Quyền sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề được doanh nghiệp quan tâm, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh kinh doanh và hội nhập kinh tế hiện nay. Vụ việc giữa Ecopark “tố” Crystal Bay, F.I.T xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp dưới góc nhìn pháp lý của chuyên gia sẽ giúp doanh nghiệp và độc giả hiểu thêm nhiều điều về pháp luật sở hữu trí tuệ.
Mới đây vào ngày 5/7/2021, Tập đoàn Ecopark (Ecopark) đã có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết vụ việc sử dụng nhãn hiệu ECO PARK tại dự án Mũi Dinh Ecopark của Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T và Công ty cổ phần Crystal Bay. Cụ thể Ecopark cho rằng Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T và Công ty cổ phần Crystal Bay đã sử dụng cụm từ "Mũi Dinh Ecopark" cho dự án tại Ninh Thuận đã gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, xâm phạm nhãn hiệu ECO PARK đã được bảo hộ của Tập đoàn Ecopark.
Dự án Mũi Dinh Ecopark có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD, trên quy mô gần 800 ha ở Ninh Thuận. Dự án Mũi Dinh Ecopark được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt và được Chính phủ chấp thuận với 5 phân khu chính: phân khu resort cao cấp ở Bãi Tràng, khu biệt thự trên núi, khu khách sạn trung tâm, khu khách sạn và resort san hô, khu công viên chuyên đề, công viên bờ biển, công viên nước và công viên sa mạc.
Có hay không hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp?
Trong nội dung công văn số 21/CV-ECO của Công ty cổ phần tập đoàn Ecopark gửi tới công ty cổ phần tập đoàn F.I.T và công ty cổ phần Crystal Bay ngày 26 tháng 1 năm 2021 có nội dung khẳng định doanh nghiệp Ecopark là chủ sở hữu hợp pháp nhãn hiệu "ECO PARK, Ecopark" từ năm 2007 đến nay, đồng thời yêu cầu công ty F.I.T và công ty Crystal Bay chấm dứt sử dụng dấu hiệu vi phạm và gỡ, bỏ hoàn toàn thông tin quảng cáo, văn bản, tài liệu chứa dấu hiệu vi phạm trước ngày 30/01/2021.
Theo tra cứu tại Cục sở hữu trí tuệ, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng là chủ sở hữu của 3 nhãn hiệu đã được cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.
Thứ nhất, nhãn hiệu “ECO PARK” số văn bằng 40126433000 ngày 12/3/2007 (được gia hạn ngày 19/04/2019) trong đó danh mục sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu gồm có nhóm 37, 42 liên quan đến xây dựng khu đô thị, xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, tư vấn giám sát công trình xây dựng; lập dự án đầu tư xây dựng, thẩm định các dự án đầu tư, thiết kế các công trình xây dựng.
Thứ hai, nhãn hiệu “ECO PARK” theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 40110831000 do Cục sở hữu trí tuệ cấp ngày 9/10/2018 trong đó danh mục sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu có nhóm 36 liên quan đến kinh doanh bất động sản, cho thuê căn hộ; quản lý tòa nhà, khu biệt thự.
Thứ ba, nhãn hiệu “ecopark, và hình” theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 40162357000 do Cục sở hữu trí tuệ cấp ngày 21/4/2011 trong đó danh mục sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu có nhóm 35,36 liên quan đến kinh doanh bất động sản, cho thuê căn hộ; quản lý tòa nhà, khu biệt thự.
Được biết, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (VIHAJICO) đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecopark. Công ty Ecopark vẫn được coi là chủ sở hữu hợp pháp đối với 3 giấy chứng nhận nhãn hiệu đã được cấp bởi cục Sở hữu trí tuệ và vẫn đang trong thời gian có hiệu lực.
Để trả lời cho câu hỏi có hay không việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của Công ty cổ phần Ecopark, cụ thể là việc công ty cổ phần F.I.T và Công ty cổ phần Crystal Bay đã sử dụng cụm từ "Mũi Dinh Ecopark" cho dự án tại Ninh Thuận, qua tìm hiểu những căn cứ tại Cục sở hữu trí tuệ, có thể khẳng định Công ty cổ phần tập đoàn Ecopark đang là chủ sở hữu hợp pháp đối với ba nhãn hiệu “ECO PARK”, “ecopark và hình”
Xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là cụm từ "Mũi Dinh Ecopark" gồm hai thành tố “Mũi Dinh” và “Ecopark”.
Thứ nhất, thành tố “Mũi Dinh” là tên một mũi đất thuộc Ninh Thuận, đây là tên một địa danh và không có khả năng phân biệt, do đó không có khả năng bảo hộ theo quy định. Thành phần chữ “Ecopark” còn lại dù thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào vẫn được coi là giống về cấu tạo, phát âm, ngữ nghĩa và tương tự với nhãn hiệu “ECO PARK”, “ecopark” đã được bảo hộ và đang sử dụng hợp pháp bởi Công ty cổ phần Ecopark.
Thứ hai, dự án “Mũi Dinh Ecopark” được sử dụng cho hàng hóa/dịch vụ trùng với nhãn hiệu Ecopark đã được đăng ký, cụ thể Công ty cổ phần Ecopark đã đăng ký nhãn hiệu liên quan đến xây dựng khu đô thị, xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp; lập dự án đầu tư xây dựng, thẩm định các dự án đầu tư, thiết kế các công trình xây dựng.
Tóm lại, Thành tố “Ecopark” trong cụm từ “Mũi Dinh Ecopark” được coi là trùng đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ, trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu nếu giống với nhãn hiệu về cấu tạo từ ngữ, kể cả cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái. Người tiêu dùng thông thường có thể nhầm lẫn dự án “Mũi Dinh Ecopark” thuộc về Công ty cổ phần Ecopark dựa vào sự trùng lặp này.
Theo chúng tôi, đây là hành vi có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được quy định tại Điều 129 luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019.
“1. Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó”.
Doanh nghiệp cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình
Thứ nhất, Doanh nghiệp có thể tự bảo vệ mình, cụ thể theo Điều 198 luật Sở hữu trí tuệ năm, các biện pháp mà chủ thể bị xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu có thể:
Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật
Ngoài ra những ưu điểm về hiệu quả bảo vệ nhanh chóng, kịp thời thì một hạn chế lớn nhất của biện pháp này là hiệu quả bảo vệ không cao do không được bảo đảm bằng tính cưỡng chế nhà nước mà hoàn toàn trông chờ, phụ thuộc vào sự tự nguyện và thiện chí của bên xâm phạm. Do vậy, nếu bên xâm phạm không tự nguyện, thiện chí chấm dứt hành vi xâm phạm, khắc phục hậu quả đã xảy ra thì biện pháp này không mang lại hiệu quả.
Thứ hai là biện pháp hành chính, căn cứ theo nghị định 99/2013/NĐ-CP, các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh thanh tra sở Khoa học công nghệ, Sở kế hoạch đầu tư, Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND huyện liên quan căn cứ thẩm quyền của mình, có thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền sử hữu công nghiệp và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp theo yêu cầu của Công ty Ecopark.
Công ty Ecopark có thể đề xuất các biện pháp phạt hành chính bằng tiền theo quy định tại Nghị định 99, phạt bổ sung bằng hình thức đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực để xảy ra vi phạm từ 1-3 tháng theo Nghị định 99. Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm ra khỏi các phương tiện kinh doanh, quảng cáo. Buộc cải chính công khai đối với hành vi chỉ dẫn sai về quyền sở hữu công nghiệp nói trên.
Thứ ba là biện pháp dân sự, theo quy định tại Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ, để xử lý các tổ chức cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp nói riêng, tòa án có quyền áp dụng các biện pháp dân sự bao gồm: buộc chấm dứt hành vi xâm phạm, buộc xin lỗi cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại,.. Căn cứ theo điều 198 luật sở hữu trí tuệ, tổ chức cá nhân khi bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể khởi kiện ra Tòa án. Khi đó Công ty cổ phần Ecopark cần thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Được biết, vụ việc đang trong quá trình giải quyết giữa các bên.
Theo phapluatbanquyen.phaply.vn
Nguồn bài viết: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/goc-nhin-phap-ly-vu-ecopark-to-crystal-bay-va-fit-xam-pham-quyen-so-huu-cong-nghiep-bv404/