Công khai, minh bạch: Một yêu cầu “dĩ bất biến”

03/10/2018 09:06

(Pháp lý) - Trong một nhà nước dân chủ, tiến bộ, minh bạch và minh bạch hoá các hoạt động là một yêu cầu “dĩ bất biến”. Xây dựng một chính quyền minh bạch và có trách nhiệm dựa trên những quy định của pháp luật là một trong những cách thức bổ sung để kiểm soát chính quyền có hiệu quả. Trong bài viết sau, tác giả nhấn mạnh sự cần thiết phải công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy nhà nước đối với công dân.

Công khai, minh bạch là cơ sở đảm bảo tính trách nhiệm của nhà nước

image001Trong một xã hội dân chủ, người dân sau khi đã uỷ nhiệm quyền lực của mình cho nhà nước có quyền được biết những người được uỷ quyền đang thực thi quyền lực của mình như thế nào. Công khai, minh bạch các hoạt động của bộ máy nhà nước chính là một cơ chế để buộc nhà nước phải tăng cường và bảo đảm tính trách nhiệm của mình trước công dân. Cơ chế trách nhiệm của nhà nước bao gồm cả trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị và trách nhiệm tài chính.

Cơ chế trách nhiệm pháp lý bao gồm việc tuân thủ hiến pháp, các đạo luật, sắc lệnh quy định những gì mà các công chức nhà nước có thể và không thể làm, và công dân có thể hành động ra sao để phản đối các quan chức nhà nước khi họ không đáp ứng được sự mong đợi của người dân. Về mặt pháp lý, mọi cá nhân giữ các vị trí trong cơ quan công quyền đều phải chịu trách nhiệm trước sự phán xét của toà án về tính hợp pháp của các hoạt động của mình. Đây là điểm cốt lõi của nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Về mặt chính trị, chính quyền hay bộ máy nhà nước phải có trách nhiệm giải trình cho nhân dân rằng, các chính sách, cách thức tổ chức và phương thức thực hiện chính sách nào đó phải được dựa trên những cơ sở khoa học.

Nếu việc quy định trách nhiệm pháp lý có thể được thực hiện đơn giản bằng cách đưa những người có chức vụ vi phạm pháp luật ra toà, thì việc quy kết trách nhiệm chính trị lại không hề đơn giản, vì việc thực hiện một chính sách rất phức tạp. Thông thường, đội ngũ công chức của các cơ quan nhà nước (chẳng hạn như bộ máy hành chính, lực lượng vũ trang, lực lượng cảnh sát…) sẽ phải chịu trách nhiệm trước người đứng đầu bộ máy hành pháp (do dân bầu trực tiếp hoặc gián tiếp) qua khâu trung gian là các Bộ trưởng do chính người đứng đầu này bổ nhiệm. Về phần họ, người đứng đầu cơ quan hành pháp và các Bộ trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm trước dân chúng (được phán xét thông qua các kỳ bầu cử) cũng như trước Quốc hội (trong vai trò đại diện của người dân giữa hai kỳ bầu cử).

Về mặt tài chính, Chính phủ phải đảm bảo việc chi dùng tiền thuế của người dân vào những mục đích đã được cơ quan lập pháp phê duyệt. Trách nhiệm này được giao cho cơ quan kiểm toán nhà nước. Cơ quan này về mặt hình thức chịu trách nhiệm trước Quốc hội, nhưng lại hoạt động hoàn toàn độc lập về mặt chuyên môn khi kiểm tra các khoản chi tiêu của Chính phủ.

Công khai, minh bạch đảm bảo quyền được thông tin của người dân đối với hoạt động của bộ máy nhà nước

Quyền được thông tin của công dân bao gồm 3 yếu tố hợp thành cơ bản: quyền tiếp nhận thông tin, quyền tìm kiếm thông tin và quyền phổ biến, chia sẻ thông tin.

Với bản chất là nhà nước của dân, do dân và vì dân, nhà nước Việt Nam luôn mở rộng dân chủ, tổ chức các điều kiện để nhân dân tham gia ngày càng sâu vào quá trình quản lý xã hội theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Vấn đề “dân biết” là cơ sở đầu tiên để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Nó gắn liền với quyền được thông tin của người dân.

Một khi nhà nước thừa nhận quyền được thông tin của người dân về hoạt động của bộ máy nhà nước thì tương ứng với nó, nhà nước sẽ phải có nghĩa vụ đảm bảo cho công dân thực hiện được quyền này, đó là nhà nước phải có nghĩa vụ công khai, minh bạch hoạt động của mình.

Điều này đòi hỏi các cơ quan nhà nước hoạt động trên cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp phải cải tiến các phương thức tổ chức thông tin của mình và thực hiện nghĩa vụ công khai, minh bạch một cách có thiện chí, bảo đảm cho các nhóm đối tượng khác nhau được bình đẳng và thuận tiện trong việc tiếp cận thông tin.

Công khai, minh bạch sẽ giúp kiểm soát những sai lầm, tham nhũng của cán bộ nhà nước

Việc cho phép người dân có quyền tiếp cận với các nguồn thông tin đã góp phần làm gia tăng hiệu quả các hoạt động của chính quyền. Nó đưa ra ánh sáng những vụ lãng phí công quỹ, chống lại nạn tham nhũng và vạch ra những sai lầm của chính quyền.

Trong bất kỳ quốc gia nào, giữa người dân và nhà nước luôn tồn tại một khoảng cách về sự bất đối xứng thông tin. Quá trình này cũng giống hệt quá trình bất đối xứng thông tin giữa người quản lý công ty và các cổ đông. Sự bất đối xứng này đã tạo cơ hội cho các quan chức vô trách nhiệm trong bộ máy nhà nước đưa ra các quyết định có lợi cho cá nhân họ nhiều hơn là lợi ích của đa số nhân dân. Tăng cường sự công khai, minh bạch thông tin, cụ thể là các thông tin liên quan đến hoạt động của bộ máy nhà nước sẽ giúp thu hẹp phạm vi của sự lạm dụng này, cả trên thị trường cũng như trên chính trường. Điều này đòi hỏi nhà nước phải có một khuôn khổ pháp lý thích hợp để cho phép người dân, các phương tiện truyền thông đại chúng có thể thu thập được thông tin và tránh cho họ khỏi sự sách nhiễu của các cơ quan nhà nước.

   Quang cảnh một buổi tọa đàm về "Công khai minh bạch ngân sách Nhà nước”
Quang cảnh một buổi tọa đàm về "Công khai minh bạch ngân sách Nhà nước”)

Tự do ngôn luận và tự do báo chí không chỉ có tác dụng làm cho việc lạm dụng quyền lực nhà nước giảm đi đáng kể, mà chúng còn tăng cường khả năng đáp ứng các nhu cầu xã hội cơ bản của người dân. Các nghiên cứu được công bố đã cho thấy, công luận có thể buộc Chính phủ, nhất là những Chính phủ được bầu ra một cách dân chủ, phải hành động trong trường hợp người dân phản ánh về tình trạng lạm quyền của các công chức nhà nước và họ sẽ tìm cách để hạn chế các hành động tương tự có khả năng xảy ra.

Sự thiếu công khai, minh bạch tương phản với các giá trị dân chủ và làm huỷ hoại tiến trình dân chủ. Nó giúp cho những người đương chức cố thủ trong các hàng rào đặc lợi và hạn chế sự tham gia của công dân vào quá trình dân chủ. Sự bưng bít thông tin được coi là miếng đất màu mỡ cho những nhóm lợi ích đặc biệt và ngăn chặn khả năng đưa báo chí trở thành một công cụ kiểm soát hữu hiệu sự lạm dụng quyền lực của chính quyền.

Cuối cùng, thiếu thông tin cũng làm nảy sinh các đặc quyền, đặc lợi. Các công chức trong bộ máy có động cơ tạo ra những điều bí mật, vì điều đó giúp cho họ có được những đặc lợi nào đó. Ở một số nước, công chức có thể giành được những đặc lợi này thông qua những khoản hối lộ trắng trợn, hoặc bằng cách bán các thông tin có giá trị; ở những nước khác, quá trình này có thể được thực hiện dưới một hình thức tinh vi hơn, đó là thông qua các khoản đóng góp cho các chiến dịch vận động tranh cử…Có thể nói, sự thiếu công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy nhà nước đã tạo điều kiện cho các hành vi tham nhũng, hối lộ của các công chức. Kinh nghiệm của Tổ chức minh bạch quốc tế (IT) đưa ra tiêu chí quan trọng nhất để xếp hạng tình trạng tham nhũng của một quốc gia là mức độ công khai, minh bạch trong hoạt động của nhà nước đó.

“Ánh sáng” của công khai, minh bạch soi rọi đến đâu thì những cơ hội cho lạm quyền và tham nhũng cũng sẽ bị đẩy lùi tới đó. Công khai, minh bạch sẽ kiểm soát được những sai lầm, kém hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước và giúp cho người dân có những thông tin xác thực để đưa ra những đánh giá mang tính khách quan.

Công khai, minh bạch sẽ khuyến khích sự tham gia của công dân vào đời sống chính trị

Để có được thông tin, người dân cũng sẽ phải trả giá bằng thời gian và sức lực của mình. Sự bưng bít thông tin sẽ làm cho chi phí tìm hiểu thông tin này tăng thêm. Bản thân những người dân bình thường, không có các lợi ích đặc biệt, sẽ không tham gia vào quá trình giám sát chính quyền một cách tích cực nếu các thông tin không được cung cấp một cách đầy đủ và dễ dàng. Và nếu tình huống đó xảy ra, người dân sẽ nhường lại không gian này cho các nhóm lợi ích đặc biệt. Do vậy, bản thân sự không minh bạch trong các hoạt động của chính quyền cũng đã không khuyến khích người dân kiểm soát một cách hiệu quả các thiết chế, các quá trình của Chính phủ.

Để duy trì sự bưng bít thông tin, thì số lượng người đưa ra quyết định phải rất hạn chế. Vì thế, chất lượng của việc ra quyết định cũng sẽ bị giảm mạnh. Quá trình này dẫn tới một vòng luẩn quẩn: nếu đưa ra các chính sách có nhiều sai lầm, các công chức trong bộ máy nhà nước sẽ trở nên cảnh giác hơn với công luận, và để tự bảo vệ mình, họ tìm cách để che giấu thông tin, thu hẹp đối tượng được tiếp cận thông tin, và điều này càng làm cho chất lượng của việc ra quyết định suy giảm nhiều hơn. Hiển nhiên, các quy định về sự công khai minh bạch đã khích lệ các công dân tham gia vào các quá trình chính trị, tham gia giám sát chính quyền và phản biện lại các chính sách của nhà nước. Mức độ tiếp cận với các thông tin càng đơn giản và dễ dàng, thì sự tích cực tham gia của công dân cũng càng tăng.

   Quy hoạch đất đai phải bảo đảm công khai minh bạch để ngăn chặn “quan tham” trục lợi (ảnh minh họa)
Quy hoạch đất đai phải bảo đảm công khai minh bạch để ngăn chặn “quan tham” trục lợi (ảnh minh họa))

Kiến nghị

Trong bối cảnh thực tiễn mức độ công khai, minh bạch của Việt Nam hiện nay, xuất phát từ vai trò của trách nhiệm công khai, minh bạch, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp như sau:

Một là, trong lĩnh vực hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật: Ban hành quy trình tiếp nhận, phân loại ý kiến của nhân dân, quy định trách nhiệm giải trình, phản hồi về những ý kiến đó. Để đảm bảo công khai, minh bạch và dân chủ trong việc tiếp thu những ý kiến đóng góp của công dân, hoạt động của cơ quan dân nguyện của Quốc hội cần được tăng cường theo hướng cơ quan này có đủ khả năng giám sát việc tiếp thu ý kiến, kiến nghị của nhân dân đối với nhà nước nói chung và đối với hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật nói riêng.

Hai là, trong lĩnh vực quản lý nhà nước: Tăng cường việc thực hiện nghĩa vụ chủ động công khai trên những lĩnh vực mà người dân còn gặp nhiều khó khăn, phiền hà khi giao dịch với cơ quan nhà nước như lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, chính sách xã hội, tiền và tài sản công, công tác cán bộ…

Ba là, trong lĩnh vực tư pháp: Quy định cụ thể về nội dung và hình thức công khai như: niêm yết công khai trình tự, thủ tục tư pháp và công khai các bản án của tòa án các cấp.

Bốn là, tăng cường vai trò của người dân trong phòng chống tham nhũng: Công ước quốc tế về chống tham nhũng mà Việt Nam đã tham gia ký kết đã có những nguyên tắc rõ ràng: Mỗi quốc gia thành viên của Công ước, trong khả năng có thể và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp nước mình, áp dụng các biện pháp thích hợp, nhằm thúc đẩy sự tham gia chủ động của các cá nhân và tổ chức …nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về sự tồn tại, nguyên nhân và tính chất nghiêm trọng cũng như sự đe doạ của tham nhũng thông qua các biện pháp như:

- Tăng cường tính minh bạch trong các quá trình ra quyết định, thúc đẩy sự đóng góp của người dân vào các quá trình ra quyết định.

- Đảm bảo cho công chúng được tiếp cận các nguồn thông tin về hoạt động của bộ máy nhà nước một cách hiệu quả.

- Tổ chức các hoạt động thông tin cho người dân, góp phần đấu tranh không khoan nhượng chống tham nhũng, cũng như tiến hành các chương trình giáo dục công chúng, bao gồm cả chương trình giảng dạy trong nhà trường và trường đại học về quyền của công dân trước nhà nước.

- Tôn trọng, tăng cường và bảo vệ sự tự do tìm kiếm, xuất bản và tuyên truyền thông tin về tham nhũng. Sự tự do đó có thể cũng có một số giới hạn nhất định, nhưng những giới hạn đó phải được pháp luật quy định và phải là cần thiết để tôn trọng quyền và uy tín của người khác, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự quốc gia, sức khoẻ cộng đồng hay các giá trị đạo đức.

Trương Cao Huyền Trang
Học viện Chính trị khu vực III

Bạn đang đọc bài viết "Công khai, minh bạch: Một yêu cầu “dĩ bất biến”" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin