Chuyên đề: Hướng tới một Quốc hội chất lượng, đáp ứng mong mỏi của cử tri (Kỳ 3)

(Pháp lý) - LTS: Bầu cử Quốc hội khóa XIV đang đến rất gần. Làm thế nào để chọn được những Đại biểu QH (ĐBQH) thực sự là công bộc của dân, liêm khiết, hết lòng phụng sự nhân dân, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết... đang là mối quan tâm hàng đầu của cử tri cả nước. Bởi phải chọn được ĐBQH tốt, tập thể ĐBQH tốt, thì mới góp sức mạnh để Quốc hội hoạt động hiệu quả, chất lượng hơn.

>> Bài 1: Quốc hội khóa XIII và những dấu ấn trong lòng cử tri

>> Bài 2 : Hạn chế của Quốc hội khóa XIII nhìn từ chất lượng một số đại biểu dân cử

>> Chọn lựa Đại biểu QH và những góp ý tâm huyết của vị Tướng tham gia Quốc Hội 3 khóa

>> Quốc hội khóa XIII và những dấu ấn trong lòng cử tri

>> Tăng hay giảm ĐBQH chuyên trách không quan trọng…, quan trọng là…

Pháp lý xin tiếp tục đăng tải kỳ 3 tuyến bài góp ý xây dựng “Hướng tới một Quốc hội chất lượng, đáp ứng mong mỏi của cử tri”.

Bài 7: TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam: Bảo vệ quyền và lợi ích Quốc gia, quyền và lợi ích chính đáng của người dân phải là mối quan tâm hàng đầu của mỗi ĐBQH

Những năm gần đây giới Luật gia Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, tham gia tích cực vào các hoạt động của Quốc Hội ( QH), đặc biệt là hoạt động lập pháp . Bằng chứng rõ nét nhất là 2 khoá Quốc Hội vừa qua, HLGVN đã được QH tín nhiệm giao chủ trì xây dựng thành công 2 Dự án Luật. Mới đây nhất, HLGVN đã chủ trì xây dựng thành công Dự án Luật Trưng cầu ý dân- một Dự luật được ví như “ vương miện của nền dân chủ” – dự luật đã được kì họp thứ 10 QH khoá XIII thông qua với số phiếu biểu quyết rất cao.

[caption id="attachment_139776" align="aligncenter" width="410"]Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự Luật Trưng cầu ý dân Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự Luật Trưng cầu ý dân[/caption]

Là người được Trung ương HLGVN giới thiệu ứng cử ĐBQH khoá XIV, Tiến sĩ, Luật gia Nguyễn Văn Quyền đã dành cho Tạp chí Pháp lý cuộc phỏng vấn góp thêm tiếng nói, chính kiến hướng tới xây dựng một QH thực sự vì dân, bảo vệ quyền và lợi ích Quốc gia, quyền và lợi ích chính đáng của người dân phải là mối quan tâm hàng đầu của mỗi Đại biểu Quốc hội.

Dấu ấn lập pháp của QH có sự đóng góp tích cực của giới Luật gia VN

Phóng viên: Với cương vị là Chủ tịch Hội LGVN, theo dõi cả nhiệm kì QH XIII vừa qua, những dấu ấn lập pháp quan trọng nào của QH khóa XIII đã để lại ấn tượng trong ông?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Quốc hội khóa XIII ghi dấu ấn sâu đậm bằng nhiều hoạt động lập pháp quan trọng. Một trong những hoạt động lập pháp quan trọng nhất đó là thông qua Hiến pháp 2013. Nội dung cơ bản của Hiến pháp quy định về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, về phân công quyền lực trong bộ máy nhà nước, giám sát quyền lực nhà nước… Hiến pháp 2013 được đánh giá là bản hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế.

Quốc hội khóa XIII đã xây dựng, thông qua có chất lượng hơn 100 đạo luật, trong đó có nhiều đạo có tầm quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng tới cả xã hội như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sử (sửa đổi), Luật tố Tụng hành chính (sửa đổi), Luật Trưng cầu ý dân, Luật Phí và Lệ Phí, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, Luật thuế xuất nhập khẩu (sửa đổi), Luật Thống kê (sửa đổi), Luật Kế toán (sửa đổi), Luật Khí tượng, thủy văn, Luật Quân nhân chuyên nhiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; Luật An toàn thông tin mạng… Như vậy, trong hoạt động lập pháp, Quốc hội khóa XIII đã ban hành được nhiều đạo luật nhất, trên nhiều lĩnh vực nhất.

Phóng viên: Thưa ông, trong những dấu ấn lập pháp quan trọng của QH khóa XIII thì sự đóng góp của giới Luật gia VN đã được thể hiện như thế nào?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Trong các dấu ấn lập pháp quan trọng của Quốc hội thì đóng góp của Hội LGVN thể hiện cụ thể trên một số hoạt động như sau: Hội Luật gia đã cử người tham gia thành viên ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đồng thời Hội cũng đã tích cực tổ chức nhiều cuộc hội thảo và góp nhiều ý kiến thiết thực với Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Hội đã được giao chủ trì xây dựng Luật trưng cầu ý dân. Theo đó, Luật trưng cầu ý dân đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước… Luật được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII với tỷ lệ nhất trí cao với 426/435 phiếu tán thành (đạt tỷ lệ 86,23%)

Hội Luật gia Việt Nam còn tham gia vào Ban soan thảo, Tổ biên tập nhiều dự án luật; góp nhiều ý kiến với các cơ quan hữu quan về các dự án luật. Hội đã cử lãnh đạo tham gia Hội đồng thẩm định quốc gia để thẩm định các dự án luật trước khi trình Chính phủ. Hội Luật gia Việt Nam còn tổ chức nhiều hội thảo góp ý xây dựng nhiều văn bản pháp luật khác và tham gia tổ chức tổng kết, sơ kết công tác thi hành Luật và các văn bản của Đảng, Nhà nước

Bảo vệ quyền và lợi ích Quốc gia, quyền và lợi ích chính đáng của người dân là mối quan tâm hàng đầu

Phóng viên: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã khép lại, tuy nhiên, còn đó nhiều dư âm trong lòng cử tri. Tích cực có, chưa hài lòng cũng có. Bởi vẫn còn đó những tâm tư nguyện vọng của cử tri chưa được Quốc hội quan tâm đúng mức. Theo ông, hiện nay vấn đề gì mà cử tri chưa hài lòng, tới đây Quốc hội khóa XIV cần quan tâm giải quyết sớm? Giới Luật gia Việt Nam sẽ đóng vai trò thế nào để tham gia giải quyết những vấn đề dân bức xúc?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Hiện nay cử tri bức xúc về nhiều vấn đề mà trên diễn đàn kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã nêu, trong đó nói nhiều về chủ quyền biển đảo quốc gia, mà cụ thể là vấn đề biển Đông. Trước đó, giới luật gia đã thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Hội LGVN đã triển khai nhiều hội thảo, chương trình để kêu gọi sự ủng hộ về mặt pháp lý của cộng đồng quốc tế nhất là giới luật gia Quốc tế có tiếng nói ủng hộ đối với chủ quyền, biển đảo của Việt Nam.

Ngoài ra, những năm trở lại đây vấn đề chưa thỏa đáng mà nhiều cử tri bức xúc đó là giải phóng, đền bù khi thu hồi đất đai. Bức xúc đó đã gây khiếu kiện nhiều và dai dẳng. Những tồn tại xung quanh vấn đề này là do hạn chế của chính sách không bắt kịp với thực tế, bất cập về đội ngũ cán bộ thực thi công tác đền bù mâu thuẫn với nhu cầu thực tế của người dân… Để góp phần giải quyết vấn đề này thiết thực và hiệu quả hơn, HLGVN đã ký kết với Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Thanh tra Chính Phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam Chương trình phối hợp để đi sâu tìm hiểu nguyện vọng và đề xuất hướng giải quyết khiếu nại có lợi cho người dân.

Cử tri của chúng ta còn bức xúc về việc thi hành luật kém. Chúng ta có nhiều luật nhưng luật khó đi vào cuộc sống do hiện tượng luật khung, luật ống, luật xa rời thực tế… Để việc thi hành pháp luật hiệu quả cần phải xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, có tính khoa học nghiêm túc, sát thực tế, có tính khả thi và chế tài phải mạnh, luật pháp phải thật sự nghiêm khắc với tội phạm, mới đủ sức răn đe. Việc thực thi pháp luật phải kịp thời, nghiêm minh, mọi người dù ở bất cứ cương vị nào đều bình đẳng trước pháp luật… Nhiều năm nay và tới đây, HLGVN đã và sẽ tăng cường phản biện, góp ý xây dựng luật, chỉ ra những lỗ hổng, đấu tranh với các biểu hiện thiếu công minh khi thi hành luật.

[caption id="attachment_139777" align="aligncenter" width="410"]Hội Luật gia VN , Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Thanh tra Chính Phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam kí kết Chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở  Hội Luật gia VN , Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Thanh tra Chính Phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam kí kết Chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở[/caption]

ĐBQH phải đặt lợi ích của dân lên trên hết

Phóng viên: ĐBQH là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả của QH. Để khắc phục những hạn chế tồn tạị của QH khoá cũ, để xây dựng được một QH thực sự vì dân , hoạt động chất lượng hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu của đất nước trong thời kì xây dựng Nhà nước pháp quyền VN XHCN thì khâu chọn lựa ĐBQH vô cùng quan trọng. Theo ông, Quốc hội khóa XIV cần những ĐBQH với những tiêu chuẩn như thế nào?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Tiêu chuẩn của ĐBQH đã được quy định rõ tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội. Nhưng theo tôi, với thực tế hiện nay, ngoài tiêu chuẩn chung theo quy định, ĐBQH phải là đại biểu thực sự vì dân, có trí tuệ, có tâm, tầm và dũng khí thì mới hoàn thành được nhiệm vụ mà nhân dân tin tưởng và giao phó.

Đại biểu được bầu là vinh dự nhưng cũng là trọng trách. Mỗi đại biểu có thế mạnh nhất định (thế mạnh trong hoạt động lập pháp, thế mạnh về giám sát, thế mạnh đưa ra các nhận định đối với các vấn đề quan trọng của đất nước…), nhưng tựu chung lại khi làm bất cứ việc gì người đại biểu phải luôn trăn trở rằng “mình đang làm việc cho dân, vì dân và hãy đặt lợi ích của dân lên trên hết”. Nếu đại biểu tâm niệm và làm được như vậy sẽ tạo ra sức mạnh chung của Quốc hội.

Không chỉ vậy, khi đại biểu đứng ở lập trường của nhân dân, thông qua các hoạt động cụ thể của mình sẽ giải quyết được những vấn đề mà người dân quan tâm, đấu tranh với tham nhũng và lợi ích nhóm một cách hiệu quả nhất.

Kiên quyết chống oan và giảm sai trong tư pháp

Phóng viên: Được biết ông là người được TW Hội LGVN giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV. Chương trình và mối quan tâm hàng đầu của ông khi trúng cử ĐBQH là gì?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Vinh dự được Trung ương HLGVN giới thiệu ứng cử ĐBQH, nếu được bầu tôi sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động chung của Quốc hội là lập pháp, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát để làm tròn nhiệm vụ ĐBQH của mình.

Tôi từng là ĐBQH khóa XII, là Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nên đã có những kinh nghiệm nhất định khi tham gia Nghị trường. Với tư cách là Luật gia, Tiến sĩ Luật nếu trúng cử Quốc hội khóa XIV, tôi sẽ tham gia sâu vào hoạt động lập pháp của Quốc hội. Đây là thế mạnh của tôi.

Nếu HLGVN được Quốc hội giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng một dự án Luật, tôi sẽ cùng Ban lãnh đạo Hội lãnh đạo, chỉ đạo các cán bộ, hội viên tập trung khả năng, kiến thức, tâm huyết để xây dựng dự án luật đó hiệu quả, sát cuộc sống.

Trong Quốc hội, một trong những vấn đề cử tri quan tâm là hoạt động giám sát để giảm oan sai trong tư pháp. Tôi sẽ thực hiện quyền đại biểu của mình để giám sát đối với hoạt động tư pháp, kiên quyết chống oan và giảm sai trong tư pháp.

Quan trọng hơn nữa, tôi sẽ luôn tích cực tham gia giải quyết những vấn đề cử tri nơi bầu tôi làm đại diện bằng việc tham gia cùng Đoàn đại biểu Quốc hội gửi kiến nghị của cử tri đến chính quyền địa phương, kiến nghị đến cấp Trung ương nhằm giải quyết những bức xúc của cử tri nơi tôi đại diện.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Ông!

Phan Tĩnh (thực hiện)

>> Hạn chế của Quốc hội khóa XIII nhìn từ chất lượng một số đại biểu dân cử

>> Luật xa cuộc sống – Nói mãi nhưng chưa khắc phục được

>>  Hạn chế của Quốc hội nhìn từ một số hoạt động đặc thù

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin