Đại biểu Quốc hội và hai chữ “vì Dân”

23/05/2016 15:35

(Phap ly) - Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân, nhưng để làm tròn bổn phận, xứng đáng với cử tri đã bầu mình làm Đại biểu Quốc hội thì đòi hỏi rất nhiều tâm huyết và công sức…

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 mới được ban hành. Trong bộ máy nhà nước ta, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[caption id="attachment_140980" align="aligncenter" width="410"]Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trò chuyện với các nữ Đại biểu Quốc hội  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trò chuyện với các nữ Đại biểu Quốc hội[/caption]

Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Vì thế, lựa chọn để bầu ra được đội ngũ Đại biểu Quốc hội là những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là một đòi hỏi hết sức nghiêm túc và thiết thực.

Nói một cách ngắn gọn, đại biểu Quốc hội là đại diện của Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân. Suy ngẫm  xung quanh mấy chữ vì lợi ích của Nhân dân mới thấy đó là cả một vấn đề rất lớn hiện nay.

Lựa chọn được những đại biểu đủ năng lực, trình độ, bản lĩnh và thật sự gắn bó, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri nơi mình ứng cử, để chuyển tải đến Quốc hội là mong ước của cử tri cả nước. Thực tế cho thấy dù chất lượng đại biểu Quốc hội đã từng bước được nâng lên nhưng cho đến nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII vẫn còn những đại biểu hầu như không phát biểu ý kiến, vai trò rất mờ nhạt, không có đóng góp gì trong vai trò đại diện cho cử tri nơi bầu ra mình nói riêng và cử tri cả nước nói chung.

GS Nguyễn Lân Dũng từng chia sẻ: Chất lượng đại biểu Quốc hội đã có những quy định rất rõ. Không chỉ cần đạo đức tốt mà còn cần phải có năng lực và có điều kiện về thời gian để hoạt động Quốc hội. Ở những khóa tôi làm đại biểu Quốc hội có khi gặp cô giáo trẻ ngồi gần, thấy cô cắm cúi ghi chép cả các tỷ số bỏ phiếu và cả kỳ họp không thấy phát biểu gì cả. Tôi hỏi: “Cháu chép mấy thứ ấy làm gì?, cô trả lời: “Không chép, cháu cũng chả biết làm gì”.

[caption id="attachment_140981" align="aligncenter" width="410"]Đại biểu Huỳnh Nghĩa - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ Đại biểu Huỳnh Nghĩa - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ[/caption]

Ông Huỳnh Nghĩa, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng thì nói: Lâu nay, chúng ta hô hào cơ quan Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng thực tế đại biểu vào đó không đảm bảo được quyền lực cao nhất. Nhiều đại biểu không đủ trình độ, năng lực để thực hiện nhiệm vụ mà cử tri giao phó. Anh đại diện cho dân thì anh phải có trí tuệ, bản lĩnh và nhất là chính kiến. Đặc biệt, nếu anh đứng ở vai đại biểu Quốc hội thì anh phải có trình độ ở một tầm nhất định và bản lĩnh để phản biện lại các chính sách, vấn đề đại sự của quốc gia mà Chính phủ và các bộ ngành trình lên. Nói thật, bao giờ các báo cáo của Chính phủ và các bộ ngành cũng nêu rất nhiều thành tích, ít khi đề cập đến khiếm khuyết nên đại biểu không đủ trình độ, lơ mơ, không có tư duy phản biện thì đọc xong rồi cho qua luôn. Anh ngồi đó, thấy người ta bấm nút đồng ý thì anh cũng hùa bấm theo, không dám phản biện gì.

Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) đề nghị cần xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá chất lượng của đại biểu Quốc hội. Đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị phải xem xét, tính toán kỹ vấn đề đại biểu chuyên trách để tránh công chức hóa đại biểu, làm cho bộ máy thêm nặng nề. Theo ông Lịch, chuyên trách là tốt nhưng tính chuyên nghiệp mới là quan trọng. Chuyên trách không chuyên nghiệp thì nay thay, mai đổi là không hiệu quả.

Thực trạng đã thấy rõ, nguyên nhân thì có nhiều, nếu không điều chỉnh thì vấn đề chất lượng đại biểu Quốc hội còn phải bàn dài dài. Một trong những thay đổi cần kíp là vấn đề cơ cấu đại biểu. Cơ cấu là cần thiết nhưng cơ cấu để rồi phải đặt chất lượng lên hàng đầu, chứ không phải để bảo đảm cơ cấu dẫn đến có những đại biểu như trường hợp GS Nguyễn Lân Dũng phản ánh, khiến cử tri mất một đại diện mà cô giáo cũng phải bỏ chuyên môn của mình một cách lãng phí.

Hay lâu nay chúng ta có qui định trưởng đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh thành phải là cán bộ chủ chốt ở tỉnh thành. Vì vậy, thường thì ông bí thư hoặc chủ tịch UBND ở các tỉnh thành phố nắm chức trưởng đoàn. Các vấn đề mà Chính phủ, bộ ngành báo cáo, trình ra Quốc hội thì  bí thư hoặc chủ tịch ở các địa phương biết rất rõ, nắm rất chắc nhưng không dám nói. Vì sao? Là vì sợ ảnh hướng mối quan hệ của địa phương mình với Chính phủ, bộ ngành. Chưa kể cán bộ chủ chốt ở địa phương thì bận nhiều việc nên vắng mặt tại các kỳ họp Quốc hội cũng nhiều hơn các đối tượng khác.

Một thay đổi khá cần thiết là công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của đại biểu Quốc hội. Ông Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ tịch UBTW MTTQVN cho hay, hiện nay, có quy định rõ mỗi năm vào kỳ họp cuối năm thì đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải báo cáo với cử tri về kết quả hoạt động của mình nhưng nhiều nơi thực hiện không nghiêm túc chỉ có báo cáo chung của cả đoàn tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Vừa rồi Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng yêu cầu những người ứng cử trúng cử phải nộp cho mặt trận chương trình hành động để mặt trận đóng thành quyển và phát cho các thành viên mặt trận giám sát cả nhiệm kỳ. Đây là hình thức giám sát một cách tự phát của địa phương rất cần được chuẩn hóa.

Cuối cùng là chính mỗi đại biểu được bầu cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với cử tri. Nó thể hiện ở sự tận tâm với trách nhiệm được giao, dành nhiều thời gian và tâm huyết cho sinh hoạt tại Quốc hội, tiếp xúc cử tri và không ngừng nâng cao năng lực trình độ của mình để đáp ứng được đòi hỏi của cử tri cả nước. Ngẫm ra, để đạt được hai chữ “vì dân” , đòi hỏi biết bao tâm huyết và trí tuệ của mỗi Đại biểu Quốc hội.

 Thái Đăng

Bạn đang đọc bài viết "Đại biểu Quốc hội và hai chữ “vì Dân”" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin