"Được chi, được đến tặng quà là phấn khởi lắm rồi. Nhưng việc lo quà tặng thì khổ hơn nữa", bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phân trần khi chủ tọa hỏi về việc chi tiền đi đối ngoại.
Chiều 31/8, bước sang ngày thứ 4, Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn cùng nhiều bị cáo khác tiếp tục phải trả lời các câu hỏi liên quan đến đại án Oceanbank. Khi HĐXX đề cập đến danh sách các cá nhân Sơn chi hàng chục tỷ cho mục đích đối ngoại, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank xin phép không công bố với lý do đưa tiền là mang tính chất tình nghĩa.
Thẩm phán đặt câu hỏi nếu chỉ tình nghĩa có cần phải chi đến 200 triệu hay không?. Sau ít giây suy nghĩ, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nói: "Mức độ khoản chi phụ thuộc vào tầm cỡ của từng đơn vị. Bị cáo cũng phải nhìn ngang nhìn ngửa".
Cắt lời Sơn, HĐXX nói theo luật Phòng chống tham nhũng nếu cứ đưa trên 500.000 đồng là bị cấm. Vậy việc đi tặng quà dịp lễ, tết cả trăm triệu có mang một ý nghĩa khác hay không. Trả lời câu hỏi trên, Sơn thừa nhận việc đi lễ, tết trong nền kinh tế thị trường làm méo mó bản chất và là nỗi khổ của doanh nghiệp.
"Được chi, được đến tặng quà là phấn khởi lắm rồi. Nhưng việc lo quà tặng thì khổ hơn nữa", Sơn phân trần.
Liên quan đến việc chi cả trăm tỷ đồng để đối ngoại, HĐXX đã xét hỏi nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm. Thắm bị cáo buộc đã chuyển tiền cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn để "cám ơn" Tập đoàn dầu khí.
Thắm nói đầu năm 2009, bị cáo có bàn với Sơn về việc chi đối ngoại để thu hút tiền gửi. Để biết Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt tiền đối ngoại hay không, bị cáo này cho rằng có nhiều cách kiểm tra, trong đó có việc xem dòng tiền chuyển về.
Cũng trong phần thẩm vấn chiều nay, Nguyễn Xuân sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank) gây bất ngờ với nhiều người khi tự nhận mình là người nổi tiếng, có nhiều tiền. Theo lời bị cáo, số tiền hơn 300 tỷ bị cơ quan chức năng quy kết là chiếm đoạt, ông ta không sử dụng một đồng nào cho mục đích cá nhân.
Sơn khẳng định khoản tiền 50 tỷ nhờ Nguyễn Minh Phương gửi tiết kiệm hộ là tiền của cá nhân.
Bị HĐXX truy hỏi nguồn gốc khoản tiền trên từ đâu, cựu Tổng giám đốc Oceanbank nói: "Bị cáo cũng là người đầu tư tài chính. Có thời kỳ bị cáo còn nổi tiếng trên thị trường chứng khoán và có khá nhiều tiền để đầu tư...", Sơn nói.
Tại tòa, cựu Tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn kể ra một số dự án có sự tham gia của ông ta với lãi lớn. Tuy nhiên, những tài sản này Sơn không đứng tên trực tiếp. Một trong những người bị cáo Sơn tin cậy, gửi gắm tài sản là Nguyễn Xuân Thắng (em Sơn, nguyên Phó giám đốc Khối khách hàng lớn và Đối tác chiến lược Oceanbank).
Nghe bị cáo sinh năm 1962 khai có khối tài sản khổng lồ, HĐXX hỏi số tài sản trên còn không, Sơn đáp còn ở một ngân hàng, căn hộ và chứng khoán.
Theo tài liệu tố tụng, số tài sản mà cơ quan chức năng phong tỏa của Nguyễn Xuân Sơn hiện không còn nhiều.
Theo ghi nhận của Zing.vn, trước khi hỏi Sơn, HĐXX đã xét hỏi gần chục bị cáo nguyên là các giám đốc chi nhánh Oceanbank liên quan tới cáo buộc chi lãi ngoài. Hầu hết các bị cáo đều khai không bàn bạc với Hà Văn Thắm về chủ trương trên. Khi họ về tiếp quản chi nhánh, việc chi lãi ngoài đã diễn ra từ trước đó.
Sáng cùng ngày, lần lượt các bị cáo Lê Thị Thu Thủy (nguyên Phó tổng giám đốc Oceanbank), Nguyễn Thị Nga (nguyên Kế toán trưởng Oceanbank), Nguyễn Thị Thu Ba (nguyên Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ Oceanbank) và Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Oceanbank) đã được xét hỏi.
Ba nữ bị cáo đều nói không hay biết, không tham gia chủ trương chi lãi ngoài của Ban tổng giám đốc Oceanbank. Còn Hà Văn Thắm cho biết chủ trương chi lãi suất ngoài tiền huy động được thực hiện đầu năm 2009 đến khi bị cáo 45 tuổi bị bắt. Chủ trương này được Ban kiểm sát ủng hộ và kiểm soát nội bộ.
Theo Zing