Điểm yếu nhất trong các “vũ khí” chống tham nhũng hiện nay...

(Pháp lý) - Cuộc đấu tranh chống tham nhũng dù rất quyết liệt, nhưng hiệu quả sẽ không cao, nếu không có cơ chế tịch thu tài sản và nếu không truy nguyên được nguồn gốc tài sản cán bộ khai gian dối, có dấu hiệu bất minh. Và có lẽ điểm yếu nhất trong các “vũ khí” chống tham nhũng hiện nay đó là không đòi hỏi cán bộ phải chứng minh nguồn gốc tài sản.

Từ diễn đàn Quốc hội

Tại phiên thảo luận về công tác tư pháp, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng ngày 7/11, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2, cho rằng trong vấn đề chống tham nhũng, khi nói về kê khai tài sản thì ít nhất phải khai báo ba đời và sau đó phải công khai, treo ở các nơi, công chúng nhìn được thì người dân mới giám sát rõ.

Đại biểu Sùng Thìn Cò nói, chúng ta phải công khai, nhất là những đợt chuẩn bị bầu cử, chuẩn bị đại hội. Còn tài sản cứ giấu giếm, sợ người ta biết như thế thì rõ ràng chúng ta không minh bạch. "Tôi đề nghị nếu cần thiết thì làm phiếu thăm dò đối với cán bộ công chức và nhân dân xem ông nào có tham nhũng nhiều thì cho nghỉ đi. Như thế mới có thể làm triệt để được"- ông Sùng Thìn Cò nói.

Ông Sùng Thìn Cò cũng nói một cách tha thiết: “Tài sản lớn nhất của Đảng, Nhà nước là lòng dân. Nếu chúng ta không trị được nội xâm tham nhũng thì sụp đổ chế độ, mất vai trò lãnh đạo của Đảng là tất yếu khách quan mà không trách ai được, chỉ có thể trách chính chúng ta”.

Ông Dương Trung Quốc phân tích, ở Việt Nam, các trường hợp tham nhũng chỉ có thể là một bộ phận nhỏ nằm trong số những cán bộ, đảng viên có chức vụ quyền hạn.

"Không phải đảng viên thì làm đến phó phòng cũng khó, nghĩa là người dân miễn dịch với tham nhũng", với đặc điểm này thì quyết tâm của Đảng trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là điều quan trọng nhất. "Đảng chấn chỉnh nội bộ, quay lưng với tham nhũng thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ, sẽ đứng đằng sau”, ông Quốc nói.

Theo Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công; việc phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn yếu, chưa đồng đều.

Trong thời gian tới, ông Khái cho biết Chính phủ sẽ hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát chặt chẽ thu nhập và biến động tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, rửa tiền.

Đến thực tiễn đời sống

Năm 2017, rất nhiều biệt thự, biệt phủ của quan chức nhiều cấp được đưa lên công luận và nó thực sự không thể giải thích về tính hợp lý so với mức lương và phụ cấp của quan chức hiện nay.

Như một mối liên quan hữu cơ, năm 2017 cũng có nhiều đại án tham nhũng được đưa ra xét xử với những con số hàng chục tỉ, trăm tỉ, ngàn tỉ được “ném qua cửa sổ”… rồi chạy vào túi riêng. Dẫu lời khai “Được đến thăm và tặng quà lãnh đạo là vui rồi” của một bị cáo chưa được xác minh nhưng sự thực thì không phải là không có lý. Dẫu bị cáo có đưa ra sổ sách cũng không dễ chứng minh nếu người bị khai báo nhận tiền không thừa nhận.

Vì không dễ chặn được nguồn thu bất minh, từ hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án nên mặc dù chống tham nhũng rất nóng trên các diễn đàn nhưng trên thực tế đời sống dường như chưa thực sự hiệu quả, chưa “đến nơi đến chốn đến cùng”.

Biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý sẽ không bị sung công?
Biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý sẽ không bị sung công?)

Vụ mới nhất mà dư luận vẫn râm ran, không phục, không hài lòng đó là xử lý những vi phạm xung quanh biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Yên Bái. Thanh tra Chính phủ cho biết, quá trình thanh tra tập trung vào việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép của các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đối với khu đất tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái; việc chấp hành quy định của pháp luật về minh bạch tài sản thu nhập của ông Phạm Sỹ Quý, (vợ là bà Hoàng Thị Huệ). Theo kết luận thanh tra, UBND TP Yên Bái cho phép bà Huệ chuyển hơn 13.581 m2 đất nông nghiệp sang đất ở nhưng không thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 69 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Năm 2015, UBND TP Yên Bái cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở vượt hơn 3.854 m2 đất so với kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của TP Yên Bái đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Cũng theo kết luận thanh tra, từ ngày 18/8/2016 đến ngày 10/2/2017, bà Huệ thực hiện tiếp việc chuyển quyền sử dụng đất ở cho 14 hộ gia đình (đã ký thỏa thuận và góp tiền) trong tổng số đất đã được UBND TP cho phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở.

Thời gian này, ông Quý đã là Phó Giám đốc được giao phụ trách Sở TN-MT, sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở này thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của vợ ông Quý liên quan đến phạm vi, lĩnh vực ông Quý quản lý trực tiếp. Như vậy là ông Quý vi phạm khoản 4, Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng (không được để vợ kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp).

Hơn nữa, qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện, khi được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở TN-MT, ông Quý đã kê khai thiếu hơn 7.905m2 đất ở, hơn 27.500m2 đất nông nghiệp bà Huệ đứng tên, không kê khai 1 nhà diện tích xây dựng 600m2 tại tổ 51 phường Minh Tân (đang xây dựng); không kê khai tiền vay ngân hàng hơn 9,1 tỷ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng.

Theo đó, ông Phạm Sỹ Quý đã vi phạm quy định về trách nhiệm của người có nghĩa vụ phải kê khai tại khoản 1, Điều 5; vi phạm quy định về những hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 1, Điều 6, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, gây nghi ngờ về tài sản của gia đình, tạo dư luận không tốt đối với cán bộ trong bộ máy của Nhà nước cũng như sự minh bạch của đối tượng phải kê khai; vi phạm Chỉ thị 33-CT/TW ngày 3/1/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.

“Những vi phạm trên của ông Phạm Sỹ Quý đến mức phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm minh”, Thanh tra Chính phủ đánh giá.

Những vi phạm nghiêm trọng và yêu cầu kỷ luật nghiêm minh ấy được thể hiện bằng mức kỷ luật cảnh cáo, cho thôi chức Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái, điều chuyển sang làm phó Văn phòng HĐND tỉnh Yên Bái đối với ông Phạm Sĩ Quý. Ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) là trưởng đoàn thanh tra vụ việc nêu trên cho rằng: “tỉnh Yên Bái đưa ra mức kỷ luật như vậy là đúng pháp luật, nghiêm minh với các sai phạm của cá nhân ông Quý" và “chuyển công tác ông Quý sang Văn phòng HĐND là cơ quan giúp việc cho HĐND tỉnh hợp lý”.

Sai phạm đến như thế, gây mất lòng tin của nhân dân địa phương đến như thế, nhưng ông Phạm Sỹ Quý chỉ bị cảnh cáo và giáng chức xuống một cấp, còn khối tài sản khổng lồ vẫn ngạo nghễ trước cuộc sống nghèo khó của đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái. Dư luận cho rằng, pháp luật xem ra “bất lực” trước ông Giám đốc Sở này và những quan chức khác lớn hơn, nếu có tài sản “kếch xù” hơn, chắc hẳn cũng khó có thể đụng tới?

Một dinh cơ của quan chức gây bức xúc dư luận
Một dinh cơ của quan chức gây bức xúc dư luận)

Chống tham nhũng nhất định sẽ chuyển biến căn bản, nếu...

Chính ông Phạm Trọng Đạt cũng nhấn mạnh với quyền hạn của mình, Thanh tra Chính phủ không thể truy nguyên nguồn gốc tài sản của gia đình ông Quý.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, đã lưu ý việc tiếp tục xác minh nguồn gốc tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, để xem việc kê khai tài sản chỉ dừng ở không trung thực hay tài sản đó là bất hợp pháp. Ông Hà cũng nhận định:"Để có căn cứ chuyển cơ quan điều tra thì phải có dấu hiệu tội phạm. Như tôi đã nói, vướng nhất hiện nay là xác minh nguồn gốc tài sản có bất hợp pháp không. Nếu chúng ta không trả lời được câu hỏi này thì không có dấu hiệu để chuyển cơ quan điều tra tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự".

Nhận định của ông Đạt, ông Hà cho thấy kê khai tài sản không có giá trị gì nhiều. Và theo chúng tôi, việc không đòi hỏi cán bộ phải chứng minh nguồn gốc tài sản có lẽ là điểm yếu nhất trong các “vũ khí” chống tham nhũng hiện nay.

Cổng căn nhà gỗ quý của Chi Cục trưởng Kiểm lâm Quảng Trị.  Ảnh: Báo Giao thông
Cổng căn nhà gỗ quý của Chi Cục trưởng Kiểm lâm Quảng Trị.
Ảnh: Báo Giao thông)

Thực tế cho thấy nước ta có hơn 1 triệu đối tượng phải kê khai tài sản, nhưng số được xác minh rất ít và số bị phát hiện thiếu trung thực càng ít. Có bị phát hiện cũng chỉ bị xử lý về hành chính, kỷ luật Đảng, chứ chưa bị xử lý về tài sản.

Năm 2016, cả nước có 1.113.422 người kê khai tài sản , tỷ lệ kê khai và công khai đều trên 99,8%. Trong đó có 77 người được xác minh tài sản, thu nhập (bao gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công Thương, TP Hà Nội, tỉnh Yên Bái và Đồng Nai). Đáng chú ý TTCP chỉ rõ qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cấp cao ở các tỉnh Đồng Nai, Yên Bái.

Do đó, đã đến lúc thay đổi căn bản về chất lượng chống tham nhũng hiện nay bằng cách quy định bắt buộc phải xác minh tính trung thực của các bản kê khai, nhất là đối với các trường hợp chuẩn bị được bổ nhiệm.

Nhiều nước trên thế giới đã trao quyền xác minh, xử lý tài sản cán bộ, công chức cho cơ quan tư pháp. Mọi tài sản bất minh, không giải trình được nguồn gốc phải bị tịch thu. Sở hữu tài sản không giải trình được nguồn gốc cũng là một hành vi tội phạm.

Và như Đại biểu, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nói, phải kê khai tài sản và sau đó phải công khai, treo ở các nơi, công chúng nhìn được để người dân giám sát. Nếu không xác minh, không công khai tài sản thì tất cả những biện pháp kê khai chỉ là hình thức, không có giá trị gì đối với cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay. Nếu truy nguyên tới cùng tài sản bất minh, kê khai không trung thực và nếu tất cả tài sản không chứng minh được nguồn gốc phải bị tịch thu sung công, thì khi đó, chống tham nhũng nhất định sẽ có bước chuyển biến căn bản.

Thái Đăng

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin