Đào Bắc, mai Nam - Thú chơi hoa ngày Tết của người Việt

14/01/2023 13:44

(Pháp lý) - Thú chơi hoa trong ngày Tết không chỉ thể hiện sự tinh tế của tâm hồn người Việt mà còn mang ý nghĩa sâu xa, mùa xuân sẽ mang đến tài lộc cho mọi nhà. Thế nên một năm trôi qua, dù bận rộn với bao công việc, mọi người vẫn luôn dành thời gian để dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa bằng những chậu hoa đầy sắc xuân và những điều tươi đẹp nhất cho một năm mới. Tuỳ vào điều kiện tự nhiên, văn hóa vùng miền mà thú chơi hoa Tết từng vùng cũng có những khác biệt, khiến cho sắc màu văn hóa thêm phong phú.

anh-1-dao-bac-mai-nam-thu-choi-hoa-ngay-tet-cua-nguoi-viet-1673437369.jpg

Nói tới hoa đào, không thể không nhắc tới hoa đào Nhật Tân

Hoa đào Nhật Tân trở thành biểu tượng văn hóa của Hà Nội

Thú chơi đào của người Việt đã có từ rất lâu. Người Việt quan niệm màu đỏ thắm của hoa đào tượng trưng và dự báo một năm mới tươi sáng, ấm áp và mang tới nhiều sức khỏe, thành công, hạnh phúc trong năm mới. Chơi hoa đào - một thú chơi tuy bình dị nhưng cũng rất cầu kỳ. Người nhiều tiền thì chơi đào cây, đào thế; người ít tiền thì chơi đào cành. Đối với những người cầu kỳ, có khi đi tìm hàng tuần, thậm chí cả tháng từ trước tết mới được cây đào thế ưng ý mang về trưng trong ba ngày tết.

Nói tới hoa đào, không thể không nhắc tới hoa đào Nhật Tân - nét văn hoá cổ truyền đáng quý của người Hà Nội, đã hình thành và tồn tại hàng trăm năm. Có rất nhiều nơi trồng đào, nhưng có lẽ không có nơi nào có đào đẹp như Nhật Tân. Đào Nhật Tân đẹp như vậy có lẽ bởi truyền thống, kỹ thuật của người trồng hoa vùng này và cũng bởi một yếu tố quan trọng nữa là thổ nhưỡng. Cũng bởi vẻ đẹp của đào nơi đây mà đối với những người sành đào, đào Nhật Tân là sự lựa chọn số một. Đến làng đào nổi tiếng nhất Hà Nội – làng đào Nhật Tân trước tết cổ truyền khoảng hai tháng, ta có thể thấy không khí tấp nập nơi đây, bởi đây là thời điểm vườn đào đã được lá, các nụ hoa bé li ti đang chờ đến tết để được khoe sắc.

Không biết đào Nhật Tân có từ bao giờ, chỉ biết rằng có một giai thoại được sách chép lại là Tết Kỷ Dậu (1789), sau khi tiêu diệt 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh ở Thăng Long, vị tướng quân áo vải (Quang Trung) đã sai quân phi ngựa thần tốc ngày đêm mang một cành đào từ Nhật Tân vào Phú Xuân để tặng công chúa Ngọc Hân thay cho thiệp báo tin mừng chiến thắng và những cánh hoa đào tươi thắm cũng là lời nhắn gửi tình cảm thương nhớ tới người yêu.

Thương hiệu đào Nhật Tân (Hà Nội) giờ đây nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Những cành đào bích màu xác pháo hay đào phai phớt hồng mang mùa Xuân quê hương đến với bà con kiều bào Việt Nam sinh sống ở nhiều quốc gia trên thế giới vào mỗi dịp Tết Nguyên đán hằng năm - như một biểu hiện không thể thiếu của Tết cổ truyền dân tộc.

Đào Nhật Tân đa dạng, phong phú các chủng loại từ đào thế bonsai đến đào cây to phục vụ cơ quan, công sở, đào nhỏ cho gia đình, đào gốc, đào tự nhiên, đào vọt (đào uốn cong các kiểu, các dạng)…

Trong đó có 3 loại chính là đào thế, đào cổ và đào cành. Đào thế có gốc là gốc cây đào bích nguyên thủy, nguyên gốc không lai tạo, vì vậy người trồng dễ dàng định ngày nở được bông hoa.

Trong đào thế thì có dòng thế bonsai, là những cây nhỏ để ở bàn uống nước hoặc đặt trong các gia đình có diện tích nhỏ.

Trái ngược với bonsai là dòng đào công sở, chủ yếu có hình tháp, gọi là đào tán thông. Những cây đào này thích hợp để ở những công ty lớn và những ngôi nhà có diện tích rộng.

Đào cổ có hai dòng, một là tạo từ cây nhỏ nguyên bản trồng lớn lên, hai là lai ghép, khai thác gốc đào từ trên rừng về rồi cấy ghép giống đào ở vườn vào, khi các mắt ghép lớn thành cành thì bắt đầu uốn, tạo dáng như mong muốn. Cây đào cổ và đào thế phải chăm bón rất kỳ công, đòi hỏi người trồng phải cẩn thận, tỉ mỉ, bấm tỉa làm sao cho đẹp mắt.

Đào cành thì có dòng đào tán tròn, tán to. Nhà to dùng đào tán to, tán nhỏ thì thường để lên bàn thờ. Một dòng khác là đào tự nhiên, với dòng này người trồng để cho cây lớn tự nhiên, uốn sửa rất ít. Tuy nhiên, đào cành đòi hỏi người trồng phải chăm bón và sửa hàng tháng.

Đặc biệt, có một loại đào quý nhất là đào thất thốn, đây là loại đào cổ, hiếm, có sức sống mãnh liệt. Muốn trồng được đào thất thốn, người trồng đào phải chăm sóc cực kỳ cẩn thận. Đất trồng đào phải là đất thịt được đánh lên, phơi nỏ nắng, không để đất còn lại chút chất chua nào.

Tưới cây phải tưới bằng nước sạch, bởi vậy, cây đào trở nên thanh cao, tao nhã. Xưa kia chỉ các bậc quyền quý, nhà giàu mới chơi loại đào này.

Từ hàng tháng nay, không chỉ những bạn trẻ hiếu kỳ, những đôi tân hôn mà cả người dân Hà Nội, nhiều gia đình cũng cùng nhau sửa soạn lên vườn đào ghi lại những khoảnh khắc mùa xuân. Nhờ những chuyên gia trang điểm mà các bà, các cô được trở lại làm người Hà Nội xưa trong tà áo dài e ấp tạo dáng bên hoa đào... Nhờ có công nghệ hiện đại, làng hoa Nhật Tân đã được cộng đồng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn qua những hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội. Vì vậy, không ít du khách nước ngoài đã chọn Nhật Tân là điểm đến để ghi lại những khoảnh khắc xuân trong chuyến tham quan Việt Nam của mình. Họ đều thực sự ngỡ ngàng trước khung cảnh cả một vùng đào nhuộm sắc thắm và chia sẻ rằng, nhìn sắc hoa đào Hà Nội họ cảm nhận được sự sum họp ấm áp khi năm mới đến. Quan sát sự thích thú, hào hứng của dòng người đến với vườn đào Nhật Tân trong những ngày giáp Tết, người ta có thể hình dung ra sức sống của hoa đào Nhật Tân trong tương lai.

Hoa đào Nhật Tân trở thành biểu tượng văn hóa của Hà Nội và Việt Nam trong ngày Tết. Mỗi dịp Xuân về, sắc thắm của hoa đào lại nhuộm hồng từng góc phố, từng căn nhà khiến cho không khí Tết rộn ràng, ấm áp hơn. Thấy hoa đào, thấy Tết đã đến.

Mai vàng - đặc trưng của mùa xuân từ miền Trung trở vào

Từ miền Trung trở vào Nam ngày Tết nhất định phải có cành mai vàng. Theo quan niệm của các cụ ngày xưa, cây mai là hình ảnh tiêu biểu, tượng trưng của người quân tử với khí phách ngoan cường, trung nghĩa và thanh khiết. Mai hiên ngang, bản lĩnh vượt qua mùa đông lạnh lẽo mặc dù chỉ còn những nhánh thân gầy guộc, tưởng như đã héo khô trong nắng chang của mỗi độ hè về. Bỗng nhiên, một sớm mai thức dậy, chỉ qua một đêm thôi, từ tấm thân già nua ấy lại nảy lộc, đơm hoa, khoe sắc, kiêu hãnh, toả hương. Chính vì vậy, mai vàng được nhân gian gọi là hoa của mùa xuân và được xếp ở vị trí đầu tiên trong bộ “Tứ quý” sánh vai cùng với Lan, Cúc và Trúc.

anh-2-dao-bac-mai-nam-thu-choi-hoa-ngay-tet-cua-nguoi-viet-1673437414.jpg

Nhắc đến mai không thể không nói đến An Nhơn, Bình Định – thủ phủ của mai vàng. Tại Bình Định vào những năm 80 của thế kỷ trước, những người chơi cây cảnh ở xã Nhơn An, thị xã An Nhơn có công sưu tầm, nghiên cứu, lai tạo giống mai vàng nhiều cánh, tạo các dáng thế, khả năng nở hoa đúng dịp Tết.

Nhờ có nhiều người trồng mai, dần dần ở thị xã An Nhơn hình thành những làng nghề trồng mai, bắt đầu từ Nhơn An, sau đó lan sang vùng lân cận. Qua nhiều năm xây dựng và phát triển, đến nay thị xã An Nhơn có gần 1.500 hộ trồng mai vàng với khoảng 1,5 triệu chậu mai vào “tuổi ra chợ” trên diện tích 145 ha ở các xã: Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hậu, Nhơn Hạnh, Nhơn Khánh, Nhơn Mỹ và 05 phường của thị xã An Nhơn, trở thành thủ phủ mai vàng lớn nhất miền Trung.

Nhãn hiệu mai vàng Nhơn An đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận vào năm 2012. Từ đó, mai vàng ở đây khẳng định được bản quyền đối với sản phẩm nên dễ dàng quảng bá thương hiệu đến các tỉnh, thành trong cả nước.

Sản xuất mai vàng ở thị xã An Nhơn đã trở thành ngành sản xuất theo hướng chuyên canh hàng hóa, giải quyết lao động nông thôn, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Mai có nhiều loài với tên gọi khác nhau. Mai vàng là một loại cây thân gỗ, sống lâu năm, thân có nhiều cành, lá xanh, hoa vàng. Mỗi năm cây rụng lá vào mùa đông, trổ hoa vào đầu mùa xuân. Nhìn chung, mai vàng rất dễ trồng, sinh trưởng nhanh, kháng bệnh tốt. Mai vàng cạnh tranh với các loài cây khác trong rừng, có những nơi mai mọc thành rừng. Mai có thể được trồng trong vườn, trước sân, trong chậu. Mai có thể chơi tự nhiên, mai thế, mai ghép… Mỗi cách chơi có một nét độc đáo riêng.

Những ngày cuối tháng Chạp (Âm lịch), trong không khí rộn ràng của ngày xuân, nhà nhà, người người vui đón Tết, ai cũng lo trang trí nhà cửa thật đẹp để đón năm mới với mong ước một năm tốt lành. Việc mua sắm ngày Tết tuỳ vào điều kiện sống và quan niệm của mỗi gia đình, nhưng thú vui chưng hoa vào ngày Tết thì hầu như nhà nào cũng có.

Nếu như ở phía Bắc hầu như nhà nào cũng có cành đào, thì từ miền Trung trở vào, mai vàng là đặc trưng của mùa xuân. Chính vì vật, lựa chọn một cành mai, một gốc mai vừa ý để chơi trong ngày Tết là một việc tưởng chừng đơn giản, nhưng kỳ thực, việc chọn mai cũng lắm công phu!

Theo quan niệm dân gian của người Việt, ngày xuân, ai cũng cầu mong mọi việc may mắn, thuận lợi. Còn gì vui hơn nếu trong nhà đúng vào thời khắc giao thừa mai vàng bừng nở, đón tài lộc vào nhà. Còn gì thú vị bằng vào những ngày đầu năm, khách đến thăm nhà, chúc Tết liên tục tấm tắc khen ngợi gia chủ khéo chọn một cành mai tuyệt đẹp.

PV
Bạn đang đọc bài viết "Đào Bắc, mai Nam - Thú chơi hoa ngày Tết của người Việt" tại chuyên mục Thông tin cần biết. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin