Bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội đoàn Bến Tre, ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi xung quanh quy định kê khai tài sản và giám sát kê khai tài sản để phòng chống tham nhũng.
Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng dự kiến được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Nội dung được dư luận quan tâm đó là làm sao để minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập, phòng chống tham nhũng.
Để khắc phục bệnh hình thức trong kê khai tài sản, dự thảo quy định theo hướng bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm.
Từ khi dự thảo luật được đưa ra lấy ý kiến, nhiều ý kiến cho rằng khó khăn nhất trong công tác phòng chống tham nhũng là kiểm soát tài sản và xác minh tài sản. Hai nội dung này trong dự thảo luật vẫn chưa thể hiện rõ nhiều nội dung như cơ chế xác minh, phương thức xác minh.
Ông Lưu Bình Nhưỡng- Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: Kê khai tài sản của cán bộ là vấn đề rất phức tạp. Cần làm rõ quan điểm giám sát kê khai ở cấp nào hay giám sát tất cả các cấp. Mặt khác phương thức giám sát cũng chưa được làm rõ trong khi đây là hai vấn đề tính tới hiệu quả.
Theo ông tại sao công tác kê khai tài sản chưa hiệu quả?
- Tôi cho rằng ở nước mình, cán bộ có thực hiện kê khai tài sản nhưng xác minh tài sản kê khai chưa đầy đủ, công tác xác minh không hiệu quả. Vì thế mà báo chí thời gian qua phát hiện có nhiều người có tài sản khắp nơi. Tuy nhiên, hiện có ít trường hợp xác minh những tài sản này.
Vậy muốn xác minh những tài sản báo chí phản ảnh đó cần làm thế nào, thưa ông?
- Nếu xác minh tài sản đó cần có cơ chế rất rõ ràng là xác minh bình thường và xác minh khi có kiến nghị, phản ảnh. Đối với xác minh bình thường thi sau khi kê khai tài sản xong, cơ quan quản lý cán bộ phải có văn bản đề nghị địa phương hợp công tác xác minh. Thậm chí phải công khai kết quả xác minh.
Nếu sau khi xác minh rồi thấy có vấn đề thì phải xác minh lại, xác minh lần 2 để xem phản ảnh có đúng không, việc kê khai tài sản của cán bộ có chuẩn không. Sau đó cơ quan nhận bản kê khai tài sản đưa vào hồ sơ cán bộ để quản lý, đưa vào danh sách chung mà Tổng thanh tra chính phủ quản lý chung sẽ hiệu quả.
Nếu phát hiện trường hợp kê khai thiếu tài sản, theo ông phải xử lý thế nào?
- Đối với tài sản kê khai thiếu, nếu là tài sản hợp pháp thì thuộc trường hợp kê khai không trung thực. Còn nếu tài sản đó bất minh, bất hợp pháp thì nhà nước có trách nhiệm chứng minh và xử lý theo quy định pháp luật. Nếu tài sản trộm cắp, tham nhũng đều đã có quy định rõ ràng. Thực ra giải pháp chúng ta đều có cả rồi đó là Bộ chính trị có quy định, Bộ luật hình sự và Luật cán bộ công chức. Chúng ta xử lý theo những quy định đó.
Ông có thể đề xuất giải pháp nào để công tác kê khai tài sản hiệu quả hơn?
- Theo tôi, cơ quan nhận bản kê khai tài sản của cán bộ cần đưa nội dung kê khai, xác minh vào hồ sơ cán bộ để quản lý. Tất cả hồ sơ tập trung thành một danh sách và Tổng thanh tra chính phủ quản lý chung.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.
Theo Bao Phapluat