Chống độc quyền: Trung Quốc đang kiểm soát và siết chặt các “gã khổng lồ” công nghệ ?

17/03/2021 10:48

(Pháp lý) - Tháng 12 năm ngoái, Cơ quan Giám sát Thị trường Trung Quốc (SAMR) thông báo mở cuộc điều tra Alibaba "vì các hoạt động bị nghi ngờ là độc quyền”. Nhận định của giới chuyên gia cho thấy động thái này của Chính phủ Trung Quốc sẽ mở màn cho một chiến dịch siết chặt và kiểm soát đối với các đại gia Internet, cũng như “gã khổng lồ” công nghệ trong nước mà việc chống độc quyền là bước đi đầu tiên.

“Cú đấm kép” vào “gã khổng lồ” Alibaba

Sáng lập Alibaba năm 1999, ông Jack Ma đã đưa công ty này trở thành gã khổng lồ về thương mại điện tử của Trung Quốc cũng như thế giới nói chung. Trong chiến lược đầy tham vọng, ông Jack Ma mở rộng hoạt động của Alibaba sang dịch vụ tài chính, thanh toán không tiền mặt, làm tiền đề cho sự ra đời của Ant Group.

Vào tháng 11/2020, Chính phủ Trung Quốc ngăn đợt phát hành cổ phiếu 37 tỉ USD của Ant Group, chỉ hai ngày trước khi công ty này dự kiến sẽ giao dịch trên sàn Thượng Hải và Hong Kong. Theo miêu tả của các cơ quan truyền thông tại Hong Kong, một số cơ quan chức năng, bao gồm Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng tại Trung Quốc, sẽ có cuộc họp cấp cao với Ant Group, với nội dung tập trung vào các quy định tài chính được mô tả ngày càng nghiêm ngặt, vốn có thể đe dọa sự phát triển của công ty dịch vụ tài chính trực tuyến lớn nhất thế giới này.

Trong một thông báo riêng biệt từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho biết nhà chức trách của cơ quan này trong cuộc họp với Ant Group nhằm để "hướng dẫn Ant Group thực hiện việc giám sát tài chính, cạnh tranh công bằng, và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng".

Các giám đốc cao cấp của Alibaba trong thời gian qua trở thành một phần của “đội đặc nhiệm”, gần như phải tiếp xúc hàng ngày với nhà giám sát. Trong khi đó, các nhà quản lý như Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm đang cân nhắc xem Ant Group nên từ bỏ kiểm soát mảng kinh doanh nào để ngăn chặn rủi ro cho nền kinh tế. Những thay đổi trong quy định gần đây khiến cánh cửa IPO trước năm 2020 của Ant trở nên hẹp lại.

Mặc dù các điều tra nhằm vào Alibaba và ngăn chặn sự phát hành cổ phiếu của Ant Group không được công bố cụ thể về hành vi nhưng rõ ràng cả 2 công ty của gã khổng lồ Alibaba đều đang trong tầm ngắm của Chính phủ Trung Quốc. Điều này được giới chuyên gia tài chính Thượng Hải gọi là “cú đấm kép” của Chính phủ vào “gã khổng lồ” .

Các ảnh hưởng của cuộc điều tra diễn ra ngay lập tức và kéo dài suốt 3 tháng qua. Tài sản ròng của Jack Ma đã giảm gần 11 tỉ USD kể từ cuối tháng 10 năm ngoái. Đồng thời, Cổ phiếu Alibaba, hiện niêm yết tại cả sàn chứng khoán New York và Hồng Kông, đã mất hơn 200 tỷ USD vốn hóa - tương đương 20% vốn hóa thị trường tính đến thời điểm hiện tại.

Phạt nặng và kiểm soát

Các nhà quản lý chống độc quyền từ Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc áp dụng mức phạt kỷ lục đối với tập đoàn Alibaba Group Holding Ltd với cáo buộc vi phạm luật cạnh tranh.

Nhiều nguồn tin cho rằng, khoản phạt dành cho Alibaba có thể còn lớn hơn khoản phạt 975 triệu USD mà công ty Qualcomm phải nộp vì vi phạm luật cạnh tranh vào năm 2015. Ngoài ra, nhà chức trách Trung Quốc cũng đang cân nhắc yêu cầu Alibaba thoái vốn khỏi một số tài sản không liên quan tới hoạt động bán lẻ trực tuyến cốt lõi. Tuy nhiên, các nhận định cho thấy đây mới chỉ là bước đi đầu tiên của Chính phủ Trung Quốc trong việc siết chặt các đại gia internet ngay trong thời gian tới.

Để dọn đường dư luận cho cuộc các cuộc kiểm soát, truyền thông của Trung Quốc khẳng định chống độc quyền là một thông lệ quốc tế, có lợi cho việc bảo vệ cạnh tranh công bằng và sáng tạo trên thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cuộc điều tra Alibaba không ngụ ý chuyện chính quyền tỏ thái độ đối với nền kinh tế trực tuyến, thay vào đó là nhằm mục tiêu thúc đẩy các công ty phát triển lành mạnh, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế chất lượng cao của Trung Quốc.

Trên thực tế, quy định chống độc quyền đã có lâu nay nhưng đây là lần đầu tiên chính quyền có động thái điều tra. Hồi tháng 11, SAMR cũng triệu tập 27 công ty thương mại điện tử, gồm nhiều tên tuổi như Alibaba, JD, Meituan và Pinduoduo, nhưng cuộc điều tra vào Alibaba là bước tiến mới. Hiện nay chưa rõ chính quyền sẽ đi tới đâu trong vụ Alibaba, vì còn đó một số rắc rối pháp lý cần xem xét.

Nhiều chuyên gia ở Trung Quốc cho rằng, nỗ lực chống độc quyền của nước này giống với việc phụ huynh đang dạy dỗ một đứa trẻ hành xử không đúng mực. Nó có yếu tố của chính sách kinh tế quốc gia, một phần nhằm “chỉnh đốn hành vi”, duy trì trật tự thị trường và khuyến khích đổi mới chiến lược. Điều khiến cho các nhà quản lý chuyển hướng có thể không phải vì tình trạng lạm dụng độc quyền ngày càng tệ hơn thời gian gần đây mà là vì các hãng công nghệ đã đi sai hướng. Dưới con mắt của cơ quan chống độc quyền và Chính phủ, chỉnh đốn hành vi và chỉ lối đi đúng cho các hãng công nghệ quan trọng không kém gì nhau.

Về mặt kinh tế, các ông trùm Internet tại Trung quốc đã kiếm rất nhiều tiền từ cuộc sống của người dân nhưng bị xem là chưa đóng góp tương xứng cho các lĩnh vực mà đất nước đang cần. Vấn đề càng trở nên cấp bách hơn khi chính phủ quyết tâm chuyển sự tập trung từ công nghệ phần mềm sang phần cứng, chẳng hạn như sản xuất chip.

Thấy gì từ việc Trung Quốc chống độc quyền và kiểm soát các đại gia công nghệ ?

Theo quan điểm của các chuyên gia, độc quyền và cạnh tranh là hai hiện tượng có liên quan chặt chẽ với nhau. Khi có chủ trương thúc đẩy cạnh tranh để phát triển thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và đem lại lợi ích cho người tiêu dùng thì độc quyền cần phải được loại bỏ. Tuy nhiên, trong thực tế của tất cả các quốc gia, độc quyền vẫn tồn tại trong một số ngành và ở một mức độ nhất định, nó là yếu tố đảm bảo cho cạnh tranh phát triển và duy trì được hiệu quả kinh tế của toàn xã hội.

Tuy nhiên trong một số bối cảnh, sức mạnh của thị trường không bảo vệ được sự cạnh tranh trong kinh doanh và lợi ích mà sự cạnh tranh đó đem lại cho người tiêu dùng.

“Những bối cảnh như vậy rất phổ biến ở các nước đang phát triển, nơi các doanh nghiệp trước kia là của nhà nước thường khống chế một nền công nghiệp và các nhà quản lý ở các khu vực đã được tư nhân hoá thường thích hợp tác hơn là cạnh tranh. Đồng thời các chính sách cạnh tranh và chống độc quyền cần phải là một bộ phận của cơ sở hạ tầng pháp lý ở tất cả mọi nền kinh tế thị trường không chỉ riêng Trung Quốc”.

Tuy nhiên, cuộc chiến chống độc quyền tại Trung Quốc nhằm vào Alibaba và các đế chế công nghệ gần đây không đi theo đúng hướng những gì mà quốc tế như Mỹ và liên minh Châu Âu đã và đang tiến hành. Nó mang theo các động cơ rất riêng theo mô hình của Bắc Kinh. Kiểm soát các gã khổng lồ bằng việc đầu tiên là chống độc quyền. Chính phủ Trung Quốc không để họ và người dân của họ phụ thuộc vào những công ty công nghệ hàng đầu mà nó không thuộc Chính phủ.

Động cơ kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc với các gã khổng lồ mà Alibaba và Ant Group được một số nhà phân tích ở Mỹ cho rằng mô hình kinh doanh của Ant Group khiến Bắc Kinh khó chịu vì lợi nhuận của công ty này gắn liền với khoản nợ tư nhân đang tăng cao, trong khi bản thân Ant Group thừa hưởng lợi thế từ chính sách quản lý lỏng lẻo vì họ không được định danh là một ngân hàng.

Nhìn chung, sự trỗi dậy của những công ty công nghệ tài chính như Ant Group đang làm thay đổi bức tranh tài chính - ngân hàng tại Trung Quốc, mà đa phần gây khó khăn cho chính quyền Trung Quốc trong việc cấu trúc hệ thống tài chính. Cụ thể, một số phân tích khác cho rằng việc Ant Group hay ứng dụng AliPay phát triển mạnh mẽ sẽ đe dọa tham vọng về đồng nhân dân tệ điện tử - đồng tiền mà Chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu quốc tế hóa.

Luật Chống độc quyền của Trung Quốc - một “mũi tên trúng hai đích”

Tháng 10/2007, Trung Quốc đã thông qua luật Chống độc quyền và được coi là hoàn thiện về cơ sở pháp lý nhưng có mục tiêu riêng. Theo nhiều nhà phân tích, Trung Quốc thông qua Luật Chống độc quyền như "một mũi tên trúng hai đích": hai đối tượng điều chỉnh chính của luật này là các công ty đa quốc gia nước ngoài (MNC) và các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc (SOE). Theo Luật Chống độc quyền, việc công ty nước ngoài sáp nhập hoặc mua công ty Trung Quốc sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt nhằm bảo vệ an ninh kinh tế quốc gia.

Trần Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết "Chống độc quyền: Trung Quốc đang kiểm soát và siết chặt các “gã khổng lồ” công nghệ ?" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin