tiền mà không chứng minh được người đưa tiền. Ở cả ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, cho đến nay, trừ ông Phạm Văn Khuông (Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Giang, phụ huynh một học sinh được nâng điểm), thì chưa một đối tượng nào “mua điểm” - đưa hối lộ, bị xử lý hình sự.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Sơn La đối với vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018, có 8 bị can cùng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, gồm: Trần Xuân Yến (cựu PGĐ Sở GD&ĐT Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Lò Văn Huynh (cựu trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Đặng Hữu Thủy (cựu Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng Phòng chính trị - tư tưởng), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục).

Quá trình điều tra, Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh khai đã nhận tiền của một số trường hợp để sửa bài nâng điểm cho thí sinh.
Cụ thể, Nguyễn Thị Hồng Nga khai đã nhận của TVĐ 1,040 tỉ đồng để giúp sửa bài, nâng điểm cho bốn thí sinh. Số tiền trên, Nga đã tự nguyện nộp cho Cơ quan ANĐT 1 tỉ đồng. Bị can Cầm Thị Bun Sọn khai đã nhận của HTT 440 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho thí sinh DHT. Sọn đã tự nguyện nộp toàn bộ số tiền này cho Cơ quan ANĐT. Còn Lò Văn Huynh khai đã nhận của NMK một tỉ đồng để giúp sửa, nâng điểm cho hai thí sinh. Số tiền này, Huynh và người nhà đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan ANĐT. Ngoài ra, Huynh còn khai nhận của bà LTT số tiền là 300 triệu đồng để giúp sửa nâng điểm cho thí sinh LMH. Ngày 24-1-2018, Huynh đã trả lại số tiền này cho bà T.

Nhiều cán bộ ngành giáo dục đã bị khởi tố vì liên quan đến vụ án sửa điểm thi ở Sơn La
Nhiều cán bộ ngành giáo dục đã bị khởi tố vì liên quan đến vụ án sửa điểm thi ở Sơn La)

Đối với Đặng Hữu Thủy, bị can này khai đã nhận của bà NTK 150 triệu đồng, bà NTMH 150 triệu đồng, bà NTX 200 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho bốn thí sinh. Riêng trường hợp bà BTX có hứa hẹn sau khi giúp nâng điểm cho thí sinh PST sẽ đưa cho Thủy 270 triệu đồng, nhưng đến nay Thủy chưa nhận được tiền. Ngày 24-7-2018, Thủy đã trả lại số tiền trên cho gia đình các thí sinh.

VKSND tỉnh Sơn La nhận định hành vi nhận tiền, thỏa thuận sẽ nhận tiền để sửa nâng điểm cho các thí sinh của Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy có dấu hiệu của các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ.

Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy những người được cho là đưa tiền cho các bị can đều không thừa nhận đã thỏa thuận và đưa tiền. Ngoài lời khai của Nga, Sọn, Huynh, Thủy và số tiền đã nộp, không có tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh. Do đó, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nga, Sọn, Huynh, Thủy về tội nhận hối lộ và cũng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp nêu trên về các tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ. “Số tiền Nga, Sọn, Huynh, Thủy nhận của các đối tượng được xác định là tiền do vụ lợi mà có” – cáo trạng kết luận.

Như vậy là những người mua điểm, thực chất là đưa hối lộ đều bình an vô sự. Điều này khiến dư luận liên tưởng đến vụ án đang nóng khác là vụ đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt ở Vĩnh Phúc. Lực lượng chức năng đã tìm thấy 355 triệu đồng trong tủ của đoàn do trưởng đoàn Nguyễn Thị Kim Anh quản lý.

Đặng Hải Anh, thành viên trong đoàn nhận 90 triệu đồng của một người đàn ông tên Đỗ Ngọc Yên (SN 1984, Phó giám đốc Công ty Đức Trung). Khi bị bắt quả tang vào ngày 12/6, Đặng Hải Anh thừa nhận hành vi nhận tiền của Yên để không giảm trừ khối lượng giá trị của một số hạng mục công trình mà Công ty Đức Trung đã thi công trên địa bàn huyện Vĩnh Tường nghiệm thu, thanh toán.

Cũng vào ngày 12/6, trưởng đoàn thanh tra Nguyễn Thị Kim Anh cũng bị cơ quan công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang về hành vi nhận 68 triệu đồng của Trần Hanh, (SN 1971, kế toán UBND xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) để không giảm trừ khối lượng giá trị của một số hạng mục công trình mà UBND xã Tân Tiến là chủ đầu tư và nhận 91,5 triệu đồng của Đỗ Mạnh Cường (SN 1979, công chức tài chính kế toán UBND thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).

Nếu thanh tra viên Nguyễn Thị Kim Anh, Đặng Hải Anh bị khởi tố về tội nhận hối lộ trong khi Đỗ Ngọc Yên, Trần Hanh, Đỗ Mạnh Cường lại không bị khởi tố về tội đưa hối lộ.

Giới hạn của pháp luật?

Pháp luật hình sự Việt Nam quy định đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ đều là tội phạm, do đó trong một vụ án hối lộ, ít nhất phải có hai bên đưa và nhận, có vụ án có cả môi giới. Vụ án nào không làm rõ các đối tượng liên quan là chưa bảo đảm công bằng, và hạn chế tính răn đe của pháp luật.

Trong ba đối tượng đó, đối tượng nhận hối lộ là nguy hiểm nhất, bởi lẽ họ là những người có chức vụ, quyền hạn, họ có thể gây sức ép, gây khó khăn để đương sự phải tìm đến. Nếu những quan chức Nhà nước nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, làm việc công tâm, tuân thủ đúng quy định luật pháp, vì lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp thì đương nhiên không có chuyện đưa hối lộ và những trường hợp môi giới hối lộ, đưa hối lộ tự tìm đến cũng không thể tác động. Phải khẳng định rằng do nạn tham nhũng trong các cơ quan công quyền nên mới dẫn đến chuyện hối lộ.

Người nhận hối lộ có toàn quyền quyết định nhận hoặc không nhận tiền hối lộ. Trong khi đó, phần lớn người đưa hối lộ ở vào thế bị động, yếu thế, vì công việc khó khăn hoặc bị cán bộ vòi vĩnh mới phải đưa hối lộ. Do đó, xử lý hành vi đưa hối lộ, cần làm rõ đối tượng và phân biệt những người cố tình sử dụng tiền bạc để lũng đoạn cơ quan công quyền, gài bẫy cán bộ, công chức để đạt mục đích riêng hay họ là những người yếu thế trong xã hội, bị rơi vào tình thế quẫn bách buộc phải chạy chọt, lót tay để mong không bị sách nhiễu. Phân biệt như thế mới công bằng.

Pháp luật cũng quy định rằng trong trường hợp người đưa tố cáo người nhận. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Nếu không xử lý khách quan đối với người đưa hối lộ thì vô hình trung, việc truy tố xét xử người đưa hối lộ khiến nạn tham nhũng khó thuyên giảm, người nhận hối lộ ung dung, né tránh được sự trừng phạt của pháp luật do người đưa hối lộ không dám tố cáo vì sợ đi tù, tiền mất tật mang.

Trở lại những vụ án trên đây, khi lời khai của người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ đều phù hợp mà vẫn không chứng minh được người nhận hối lộ khiến dư luận hoài nghi về sự nghiêm minh của pháp luật. Trong rất nhiều các vụ án ma túy, đại đa số là án truy xét, dù đối tượng không thừa nhận nhưng lời khai của các đối tượng khác phù hợp thì vẫn buộc đối tượng phải chịu trách nhiệm. Nguyên tắc này sao không được áp dụng trong các vụ án đưa nhận hối lộ?!

Một nguyên tắc nhất quán của pháp luật hình sự là suy đoán vô tội, tuy nhiên bên cạnh đó là nguyên tắc không bỏ lọt tội phạm. Nếu hai nguyên tắc này không song hành thì cuộc chiến chống tham nhũng không thể đạt hiệu quả như mong muốn của nhân dân.

Thái Đăng

Bạn đang đọc bài viết "Hối lộ, “may rủi” kẻ nhận, người đưa…" tại chuyên mục Hồ sơ phá án. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin