Tập đoàn Sun Group mới đây đề xuất phát triển tuyến đại lộ quy mô 8-10 làn xe, bao gồm đường sắt nhẹ LRT kết nối TPHCM - Tây Ninh. Đề xuất này lập tức thu hút sự quan tâm lớn của người dân các tỉnh, thành phố phía Nam, kỳ vọng mang đến lời giải kịp thời cho bài toán giao thông liên vùng vốn rất “đau đầu” của TPHCM.
"Ma trận" kẹt xe ở TPHCM giờ tan tầm
Khổ sở vì đường sá
“Để có mặt ở TPHCM tham dự hội thảo này đúng 8 giờ sáng nay, chúng tôi phải dậy chuẩn bị từ 4 giờ. Nếu khởi hành lúc 5 giờ thì không kịp ăn sáng mà còn có nguy cơ trễ họp”, một lãnh đạo tỉnh Tây Ninh từng chia sẻ câu chuyện thực tế của bản thân tại Hội thảo bàn về Quy hoạch TPHCM đầu năm 2024.
Chật vật hàng tiếng đồng hồ với khoảng cách chưa tới 100 km cùng nỗi ám ảnh kẹt xe và tai nạn liên hoàn trên trục đường huyết mạch kết nối TPHCM - Tây Ninh đã trở thành vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng kinh tế và đời sống người dân.
Bức xúc vì thường xuyên di chuyển trên quốc lộ 22 chỉ có 2 làn ô tô và 1 làn xe máy mỗi bên, anh Phạm Hoàng Lương (huyện Hóc Môn), cho biết, ngày nào cũng đi làm qua đây, không chỉ hít khói bụi, đầm đìa mồ hôi vì kẹt xe mà không ít lần chịu cảnh bị “cướp đường” do xe tải chèn ép, lấn lề.
“Sáng chưa là gì, chiều mới kinh hoàng. Có những đoạn đã không có vỉa hè, lại còn rào chắn công trường đang thi công khiến giao thông hỗn loạn. Chưa kể khi có tai nạn, va chạm thì tê liệt luôn”, chị Bùi Khánh Thùy, người dân buôn bán ven đường chia sẻ.
Nguyên nhân chính dẫn đến quá tải Quốc lộ 22 do đây là tuyến đường huyết mạch, độc đạo từ TPHCM đi Tây Ninh nhưng nhỏ hẹp, xuống cấp, có nhiều đường nhánh, giao lộ, xe cộ ra vào liên tục, thường xuyên bị ngập nặng mỗi khi trời mưa. Đồng thời, kinh tế, du lịch phát triển khiến lưu lượng phương tiện di chuyển hai chiều TPHCM-Tây Ninh ngày càng tăng nhanh.
Đường bộ quá tải, đường sắt phát triển chậm chạp, đường thủy dọc sông Sài Gòn manh mún khiến việc kết nối liên tỉnh, trong Vùng muôn vàn khó khăn… Đây cũng là vấn đề thách thức trong bối cảnh TPHCM chủ trương hướng đến giao thông xanh, chú trọng phát triển các phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, buýt sông, tàu điện,...), hướng tới mục tiêu đô thị toàn cầu tương lai.
Nối thẳng tuyến LRT tới cửa khẩu quốc tế Mộc Bài?
Trước thực trạng trên, rất nhiều người dân TPHCM, Tây Ninh, Bình Dương và các tỉnh Đông Nam Bộ ủng hộ đề xuất của Tập đoàn Sun Group. “Nếu có được đại lộ 8-10 làn xe, lại cả tuyến đường sắt nhẹ LRT kết nối từ TPHCM đến Tây Ninh thì còn gì bằng, chúng tôi đi TPHCM quá thuận tiện, thậm chí nhà Tây Ninh đi làm ở TPHCM, chứ đường sá như bây giờ đi lại khổ sở quá. Nếu được thì mong Sun Group làm luôn lên đến cửa khẩu Mộc Bài là tốt nhất”, anh Hoàng Thái ở Trảng Bàng, Tây Ninh chia sẻ.
Một tuyến đường sắt nhẹ tại Đài Loan
Nhìn ra khu vực, một số quốc gia Đông Nam Á đã có LRT từ nhiều thập kỷ trước, mới đây nhất Indonesia cũng đã đưa vào vận hành tuyến LRT kết nối vùng Đại Jakarta (gồm thủ đô Jakarta và 3 đô thị vệ tinh gồm Tây Java, Bekasi và Depok). Những năm gần đây, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu tiếp tục phát triển LRT như một giải pháp hiệu quả, ứng dụng cao cho giao thông công cộng, bảo vệ môi trường.
Lý giải cho việc LRT được phát triển rộng rãi, các chuyên gia Ba Lan đánh giá hệ thống này cung cấp giải pháp di chuyển có tính ứng dụng cao với chi phí đầu tư hợp lý cho các đô thị lớn và vừa. LRT cũng được đánh giá là mắt xích quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu di chuyển nội đô và kết nối liên vùng tại các đô thị lớn.
Trở lại với TPHCM, nhiều chuyên gia cho rằng, để đáp ứng vai trò đô thị trung tâm cấp quốc gia và cũng là đô thị hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hệ thống mạng lưới giao thông kết nối liên vùng cần được đầu tư xứng tầm, phát huy “đa phương thức vận tải” với những loại hình tân tiến, hiện đại nhất.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng trục kết nối TPHCM – Tây Ninh cần được xem xét hướng tới tính kết nối xuyên quốc gia. Bởi, chỉ thêm 20-30km, trục đại lộ 8-10 làn xe và tuyến đường sắt nhẹ LRT sẽ chạy thẳng tới cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
Đề xuất tuyến LRT TPHCM – Tây Ninh kéo dài tới cửa khẩu quốc tế Mộc Bài
Nhận định về đề xuất này, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, với hạ tầng giao thông, càng mở rộng kết nối càng tạo nhiều lợi thế và tính lan tỏa phát triển sẽ càng mạnh mẽ.
“Cửa khẩu Mộc Bài là cửa khẩu quốc gia được định hình như một khu kinh tế. Tây Ninh đã có nhiều thảo luận để phát triển khu vực này, tuy nhiên hiện nay có phần nào đó bị lắng xuống. Như vậy với tuyến đường này nếu có thể triển khai thông suốt sẽ tạo điều kiện rất tốt cho sự phát triển của Tây Ninh cũng như của cả Vùng”, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết.
Hiện cửa khẩu Mộc Bài là cửa khẩu đường bộ lớn nhất ở phía Nam giữa Việt Nam và Campuchia, và là cửa ngõ quốc tế tới các nước trong khu vực ASEAN. Campuchia là một trong 10 thị trường có lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất trong 9 tháng đầu 2024. Việt Nam cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Campuchia trên thị trường quốc tế sau Trung Quốc.