Để báo chí làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách

20/06/2023 09:17

(Pháp Lý). Trong những năm qua, truyền thông chính sách ở nước ta đã góp phần quan trọng vào mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần to lớn vào công tác xây dựng Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cồng đồng doanh nghiệp. Hệ thống báo chí, truyền thông cũng góp phần hết sức to lớn vào việc tuyên truyền kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Để làm cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp hiểu được những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, công tác truyền thông chính sách tới đây cần được coi trọng và đặt đúng tầm nhiệm vụ.

anh-moi-thay-vao-trang-muc-luc-va-trang-so-2-1686286316.jpg

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách (ngày 24/11/2022), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, báo chí khi làm tuyên truyền thì thiếu thông tin từ chính quyền, cũng thiếu cả việc đặt hàng từ chính quyền. Tức là, báo chí thiếu cả thông tin và ngân sách để làm tuyên truyền

Vai trò đặc biệt quan trọng của truyền thông chính sách

Truyền thông chính sách đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động chính trị và thúc đẩy cho xã hội trở nên công bằng, dân chủ hơn. Ở các quốc gia như Việt Nam, truyền thông chính sách được xem là kênh hữu hiệu để đạt được các mục tiêu lớn liên quan đến phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Đặc biệt, truyền thông chính sách là kênh giúp Nhà nước có khả năng xây dựng hình ảnh của mình để không bị “hòa tan” trong quá trình toàn cầu hóa.

- Đối với chính quyền nhà nước, truyền thông chính sách giúp các cơ quan nhà nước đưa thông tin đến người dân về các chính sách kinh tế, văn hóa xã hội, luật pháp đến với dân chúng, thuyết phục công chúng thay đổi về nhận thức và hành xử đúng pháp luật. Ngoài ra, chính phủ cũng nhờ truyền thông chính sách để thăm dò lấy ý kiến của dư luận trước khi ban hành các văn bản pháp lý. Nhờ truyền thông chính sách, nhà nước điều chỉnh các chính sách quản lý của mình và tạo ra sự đồng thuận cao trong dân chúng.

- Đối với người dân: Truyền thông chính sách giúp cho người dân cập nhật thông tin kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật trong và ngoài nước; Giúp người dân giải trí và học tập về phong cách sống những người xung quanh. Truyền thông chính sách đóng vai trò trong việc tạo ra các xu hướng về lối sống, văn hóa, thời trang...

- Nhờ có truyền thông chính sách mà doanh nghiệp có thể quảng bá sản phẩm và dịch vụ, giúp cho người mua nhận biết và sử dụng sản phẩm và dịch vụ. Truyền thông chính sách cũng tạo ra nhu cầu tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ, giúp các công ty tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, giúp kinh tế phát triển.

Truyền thông chính sách góp phần định hướng dư luận , bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần phát huy quyền, vai trò và trí tuệ của xã hội trong nhận diện các vấn đề chính sách và cân nhắc các giải pháp chính sách…

Truyền thông chính sách góp phần cung cấp thông tin giúp chủ thể chính sách tự rà soát các phương pháp, công cụ, cách tiếp cận và cách hành xử của mình đối với các vấn đề xã hội; nhờ đó, hỗ trợ quá trình cải cách thủ tục hành chính, đổi mới bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động…. Đặc biệt truyền thông giúp đưa Nhà nước, Chính phủ hay chính quyền nói chung đến gần công chúng hơn, tạo dựng và duy trì sự tin cậy của xã hội đối với Nhà nước nói chung hay các chủ thể chính sách nói riêng.

anh-2-1686201473.png

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng

Truyền thông chính sách đã trở nên ngày càng quan trọng nhưng tinh tế hơn trong những thập kỷ qua. Các nghiên cứu cho rằng, truyền thông chính sách có thể làm giảm hoặc tránh những hậu quả không lường trước, chẳng hạn như bất ngờ, hiểu lầm, thất vọng giữa người dân và tổ chức. Mức độ ủng hộ của công chúng cũng như tầm quan trọng của các phản biện của người dân trở nên rõ ràng, từ đó tạo ra cơ hội để cơ quan chức năng điều chỉnh hay củng cố lập luận cho quá trình hoạch định chính sách. Truyền thông chính sách đang buộc các chủ thể phải thay đổi trong bối cảnh có nhiều tác nhân và cấp độ tương tác khác nhau.

Chính phủ đặc biệt quan tâm công tác truyền thông chính sách

Thời gian qua công tác truyền thông chính sách được quan tâm triển khai tích cực và thường xuyên trong quá trình xây dựng thực thi và hoàn thiện chính sách. Tuy nhiên công tác truyền thông vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) cho công tác truyền thông chính sách. Việc thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin và truyền thông đã để xảy ra những sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg . QĐ số 407 được coi là một trong những “cú hích” quan trọng để hoạt động truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện từ sớm, từ xa, ngay từ khi lập đề nghị xây dựng VBQPPL, bảo đảm đồng bộ, bài bản, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Mới đây, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của BCHTW Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã đặt ra yêu cầu về đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) với phương châm lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm tối đa quyền làm chủ của nhân dân, trong đó, trước hết phải nói đến quyền làm chủ về thông tin, đặc biệt là thông tin chính sách, pháp luật. Để quyền làm chủ này của người dân ngày càng trở nên thực chất, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, việc truyền thông chính sách nói chung có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL) và được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu, cần thiết cấp bách hiện nay.

Hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL được tiến hành song song, không thay thế quy trình lấy ý kiến về dự thảo VBQPPL theo quy định hiện hành, mà có tính chất hỗ trợ, giúp cho công tác xây dựng pháp luật đạt hiệu quả, góp phần tạo đồng thuận trong đời sống, xã hội.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - hành động - nguồn lực" (ngày 24/11/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định:  làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách. Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - hành động - nguồn lực" (ngày 24/11/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: để làm tốt công tác truyền thông chính sách thì không chỉ có quyết tâm mà phải có phương pháp, cách làm khoa học và phù hợp với tình hình, điều kiện, bối cảnh từng cơ quan, đơn vị, phù hợp với nội dung chúng ta thực hiện, vừa có tính khoa học, vừa có tính nghệ thuật.
Thủ tướng yêu cầu, truyền thông chính sách là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính, cơ quan báo chí trong việc xây dựng, phổ biến, tổ chức thực hiện và đánh giá tác động để mọi chính sách đến với nhân dân. Phải làm truyền thông cả trước, trong và sau ban hành chính sách. Tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông chính sách. Cần chủ động cung cấp thông tin trung thực, khách quan. Không nên chỉ coi truyền thông chính sách là công việc của các cơ quan báo chí, truyền thông. “Muốn truyền thông mà các bộ, ngành, địa phương ngại cung cấp thông tin thì lấy chất liệu đâu mà truyền thông”, Thủ tướng nói.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới, để giúp Chính phủ xây dựng thành công chính sách, tiếp tục hoàn thiện chính sách, đánh giá chính sách và giám sát việc thực hiện chính sách theo nhiều chiều, khía cạnh khác nhau.

Ngay sau Hội nghị toàn quốc về công tác truyền thông chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị tăng cường công tác truyền thông chính sách ( Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023). Chỉ thị đã khẳng định: “Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách “.

Để báo chí làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Hệ thống báo chí, truyền thông cũng góp phần hết sức to lớn vào việc tuyên truyền kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

anh-3-1686201473.jpg

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách (tháng 11/2022). Ảnh: TTXVN

Nhận thức được tầm quan trọng của truyền thông chính sách, nhưng mức độ quan tâm đến công tác này chưa được đặt đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ vì những nguyên nhân sau:

Một là, cấp uỷ, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm, chưa có nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của truyền thông chính sáchNhận thức của các cấp, các ngành về công tác này còn chưa tương xứng với nhiệm vụ. Chưa chủ động, sáng tạo, linh hoạt cung cấp thông tin, chất liệu cho báo chí, truyền thông đầy đủ, kịp thời. Một số chủ trương, chính sách đúng nhưng chưa truyền thông tốt, người dân chưa hiểu hết nên thực hiện còn khó khăn.

Hai là, vẫn chưa có sự thống nhất trong tư duy tiếp cận về truyền thông chính sách.Vẫn còn có nhận thức chưa đúng rằng "truyền thông chính sách là việc của báo chí", trong khi trên thực tế, truyền thông chính sách thuộc chức năng của chính quyền, là việc của chính quyền. Việc hoạch định, ban hành và thực thi chính sách nhiều lúc, nhiều nơi thiếu hẳn khâu đánh giá tác động truyền thông, dẫn đến không được truyền thông đúng cách và đủ "liều lượng". Một số bộ, ngành và địa phương chưa ban hành kế hoạch tổng thể và cụ thể về truyền thông chính sách, để từ đó có lộ trình, bước đi, đội ngũ và nguồn lực triển khai công tác truyền thông một cách bài bản, chuyên nghiệp. 

Ba là, trong quá trình xây dựng dự thảo chính sách, các cơ quan soạn thảo chưa phát huy vai trò chủ động của cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm phát luật trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách.Việc chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí vẫn được coi là việc "khó", tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến ở nhiều bộ ngành, địa phương, dẫn đến việc báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để giải thích chính sách. Về nguyên tắc truyền thông chính sách, phải làm truyền thông cả trước, trong và sau ban hành chính sách; tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách.

Bốn là, công tác truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, cần có ngân sách dành riêng cho truyền thông, cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Tuy nhiên trên thực tế chưa có hoạt động chi ngân sách riêng cho hoạt động truyền thông chính sách. Việc đặt hàng truyền thông chính sách trên thực tế đã có, nhưng chưa đủ, hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu do ngân sách Nhà nước còn eo hẹp. Hiện chưa thể thống kê kinh phí dành cho truyền thông chính sách là bao nhiêu vì chưa có danh mục các công việc, nhiệm vụ cụ thể được coi là thuộc nhiệm vụ truyền thông chính sách, nhưng nhìn chung các đơn vị chưa được cấp kinh phí để thực hiện.

Năm là, báo chí chính thống vẫn là kênh chủ lực trong việc hỗ trợ tuyên truyền chủ trương chính sách nhưng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Kinh tế báo chí khó khăn do nguồn thu quảng cáo, dịch vụ giảm. Về thu hút quảng cáo, báo chí chính thống đang mất dần ưu thế so với các nền tảng mạng xã hội. Toàn bộ hệ thống báo, đài và trang tin trong nước chỉ thu hút khoảng 40% tổng doanh thu quảng cáo trên toàn thị trường, còn lại 60% doanh thu thuộc về các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Với nguồn thu từ dịch vụ quảng cáo giảm sút nêu trên, các cơ quan báo chí tự đảm bảo kinh phí hoạt động đang gặp khó khăn cho việc đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động truyền thông chính sách. Cùng với đó, báo chí truyền thống đang gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để sản xuất và đưa nội dung báo chí lên chiếm lĩnh, lan tỏa rộng trên không gian mạng…

Kinh tế báo chí chưa được chú trọng đúng mức để cơ quan báo chí có thêm nguồn lực tham gia vào quá trình truyền thông chính sách một cách hiệu quả. Công tác quản lý "báo, đài" chủ yếu được coi là việc của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, trong khi nhiều cơ quan chủ quản gần như buông lỏng, chưa giao nhiệm vụ tương xứng và chưa quan tâm đến việc phải đảm bảo đủ điều kiện, nguồn lực cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ và chủ động truyền thông chính sách từ cơ quan Nhà nước.

Nhấn mạnh công tác truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông  Nguyễn Mạnh Hùng góp ý: “truyền thông phải là một mục trong chi phí”. Chính quyền các cấp phải có ngân sách dành riêng cho truyền thông, cả chi thường xuyên và chi đầu tư. “Tăng thêm cho truyền thông 0,2% ngân sách trong lúc này là cần thiết để báo chí cách mạng nâng cao năng lực cạnh tranh, cả về hạ tầng công nghệ và nhân lực”, Bộ trưởng Hùng đề xuất.

Từ thực trạng và bài học kinh nghiệm thực tiễn, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất một số giải pháp, kiến nghị:

Cần cấp bách thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách như là một nhiệm vụ, một chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, từ đó, định hình bộ máy chuyên trách và hình thành vị trí việc làm phù hợp cho công tác truyền thông của cơ quan nhà nước. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường công tác truyền thông chính sách để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương hình thành bộ phận/đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ tham mưu truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, cũng như tăng cường bố trí kinh phí cho công tác này. 

Nhà nước có chính sách và nguồn lực hỗ trợ các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để chiếm lĩnh và dẫn dắt thông tin trên không gian mạng, trở thành dòng chảy chính, tích cực để dẫn dắt dư luận, truyền thông chính sách hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương ban hành quy tắc ứng xử, quy trình truyền thông chính sách; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ truyền thông của các bộ, ngành và địa phương; bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông trọng điểm…

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Cục phó Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, báo chí cách mạng thì Nhà nước cần phải có cơ chế và cần hỗ trợ. Báo chí phải là kênh chủ lực cho truyền thông chính sách. "Một số sự cố “khủng hoảng truyền thông” liên quan đến việc thực thi các chủ trương, chính sách gần đây đều có nguyên nhân sâu xa từ việc thiếu chủ động cung cấp thông tin hoặc truyền thông chưa đúng, chưa hiệu quả từ phía các cơ quan hành chính nhà nước", Cục phó Cục Báo chí Nguyễn Văn Hiếu cho hay.

Do đó, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng các cơ quan chức năng cần chủ động, tích cực trong việc thông tin để công khai, minh bạch, tương tác 2 chiều với đối tượng của chính sách, người dân để xây dựng, thực thi cơ chế chính sách vì lợi ích chung. Cần tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí để lan tỏa thông tin chính thống, tích cực trên báo, trên mạng. Thay đổi một số phương thức cung cấp thông tin cho báo chí để giành quyền chủ động về mình như họp báo thường xuyên hơn; cung cấp thông cáo báo chí ngắn gọn thay cho trả lời phỏng vấn. Đầu tư cho những câu chuyện hay, truyền cảm hứng tích cực để lan tỏa, dẫn dắt xu hướng thông tin...

anh-4-1686201473.jpg

Quang cảnh Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 (tháng 12/2022)

Rất đồng tình với các nhận định, đề xuất kiến nghị của lãnh đạo Bộ TTTT, lãnh đạo một cơ quan báo chí có hơn 20 năm kinh nghiệm trong công tác truyền thông chính sách cho rằng để báo chí làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách, tới đây, cơ quan chức năng cần sớm xây dựng môi trường pháp lý cho truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số.

Cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo công việc, thường xuyên tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy chế hoạt động của các bộ, ban, ngành và UBND các cấp; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan; phối hợp cung cấp chất liệu, thông tin để truyền thông. 

Để có thể đưa thông tin truyền thông chính sách pháp luật một cách chủ động, cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách và cơ quan thông tấn báo chí cần tăng cường mối quan hệ phối hợp. Để công tác phối hợp này có hiệu quả, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thông tấn báo chí cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác truyền thông dự thảo chính sách pháp luật. Đối với cơ quan chủ trì soạn thảo thì cần phải có kế hoạch truyền thông về dự thảo văn bản một cách cụ thể, rõ kênh báo chí thông tin hoạt động, rõ nội dung, thời điểm cũng như nguồn kinh phí thực hiện. Quan trọng hơn, cơ quan soạn thảo cần chủ động cung cấp thông tin trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời về nội dung cần truyền thông, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; tiến hành biên soạn tài liệu nguồn để cung cấp cho cơ quan báo chí thực hiện truyền thông.

Đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm nghiên cứu giảm thuế VAT và thuế thu nhập DN cho các cơ quan báo chí. Điều này sẽ tạo thêm nguồn lực kinh tế cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách được tốt hơn.

anh-5-1686201473.jpg

Các phóng viên, biên tập viên tác nghiệp tại Trung tâm báo chí, Nhà Quốc hội

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước và sẽ tiếp thu kiến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông về "mũ" chi ngân sách riêng cho truyền thông chính sách. Liên quan đến đặt hàng truyền thông chính sách bằng nguồn Ngân sách Nhà nước, theo ông Chi, trên thực tế vẫn có, nhưng có thể chưa đủ hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu do Ngân sách Nhà nước còn eo hẹp. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ TT&TT và các cơ quan truyền thông tìm giải pháp tăng nguồn ngân sách Nhà nước đối với các cơ quan truyền thông chính sách.

Phúc Anh
Bạn đang đọc bài viết "Để báo chí làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin