Doanh nghiệp “để vay 100 đồng vốn cần 500 đồng tài sản bảo đảm”

31/10/2016 07:17

Phản ánh những khó khăn về tín dụng khu vực nông nghiệp nông thôn, ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc công ty Thái Dương cho biết: Hiện nay, để vay 100 đồng vốn lưu động doanh nghiệp cần có 500 đồng vốn tài sản bảo đảm.

 Ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc công ty Thái Dương
Ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc công ty Thái Dương)

Tham gia buổi hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc công ty thứ ăn chăn nuôi Thái Dương cho biết: Chúng tôi đang có tham vọng cung cấp 5% nhu cầu về lợn thịt cho Trung Quốc và nếu làm được như vậy, một năm có thể đạt xuất khẩu chăn nuôi lợn khoảng 7 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi lợn hiện đang có nhiều điểm yếu, nếu không đổi mới sẽ vừa không tăng được xuất khẩu mà còn phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu nước ngoài ở trong nước, có thể thua ngay trên sân nhà.

Theo đó, ông Thành cho biết, khó khăn lớn nhất của nông dân hiện nay là vấn đề tiếp cận vốn và chi phí vốn. Hiện nay, để có 100 đồng doanh thu từ chăn nuôi thì người nông dân phải bỏ ra 220 đồng vốn. “Như vậy làm sao chúng ta có thể cạnh tranh được với các nước trên thế giới?”

Ngành chăn nuôi của Việt Nam hiện nay chủ yếu là nhỏ lẻ, dựa trên công nghệ thấp, năng suất thấp dẫn tới giá thành cao, thu nhập thấp. Không những thế, chi phí về vốn ở ta cũng rất lớn với thời gian cho vay ngắn hạn, từ 3 đến 7 năm, trong khi ở Đan Mạch cho vay chăn nuôi là 30 năm. “Như thế người nông dân Việt Nam không đủ thời gian cho việc thu hồi vốn và trả nợ ngân hàng? “Vì thế, có doanh nghiệp đầu tư dự án này để vay vốn đầu tư dự án khác để lấy tiền trả ngân hàng”, ông Thành chia sẻ.

Cùng với đó, thủ tục pháp lý vay vốn cho người nông dân hiện nay quá nhiều, quá phức tạp, định giá tài sản đảm bảo thì quá thấp, ngân hàng chỉ cho vay tương đương 20% giá trị của đảm bảo, như thế để có 100 đồng vốn lưu động thì doanh nghiệp phải bỏ 500 đồng tài sản thế chấp. Và không phải tài sản thế chấp nào cũng được ngân hàng chấp thuận dễ dàng, ông Thành bày tỏ.

Ông Thành cũng cho biết, nhiều văn bản chính sách đã được ban hành để ủng hộ tín dụng trong nông nghiệp như Nghị định 210, tuy nhiên rất ít người được hưởng chính sách này do để đáp ứng được những điều kiện vay vốn là rất khó. Hay như con số 890 nghìn tỷ đồng dành cho nông nghiệp cũng chủ yếu đầu tư cho sản xuất chế biến hàng hóa, chứ bà con chăn nuôi, trồng trọt thì rất khó tiếp cận với nguồn vốn này. “Bản thân chúng tôi đang đầu tư 600 tỷ nhưng mới chỉ vay được ngân hàng 100 tỷ”.

Từ đó, ông Thành đưa ra những kiến nghị lên Chính phủ và NHNN: “Chính sách của nhà nước có thể rất đẩy đủ nhưng quan trọng là phải đưa nó vào thực thi, tạo ra được những kết quả rõ rệt”. Tiếp đó, cần bố trí nguồn lực cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ; xem xét giảm lãi suất xuống còn 3%/năm, từ khoảng 9% hiện nay.

Cùng với đó, ông Thành đề xuất, cần xem lại vấn đề định giá tài sản đảm bảo, hoặc khắc phục tình trạng có tài sản nhưng không đảm bảo vay vốn được. Có như vậy nông nghiệp mới phát triển được.

Trả lời những thắc mắc và đề xuất trên của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Chúng tôi sẽ xem lại tại sao doanh nghiệp quy mô 500 tỷ mà chỉ cho vay 100 tỷ. Nếu đúng như vậy thì đúng là rất đáng “bức xúc”.

Về cơ chế chính sách liên quan tới tín dụng cho nông nghiệp, trước tiên phải nói tới tích tụ, tập trung được ruộng đất. Từ đó chúng ta mới có sản xuất lớn, năng suất, chất lượng sản phẩm đồng đều hơn để nâng cao khả năng cạnh tranh. Từ việc này tạo bước đột phá trong nông nghiệp kéo theo đầu tư lớn và phải có nguồn vốn lớn hơn, dài hơi hơn để từ đó các nguồn lực từ nhà nước, nước ngoài, tổ chức tín dụng tham gia cùng với các doanh nghiệp và người dân.

Vấn đề thứ 2 là liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Hiện nay chúng ta phải tính tới liên kết. “Tôi có xem chương trình nông thôn mới của doanh nghiệp sữa Mộc Châu - Sơn La, họ đã tổ chức từ khâu đầu, giống, nguyên liệu, quy trình cho người dân như thế nào để thu mua, chế biến sữa và đưa ra thị trường”, ông Đông chia sẻ.

Ông Đông nhấn mạnh, nông nghiệp nông thôn là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên của nhà nước. Tuy nhiên, để đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp là lãi suất 3%/năm là rất khó khi mà các NHTM hiện nay vẫn phải huy động vốn ở mức 9-10%/năm. Nhưng nói nguồn vốn dài hạn hơn thì tôi đồng ý.

Về vấn đề định giá tài sản đảm bảo, ông Đông cho biết, hiện ngay ngay cả bản thân ngân hàng cũng vướng bởi những cơ chế ở địa phương. “Có trường hợp cả khách hàng và ngân hàng đồng ý với phương án thế chấp rồi, nhưng mang ra công chứng họ không đồng ý thì ngân hàng cũng phải chịu”.

Đặc biệt, hiện nay đối với định giá tài sản tài sản trên đất nông nghiệp cũng rất khó và đất nông nghiệp không được tính giá trong định giá tài sản đảm bảo. Việc này cần được trình lên quốc hội để xem xét, sửa đổi hỗ trợ người nông dân, ông Đông đề xuất.

Theo Bizlive

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp “để vay 100 đồng vốn cần 500 đồng tài sản bảo đảm”" tại chuyên mục Góp ý chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin