Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, trong khi người lao động nông thôn một nắng hai sương, góp nhặt vài nghìn đồng, vài chục nghìn đồng, có khi mất trắng do thiên tai dịch bệnh... thì có những đại án tham nhũng thất thoát nghìn tỷ, hỏi sao dân không chua xót.
Sáng 26/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.
Đề cập đến vấn nạn tham nhũng, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho biết cử tri lo ngại tình trạng tham nhũng xảy ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại tiền của của Nhà nước và nhân dân rất lớn. Thời gian qua việc đấu tranh phòng chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện sự kiên quyết của Đảng, sự điều hành của Chính phủ.
Tuy nhiên tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, chưa bị đẩy lùi, kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc xử lý một số đối tượng chưa đủ sức răn đe, thu hồi tài sản đạt rất thấp.
“Cử tri đã so sánh người lao động nông thôn một nắng hai sương, góp nhặt vài nghìn đồng, vài chục nghìn đồng, có khi mất trắng do thiên tai dịch bệnh. Những gia đình chính sách, cách mạng, hộ nghèo, hộ khó khăn… Lương cán bộ ở cơ sở một tháng chỉ 1.300.000 đồng, thấp vẫn vui vẻ hăng hái góp công cùng Nhà nước xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bảo sao người dân không chua xót khi nghe đến các đại án tham nhũng nghìn tỷ, các dự án thua lỗ nghìn tỷ”- đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nói.
Đại biểu Dung cho rằng cần phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng phổ biến, bên cạnh nguyên nhân chính là vấn đề thể chế.
Theo đại biểu Dung, hiện thể chế chính sách quản lý kinh tế, xã hội trên nhiều lĩnh vực còn nhiều vướng mắc. Đây là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách vốn Nhà nước, công tác cán bộ. Khi phát hiện tham nhũng, phần lớn tài sản đã tẩu tán cũng do thể chế, quy định mang tính nguyên tắc. Do đó, cần hoàn thiện thể chế và nhanh chóng thông qua Luật phòng chống tham nhũng vào kỳ họp thứ 6, sớm đưa vào thực thi.
Bên cạnh đó, đại biểu Dung đề nghị, Chính phủ vẫn phải tiếp tục quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng, chủ động sửa đổi, điều chỉnh các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng thuộc thẩm quyền của mình như nghị định, thông tư hoặc những hướng dẫn chỉ đạo mạnh mẽ việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu về tự rà soát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện chứ không phải chờ cấp trên kiểm tra, thanh tra rồi mới phát hiện. Tăng cường khen thưởng, nêu gương trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Đề cập đến nạn bạo hành trẻ em được mạng xã hội, báo chí phản ánh thời gian qua, đại biểu Dương Minh Tuấn (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, việc ban hành chính sách văn bản nhiều nhưng làm, phát hiện và giải quyết vi phạm chưa tương xứng.
Việc tuyên truyền pháp luật chưa sâu rộng, thanh tra kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời, dứt điểm. Các vụ bạo hành trẻ em liên tục xảy ra trong thời gian gần đây đã và đang khiến dư luận lo ngại, dẫu biết rằng những “ác mẫu” thời gian qua chỉ là thiểu số.
“Đó là tiếng chuông cảnh báo mạnh mẽ cho ngành chức năng cần có thay đổi tích cực trước thực trạng trên. Tôi nghĩ đã đến lúc cần xem việc chung tay dẹp nạn bạo hành trẻ em là việc khẩn cấp”- đại biểu Dương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Về bạo lực học đường, vị đại biểu này cũng tỏ ra vô cùng lo lắng khi trước đây những vụ bạo lực trong nhà trường thường rơi vào nam sinh, nay xuất hiện ở nữ giới và đặc biệt là đánh hội đồng. Điều lưu ý là thái độ hờ hững, vô tâm của những học sinh chứng kiến chỉ đứng xem, ghi hình cổ súy, thay vì can ngăn.
Theo đại biểu Tuấn, các cơ quan chức năng cần có cái nhìn mạnh mẽ, xác thực hơn để từ đó có liều thuốc đặc trị trước mắt cũng như bài toán căn cơ, lâu dài, ngăn ngừa giải quyết bạo lực học đường, bạo hành trẻ em.
Theo Danviet