ĐBQH cho rằng, không được tố cáo tham nhũng qua điện thoại, băng ghi âm hay thư điện tử làm giảm sự giám sát của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng.
Trước thông tin không quy định hình thức tố cáo tham nhũng bằng điện thoại, băng ghi âm, thư điện tử trong dự thảo Luật Tố cáo do Thanh tra Chính phủ biên soạn, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, cần phải có lý giải thật rõ ràng về sự từ chối này.
Theo đó, bà Khánh cho rằng, bà ủng hộ việc tố cáo tham nhũng thông qua băng ghi âm, điện thoại hay thư điện tử bởi nó có thể tận dụng được các nguồn thông tin mật mà người dân có được để phát hiện các hành vi tham nhũng. Trước thông tin này, cơ quan tiếp nhận thông tin có thể tận dụng được các bằng chứng và triển khai tiếp bằng nghiệp vụ để tìm ra các đối tượng tham nhũng thực sự.
Đây là bằng chứng cho sự đóng góp của nhân dân trong công cuộc phòng, chống tội phạm tham nhũng thông qua các phương tiện công nghệ cao. Và không thể phủ nhận các loại hình công nghệ cao có vai trò lớn trong duy trì trật tự xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
"Tôi thấy một ví dụ đơn giản nhất là hệ thống camera giám sát ở nhiều địa phương, công sở, tòa nhà... đã giúp ích và phục vụ cho các công tác quản lý trật tự đô thị. Công nghệ cao còn được tận dụng để góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, góp phần vào công tác phòng ngừa tội phạm lại rất hay và có ý nghĩa" - bà Khánh đánh giá.
Như vậy, nếu biết tận dụng được sức mạnh công nghệ cao và sự giám sát của nhân dân thì rất tốt.
Vị ĐBQH cho rằng, nếu một lãnh đạo, một cán bộ tốt thì họ không sợ hãi điều gì bất minh. Điều đó cũng có nghĩa, một cán bộ hành xử trong sáng thì bất kể trường hợp nào cũng không thể bị những thông tin cáo buộc bằng điện thoại, ghi âm cố tình làm bôi nhọ.
Còn cán bộ "có vấn đề" thì chắc chắn sẽ phản đối kịch liệt các ý kiến này, nghĩ ra các kịch bản có thể giả mạo, nặc danh đặt điều, đặt máy nghe trộm để vu khống... Nếu cho phép dùng băng ghi âm để tố cáo tham nhũng, cán bộ sẽ dè chừng và tập trung hơn cho công việc.
"Càng có những hình thức tố cáo đa dạng như vậy càng thể hiện được sự giám sát của nhân dân đối với các cơ quan chức năng. Và các cán bộ cũng thể hiện một cách rõ ràng nhất các phẩm chất của mình để tổ chức trong sạch hơn" - bà Khánh nói.
Vị ĐBQH nhấn mạnh: "Trong thời đại công nghệ thông tin như vậy mà ngăn cấm các hình thức tố cáo bằng điện tử, thì sẽ làm ảnh hưởng thực sự tới công tác phòng chống tham nhũng mà lâu nay chúng ta vẫn kêu khó khăn. Trước hết là làm hạn chế sự giám sát của nhân dân và khiến cơ quan phòng, chống tham nhũng khó khăn hơn trong việc tìm ra tội phạm. Do vậy, nên chăng phải tận dụng sức mạnh công nghệ thông tin để áp dụng vào công tác phòng chống tội phạm".
Hơn nữa, từ chối hình thức tố cáo tham nhũng bằng điện thoại, băng ghi âm, thư điện tử thì mâu thuẫn với chính các cách làm hiện nay đang thực hiện. Đó là việc lập ra 3 số điện thoại đường dây nóng tạo điều kiện cho người dân được tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng.
Bà Khánh nhận định, việc không chấp nhận hình thức tố cáo nêu trên còn đi ngược với cả tình hình phát triển chung của xã hội. Như vậy cũng đồng nghĩa là "tự ta trói tay mình" trong công cuộc phòng chống tham nhũng vốn đã rất khó khăn này.
"Tôi cho rằng, Thanh tra Chính phủ cũng cần phải có giải thích rõ ràng trong việc không chấp nhận các hình thức tố cáo tham nhũng bằng công nghệ cao vốn đang rất hiệu quả như vậy. Bởi sợ hãi điều gì hay duy ý chí mới áp đặt việc không cho phép sử dụng hình thức tố cáo tham nhũng bằng ghi âm, điện thoại... Vì sao lại tìm cách để giảm sự giám sát của nhân dân?" - ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh.
Trong khi đó, hệ thống luật hiện nay của Việt Nam đang đề cao tính giám sát của nhân dân và báo chí nhưng với cách làm này thì lại thể hiện sự hạn chế chứ không phải khuyến khích nhân dân tham gia đóng góp xây dựng đất nước.
Không những vậy, việc không cho phép ghi âm, ghi hình hoặc điện thoại để tố cáo các hành vi tham nhũng có thể còn đứng sau các ý đồ che giấu hoặc lợi ích nhóm nào khác.
"Trong thời đại công nghệ hiện nay, công tác phòng chống tham nhũng phải giỏi hơn chính các thủ đoạn của đối tượng tham nhũng, đi trước một bước so với tội phạm. Để như vậy, tăng sự giám sát và nâng cao nghiệp vụ của lực lượng phòng chống tham nhũng rất đáng quan tâm và càng phải được chú ý. Làm sao để công tác chống tham nhũng hiệu quả, hợp lòng dân và để người dân cùng tham gia chống tham nhũng là điều đặc biệt cần phải chú ý" - ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh.
Theo Bao Datviet