Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong đã dẫn chứng như vậy về tình trạng điều tra viên của VKS Tối cao thiếu công cụ hỗ trợ khi làm nhiệm vụ.
Ông Phong nêu câu chuyện trên tại phiên làm việc chiều nay 16-9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Theo dự thảo luật, Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao không thuộc đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí quân dụng mà chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ.
Lý giải điều này, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, là do thực tiễn những năm qua cho thấy cơ cấu, tổ chức cơ quan điều tra của Viện KSND có biên chế ít, số vụ việc điều tra không nhiều, đối tượng phạm tội là người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp. Mặt khác, trong quá trình bắt giữ, đã có sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng Công an.
[caption id="attachment_149400" align="aligncenter" width="410"] Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam[/caption]
Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong lại cho rằng, quy định như vậy sẽ khiến lực lượng điều tra của VKS gặp khó khăn khi làm nhiệm vụ. Ông Phong lấy ví dụ về việc điều tra viên của VKSTC làm vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), khi bắt đối tượng phạm tội Lý Nguyễn Chung ở trong miền Nam, Đăk Lăk thì mất cả tháng, trong khi vũ khí không có, còng số 8 thì là còng cũ.
[caption id="attachment_149401" align="aligncenter" width="410"] Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong.[/caption]
“Có lần tôi đã báo cáo UBTVQH là có tình trạng điều tra viên của VKSTC bắt người bằng dây thừng. Đây là điều rất thật! Nếu như không được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, thì nguy hại trực tiếp đến lực lượng điều tra viên của Viện KSND Tối cao. Năm 2013 tôi đã đề nghị rồi nhưng bị quên, tại phiên họp mới đây Thủ tướng cũng đồng ý cần trang bị vũ khí cho lực lượng điều tra của Viện kiểm sát”, ông Phong nói.
Đồng quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, đối với lực lượng điều tra của Viện kiểm sát cũng cần được trang bị vũ khí, vì lực lượng này luôn đối diện với các đối tượng phạm tội nguy hiểm, trong khi đó lực lượng này chỉ có hơn 100 người.
Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2012 đến nay, đã trang bị hơn 337 nghìn loại vũ khí, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định; cấp 321.609 giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, bắt giữ 7.650 vụ với 6.116 đối tượng, trong đó truy tố 2.964 vụ, xét xử 1.920 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 2.603 trường hợp; thu giữ 1.897 khẩu súng các loại, 22.264 kg thuốc nổ, 100.969 kíp nổ... |
Theo Plo