Với đa số đại biểu tán thành (91,28% tổng số đại biểu), Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng; chống thao túng, lợi ích nhóm; ngăn chặn sở hữu chéo, doanh nghiệp “sân sau” của tổ chức tín dụng; thiết kế các quy định bảo đảm sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn với người quản lý ngân hàng
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của tổ chức tín dụng; Tăng cường trách nhiệm của thành viên HĐQT; Sửa đổi, bổ sung các quy định về thành viên Hội đồng quản trị độc lập của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần theo hướng tăng số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập, tăng tỷ lệ thành viên là thành viên độc lập và thành viên không phải là người điều hành của tổ chức tín dụng trong Hội đồng quản trị để tách bạch chức năng quản trị, điều hành cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cổ đông nhỏ lẻ... Theo đó, Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định rất chặt chẽ về tiêu chuẩn với người quản lý ngân hàng, đặc biệt, Luật quy định rất chặt về những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ theo quy định tại Điều 43.
Tuy nhiên, đối với thành viên độc lập của Hội đồng quản trị, Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã có sự điều chỉnh về việc không cùng đảm nhiệm chức vụ của nhân sự này nhằm giải quyết khó khăn của tổ chức tín dụng trong việc tìm kiếm các ứng viên là thành viên độc lập đủ điều kiện theo quy định của Luật. Theo đó, sửa đổi theo hướng thành viên độc lập của Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng không được đồng thời đảm nhiệm một trong các chức vụ sau đây: Người điều hành của tổ chức tín dụng đó; Người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng khác, người quản lý của nhiều hơn 02 doanh nghiệp khác; Thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, doanh nghiệp khác.
Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tổ chức tín dụng
Cụ thể, theo khoản 1, 2, 3 trong Điều 63, tỷ lệ sở hữu tối đa với cổ đông cá nhân là 5% (không thay đổi), với tổ chức là 10% (giảm từ 15%) và cổ đông cùng người liên quan là 15% (giảm từ 20%). Quy định này không áp dụng với một số trường hợp: Sở hữu cổ phần tại công ty con, công ty liên kết là tổ chức tín dụng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 111 của Luật này; Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa; Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, Khoản 7 trong Điều 63 cũng quy định Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Chính phủ sẽ quy định tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư đó tại một tổ chức tín dụng Việt Nam.
Ảnh minh hoạ
Xác định rõ, mở rộng hơn người có liên quan đến tổ chức tín dụng
Để đảm bảo an toàn trong hoạt động tổ chức tín dụng, minh bạch hóa việc sở hữu cổ phần của cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó, hạn chế tình trạng thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng, luật đã bổ sung một số nhóm người có liên quan bao gồm: công ty con của công ty con của tổ chức tín dụng; ông bà nội, ông bà ngoại, cháu nội, cháu ngoại, cô, dì, chú, cậu, bác ruột, cháu ruột, cô ruột, dì ruột, cậu ruột và ngược lại. Đồng thời, Luật cũng quy định xác định rõ hơn đối tượng cá nhân được ủy quyền đại diện cho tổ chức, cá nhân là cá nhân được ủy quyền đại diện phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân. Quy định nêu trên đã bảo đảm sự rõ ràng trong việc xác định người có liên quan.
Ngoài ra, Luật cũng đã sửa đổi, điều chỉnh quy định về giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan theo hướng giảm tỉ lệ cho vay đối với 1 khách hàng hoặc 1 nhóm khách hàng liên quan. Cụ thể, theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) các ngân hàng chỉ có thể cho vay tối đa 10% tổng vốn chủ sở hữu (VCSH) ngân hàng đối với một khách hàng (giảm từ mức 15% trước đây) và 15% tổng VCSH của ngân hàng đối với một nhóm khách hàng và người có liên quan (giảm từ mức 25% trước đây). Đáng chú ý, Luật cũng quy định trường hợp cho vay vượt quá mức này phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Công khai thông tin của cổ đông và người có liên quan đến tổ chức tín dụng
Theo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin của cá nhân và người liên quan gồm: Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này. Bên cạnh đó, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên cũng phải cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan tại tổ chức tín dụng đó.
Các cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ phải gửi tổ chức tín dụng bằng văn bản cung cấp thông tin lần đầu và khi có thay đổi các thông tin này trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh hoặc có thay đổi thông tin. Riêng về tỷ lệ sở hữu, cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ chỉ phải công bố thông tin khi có mức thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan từ 01% vốn điều lệ trở lên so với lần cung cấp liền trước.
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng yêu cầu Tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin về họ và tên cá nhân, tên tổ chức là cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng và số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân đó và người có liên quan trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tín dụng nhận được thông tin cung cấp.
Ảnh minh hoạ
Về hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, Luật đã bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Đồng thời, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được giao quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.
Bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng nhà nước tại giai đoạn can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt
Nội dung mới đáng chú ý nữa, luật quy định rõ việc can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt. Theo đó, để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, Luật đã sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước tại giai đoạn can thiệp sớm nhằm tăng cường kiểm soát, quản lý nhà nước đối với quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng.
Cụ thể, Luật quy định rõ, Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nếu số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 của Luật này.
Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng được áp dụng biện pháp can thiệp sớm nếu xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 138 của Luật này trong thời gian 30 ngày liên tục; vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 của Luật này trong thời gian 6 tháng liên tục; hoặc bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm bị áp dụng một số biện pháp hạn chế gồm: không chia cổ tức, lợi tức, phân phối lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ, chuyển lợi nhuận về nước; hạn chế chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, chuyển nhượng tài sản; hạn chế hoạt động kinh doanh không hiệu quả, có rủi ro cao; giảm giới hạn cấp tín dụng, giới hạn góp vốn, mua cổ phần; hạn chế tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó là đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật; không bổ sung nội dung hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh mới khác, không mở rộng mạng lưới hoạt động; đình chỉ người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm quy định pháp luật hoặc gây rủi ro lớn đến hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; và các biện pháp khác theo thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, Luật cũng có quy định, kể từ ngày tổ chức tín dụng được đặt vào kiểm soát đặc biệt, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt phải báo cáo việc sử dụng cổ phần, phần vốn góp; không được chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp; không được sử dụng cổ phần, phần vốn góp để làm tài sản bảo đảm, trừ trường hợp thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bổ sung các quy định điều chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng qua phương thức điện tử
Luật Các tổ chức tín dụng cũng đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan, tạo lập hành lang pháp lý cho việc cung ứng dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng như bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử tại các quy định về quy định nội bộ, quy định về xét duyệt cấp tín dụng, quy định về lưu trữ hồ sơ tín dụng, quy định về Giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng; quy định về yêu cầu bảo đảm an toàn giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng...
Ngoài ra, Luật cũng đã luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng về nợ xấu, bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; Mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án...