Hoàn thiện pháp luật về PCTN: Ba vấn đề lớn cần quan tâm giải quyết

27/03/2018 10:25

Dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban Bí thư và Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng TW, thời gian qua hàng loạt đại án tham nhũng đã được phá thành công. Nhiều bài học đau xót về công tác cán bộ, về cơ chế quản lý kinh tế đã và sẽ được rút ra. Tuy nhiên một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách được đặt ra hiện nay đó là phải khẩn trương “chặn, bít” các khoảng trống, kẽ hở pháp luật để tội phạm không thể và không dám tham nhũng.

Vì lý do đó mà thời gian qua, Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) gây chú ý và sự quan tâm rất lớn từ các ĐBQH, chuyên gia và cử tri cả nước. Đến nay, theo chúng tôi còn ba vấn đề lớn mà cơ quan chức năng cần quan tâm tiếp thu, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội thông qua Dự Luật quan trọng này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 13
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 13)

1. Tài sản bất minh: Phải tịch thu?

Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật PCTN đã qua nhiều thời gian lấy ý kiến, nhưng xem ra một vấn đề lớn vẫn chưa ngã ngũ, đang loay hoay là vấn đề kiểm soát thu nhập quan chức và chế tài với tài sản bất minh, kê khai không trung thực. Sáng 5/3, tại cuộc họp Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình dự thảo mới nhất, theo đó một trong những giải pháp mà cơ quan này nêu ra đối với tài sản bất minh là sẽ bị đánh thuế cao. Ngay sau đó, trên các phương tiện truyền thông đăng tải nhiều ý kiến của ĐBQH và các chuyên gia cũng như cử tri đã không đồng tình, rất nhiều ý kiến cho rằng không thể “ khoác áo’, “ mở đường” , “ cổ xúy” cho tài sản bất minh, cần phải tịch thu tài sản bất minh .

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội) thẳng thắn: Tài sản, thu nhập bất minh mà tính thuế thì khác nào công nhận, cổ xúy cho việc này là hợp pháp? Muốn đánh thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, tiền bạc không rõ nguồn gốc thì cơ quan chức năng phải chỉ ra căn cứ, cơ sở pháp lý đưa ra đề xuất này. Còn để phòng, chống tham nhũng thì phải ngăn chặn từ gốc như cơ chế kiểm soát quyền lực, đồng thời minh bạch, công khai các chính sách, chủ trương thì sẽ hạn chế được tham nhũng.

Nhiều Đại biểu Quốc hội khác cũng lo đánh thuế 45% tài sản bất minh sẽ “mở đường cho rửa tiền”.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, có nhiều loại tài sản đang được che giấu mà chủ nhân sẵn sàng "chịu đánh thuế 45% và giữ phần còn lại".

Đại biểu Quốc hội TP HCM Trương Trọng Nghĩa lo quy định đánh thuế 45% sẽ mở đường cho rửa tiền.
Đại biểu Quốc hội TP HCM Trương Trọng Nghĩa lo quy định đánh thuế 45% sẽ mở đường cho rửa tiền.)

Với đề xuất áp thuế 45%, ông Nghĩa bày tỏ không đồng tình, "tài sản mà công chức không giải trình được về nguồn gốc thì không thể đánh thuế như bình thường, vì thuế thu nhập cá nhân chỉ đánh trên thu nhập hợp pháp". Theo ông, hiện có việc truy thu thuế đối với người trốn thuế vì đó là thu nhập hợp pháp nhưng bị khai sai để trốn hoặc giảm thuế; nó khác với tài sản bất minh về nguồn gốc. Vì vậy, thu thuế trên tài sản mà công chức kê khai không trung thực như các loại tài sản hợp pháp khác là không hợp lý.

"Làm như đề xuất của thanh tra có thể mở đường cho những sai phạm về rửa tiền. Khi cán bộ, công chức giàu có bất thường và cố tình không khai báo, hay giải thích không hợp lý mà chỉ bị thu 45%, giữ lại 55% thì đây là điều khiến cho họ sẵn sàng vi phạm". Vị đại biểu phân tích, các băng nhóm buôn lậu ma tuý, hàng lậu, tham ô hay ăn cắp của công sẽ sẵn sàng mượn tay cán bộ, công chức để rửa tiền hợp pháp với công thức "chịu đánh thuế 45% và giữ phần còn lại". "Rửa tiền ngày nay không chỉ trong nước mà xuyên quốc gia", ông Nghĩa cảnh báo và giả định, trong số 1.000 tài sản không giải thích được có 300 tài sản thực sự là bất hợp pháp, nhưng chưa đủ bằng chứng để truy cứu, thì 55% trong số đó sẽ trở thành hợp pháp”.

"Cá nhân tôi không luận giải được tính hợp pháp, hợp lý của quy định này", ông Nghĩa nhấn mạnh.

TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội phân tích: Có thể thấy, một trong những hạn chế lớn nhất của Luật phòng chống tham nhũng hiện nay chính là chúng ta chưa có công cụ đủ mạnh để kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức. Thời gian qua, dư luận xôn xao về những khối tài sản lớn của quan chức và nghi ngờ nó có nguồn gốc từ tham nhũng. Tuy nhiên, để chứng minh nguồn gốc khối tài sản này là không dễ dàng, bởi các quy định hiện hành chưa tạo khả năng kiểm soát tốt hành vi không trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ công chức.

TS. Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH
TS. Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH)

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư cuối năm 2017 vừa qua, thì việc thu hồi tài sản tham nhũng vô cùng khó khăn, do đối tượng tham nhũng đã chi tiêu, tẩu tán tài sản, biến hóa tài sản tham nhũng thành các tài sản thuộc sở hữu của người thân, quen.

Trong khi đó, pháp luật chưa có cơ chế thu hồi khả thi, nói cách khác là còn “vướng ngang, vướng dọc”. Không tính đến khối tài sản chưa được phát hiện, thì đối với tài sản đã phát hiện cũng mới thu được một phần.

Hiện con đường duy nhất để thu hồi tài sản tham nhũng là thông qua bản án hình sự, sau khi đã chứng minh được hành vi tham nhũng và tài sản của người bị kết án được xác định là có nguồn gốc từ hành vi đó. Trong rất nhiều vụ việc cán bộ công chức bị tố có “tài sản khủng” thì việc chứng minh qua hình thức này gần như không khả thi. Đó là nguyên nhân khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua gần như không đáng kể.

Có thể xuất phát từ quan điểm “phải có quy định nào đó để thu hồi được càng nhiều càng tốt” nên đề xuất đánh thuế 45% đối với tài sản chưa rõ nguồn gốc, hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý đã được đưa ra trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này.

Nếu chúng ta đánh thuế tài sản bất minh thì chính là hợp thức hóa cho hành vi vi phạm hay tham nhũng, cho dù mức thuế gấp đôi như đề xuất thì kẻ vi phạm hoặc tham nhũng vẫn có lợi. Vì vậy, ở tình huống này là phải tịch thu và xử lý đương sự theo pháp luật. Những ai tiếp tay cho hành vi hợp thức hóa thu nhập, tài sản ấy (như đứng tên hộ, ký giả hợp đồng vay mượn...) đều bị coi là đồng phạm.

(TS. Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH)

Tôi cho rằng việc kê khai không đầy đủ, không trung thực không có nghĩa tài sản đó là bất hợp pháp. Việc thu thuế không có nghĩa là “đóng dấu” hay hợp pháp hóa tài sản đã che dấu.

Xét về bản chất, việc kê khai không trung thực có thể có hai khả năng: Khả năng thứ nhất, là người kê khai muốn che dấu thu nhập, tài sản để không làm gia tăng trong hồ sơ của mình, nhằm né tránh sự soi xét khi có cơ hội thăng tiến; hoặc cũng có thể thu nhập, tài sản ấy chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, hay chưa đóng thuế. Khả năng thứ hai là che dấu thu nhập, tài sản ấy vì tham nhũng hoặc do vi phạm pháp luật mà chưa bị phát hiện.

Rõ ràng, nếu có đủ căn cứ xác định bản chất của việc kê khai như trên, với khả năng thứ nhất thì việc truy thu thuế (chứ không nên đánh thuế như đề xuất 45%) là hoàn toàn đúng và có thể xử lý kỷ luật hành chính vì hành vi thiếu trung thực.

Khả năng thứ hai, việc đánh thuế cho tài sản bất minh chính là hợp thức hóa cho hành vi vi phạm hay tham nhũng, cho dù mức thuế gấp đôi như đề xuất thì kẻ vi phạm hoặc tham nhũng vẫn có lợi.

Vì vậy, ở tình huống này là phải tịch thu và xử lý đương sự theo pháp luật. Những ai tiếp tay cho hành vi hợp thức hóa thu nhập, tài sản ấy (như đứng tên hộ, ký giả hợp đồng vay mượn...) đều bị coi là đồng phạm.

Ông Vân chia sẻ thêm: đương nhiên chúng ta không nên quá kỳ vọng Luật Phòng chống tham nhũng sẽ giải quyết được mọi thứ, vì đây chỉ là luật khung. Bên cạnh đó còn nhiều luật rất quan trọng khác như luật thuế, đề án không sử dụng tiền mặt, các đạo luật liên quan đến cơ chế phát hiện và xử lý như thanh tra, kiểm toán, điều tra, rồi các cơ chế phát huy vai trò giám sát của người dân, cơ quan báo chí và xã hội...

Đặc biệt, tôi ủng hộ việc Đảng ta áp dụng các biện pháp đặc biệt, mạnh tay trừng trị nghiêm khắc quan tham. Trước hết, cần tập trung làm rõ một số vụ việc, một số nhân vật mà dư luận, nhân dân đặt nghi vấn.

2. Đến lúc cần có ‘siêu ủy ban’ chống tham nhũng ?

“Đã đến lúc phải lập một “siêu ủy ban” phòng, chống tham nhũng và có thẩm quyền vượt trội. “Siêu ủy ban” đó phải do Quốc hội phê chuẩn, chịu trách nhiệm trước Quốc hội” - ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã đề xuất như thế khi chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM xoay quanh vấn đề kiểm soát quyền lực.

“Cánh hẩu” ngày nay đã trở thành “lợi ích nhóm” của một số không nhỏ cán bộ chi phối chính sách, làm sai lệch nguyên tắc tập trung dân chủ, là nguy cơ sự tồn vong của Đảng cầm quyền”.

(Nguyễn Đình Hương , nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương).

Lạm dụng quyền lực, biến quyền lực công thành ý chí cá nhân để trục lợi đang là hiện tượng diễn ra không phải ít trong các giới chức Việt Nam hiện nay. Những vụ án tham nhũng lớn gần đây như vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh và những vụ tới đây sẽ được đưa ra xét xử, thậm chí sẽ bị khởi tố điều tra là những minh chứng cụ thể và mới nhất về điều đó.

Kẻ ham mê quyền lực thường lợi dụng chức quyền để vụ lợi, vơ vét tiền bạc. Thói si mê quyền lực đang dẫn đến tình trạng chạy chức, chạy quyền… Sự “chạy” đó đã biến tướng thành lối sống vô văn hóa, trở thành nguy cơ trực tiếp làm giảm uy tín của Đảng cầm quyền.

Quyền lực không thể trao cho ai mà không cần kiểm soát. Nó là con dao hai lưỡi. Nó có thể biến người sử dụng nó từ một người chưa xấu trở thành người xấu, biến người sử dụng nó thành nô lệ cho nó. Mấy chục năm sau khi thống nhất đất nước, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng Đảng. Nội dung các văn kiện ấy cơ bản đều đúng nhưng tình hình tham nhũng, “lợi ích nhóm”, mua quan bán chức…, gọi chung là thoái hóa, không dừng lại mà còn tăng lên, lan rộng hơn, gây nhức nhối hơn, làm cho lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước giảm sút.

Trong hơn 50 năm làm công tác tổ chức phục vụ nhiều Đại hội Đảng, tôi nghiệm ra rằng điều quan trọng nhất là phải chọn ra được một Bộ Chính trị thật chuẩn xác. Lãnh đạo cấp cao trong sạch thì sẽ hạn chế được rất nhiều tệ lạm dụng quyền lực của đội ngũ cán bộ dưới quyền; không lo nhóm lợi ích thao túng, lũng đoạn, làm hỏng cán bộ.

Trong cơ cấu tổ chức của chúng ta hiện nay không có một cơ chế nào đủ quyền lực bằng các ủy viên Bộ Chính trị, là trung tâm quyền lực và kiểm soát quyền lực. Chỉ cần mỗi ủy viên Bộ Chính trị trong sạch và không liên quan đến nhóm lợi ích thì đã là hạnh phúc cho Đảng lắm rồi.

Ngoài ra, người đứng đầu các bộ, các ngành, các địa phương phải trong sạch mới kiểm soát được cán bộ dưới quyền lạm quyền; trong đó phải nói đến các cơ quan tham mưu như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức, Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an là những cơ quan giúp Đảng và Nhà nước để kiểm soát tệ tham nhũng, quan liêu có hiệu quả nhất. Nếu bố trí người đứng đầu các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát, điều tra và quản lý cán bộ không chuẩn xác thì ví như Bao Công mà không có Triển Chiêu. Thực tế đã chứng minh cơ quan tham mưu không sạch thì bỏ sót tội phạm. Vụ Vinashin là một thí dụ điển hình.

Theo tôi, chúng ta cần có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước một cách độc lập do luật pháp quy định. Vì vậy đã đến lúc phải có một tổ chức có thẩm quyền lớn do Quốc hội phê chuẩn, chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Ủy ban này có nhiệm vụ: Một là, tiến hành các cuộc điều tra làm rõ trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý đối với những quan chức cấp cao ở trung ương và địa phương khi họ có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức công vụ và những vụ việc gây bức xúc trong dư luận; khởi tố và truy tố, điều tra (hoặc chuyển viện kiểm sát truy tố) những đối tượng này trước tòa. Hai là, thực hiện chức năng kiểm soát tổ chức và hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế nhà nước. Các tổ chức, cá nhân, bất kể là ai, ở cương vị nào, trong hay ngoài Đảng, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc đạo đức công vụ, đều phải bị điều tra.

Còn nhớ cách đây không lâu, khi Pháp lý thực hiện tuyến bài góp ý Dự thảo Luật PCTN sửa đổi, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó chủ nhiệm UBKTTW nêu quan điểm: Luật hóa vai trò của Đảng thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng là hợp lý

Ông Vũ Quốc Hùng nhận xét, để xảy ra các vụ tham nhũng lớn thời gian gần đây là bài học quá đau xót trong công tác quản lý. Trong đó phải kể đến các đại án xảy ra tại các DNNN và các đại án xảy ra ở nhiều ngân hàng, đã khiến nhiều cán bộ vướng vào vòng lao lý, như vậy chúng ta vừa mất cán bộ, thiệt hại kinh tế rất lớn và mất niềm tin của nhân dân.

Nói về nguyên nhân để xảy ra các vụ tham nhũng lớn, ông Hùng cho rằng là do hạn chế của quản lý nhà nước, đồng thời công tác thanh tra và kiểm tra phát hiện những sai phạm còn yếu. Chúng ta chưa có cơ chế giám sát quyền lực hiệu quả nên để hiện tượng lộng quyền, lạm quyền xảy ra.

Ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KTTW) trao đổi với PV Pháp lý)
Ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KTTW) trao đổi với PV Pháp lý))

Nói về các quy định liên quan đến vai trò của các cơ quan Đảng được bổ sung vào dự thảo Luật PCTN, ông Hùng cho hay: Điều 4, Hiến pháp ghi rõ: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình; Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”. Trong giai đoạn hiện nay, PCTN là một nhiệm vụ then chốt của Đảng. Do đó, theo ông Hùng, việc bổ sung quy định về vai trò, chức năng, thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng vào Luật PCTN (sửa đổi) sẽ giúp rành mạch, rõ ràng hơn những trách nhiệm của cơ quan kiểm tra với Đảng viên.

Trong Luật PCTN trước đây, chưa có quy định về vai trò của Ủy ban kiểm tra Trung ương trong PCTN, nhưng thực tế Ủy ban này đã và đang làm nhiệm vụ chống tham nhũng, nhất là những vụ tham nhũng nghiêm trọng ở các cơ quan cấp cao. Ủy ban kiểm tra Trung ương kiểm tra trước rồi sau đó cơ quan điều tra mới vào cuộc. Thực tế đã có nhiều quy định về vai trò của Ủy ban kiểm tra Trung ương đối với hoạt động chống tham nhũng như trước khi bắt một Đảng viên thì Đảng viên sẽ bị Ủy ban kiểm tra Trung ương kết luận về sai phạm, khai trừ khỏi Đảng. Bởi vậy, Ông Hùng đánh giá thể chế quy định như vậy là cần thiết và hợp lý. “Quy định như vậy là tốt nhưng cần nghiên cứu để thể chế hợp lý, các cơ quan không bị chồng chéo về nhiệm vụ”, ông Hùng nhấn mạnh.

Trước câu hỏi đặt ra của Phóng viên, khi Ủy ban Kiểm tra làm nhiệm vụ chống tham nhũng thì cơ quan nào là cơ quan giám sát hoạt động của Ủy ban này? ông Hùng cho rằng: Trung ương Đảng sẽ là cơ quan giám sát hoạt động Chống tham nhũng của Ủy ban kiểm tra Trung Ương. Quốc hội cũng có thể có ý kiến khi Ủy ban kiểm tra Trung Ương Đảng thực hiện nhiệm vụ của mình. Khi quy định trong Luật vai trò của Ủy ban kiểm tra Trung ương trong chống tham nhũng, ông Hùng đặc biệt lưu ý vấn đề phẩm cách của người làm công tác kiểm tra. Ông Hùng cho rằng, người làm công tác kiểm tra phải là những người hiểu biết, liêm chính và thực sự chí công vô tư.

3. Trị “công – tư” bắt tay tham nhũng

Một nội dung khác nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội là việc dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng việc áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) đối với các tổ chức xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và cho rằng, trên thực tế tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước như dự án Luật cũng phù hợp với quan điểm của Đảng tại Kết luận 10-KL/TW là “từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài nhà nước”; quy định của Bộ luật Hình sự về hình sự hóa các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội ngoài nhà nước; yêu cầu của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhấn mạnh việc mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng sang khu vực tư là điểm nổi bật trong việc sửa đổi luật lần này. Điều này thể hiện đổi mới tư duy trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm nói: “Tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn chính sách, nhiều khi đưa hối lộ hoặc thông đồng với khu vực nhà nước để tư lợi gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước”.

Một số địa phương bán rẻ đất cho nhà đầu tư (là DNTN) gây thất thoát ngân sách nhà nước nhưng hiếm có cá nhân nào bị xử lý trách nhiệm hình sự (ảnh minh họa)
Một số địa phương bán rẻ đất cho nhà đầu tư (là DNTN) gây thất thoát ngân sách nhà nước nhưng hiếm có cá nhân nào bị xử lý trách nhiệm hình sự (ảnh minh họa))

Tuy nhiên, đại biểu Hàm cho rằng để hoàn thiện thì dự luật cần rà soát điều chỉnh lại để đảm bảo thống nhất giữa phạm vi, đối tượng và các điều khoản cụ thể của mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư. Đồng thời rà soát lại việc thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng cho phù hợp với từng loại hình đơn vị, loại hình khác nhau thì biện pháp phòng, chống tham nhũng cũng cần khác nhau.

Cũng đồng tình việc mở rộng, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cho biết, điều này đã có nhiều nước làm, pháp luật hình sự nước ta cũng đã quy định. Trong chính sách hình sự của nhà nước ta từ nhiều năm nay đã và đang xử lý những người không phải là cán bộ, công chức với vai trò đồng lõa trong các vụ tham ô, hối lộ. Bộ luật Hình sự sửa đổi cũng đã quy định xử lý người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước là chủ thể trong các vụ tham ô tài sản, hối lộ. Do đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật sẽ phù hợp với Bộ luật Hình sự sửa đổi mới. Tuy nhiên, mức mở rộng cần tương thích giữa hai luật.

Đánh giá việc đặt vấn đề này là đúng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn phát biểu: “Hiện nay có sự thông nhau giữa khu vực công và khu vực tư, tư và công câu kết với nhau để tham nhũng, người ta tham nhũng qua khu vực tư. Hơn nữa, tài sản đưa về cho những người thân thích, thậm chí là không thân thích gì cả cũng được chuyển giao tài sản tham nhũng. Cho nên nếu thả nổi hoàn toàn cũng không được mà phải đưa vào luật”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần phải cắt nguồn dinh dưỡng nuôi tham nhũng, nhưng không phải chỉ sử dụng một “con dao” duy nhất là Luật PCTN mà phải sửa đổi, bịt kín lỗ hổng tại nhiều đạo luật về kinh tế khác.

 

PV

Bạn đang đọc bài viết "Hoàn thiện pháp luật về PCTN: Ba vấn đề lớn cần quan tâm giải quyết" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin