(Pháp lý) - Một thực tế đáng lo ngại là những hạn chế yếu kém trong thực thi pháp luật kiểu như Bình Chánh không hiếm.
Thực tế cho thấy, nếu thực thi pháp luật nghiêm, công bằng, sẽ tạo được niềm tin của xã hội, thực thi pháp luật ẩu hoặc vì động cơ cá nhân sẽ dẫn đến sự bất bình, bất an của xã hội.
Làm thế nào để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng bất công trong thực thi pháp luật hiện nay, hướng đến xã hội pháp quyền trong đó thực thi pháp luật công bằng, công minh được coi như một yêu cầu quan trọng bậc nhất, Phóng viên Pháp lý đã có trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Chiến (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) xung quanh vấn đề này.
Thực thi pháp luật kiểu như Bình Chánh không hiếm?
Phóng viên: Thưa ông, dưới con mắt của một chuyên gia pháp luật hình sự uy tín, ông thấy những bất thường gì của các cán bộ tố tụng ở huyện Bình Chánh khi xử lý chủ quán phở “Xin chào” được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua?
Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Đây là một vụ việc thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận và xã hội trong suốt hơn 1 tháng nay. Tuy chỉ là một vụ việc liên quan đến kinh doanh nhỏ lẻ thông thường trong đời sống nhưng đã bị khởi tố để xử lý theo thủ tục tố tụng của vụ án hình sự. Điều này bộc lộ tư duy chủ quan, xem nhẹ sinh mệnh chính trị của người dân khi thực thi pháp luật của các cán bộ cơ quan điều tra và truy tố huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Thực tế, đến nay đại diện cơ quan nhà nước liên quan đến vụ án oan này đã phải đứng ra nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân trước công luận.
[caption id="attachment_140895" align="aligncenter" width="410"] Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN[/caption]
Tiếp theo, có thể đã có hậu vụ án ở quán phở “Xin chào” như báo chí đăng tin về việc phát hiện thêm những vụ án khác có dấu hiệu oan, sai liên quan đến việc tiến hành tố tụng không đúng quy định pháp luật của một số cán bộ chấp pháp huyện này. Do vậy, các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phản biện cần vào cuộc khẩn trương để rà soát, kiểm tra lại những vụ án khác do các cán bộ tiến hành tố tụng tại Bình Chánh nhằm tránh oan và giảm sai cho người dân có liên quan. Không chỉ chờ khi báo chí vào cuộc đưa tin thì mới kiểm tra, như vậy thì sẽ muộn và khổ cho người dân nhiều lắm.
Với bề dày thực tế nhiều chục năm làm luật sư, ông có thể cho biết những hạn chế trong thực thi pháp luật kiểu như ở Bình Chánh hiện nay có phổ biến hay không?
Đáng buồn là tình trạng vận dụng pháp luật để tiến hành tố tụng theo ý thức, tư duy chủ quan của người tiến hành tố tụng không hiếm.
Từ vụ án “Xin chào” lạ lùng vừa qua, tôi liên tưởng đến thực tế thực thi pháp luật ở một số địa phương trong cả nước thời gian qua. Có vụ án đáng xử nghiêm lại xử nhẹ, cho hưởng án treo, thậm chí đình chỉ từ khi điều tra; có vụ án không đáng xử lý về hình sự lại khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử thậm chí xử nặng như vụ cướp giật mấy chiếc mũ của các cháu học sinh tại Thuỷ Nguyên, Hải Phòng; có hiện tượng “vùng cấm” trong xử án – không xử lý được Đảng viên vì một quy định của Đảng (như Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh đã từng nói) hoặc có những vụ án bị sai lệch hồ sơ gây oan, sai (vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn và ông Huỳnh Văn Nén)… Những bất công đó có nguyên nhân từ người thực thi pháp luật không tuân thủ quy định bắt buộc của Bộ luật TTHS và hệ thống pháp luật còn chưa đầy đủ dẫn đến bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội.
Giảm thiểu và ngăn chặn bằng cách nào?
Như vậy, những hạn chế trong thực thi pháp luật có lý do từ người thực thi pháp luật và do chính pháp luật. Theo quan điểm của ông, làm thế nào để khắc phục những hạn chế của thực thi pháp luật do cán bộ thực thi kém?
Để giảm thiểu tình trạng thực thi không đúng pháp luật, chúng ta cần nâng cao ý thức công vụ của những người làm công tác pháp luật, thường xuyên tập huấn nghiệp vụ, trau dồi kiến thức chuyên môn, đạo đức cán bộ liên quan; xử lý nghiêm minh người làm trái, thiếu trách nhiệm chạy theo thành tích gây oan sai hoặc ra quyết định, bản án gây oan sai; rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định pháp luật về trách nhiệm của người thực thi pháp luật một cách cụ thể, rõ ràng, tổ chức tập huấn và phổ biến những quy định mới của pháp luật đối với cả những người làm công tác pháp luật và cả người dân để bảo đảm pháp luật được hiểu và thực thi đồng bộ tránh tình trạng làm trái, gây oan sai nhưng coi đó là lỗi về nhận thức, non kém và nhầm lẫn về nghiệp vụ …
[caption id="attachment_140896" align="aligncenter" width="410"] Một phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TW[/caption]
Ngoài ra, cần tăng mức độ bồi thường của người có trách nhiệm đối với người dân trong án oan, sai; tránh chuyện “cò kè”, chậm trễ giữa cơ quan có trách nhiệm và người được bồi thường. Thực ra, có tình trạng này là do các quy định pháp luật chưa chặt chẽ, phù hợp dẫn đến việc nhà nước phải bỏ tiền để bồi thường án oan (tiền của người dân lại trả cho người dân – PV) nhưng trách nhiệm của cán bộ, công chức gây oan sai thu về không đáng kể và thiếu khả thi.
Hiện nay, Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh cải cách tư pháp, mở rộng tranh tụng, kiên quyết xử lý hình sự đối với người có thẩm quyền gây oan, sai để giữ vững niềm tin của người dân vào pháp luật. Và tôi tin tới đây, tình trạng này sẽ được cải thiện.
Một lý do khác mà ông nhắc đến đó là hệ thống pháp luật của ta chưa chặt chẽ, đầy đủ dẫn đến việc vận dụng thế nào cũng được hay bỏ lọt hành vi phạm tội. Nhiều chuyên gia từng chỉ ra rằng ta có nhiều luật, “rừng luật” – ta thuộc nhóm nước dẫn đầu thế giới về xây dựng pháp luật nhưng lại thuộc nhóm nước yếu kém nhất thế giới về thực thi pháp luật. Ông có bình luận gì về ý kiến này?
Đúng vậy. Có một hệ thống pháp luật chặt chẽ, đầy đủ và ổn định là tiền đề để thực thi pháp luật hiệu quả. Tuy nhiên, ở nước ta nhiều luật ban hành còn tình trạng luật khung, luật ống, luật thiếu thực tế dẫn đến khó thực thi hay luật không đi vào cuộc sống. Có luật mới ban hành một vài năm đã bất cập, có luật chưa có hiệu lực đã phải tính đến sửa đổi, bổ sung hay đính chính.
Có những hạn chế đó là do ngay khi xây dựng dự thảo văn bản luật có tình trạng chủ quan, mang nặng tư tưởng lợi ích ngành, các văn bản nặng tính quản lý, thiếu thực tế góp ý của chuyên gia, của những người trực tiếp hành nghề luật. Mặt khác cũng một phần do tư duy của nhà làm luật không theo kịp thực tế, không thể bao quát và dự đoán trước, lường hết các tình huống phát sinh.
Vậy theo ông, cần làm thế nào để các văn bản quy phạm pháp luật không chỉ đi ra từ các phòng có máy lạnh mà phải tiếp nhận được sức nóng khách quan từ đời thực, khi thực thi không bị vấp váp, phản đối?
Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi. Đây là đạo luật gốc để ban hành mọi văn bản pháp luật, tầm quan trọng chỉ kém có Hiến pháp.
Ngoài thực hiện nghiêm Luật này tôi cho rằng cần thiết phải xem lấy ý kiến của nhân dân đối với tất cả các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân, phải lắng nghe phản biện xã hội đối với những vấn đề mà dư luận còn băn khoăn.
[caption id="attachment_140897" align="aligncenter" width="410"] Cần nâng cao ý thức công vụ của những người làm công tác pháp luật để giảm thiểu tình trạng thực thi không đúng pháp luật (ảnh minh họa)[/caption]
Hiện nay, trách nhiệm soạn thảo ban hành VBPL là thuộc cơ quan nhà nước. Theo đó, cơ quan nhà nước làm tất cả các bước như nghiên cứu, làm dự thảo, thẩm định, thông qua, ban hành nhưng chuỗi quy trình này thiếu vắng những ý kiến mang tính thực tiễn khách quan. Vì vậy, tình trạng luật có hiệu lực rồi nhưng phải chờ văn bản hướng dẫn, khi có văn bản hướng dẫn cũng chỉ một số điều, nhiều trường hợp có hướng dẫn nhưng vẫn không biết vận dụng luật ra sao, dẫn đến sự tùy tiện, lách luật theo chủ quan của người thực thi pháp luật dẫn đến thực trạng thiếu đồng bộ, không công bằng trong vấn đề ban hành và áp dụng luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích nhà nước, quyền lợi chính đáng của tổ chức và cá nhân. Vấn đề này cần được rà soát, tổng kết thực trạng để có biện pháp khắc phục.
Vậy theo ông, làm thế nào để khắc phục được những lỗ hổng đó và thực thi pháp luật nghiêm chỉnh hơn?
Để làm được điều này, cần chú trọng nâng cao chất lượng làm luật, có cơ chế để thu hút nhiều chuyên gia thực tiễn vào làm công tác xây dựng luật. Tổ chức thực hiện luật mới ban hành sớm đi vào cuộc sống. Cụ thể phải đảm bảo tốt ba điều cốt yếu: Trước hết phải tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật minh bạch, hoàn chỉnh, mang tính khoa học cao, sát thực tế, với chế tài mạnh có tính khả thi cao. Luật pháp mang tính khách quan và vốn dĩ mang tính nghiêm khắc với tội phạm, nhưng nó có là công cụ bảo vệ chế độ, an ninh xã hội hữu hiệu hay không thì yếu tố con người (có năng lực tổ chức thực hiện và áp dụng luật) là đặc biệt quan trọng. Công cuộc cải cách tư pháp phải có những bước chuyển mạnh mẽ, vững chắc nhưng thận trọng trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm pháp lý. Đối với người dân phải đề cao quyền con người theo Hiến pháp để tránh oan sai. Việc thực thi pháp luật phải kịp thời, nghiêm minh nhưng minh bạch, mọi người dù ở bất cứ cương vị nào đều bình đẳng trước pháp luật. Phải đào tạo, xây dựng một đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng, có tâm và có tầm được dân mến, dân tin thì sức mạnh của pháp luật mới được thượng tôn.
Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, vì vậy nền móng trước tiên phải được xây dựng bằng hệ thống các văn bản pháp luật ưu việt, có tính thực tiễn cao, hướng đến lợi ích vì cộng đồng và sau đó cần có đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật hội tụ tâm đức, tài năng và nghiệp vụ.
Tuấn Anh (thực hiện)