Đã có một bước tiến ở nghị trường nhưng vẫn cần một bước tiến nữa, đó là giám sát phải kịp thời.
[caption id="attachment_156928" align="aligncenter" width="447"] Ảnh minh họa (Nguồn Internet)[/caption]
“Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016, trước Quốc hội và cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng...”.
Đó là một đoạn trong nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, được Quốc hội thông qua tại phiên bế mạc.
Điều đó đã thể hiện sự kiên quyết của Quốc hội, như Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhận định: “Quốc hội chưa bao giờ phê phán ai như phê phán ông Vũ Huy Hoàng”.
Tuy nhiên, nghị quyết này có lẽ chỉ đáp ứng một phần trông đợi của cử tri. Bởi sự quan tâm lớn nhất của cử tri như đại biểu Dương Trung Quốc trao đổi với Tuổi Trẻ: Lẽ ra những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng phải được phát hiện và xử lý ngay khi còn đương chức để ngăn chặn hậu quả, thay vì chỉ “dọn dẹp hậu quả”.
Khi đại biểu Dương Trung Quốc đưa ra đánh giá này, có ý kiến phản biện: “Vậy những đại biểu khác của Quốc hội khóa XIII đã giám sát gì trước những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng? Thậm chí lần lấy phiếu tín nhiệm năm 2014 ông Vũ Huy Hoàng còn có số phiếu tín nhiệm cao tăng hơn lần lấy phiếu tín nhiệm năm 2013?”.
Trả lời câu hỏi này, đại biểu Dương Trung Quốc nói “đó là điều rất rõ ràng”, phải xem lại trong những sai phạm đó có hạn chế gì của Quốc hội hay không.
Ông Quốc cũng nhắc lại sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực mà mỗi ngày đi làm, đi họp Quốc hội ông vẫn thấy, nhiều đại biểu Quốc hội, HĐND TP Hà Nội cũng thấy nhưng sai phạm vẫn diễn ra và cho rằng “hệ thống giám sát tiêu cực rõ ràng có vấn đề”.
Nghị quyết của Quốc hội cũng dành một phần khá dài để nói về Formosa, về các dự án lỗ ngàn tỉ đồng với yêu cầu “giám sát chặt chẽ các tác nhân gây ô nhiễm môi trường”, “không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước”... Vẫn là thái độ không khoan nhượng.
Nhưng vẫn là với những sai phạm từ nhiều năm. Vì thế dù có mạnh mẽ, kiên quyết nhưng vẫn chưa khỏa lấp được câu hỏi về vai trò kịp thời của hoạt động giám sát.
Với nghị quyết của mình, Quốc hội đã thể hiện quyết tâm cao, nhưng quyết tâm ấy vẫn chưa đủ nếu thiếu những hoạt động giám sát đủ soi rọi những ngóc ngách sai trái trong nhiệm kỳ của một bộ trưởng khi còn đương chức.
Hoặc nhìn ra những sai phạm, tồn tại, khiếm khuyết ở các địa phương mà mỗi đại biểu Quốc hội, với vai trò của mình phải có nhiệm vụ giám sát, phát hiện để có tiếng nói ngăn chặn, uốn nắn.
Đã có một bước tiến ở nghị trường nhưng vẫn cần một bước tiến nữa, đó là giám sát phải kịp thời. Không bỏ lọt những sai phạm và cũng sẵn sàng truy lại vai trò giám sát đã đến đâu khi những sai phạm đó đang xảy ra.
Đừng để “nơi này giám sát nơi kia mà không chịu trách nhiệm gì!” như đại biểu Dương Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh về câu chuyện giám sát.
Theo Tuoitre