Đại hội đồng cổ đông 2022: Vietcombank Duy trì vị thế số một, hướng tới tầm khu vực

29/04/2022 16:21

Năm 2021, vượt qua khó khăn chung, Vietcombank đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh doanh, giữ vững vị trí ngân hàng số 1 về chất lượng và hiệu quả hoạt động. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2021 đạt 27.389 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020.

2-1651247667.jpg
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Vietcombank đã thông qua nhiều mục tiêu quan trọng

Duy trì ổn định, hướng tầm khu vực

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên lần thứ 15 năm 2022 diễn ra ngày 29/4, ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, năm 2021, Vietcombank đã đạt và vượt các chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao. Cụ thể, tổng tài sản đạt 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2020, đạt 101% kế hoạch năm 2021.

Dư nợ tín dụng đạt 972.680 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020, trong giới hạn tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng nhà nước giao và đạt 104% kế hoạch năm 2021 do ĐHĐCĐ giao. Huy động vốn, tín dụng đều tăng trưởng ở mức cao (tương ứng tăng 9% và 15% so với năm 2020), vượt kế hoạch đề ra, góp phần tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu rất thấp (0,63%), tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt mức cao nhất trong ngành ngân hàng (424%). Đặc biệt, Vietcombank đã trích lập 100% dự phòng rủi ro cho dư nợ cơ cấu, sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Doanh số thanh toán quốc tế lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ đô la Mỹ, giúp thị phần tiếp tục được mở rộng.

Tiếp nối những thành công trong năm 2021, hoạt động kinh doanh của VCB trong quý 1 năm 2022 ghi nhận những kết quả ấn tượng. Quy mô tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành (huy động vốn tăng trưởng 3.7%, tín dụng tăng trưởng 6.9%). Cơ cấu hoạt động tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo đúng định hướng, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn đạt ~ 35%, dư nợ bán lẻ chiếm trên 55% danh mục tín dụng. Chất lượng tín dụng được kiểm soát hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu 0.8%. Hiệu quả kinh doanh cao, quy mô lợi nhuận hợp nhất đạt 9. 950 tỷ đồng, tăng trưởng 15.3% so với cùng kỳ.

Vietcombank đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 12% và bằng cổ phiếu với tỷ lệ 27,6%, tăng vốn điều lệ lên mức 47.325 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh ấn tượng của Vietcombank đã được thị trường đón nhận rất tích cực, đưa quy mô vốn hóa của ngân hàng đạt 16,7 tỷ đô la Mỹ khi khép lại năm 2021.

“Năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8%, huy động vốn tăng 9%, dư nợ tín dụng tối đa tăng 15%, lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12%, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1,5%”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết.

Để đặt mục tiêu đã đặt ra trong năm 2022, Vietcombank đưa ra 6 đột phá chiến lược trong hoạt động kinh doanh, gồm: Triển khai Chương trình và Kế hoạch hành động chuyển đổi số đúng tiến độ đã được HĐQT phê duyệt; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực thích ứng cho chuyển đổi số, phát triển văn hóa số trong VCB.

Đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu gắn với chuyển dịch cơ cấu hoạt động theo các trụ cột kinh doanh (Bán lẻ, Dịch vụ, Đầu tư và kinh doanh vốn); phát huy thế mạnh tổng thể của toàn hệ thống VCB. Đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng, phát triển sản phẩm. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách. Triển khai đúng tiến độ với tinh thần quyết tâm cao nhất phương án tham gia tái cơ cấu một TCTD.

Bên cạnh đó, Vietcombank đưa ra 3 trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu hoạt động kinh doanh. Đầu tiên là tăng trưởng tín dụng gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả bền vững. Tiếp theo là duy trì, phấn đấu cải thiện tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu nhập từ dịch vụ. Mở rộng các sản phẩm dịch vụ trên kênh số, nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng, giữ chân khách hàng tạo nền tảng gia tăng thu dịch vụ trong tương lai.

1-1651247759.jpg
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban Điều hành trình bày báo cáo Đại hội

Tại Đại hội, Ban lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông xem xét thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 và 2020. Ngân hàng dự kiến phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới).

Vietcombank cũng trình cổ đông xem xét thông qua việc niêm yết trái phiếu phát hành ra công chúng năm 2022, bầu bổ sung một thành viên Ban kiểm soát, báo cáo tài chính năm 2021, phương án tăng vốn điều lệ năm 2022, lựa chọn công ty kiểm toán độc lập và các nội dung khác trong thẩm quyền đại hội. Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng.

Tham gia tái cơ cấu bằng nhân chuyển giao bắt buộc TCTD yếu

Đặc biệt, Đại hội đồng cổ đông Vietcombank cũng xem xét thông qua chủ trương Vietcombank tham gia tái cơ cấu bằng hình thức nhận chuyển giao bắt buộc (CGBB) một tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém. Việc tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và NHNN nhằm hỗ trợ TCTD được CGBB từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục.

Đại diện Vietcombank nêu rõ, một trong các nguyên tắc nhận CGBB là bảo đảm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thông thường và danh tiếng của VCB; bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các cổ đông và cán bộ công nhân viên VCB.

Với việc nhận CGBB, Vietcombank sẽ có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới hoạt động, tốc độ tăng trưởng… và có thể nhận sáp nhập, hoặc tiếp tục duy trì TCTD được CGBB như một ngân hàng con, hoặc bán/chuyển nhượng TCTD cho nhà đầu tư mới; tạo cơ hội gia tăng lợi ích cho cổ đông Vietcombank.

Bùi Lộc
Bạn đang đọc bài viết "Đại hội đồng cổ đông 2022: Vietcombank Duy trì vị thế số một, hướng tới tầm khu vực" tại chuyên mục Thông tin kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin