Đến khu “tam giác vàng” một tiếng gà gáy cả 3 nước đều nghe

03/02/2022 09:07

Ngã ba Đông Dương, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) là nơi tiếp giáp ba nước (Việt Nam-Lào-Campuchia) hay được gọi là nơi “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”. Ngã ba này còn được mệnh danh là khu “tam giác vàng”, nơi diễn ra các hoạt động giao thương quan trọng giữa ba nước láng giềng.

Cột mốc biên giới hòa bình, hữu nghị

Đến với ngã ba Đông Dương, dọc hai bên đường những khóm hoa dại xen nhau đua nở. Đặc biệt, tại điểm nhấn cột mốc 3 biên thu hút đông đảo một lượng khách du lịch kéo đến tham quan. Du khách đến để tìm hiểu về cột mốc, về chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ.

31-1643853865.jpg
Cột mốc là biểu tượng của sự tin cậy, đoàn kết trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị của 3 nước láng giềng (Việt Nam-Lào-Campuchia).  

Theo đó, tỉnh Kon Tum có chiều dài đường biên giới hơn 292km, nơi tiếp giáp hai nước bạn Lào và Campuchia. Trong suốt chiều dài tuyến biên giới đó, có một vị trí đặc biệt “nơi một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”, đó là một quả đồi nằm ở độ cao 1.086m so với mực nước biển, thuộc địa phận xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi.

Trước đó, vào năm 2007, với tinh thần hợp tác của Chính phủ và nhân dân 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia trong thực hiện giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ, một cột mốc 3 biên đã được xây dựng và hoàn thành vào đầu năm 2008. Cột mốc là biểu tượng của sự tin cậy, đoàn kết trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị của 3 nước láng giềng. Cột mốc được làm bằng đá hoa cương nguyên khối với tổng trọng lượng trên 1 tấn, có hình trụ tam giác 3 cạnh hướng về ba nước. Phía Việt Nam là tỉnh Kon Tum, phía Lào là tỉnh Attapư và phía Campuchia là tỉnh Rattanakiri.

32-1643853865.jpg
Biển thể hiện tinh thần đoàn kết hợp tác hữu nghị giữa ba nước được đặt nơi cột mốc ba biên, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. 

Với vị trí địa lý đặc biệt, trong những năm qua, cột mốc ba biên ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum thường xuyên là điểm đến trong các hoạt động về nguồn. Đây cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ trong hoạt động đối ngoại nhân dân, đối ngoại biên phòng với tinh thần hợp tác hòa bình, hữu nghị của lực lượng chuyên trách tỉnh Kon Tum, Việt Nam - Attapư, Lào và Rattanakiri, Campuchia.

33-1643853865.jpg
Ngôi làng đặc biệt, nơi một tiếng gà gáy cả 3 nước đều nghe nay là thôn Đăk Mế 

Trò chuyện với chúng tôi, du khách Trần Văn Hùng (trú tại TP.HCM) chia sẻ: “Qua thông tin trên báo đài, tôi có nghe đến nơi “một nước gà gáy ba nước đều nghe” nên cảm thấy rất tò mò nên tôi cùng nhóm bạn mới thực hiện chuyến du lịch trải nghiệm con người, mảnh đất Tây Nguyên. Khi đặt chân đến đây tôi và nhóm bạn cảm thấy mãn nguyện. Chúng tôi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp đơn sơ mộc mạc của núi rừng Tây Nguyên, được chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc 3 biên. Trước đây, tôi nghĩ rằng Tây Nguyên là nơi rừng núi hoang vu đi lại gặp nhiều khó khăn. Cột mốc ba biên cũng sẽ nằm ở nơi hẻo lánh khó đến được. Tuy nhiên, khi đặt chân đến nơi đây, tôi được chiêm ngưỡng những cung đường bằng phẳng cộng thêm những khóm hoa bên đường tạo nên một dải lụa tuyệt đẹp”

34-1643853865.jpg

Sau nhiều năm lưu lạc ở các nước trên ngã 3 vùng biên giới, người Brâu đã vui mừng khi được nhập quốc tịch Việt Nam 

Niềm vui khi được nhập tịch

Trung tá Đặng Nguyên Hương - Chính trị viên đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi cho biết: “Du khách khi đến đây phải tuân thủ Nghị định 34 năm 2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tất cả du khách khi đến thăm khu vực biên giới, cột mốc ba biên đều phải đăng kí với Đồn. Chúng tôi sẽ cử cán bộ đi cùng để hỗ trợ và giám sát. Thông thường có hai kiểu là khách du lịch tự do và khách đi theo đoàn. Nếu hành khách tham quan tự do thì tổ công tác tạo điều kiện tham quan chụp ảnh. Nếu đi theo đoàn thì hướng dẫn viên phải liên hệ đồn hướng dẫn, cử người tham gia để giới thiệu cho du khách về cột mốc, chủ quyền biên giới và giám sát tránh tình trạng lợi dụng du lịch để làm những điều không được phép”.

35-1643853865.jpg
Mùa Xuân năm nay rất đặc biệt, khi ngôi làng 3 nước đã an cư, lạc nghiệp trên vùng đất mới. Những thế hệ bà con đồng bào Brâu được vui đón Tết và sinh sôi, nảy nở như bông hoa Pơ Lang “sắc xuân” trên đại ngàn  

Từ khi chính quyền địa phương định cư tập trung tại thôn Đăk Mế nơi này được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế- văn hóa-xã hội. So với làng Đăk Mế xưa kia, thôn Đăk Mế bây giờ đã có nhiều đổi mới và tiến bộ, ngày càng khang trang…

Sau nhiều năm lưu lạc ở các nước trên ngã 3 vùng biên giới, đồng bào dân tộc Brâu vui mừng khi được nhập quốc tịch Việt Nam.  "Nhiều năm qua, người ta vẫn gọi mình là người Lào dù mình sống ở đây cũng lâu rồi. Những năm vừa qua mình sống và sinh hoạt như người Việt Nam. Nhưng mình không có quốc tịch, không có chứng minh thư, hộ khẩu. Năm nay, nhờ ơn Đảng và Nhà nước tạo điều kiện, làm giấy tờ cho mình, rồi mình được nhập tịch, mình vui lắm", Y Nheng (thôn Đăk Mế, xã Bờ Y) vui mừng chia sẻ./.

Theo baovephapluat.vn

Nguồn bài viết: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/den-khu-tam-giac-vang-mot-tieng-ga-gay-ca-3-nuoc-deu-nghe-118119.html

Bạn đang đọc bài viết "Đến khu “tam giác vàng” một tiếng gà gáy cả 3 nước đều nghe" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin