Nắm giữ nhiều tài nguyên nhất, được ưu đãi nhất, gây ra lãng phí nhất, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trở thành tâm điểm của tái cơ cấu kinh tế trong hai thập kỷ qua.
[caption id="attachment_140601" align="aligncenter" width="410"] Nhà máy Xơ - Sợi polyester Đình Vũ (PVText). Ảnh: T.L[/caption]
Khi nợ công tăng cao, những lớp son tô hồng bong tróc theo thời gian, phơi bày bảy nhà máy methanol với tổng giá trị đầu tư ước tính 10.000 tỉ đồng, Nhà máy Xơ - Sợi polyester Đình Vũ (PVText) 7.000 tỉ đồng, Nhà máy Gang thép TISCO gần 9.000 tỉ đồng đang... trùm mền; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đầu tư gần 3 tỉ đô la Mỹ tạo ra khoản lỗ lũy kế khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ...
Cách đây năm năm đã diễn ra hàng loạt vụ xì căng đan của các DNNN, bắt đầu bằng tiền tố Vina, đến mức có người phải thốt lên rằng sau Vinashin, Vinalines là “Vina chia” (tham nhũng). Rồi gần đây, hàng loạt DNNN họ PV đắp chiếu, đòi ưu đãi khủng, dọa đóng cửa... phải chăng họ đang hành xử theo kiểu “PV vạ” để Chính phủ xén miếng bánh phúc lợi của người nghèo cho họ?
Tương đồng về đặc điểm, từng được xác định là thành phần kinh tế chủ đạo trong suốt sáu thập niên liên tục - tại sao kinh tế tập thể lại không thể “ăn vạ” được mà chấp nhận thân phận hết được ưu tiên “chủ đạo”?
Từ “ kinh tế quốc doanh chủ quan” sang “kinh tế nhà nước duy ý chí”
Từ chỗ, cho rằng tư hữu là cội nguồn của hiện tượng người bóc lột người, nền kinh tế Việt Nam trải qua quá trình cải tạo kéo dài gần ba thập niên (1953-1986), với nòng cốt là hai thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa: kinh tế tập thể và kinh tế quốc doanh. Hai thành phần kinh tế này được kỳ vọng như đòn bẩy Archimedes giải quyết mọi vấn đề: quốc hữu hóa sẽ tạo ra sự tập trung tư liệu sản xuất, tạo ra lợi thế về quy mô sản xuất; kế hoạch hóa tập trung sẽ giúp tránh được khủng hoảng thừa; loại bỏ cạnh tranh sẽ tránh được mặt xấu của hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh; không có giới chủ (mà) mọi người lao động sẽ tham gia “làm chủ tập thể”.
Khủng hoảng đói nghèo thập niên 1980 làm cho mọi người giật mình nhận ra mình cần đòn bẩy Archimedes mới, nhận ra mình đã “chủ quan, duy ý chí”, nên chấp nhận “Đổi mới” (mà thực ra là quay về con đường cũ của nhân loại): tái thừa nhận kinh tế tư nhân.
Bước sang kinh tế thị trường song chúng ta lại dùng Hiến pháp ra lệnh cho quy luật kinh tế thị trường; buộc nó phải nhường đường cho kinh tế tập thể, kinh tế quốc doanh giữ “vai trò chủ đạo”. Nhưng lệnh này bị vô hiệu hóa, kinh tế tập thể teo tóp, đóng góp vào GDP của kinh tế nhà nước giảm dần đều qua ba mươi năm đổi mới(2).
Sau đó, ta nhận thức ra bắt “kinh tế tập thể” đóng vai trò chủ đạo là chủ quan, tiếng nói của các tầng lớp chủ nhiệm hợp tác xã hụt hơi không đủ sức duy ý chí nữa, vì vậy chỉ giữ lại “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” tại điều 51, khoản 1, Hiến pháp 2013. Ba năm trôi qua, chúng ta cũng chưa thể “nhốt” quy luật kinh tế thị trường được, nên nó vẫn tiếp tục tung tẩy, vi phạm định hướng này: đóng góp vào GDP của kinh tế nhà nước vẫn giảm dần đều.
Suy giảm, nhưng kinh tế nhà nước, DNNN vẫn được ưu tiên, ưu đãi, chứ không như kinh tế tập thể. Có nhóm lợi ích nào tiếp sức cho DNNN tiếp tục tồn tại, biến hóa?
Tô hồng, dự án thông qua, sẽ có hoa hồng mọc lên?
Kinh doanh thì doanh nghiệp nào, thuộc thành phần kinh tế cũng có thể thua lỗ, tính toán sai lầm. Nhưng khác nhau ở khuynh hướng doanh nghiệp dân doanh ít thua lỗ, trở thành động lực chính kéo GDP Việt Nam tăng trưởng; còn kinh tế nhà nước thì ngược lại.
Ai cũng có thể nhận thức sai lầm về cơ hội kinh doanh, nhưng tại sao khi lập đề án kinh doanh, doanh nghiệp dân doanh không “tô hồng”, mà chỉ cốt phản ánh đúng gam màu thực tế? Bởi chủ sở hữu và người quản lý doanh nghiệp dân doanh gần như là một và người quản lý ít có cơ hội lừa dối chủ sở hữu.
Còn đằng sau DNNN là một ông chủ tượng trưng, mang tên “nhân dân”, rất tách biệt so với người quản lý. Và trong bối cảnh tình trạng tham nhũng cao như ở Việt Nam thì người quản lý rất dễ qua mặt ông chủ “nhân dân” mà không bị đuổi việc. Bởi vậy, việc “tô hồng” không khó.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từng được gắn cho sứ mệnh kéo khu vực kinh tế miền Trung đi lên, giúp đồng bào miền Trung bớt khó khăn; PVText được kỳ vọng là đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Ngay từ đầu hoặc đến khi lật lại các luận chứng kinh tế, các chuyên gia cho rằng chúng đã được “tô hồng”(3). Mọi thứ đều đẹp đẽ, nếu trời không bao giờ có dông bão, lớp son phấn sẽ không bao giờ bong tróc. Nhưng son hồng bong tróc là chuyện của nhiệm kỳ sau.
Tô hồng tốt, có tiền đầu tư, rất có thể “hoa hồng” (lại quả) tốt sẽ mọc lên trên những dự án trùm mền. Sau khi thu hoạch xong hoa hồng, hết nhiệm kỳ, người quản lý lại có thể được luân chuyển sang vườn hồng khác, cứ như du canh, du cư trên cánh đồng mà “ta là chủ đạo”.
Ưu đãi cho DNNN - xén miếng bánh phúc lợi của dân nghèo
Không như ông chủ nhiệm hợp tác xã quê mùa, những người tiếp sức cho các tập đoàn kinh tế nhà nước rất hùng mạnh, am hiểu và đầy lý do để duy ý chí; họ không để cho DNNN chung số phận với kinh tế tập thể. Điệp khúc “xóa nợ”, “khoanh nợ”, “giãn nợ”, “ưu đãi thuế”, “chính phủ bảo lãnh”, “cơ chế đặc thù” liên tục được cất lên và ngày càng... tham lam hơn.
Nếu như ngân sách là nồi cơm Thạch Sanh, đôi vai người dân có sức mạnh của Thần Đèn, thì có lẽ sẽ không ai ca thán sự tham lam này. Nhưng tài nguyên trong mỗi quốc gia là hữu hạn, dù trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến ngân sách thì đều từ tiền thuế của dân. Các loại hình ưu đãi bất bình đẳng, không chính đáng đều làm cho miếng bánh phúc lợi của nhân dân nhỏ lại.
Đổ vào gần 10.000 tỉ đồng để cứu một dự án thép trùm mền, tức là đã lấy đi của học sinh nghèo ở Tây Bắc, Tây Nam 10.000 ngôi trường tiểu học. Âm vốn hơn 30%, khoản lỗ lũy kế 1,25 tỉ đô la Mỹ của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể làm giàu cho ai đó, nhưng phúc lợi của nhân dân miền Trung không có phần trong đó; cả tin, đã nghèo họ lại nghèo hơn.
Nhìn vào số liệu thống kê, chiều dài hoạt động của DNNN trong 30 năm qua, có ai dám đứng ra bảo đảm và sẵn sàng từ chức nếu không chứng minh được rằng lấy đi 10.000 ngôi trường của dân nghèo sẽ đem lại cho họ 11.000 ngôi trường?
Theo Thesaigontimes