Đại biểu Quốc hội, TS Trần Công Phàn - Phó Chủ tịch Hội Luật gia VN: Cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý sử dụng đất công

(Pháp lý). Sáng 23/8, tại trụ sở Hội Luật gia VN đã diễn ra Hội thảo : “Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công”. Hội thảo thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều Đại biểu Quốc hội, các Giáo sư, Tiến sĩ, nhà khoa học pháp lý và đại diện một số cơ quan quản lý ở TW. Bên lề Hội thảo, Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý đã có cuộc phỏng vấn nhanh Đại biểu Quốc hội, TS. Trần Công Phàn và một số nhà khoa học pháp lý.
1-1724402183.jpg

TS. Trần Công Phàn- Đại biểu Quốc hội Phó Chủ tịch Hội Luật gia VN (bên trái)  trả lời phỏng vấn báo chí tại Hội thảo

- Thưa TS. Trần Công Phàn, chủ đề “Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công” nhiều năm nay được cả xã hội đặc biệt quan tâm. Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất một số nơi chưa nghiêm. Vậy trách nhiệm pháp lý của cá nhân, tổ chức trong những trường hợp làm trái Quyết định của Thủ tướng trong quản lý đất đai cần đặt ra thế nào trong thời gian tới ?

+ TS. Trần Công Phàn: Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy rằng, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất một số nơi chưa nghiêm. Hiệu quả khai thác, sử dụng đất một số chỗ chưa cao, còn nhiều tồn tại, bất cập, hạn chế, đã ảnh hưởng rất lớn trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn vừa qua, tạo nên những điểm nghẽn, gây lãng phí, thất thoát rất lớn các nguồn lực của quốc gia và toàn xã hội. Các lãng phí, thất thoát này, không chỉ nguồn lực về tài chính, tài sản, thời gian, mà còn mất đi nhiều cơ hội và nguồn lực tổng hợp khác để xây dựng, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Việc thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ, vi phạm quy định Luật Đất đai có nơi chưa được quan tâm, chú trọng theo đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư và nhiều văn bản pháp luật liên quan. Chưa có cơ chế hữu hiệu để xử lý các trường hợp này. Hàng nghìn dự án thuộc đối tượng nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, nhưng chưa quan tâm xử lý, thu hồi; tình hình thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai của cả nước từ khi ban hành Luật đất đai năm 2013 đến nay vẫn còn nhiều.

Nhiều công trình, dự án thuộc diện điều tra, thanh tra, kiểm tra đã qua nhiều năm nhưng đất đai, công trình chưa được đưa vào khai thác sử dụng, gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp nói riêng và cho địa phương nơi có công trình, dự án nói chung. Việc phát hiện và xử lý các sai phạm chưa nghiêm, gây thất thoát, lãng phí rất lớn nguồn lực nhà nước. Tỷ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước của các Bộ, ngành địa phương đạt thấp. Nhiều vấn đề để kéo dài nhiều năm chưa thực hiện. Trong đó, bên cạnh chậm thực hiện kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi đất đai còn tình trạng chậm sửa đổi, khắc phục các vướng mắc, tồn tại của các nội dung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản quản lý do các đơn vị ban hành theo thẩm quyền làm kéo dài tác động của các vướng mắc, điểm nghẽn dẫn đến lãng phí, thất thoát nguồn lực tài chính công, tài sản công. Hệ lụy là nhiều tổ chức, cá nhân đã bị kỷ luật, xử lý hình sự do các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực của đất nước.

Để hạn chế , ngăn chặn các sai phạm, thất thoát trong quản lý sử dụng đất công, thì tới đây, cần tăng cường trách nhiệm, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật đất đai. Đồng thời tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý sử dụng đất công.

- Thưa PGS.TS Đinh Dũng Sỹ: Theo ông, giải pháp nào để tăng cường chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công thời gian tới ?

2-1724396944.jpg

PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ PL – Văn phòng Chính phủ

+ PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ: Các sai phạm, thất thoát lãng phí là do các cơ quan tổ chức, cá nhân được giao quản lý sử dụng đất công (để xảy ra vi phạm) không tuân theo quy định pháp luật trong quản lý sử dụng đất công sản. Thực tế pháp luật đã có quy định cụ thể, người thực thi quản lý, sử dụng đất công phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật.

Nếu việc thực thi pháp luật được tuân thủ, nghiêm ngặt theo quy định thì sẽ hạn chế các sai phạm, thất thoát, lãng phí… Giải pháp căn cơ vẫn là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị quản lý sử dụng đất công có đúng phương án nhà nước đã quy định, phê duyệt khi cổ phần hóa hay không? Qua đó mới kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các sai phạm ngay từ đầu, từ khâu làm các thủ tục trước khi chuyển nhượng, góp vốn trái quy định pháp luật.

- Xin hỏi Thạc sĩ Võ Văn Tài: Ông đã có nghiên cứu và tham luận rất sâu về các dấu hiệu cấu thành của các tội phạm xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai . Nhìn từ thực tiễn vừa qua (xảy ra nhiều đại án liên quan đến đất đai, nhiều vụ cố ý làm trái Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giao đất không qua đấu giá, dùng các thủ đoạn “biến” đất công thành tư...). Vậy cá nhân ông có kiến nghị gì về giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng, đất công ?

3-1724396944.jpg

Thạc sỹ Võ Văn Tài, Trưởng khoa Kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TPHCM

+ Thạc sỹ Võ Văn Tài : Một trong những loại tội phạm cần được nêu ra và đánh giá một cách nghiêm túc là tội phạm trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai. Bởi đây là một dạng tội phạm bất chấp pháp luật để làm những việc gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả quản lý của Nhà nước, gây ra thất thoát, thiệt hại rất lớn đối với nguồn tài nguyên của quốc gia, làm chậm quá trình phát triển của nền kinh tế - xã hội của đất nước.

Một số vụ việc nghiêm trọng như v giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định, không qua đấu giá quyền sử dụng đất khu đất “kim cương” ở địa chỉ 8 - 12 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM không qua bán đấu giá tài sản, tạo điều kiện cho cá nhân thay đổi quyền sở hữu khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn từ sở hữu Nhà nước sang sở hữu DNTN trái pháp luật, gây thất thoát, lãng phí cho Nhà nước hơn 1.927 tỉ đồng.

Hay vụ khu đất vàng của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (TCT Thuốc lá)  Thanh tra Chính phủ đã kết luận có sai phạm trong việc thực hiện góp vốn dự án tại 152 Trần Phú, TP HCM: không thực hiện đánh giá lại tài sản là không đúng quy định về quản lý tài sản doanh nghiệp Nhà nước; làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi chuyển nhượng 30.927,7m2 tại 152 Trần Phú không xin phép Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, có nguy cơ thất thoát tiền của Nhà nước, của doanh nghiệp.

Nhận thức được sự nghiêm trọng của thực trạng trên, Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định và đưa ra nhiều chính sách, biện pháp quản lý nhằm ngăn chặn và làm giảm số lượng tội phạm xảy ra trong lĩnh vực này. Đồng thời các cơ quan tư pháp cũng tăng cường xử lý nghiêm minh những hành vi phạm tội trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai nhằm răn  đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Nhưng tình hình tội phạm trong lĩnh vực trên vẫn không thuyên giảm và có chiều hướng ngày càng phức tạp hơn.

Qua nghiên cứu thực tiễn xử lý hình sự đối với tội phạm liên quan đến quản lý Nhà nước về đất đai trong những năm qua, nhận thấy hiệu quả của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm trên ngày càng được nâng lên, góp phần tích cực cho quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, thì hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự cũng bộc lộ những bất cập, thiếu sót, làm ảnh hưởng đến chất lượng của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung. Những hạn chế, thiết sót xảy ra ở nhiều giai đoạn trong quá trình xử lý tội phạm như: Việc điều tra, làm rõ hành vi phạm tội đôi khi còn chưa toàn diện và chưa làm rõ được bản chất của hành vi; việc truy tố, xét xử và áp dụng pháp luật hình sự để xử lý hành vi phạm tội liên quan công tác quản lý đất đai còn chưa phù hợp với quy định của pháp luật…

Hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai trong thực tiễn rất phức tạp, trong khi đó quy định của pháp luật về đất đai thay đổi liên tục, thường xuất hiện sự chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của Bộ, ngành trung ương và địa phương; đồng thời, quy hoạch sử dụng đất thay đổi hàng năm, nhiều vụ việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư kéo dài, từ khi ban hành kế hoạch, chủ trương đến khi thực hiện thì quy định của pháp luật, của cơ quan cấp trên đã thay đổi, vì vậy quá trình đánh giá hành vi vi phạm có phạm tội hay không đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải thận trọng, cân nhắc kỹ càng và phải trên tinh thần áp dụng pháp luật theo hướng có lợi cho người phạm tội thì việc xử lý mới bảo đảm tính chính xác, thuyết phục và nghiêm minh theo quy định của pháp luật hình sự.

Việc phân tích, làm rõ hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai có phải là tội phạm hay không là việc làm rất khó khăn trong thực tế. Bởi vì, người thực hiện hành vi vi phạm có trình độ chuyên môn cao, có chức vụ, quyền hạn nên đa số họ biết vận dụng cácc quy định của pháp luật và chủ trương, chính sách của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai và tình hình thực tiễn của địa phương để lý giải về sự hợp lý của quyết định, hành vi mà họ đã thực hiện. Đồng thời, các quy định của pháp luật về đất đai còn phức tạp, dễ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau; và quy định của Luật hình sự có liên quan đến hành vi phạm tội trong lĩnh vực này còn nhiều nội dung có tính trừu tượng, phổ quát cao, việc phân tích, giải thích nội hàm quy định về các tội phạm liên quan có sự khác nhau là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, trong phạm vi khả năng của mình, chúng tôi chỉ có thể phân tích, làm rõ những dấu hiệu cơ bản nhất về cấu thành của các tội phạm trong BLHS có liên quan hoạt động quản lý nhà nước về đất đai để giới thiệu cho cơ quan, người có thẩm quyền trong thực tiễn tham khảo trong quá trình xử lý hành vi phạm tội sao cho đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội cũng như bỏ lọt tội, từ đó góp phần cho quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực phức tạp nói trên đạt được hiệu quả như đã đề ra.

Nguyễn Đức - Trần Hơn (thực hiện)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin