Luật sư cho rằng, phụ huynh hoặc người nhà thí sinh không thể vô can vì đây là nguyên nhân, động cơ thúc đẩy hành vi vi phạm pháp luật của các bị can.
Liên quan đến vụ gian lận thi cử ở Sơn La chấn động thời gian qua, Công an tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra vụ án, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điểm a, khoản 2, điều 356 Bộ luật hình.
Theo Tuổi trẻ, cơ quan điều tra cho biết, "chi phí" giúp rút bài sửa nâng điểm có bị can khai, trung bình mỗi trường hợp "giá" là 1 tỷ đồng.
Trả lời VTC News về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu cơ quan điều tra có kết luận các trường hợp được nâng điểm do phải chi đến hàng tỷ đồng để tác động đến người có chức vụ quyền hạn, thì ở đây không chỉ là tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ hoặc tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi, mà có dấu hiệu của tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ.
Theo luật sư Cường, nếu xử lý về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ, cả người sửa điểm và người nhà của thí sinh (những người đã tác động để được sửa điểm cho con, cháu mình) đều bị xử lý hình sự và mức xử lý cao nhất có thể lên đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
“Khi cơ quan điều tra đã có chứng cứ chứng minh là các đối tượng sửa điểm vì tiền, số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Đồng thời thí sinh được sửa điểm, nâng điểm là do phụ huynh, gia đình đã chi tiền thì động cơ mục đích của vụ án hành vi sửa điểm, nâng điểm đã rõ.
Bản chất của vụ án ở đây là mua bán, chạy điểm, chạy trường chứ không chỉ đơn thuần là vi phạm do chủ quan nóng vội hoặc do nể nang mà làm trái công vụ”, luật sư Cường cho hay.
Đối với phụ huynh hoặc người nhà thí sinh (người đã tác động để sửa điểm), những người này không thể vô can, đây là nguyên nhân, động cơ thúc đẩy hành vi vi phạm pháp luật của các bị can - người có chức vụ, quyền hạn.
Theo luật sư Cường, khi cơ quan điều tra đã có tài liệu để chứng minh các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội sửa điểm, nâng điểm nhận tiền từ phụ huynh hoặc người thân, người nhà của thí sinh, mà những người này không chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì sẽ bị xử lý về tội đưa hối lộ theo quy định tại điều 364 Bộ luật hình sự.
Với số tiền đưa hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, người đưa hối lộ sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù theo quy định tại khoản 4, điều 364 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trong trường hợp người đưa tiền qua khâu trung gian thì người trung gian sẽ bị xử lý về tội môi giới hối lộ, còn người đưa và người nhận sẽ bị xử lý về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ.
Trường hợp người đưa tiền không biết người có chức vụ quyền hạn trong việc là thể tác động vào kết quả thi là ai, chỉ đưa tiền cho người trung gian có chức vụ quyền hạn, để nhờ người đó tác động đến người có chức vụ quyền hạn nào đó để sửa điểm, nâng điểm (không rõ giờ người cụ thể nào) thì vụ việc này chỉ xử lý người đã nhận tiền về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 355 bộ luật hình sự.
“Dư luận đang mong chờ vào kết quả giải quyết triệt để, công bằng, thấu tình đạt lý của các cơ quan tố tụng tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang. Nếu động cơ, mục đích của việc nâng điểm, sửa điểm là yêu tố vật chất, vì lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của cá nhân thì cần phải xem xét đến các tội danh có yếu tố tư lợi, trục lợi (tội nhận hối lộ).
Khi đã chứng minh được bản chất vụ việc là “mua điểm”, “chạy trường” mua bán, đổi chác làm sai lệch công vụ thì dư luận mong muốn phải xử lý hình sự cả người đưa tiền và người nhận tiền về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ mới đúng pháp luật, mới đủ sức răn đe, phòng ngừa cho xã hội và mới đảm bảo công bằng, bình đẳng trước pháp luật”, luật sư Cường nói.
Theo quy định tại điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), người nào có chức vụ quyền hạn đã nhận, đang nhận hoặc sẽ nhận tiền, của, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người khác để làm hoặc không làm một công việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì đây là hành vi nhận hối lộ.
Nếu số tiền nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên thì hình phạt sẽ là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Theo vtc.vn
Nguồn bài viết: https://vtc.vn/gian-lan-thi-cu-o-son-la-gia-nang-diem-moi-truong-hop-1-ty-dong-phu-huynh-khong-the-vo-can-d476993.html