DNNN chậm báo cáo thông tin: Phạt nặng hay bêu tên?

10/02/2017 09:33

Với hình thức xử phạt hành chính bằng tiền sẽ khó tác động mạnh đến các doanh nghiệp, cần quy trách nhiệm và nêu tên công khai.

"Đừng giơ cao đánh vừa"

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo Thủ tướng và Thường trực Chính phủ về kết quả công bố thông tin của các doanh nghiệp Nhà nước (các tập đoàn, tổng công ty, công ty 100% vốn Nhà nước).

Theo Bộ KH-ĐT, tính đến ngày 31/12/2016, mới có 241/620 doanh nghiệp (chiếm 38,87%) gửi báo cáo đến Bộ này và thực hiện công bố thông tin trên Cổng thông tin doanh nghiệp.

380 doanh nghiệp còn lại phớt lờ lệnh trên, chủ yếu là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương.

Đặc biệt, các công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (5 doanh nghiệp), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (2 doanh nghiệp), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (6 doanh nghiệp), Tập đoàn Cao su Việt Nam (4 doanh nghiệp) chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định.

Hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, dù đã công bố một số thông tin, nhưng chưa thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu tại Nghị định 81.

 Các doanh nghiệp phải báo cáo công khai, minh bạch các thông tin
Các doanh nghiệp phải báo cáo công khai, minh bạch các thông tin)

Trước hành động trên của Bộ KH-ĐT, trao đổi với Đất Việt, ngày 8/2, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ KH-ĐT cho biết: "Đây là những việc đáng làm và nên làm từ lâu, bởi vì, vấn đề này cũng đã từng được Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở nhiều lần là phải làm theo đúng kỷ luật, kỷ cương.
Cùng với đó, Thủ tướng đã chỉ đạo đầu năm các cơ quan phải bắt đầu công việc ngay chứ không thể đủng đỉnh được, việc Bộ KH-ĐT đưa ra các biện pháp xử lý kiên quyết hơn dịp đầu năm cũng là một việc để thực hiện yêu cầu đó của Thủ tướng. Tôi rất hoan nghênh cách làm của Bộ KH-ĐT khi còn đến 2/3 số doanh nghiệp chưa thực hiện công bố thông tin.

Nhưng theo tôi, Bộ KH-ĐT cần công bố rõ hơn tên các doanh nghiệp chưa công bố thông tin, gây sức ép mạnh hơn với họ, còn chuyện phạt tiền, phạt tài chính cũng cần thiết nhưng không quan trọng bằng việc tác động tích cực đến họ. Kiên quyết thì phải làm cho bằng được, đừng giơ cao nhưng đánh vừa vừa".

Bên cạnh đó, theo ông Hồ, phải thừa nhận rằng tình hình quản lý doanh nghiệp của chúng ta hiện nay còn đang lỏng lẻo, cứ bao giờ phanh phui ra việc gì mới đi vào thanh tra, kiểm tra nên nhiều chuyện để đi quá xa rồi mới phát hiện. Hay như câu chuyện về trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh từng làm thu lỗ 3.200 tỷ ở Tổng Cty Cổ phần xây lắp dầu khí (PVC), sai phạm từ 2013 mà giờ mới phát hiện ra để xử lý. Trong khi, tình hình doanh nghiệp phải được kịp thời cập nhật báo cáo, chúng ta chưa làm tốt điều này, cho nên cải cách DNNN chậm.

Phân tích về lý do Bộ KH-ĐT đưa ra các biện pháp kiên quyết tại thời điểm trên, ông Hồ nói rõ: "Bản thân Bộ KH-ĐT cũng vừa bị nhắc nhở, trong tháng 2 phải trình đề án cơ quan quản lý vốn nhà nước và doanh nghiệp chính là siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước. Thực ra nếu có một cơ quan để quản lý chung thì có thể liều lực mạnh hơn, chúng ta cứ bảo nhiều Bộ quản còn không quản được, thì một cơ quan làm sao quản được.

Nhưng tôi lại nghĩ ngược lại, nhiều Bộ có Bộ làm, có Bộ không làm, nhưng khi đã có siêu ủy ban thì tất cả các doanh nghiệp phải theo chỉ đạo của nó để thực hiện. Trong tình hình đã rất khẩn trương như hiện nay, thì phải làm mạnh quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa, cải cách DNNN, yêu cầu của Chính phủ năm 2018 phải hoàn thành.

Bộ KH-ĐT khi Thủ tướng đến thăm cũng đã giao nhiệm vụ, phải là cơ quan tham mưu chiến lược để giúp Chính phủ quản lý kinh tế vĩ mô.

Do đó, khi tôi tham dự các cuộc họp gần đây thì lãnh đạo Bộ KH-ĐT đều bày tỏ quyết tâm thực hiện thật tốt nhiệm vụ được giao.

Bởi vì, bây giờ có một tổ công tác của Chính phủ do Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, đứng đầu, cứ hàng tháng đến các tất cả các Bộ kiểm tra xem thực hiện các nhiệm vụ được giao ra sao. Bây giờ Bộ KH-ĐT không làm gấp rút, tổ công tác đến kiểm tra lại bảo do lý do này, lý do kia mà không báo cáo được thì cũng sẽ bị kiểm điểm.

Hơn nữa, Bộ KH-ĐT đã từng bị nhắc nhở làm không kiên quyết nên phải là có sự chuyển biến tích cực hơn, trong khi đây là việc không có lý do gì không làm được. Và tất nhiên phải có thông tin, có kiểm tra mới biết được tình hình từ đó phát hiện xem còn vấn đề gì tồn tại thì tiếp tục xử lý.

Nhưng tôi thấy đây là một chuyển động tích cực của bộ máy chúng ta, nhất là quản lý doanh nghiệp nhà nước", ông Hồ nhấn mạnh.

Nếu không công khai...

Nhìn nhận về cái khó của các DNNN thời điểm này, theo vị chuyên gia trên thì bản thân các doanh nghiệp cũng đang nhiều khó khăn, khó khăn không chỉ sản xuất kinh doanh mà còn ở khâu quản lý, nhưng không phải khó khăn mà chùn bước, mà phải khắc phục.

"Tôi được biết việc báo cáo thông tin rất mệt, phải trình bày rõ ràng thì mới không bị chất vấn gì thêm. Và yêu cầu của Thủ tướng chính phủ còn mạnh hơn, không đơn giản chỉ thúc bằng chỉ đạo văn bản.

Nay mai làm không được chắc chắn còn có hình thức kỷ luật xử lý, như quy trách nhiệm người đứng đầu, công khai tên tuổi doanh nghiệp, tập đoàn, từ đó sẽ rung động hết hệ thống chây ì bao lâu nay.

Sức bật của nền kinh tế chính là từ các chuyện cải cách này, không làm khẩn trương thì càng ngày càng khó khăn hơn, nên phải quyết tâm", ông Hồ phân tích.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thẳng thắn: ''Trước tiên, cũng phải thừa nhận doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm không tốt, coi thường trách nhiệm của mình. Sau đó là khi làm các việc như thế này cũng sẽ va chạm, nên phải xử lý, làm rõ các vấn đề mặt được và chưa được, nếu lỗ thì báo cáo vì sao lỗ, nếu lãi thì cũng phải báo cáo vì sao lãi, chứ không thể thích nói kiểu gì cũng được.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã từng nhiều lần nhắc nhở số liệu thống kê nhiều đơn vị không đúng, thiếu nhiều. Tóm lại phải trách nhiệm hơn, quyết liệt hơn, công khai minh bạch tốt hơn, do đó mới dẫn tới việc thực hiện cải cách tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng".

Khẳng định công khai thông tin là điểm mấu chốt nền tảng để tái cơ cấu nền kinh tế bằng cách cổ phần hóa, ông Lưu Bích Hồ chỉ rõ, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất cho sự chậm chạp của DNNN hiện nay là chưa công khai minh bạch. Khi đã hội nhập với thế giới thì sẽ không ai quan tâm là DNNN, họ chỉ quan tâm có minh bạch không, có được đối xử bình đẳng như tất cả các loại hình doanh nghiệp khác.

Mặt khác, trong cổ phần hóa, việc đầu tiên là định giá tài sản. Dù đã được cho phép theo giá thị trường nhưng khi đưa ra chắc chắn có nhiều cách sẽ thấy khó khăn, vì tài sản bao nhiêu năm tích lũy, tính ra theo sổ sách thì giá trị lớn nhưng theo giá thị trường thì lại nhỏ. Nhưng càng để lâu sẽ càng mất mát.

"Từ tình hình hiện nay đang rất ngổn ngang phải thay đổi lành mạnh hơn, chính quy hơn, hiệu quả tốt hơn, thì mới hội nhập, chống đỡ với sự cạnh tranh. Phải xác định cải cách là gian nan, nhưng không cải cách thì đồng nghĩa với dừng lại và chấp nhận rút lui, tận hưởng sự thụt lùi", vị chuyên gia nói.

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết "DNNN chậm báo cáo thông tin: Phạt nặng hay bêu tên?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin