Góp ý hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên môi trường (Kỳ 6) Bài 10: Chế tài xử lý vi phạm về môi trường chưa đủ sức răn đe

29/05/2019 06:30

(Pháp lý) - Để bảo vệ môi trường hiệu quả thì chính sách pháp luật phải sát thực tế. Nhưng thực tế thời gian qua cho thấy việc xử lý các vi phạm về môi trường chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó các quy định pháp luật hình sự, thi hành án hình sự điều chỉnh lĩnh vực này còn bất cập.

Thực tế cho thấy khi có ô nhiễm môi trường, các vấn đề chưa được các cơ quan chức năng xem xét giải quyết tận gốc. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường thời gian qua chỉ bị xử lý hành chính, thiếu tính răn đe...

Sai phạm nghiêm trọng… chỉ xử lý hành chính?

Cuối năm 2016, dư luận xôn xao về vụ việc Công ty môi trường đô thị Kỳ Anh chở chất thải từ nhà máy Formosa Hà Tĩnh về chôn lấp tại trang trại của Giám đốc Lê Quang Hòa (tại phường Kỳ Trinh - thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ngày 11/7/2016, lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã có mặt kiểm tra phát hiện khoảng 100 m3 (tương đương khoảng 100 tấn) chất thải màu đen có mùi hôi đang được tập kết, chôn lấp sơ sài dưới lòng đất. Lực lượng chức năng đã tiến hành khoanh vùng, lấy mẫu đi kiểm tra. Ngay sau đó, Đoàn công tác của Bộ TN-MT cũng đã tiến hành lấy mẫu bùn thải, mẫu đất và mẫu nước mặt, nước ngầm tại các khu vực chôn lấp chất thải nêu trên (bao gồm 38 mẫu bùn thải, 30 mẫu đất tại vị trí chôn lấp và khu vực đất xung quanh, 1 mẫu nước giếng khoan và 3 mẫu nước suối trong khu vực).

 Chôn lấp 100 tấn chất thải nguy hại có Xyanua chỉ bị xử phạt hành chính.
Chôn lấp 100 tấn chất thải nguy hại có Xyanua chỉ bị xử phạt hành chính.)

Đến ngày 1/8/2016, Bộ TN-MT sau khi tiến hành tổng hợp kết quả, so sánh, đối chứng, đánh giá kết quả phân tích từ các phòng thí nghiệm cho thấy trong chất thải chôn lấp trái phép có một số mẫu bùn thải có chứa thông số xyanua (CN-) vượt ngưỡng chất thải nguy hại. Ngày 2/8/2016, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh công bố quyết định khởi tố hình sự vụ án chôn chất thải Formosa trong trang trại của Giám đốc Công ty môi trường đô thị Kỳ Anh.

Tuy nhiên, vụ việc không được xử lý hình sự dứt điểm. Vào ngày 14/12/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 3744/QĐ, quyết định xử phạt Công ty môi trường đô thị Kỳ Anh (địa chỉ tại TDP Hưng Thịnh, phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh) 450 triệu đồng. Lý do, Công ty này đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính, chôn lấp, đổ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường trên 100.000kg quy định tại Điểm n, Khoản 9, Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, Formosa Hà Tĩnh bị phạt tổng số tiền là 560 triệu đồng. Trong đó, hành vi không phân định chất thải nguy hại để quản lý theo quy định của pháp luật; chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại, quy định tại Điểm c, Khoản 5 và Điểm h, Khoản 7, Điều 21 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016.

Với hàng trăm tấn chất thải, nếu chôn thẳng vào môi trường, hậu họa sẽ rất lớn. Đối chiếu với các quy định pháp luật hình sự có hiệu lực tại thời điểm vi phạm xảy ra, rõ ràng là phải có trách nhiệm hình sự với cá nhân vi phạm. Tuy nhiên các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án nhưng sau một thời gian, dư luận lắng xuống lại chỉ xử phạt hành chính. Điều này là không đủ sức răn đe với các hành vi vi phạm nghiêm trọng về môi trường.

Giải pháp tình thế khi có ô nhiễm môi trường

Nhiều vụ việc ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra khi ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, các cơ quan chức năng chỉ tìm đến giải pháp tình thế đó là di dời khi bị ô nhiễm.

Tại Quảng Ninh, nhiều hộ dân tại xã Lê Lợi (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) phản ánh cuộc sống của họ bị đảo lộn vì Công ty Cổ phần nhiệt điện Thăng Long trong quá trình xây dựng và vận hành vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề môi trường phát sinh bụi, tro bay, khói đen, nước thải gây ô nhiễm ảnh hưởng tới dân cư khu vực xung quanh. Ngay sau khi nhận được thông tin, đường dây nóng cấp Trung ương đặt tại Tổng cục Môi trường đã chuyển thông tin về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh để xác minh, xử lý vụ việc. Sáng ngày 29/3/2019, tổ công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với Công ty Cổ phần nhiệt điện Thăng Long tại văn phòng của Công ty về việc liên quan tới kiến nghị của người dân về bãi xỉ thải của nhà máy nhiệt điện Thăng Long.

Để giải quyết vấn nạn xỉ thải của nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm, chính quyền Quảng Ninh chọn cách giải quyết rất “tình thế” đó là giải quyết kiến nghị, bồi thường GPMB đối với hộ dân liền kề khu vực bãi thải xỉ. Tức là thu hồi đất theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai 2013. Thu hồi đất trong khu vực ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người. Việc thu hồi đất này dùng tiền ngân sách chi trả bồi thường.

Tương tự, tại Hà Nội, Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn (bãi rác Nam Sơn) từ lâu được biết đến là tụ điểm bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân phản ánh, tố cáo kéo dài nhiều năm vì sống trong cảnh ô nhiễm không khí, nguồn nước. Sau khi người dân phản ánh, tố cáo, UBND huyện Sóc Sơn đã đồng loạt thực hiện kê khai, kiểm đếm đất, tài sản trên đất… quy trình đền bù giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 mét tại 3 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ và Bắc Sơn.

Theo đó, người dân Xã Nam Sơn được bố trí đất tái định cư ở 3 khu vực (thôn Đông Hạ sẽ tái định cư ở khu đất mới cũng thuộc thôn này, cách bãi rác khoảng 1.000m; thôn Xuân Thịnh chuyển đến thôn Thanh Hà, cách bãi rác 7 km; dân thôn Xuân Bảng đến thôn Hoa Sơn, cách bãi rác 4km). Người dân xã Bắc Sơn sẽ được bố trí tái định cư cách xa bãi rác khoảng 3km, tại địa điểm thôn Nam Lý cũng ở xã này. Các hộ dân của xã Hồng Kỳ bị ảnh hưởng từ bãi rác cũng được bố trí tái định cư cách bãi rác khoảng 1.300m. Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết 1.100 hộ dân của 3 xã kể trên dự kiến sẽ được nhận tiền đền bù khoảng 3.400 tỷ đồng.

Xử lý các vi phạm về môi trường vẫn chỉ ưu tiên các giải pháp tình thế, chưa xử lý tận gốc vấn đề (trong ảnh là hình ảnh ô nhiễm môi trường xung quanh bãi rác Nam Sơn).
Xử lý các vi phạm về môi trường vẫn chỉ ưu tiên các giải pháp tình thế, chưa xử lý tận gốc vấn đề (trong ảnh là hình ảnh ô nhiễm môi trường xung quanh bãi rác Nam Sơn).)

Khi có ô nhiễm môi trường xảy ra do tổ chức sản xuất, thực hiện dự án, quy hoạch… thì trách nhiệm pháp lý chưa được đặt ra. Cơ quan nhà nước tại địa phương chỉ có giải pháp là áp dụng quy định trong Luật Đất đai, thu hồi đất do bị ô nhiễm môi trường để áp dụng chính sách đền bù, hỗ trợ mặt bằng và di dời cho người dân bằng ngân sách nhà nước. Thiết nghĩ, các giải pháp đó cũng chỉ là những giải pháp tình thế, tránh để người dân khiếu kiện kéo dài… tuy nhiên hệ lụy là tốn kém cho ngân sách nhà nước và thực trạng ô nhiễm chưa có giải pháp xử lý tận gốc.

Chế tài xử lý hành chính… thiếu tính răn đe

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường đã chỉ đạo tổ chức kiểm tra, năm 2018 cơ quan này xử lý 15 vụ việc về ô nhiễm, sự cố môi trường và đa dạng sinh học; đã trình Bộ trưởng xem xét, ký Công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường Khu công nghiệp Tằng Loỏng. Tổ chức thanh tra tại 255 cơ sở thuộc đối tượng thanh tra theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Đến nay, đã trả kết quả 236 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính đối với 60 cơ sở.

Tỉnh Bình Thuận là nơi có nhiều kiến nghị, phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường và tình trạng xả thải ra môi trường của các doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến sức khỏe và gây hoang mang lo lắng cho người dân. Ô nhiễm tập trung tại các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam; Nhà máy sản xuất phân bón Nutrifarm; Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1; Bãi rác Bình Tú; Khu chế biến thủy sản Nam Cảng cá Phan Thiết... Trong năm 2018, Sở TN&MT tỉnh này đã tổ chức 07 đợt kiểm tra đối với các cơ sở; đã có quyết định xử lý vi phạm hành chính 12 cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với tổng số tiền 3,06 tỷ đồng. Các đơn vị chức năng quyết định xử phạt hành chính đối với các cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường khoảng 2,5 tỷ đồng.

Thực tế, vi phạm về môi trường gây hậu quả rất lớn cho đời sống xã hội. Tại nhiều khu vực có các dự án trên, người dân phản ánh thực tế ô nhiễm môi trường làm đảo lộn cuộc sống của họ, cư dân sống gần các khu vực ô nhiễm nảy sinh bệnh tật… Thế nhưng, qua các báo cáo về công tác xử lý vi phạm về môi trường, hầu hết chỉ là kết quả xử lý hành chính.

Phan Tĩnh

Bạn đang đọc bài viết "Góp ý hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên môi trường (Kỳ 6) Bài 10: Chế tài xử lý vi phạm về môi trường chưa đủ sức răn đe" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin