Chính quyền Mỹ đau đầu với giới siêu giàu trốn thuế: Pháp luật về thuế có lỗ hổng ?

Nghiên cứu và báo cáo mới nhất của Sở Thuế vụ Liên bang Mỹ (IRS) và các nhà kinh tế nước này cho thấy: Top 1% các hộ gia đình có thu nhập cao nhất ở Mỹ đã không báo cáo khoảng 21% thu nhập của họ (với tài sản hàng trăm tỷ USD). Điều gì đang xảy ra với nước Mỹ - nơi được coi là hệ thống pháp luật về thuế hoàn chỉnh nhất thế giới, khi để khoản thuế thất thoát quá lớn?

Trốn thuế: những con số gây “sốc”

Nghiên cứu mới nhất của Sở Thuế vụ Liên bang Mỹ (IRS) và các nhà kinh tế, top 1% các hộ gia đình có thu nhập cao nhất ở Mỹ đã không báo cáo khoảng 21% thu nhập của họ. Nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế nước này cho thấy, trong số 21% thu nhập chưa được báo cáo thuế có khoảng 6 điểm phần trăm là có liên quan đến hành vi trốn thuế tinh vi, khó phát hiện trong các cuộc kiểm toán ngẫu nhiên.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những hộ gia đình có thu nhập cao này thường có một số cách để trốn thuế. Một trong số đó là sử dụng các thiên đường thuế. Theo đó, giới siêu giàu thường gửi tiền ở trong các tài khoản ở nước ngoài. Cách trốn thuế này đang làm tăng thu nhập cho top 1% những người giàu nhất ở Mỹ.

Thu nhập không được báo cáo này phần lớn là do trốn thuế thông qua các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài hay qua các doanh nghiệp mà họ liên doanh hoặc trở thành đối tác. Nghiên cứu cũng cho thấy các tài khoản ở nước ngoài chiếm khoảng 15 tỷ USD tiền trốn thuế, trong đó phần lớn là nằm ở nhóm 0,1% người giàu nhất.

Theo dữ liệu từ Viện Chính sách Kinh tế Mỹ năm 2018, để lọt vào top 1% những người có thu nhập cao nhất nước Mỹ, các gia đình phải đạt mức thu nhập hàng năm tối thiểu là 421.926 USD. Nhưng thực tế, mức thu nhập trung bình hàng năm của nhóm này đang ở 1.316.985 USD. Trong khi đó, thống kê của IRS cũng cho thấy cho thấy 0,1% số người giàu nhất nước này có thể đã né được khoản tiền cao gấp đôi so với phương thức gian lận thông thường.

Các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên đối với những người giàu có thể phát hiện một số hành vi trốn thuế. Tuy nhiên, tác giả của nghiên cứu phát hiện ra rằng Sở Thuế vụ dễ dàng bỏ sót những thu nhập được che giấu một cách tinh vi, bao gồm cả việc giấu trong các doanh nghiệp tư nhân hay cơ cấu ở nước ngoài. Thu tất cả thuế từ nhóm 1% những người giàu nhất nước Mỹ sẽ giúp Bộ Tài chính có thêm 175 tỷ USD mỗi năm. Con số này bằng tổng thu nhập quốc dân (GDP) của nhiều nước trên thế giới.

Câu hỏi đặt ra là giới siêu giàu của Mỹ đã làm như thế nào để qua mặt các cơ quan thuế và hệ thống pháp luật về thuế được coi là hoàn chỉnh nhất thế giới này?

“Lách” luật và chiêu “tắc kè đổi màu”

Tại Mỹ, có một loại hình doanh nghiệp giúp chủ sở hữu không bị đánh thuế hai lần. Các doanh nghiệp này sẽ không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp mà khoản lợi nhuận trước thuế sẽ được phân bổ vào tài khoản của các chủ sở hữu doanh nghiệp và chỉ bị đánh thuế thu nhập cá nhân. Vì vậy, “lách” luật là “mánh khóe” đầu tiên của giới siêu giàu.

Theo nghiên cứu của một số chuyên gia tại trường kinh doanh của Đại học Chicago, 84% giới siêu giàu ở Mỹ đều có thu nhập thông qua các công ty như vậy. Trong nhóm 0,1% người giàu nhất nước Mỹ, số lượng chủ các doanh nghiệp không phải đóng thuế hai lần lớn hơn rất nhiều so với số lãnh đạo các doanh nghiệp lớn. Chẳng hạn như thành lập các công ty để trả thuế cho chính họ và rồi những nhân viên và cổ đông của chúng sẽ trả thuế cho tiền lương và cổ tức của họ. Một cách khác là thành lập các công ty chỉ bị đánh thuế một lần duy nhất.

Năm 2014, 139.000 chủ các doanh nghiệp không bị đánh thuế hai lần có thu nhập tổng cộng 264 tỷ USD. Con số này nhiều gấp 8 lần thu nhập của 10.700 lãnh đạo 500 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất nước Mỹ. Những chủ doanh nghiệp này cũng tự do quyết định mức lương của mình. Bằng cách tự trả lương cho mình ít hơn để tăng thêm lợi nhuận cho công ty, họ có thể tiết kiệm một phần thuế phải đóng. Đây là cách mà giới siêu giàu đã làm từ năm 2001.

Hành vi này ngày càng phổ biến và tinh vi, rất khó phát hiện khi kiểm toán. Khoản lợi nhuận được chuyển trực tiếp vào danh mục tài sản của chủ sở hữu, là vô cùng lớn khi họ nằm trong số 1% hoặc 0,1% những người giàu nhất nước Mỹ.

Bên cạnh đó, giới kinh doanh cũng biết cách tận dụng lỗ hổng trong kiểm toán để giảm số thuế phải nộp. Chẳng hạn như dùng khoản lỗ trong quá khứ để bù vào thu nhập hiện tại, ghi hoãn hoặc thiếu lợi nhuận. Đáng chú ý, các nhà phát triển bất động sản còn có quyền khấu hao giá trị của một tòa nhà trong báo cáo tài chính, mặc dù giá trị thực của nó đang không ngừng tăng lên.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là một ví dụ. Tháng 10 năm ngoái, tờ New York Times tiết lộ báo cáo thu nhập thường niên của ông Trump và cho biết ông không đóng một đồng thuế thu nhập liên bang nào trong suốt 10 năm. Tính riêng trong năm đắc cử (2016) và năm đầu nhiệm kỳ, tỷ phú New York chỉ phải nộp 750 USD tiền thuế mỗi năm.

Một “chiêu” khác của giới siêu giàu Mỹ được gọi là “tắc kè đổi màu” khi vận dụng cách tẩu tán tài sản bằng các con đường… mua sắm. Theo thống kê, 40% trong số 190 tỷ USD tiền thuế thất thoát từ năm 2008 đến năm 2010 là kết quả của việc các doanh nghiệp không phải nộp thuế hai lần cố tình ghi nhận khoản lợi nhuận thấp hơn thực tế để trốn thuế.

Ngay cả khi các chủ doanh nghiệp này tuân thủ mọi quy định của pháp luật Mỹ, họ cũng có nhiều cách đơn giản để giảm bớt khoản thuế phải nộp như tậu thêm xế hộp hay máy bay riêng dưới danh nghĩa thuộc ngân sách của công ty.

Cuối năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành dự luật cải cách thuế do đảng Cộng Hòa đề xuất. Theo Trung tâm chính sách thuế độc lập tại Washington, 95% người dân Mỹ được giảm thuế nhờ dự luật này, nhưng số tiền thuế trung bình mà 1% số người siêu giàu tiết kiệm được gấp vài chục lần so với khoản thuế được cắt giảm với những gia đình có mức thu thập trung bình.

Thêm luật, nới rộng hành lang pháp lý

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, giới quan chức lập pháp tại Mỹ đang thúc đẩy biện pháp thu thuế từ người giàu, thay vì cắt giảm chi tiêu của chính quyền. Mới đây, nghị viên đảng Dân chủ Noel Frame thuộc Hạ viện bang Washington (Mỹ) vừa đề xuất dự luật đánh thuế 1% đối với đối với phần tài sản trên 1 tỉ USD của cư dân.

Theo đó, mức thuế chỉ áp dụng các tài sản như tiền mặt, cổ phiếu, trái phiếu… thay vì thu nhập. Nhiều người cho rằng mức thuế này không phải là hành động nhắm vào những người giàu mà chỉ nhằm mang lại quy định về thuế công bằng hơn cho người thu nhập thấp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Số liệu của Sở Thuế vụ bang Washington cho thấy có khoảng 100 người đóng thuế tại bang này có tài sản hơn 1 tỉ USD. Trong số những người giàu sống tại Washington có tỉ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos, tỉ phú Bill Gates hay gia đình tỉ phú Phil Knight, người sáng lập Hãng thời trang Nike.

Theo bà Noel Frame, mức thuế mới có thể đóng góp cho ngân khố bang 2,5 tỉ USD mỗi năm. Số tiền thu được có thể dùng để ưu đãi tín dụng cho người thu nhập thấp hoặc đầu tư cho các dịch vụ công. Ủy ban Tài chính Hạ viện bang Washington đã có phiên điều trần đầu tiên về dự luật vào ngày 2.2. Bà Frame cùng 25 nghị viên đảng Dân chủ ủng hộ dự luật này trong khi giới lãnh đạo Hạ viện bang cho rằng còn quá sớm để dự đoán về tương lai dự luật.

Tại bang New York, các nhà lập pháp hồi năm ngoái đề xuất dự luật thu thuế trên thặng dư vốn của những cư dân có tài sản trên 1 tỉ USD. Thuế trên thặng dư vốn được đánh giá dựa trên chênh lệch dương giữa giá bán của tài sản so với giá mua ban đầu. Thuế này chỉ được áp dụng khi tài sản được bán đi nhưng theo dự luật, người dân sẽ phải đóng thuế nếu tài sản đó tăng giá trị trong một năm, bất kể họ có bán tài sản đó hay chưa.

Chưa hết, giới lập pháp bang California năm ngoái cũng đề xuất đánh thuế 0,4% đối với những người có tổng tài sản ròng trên 30 triệu USD. Giới chức ước tính mức thuế mới sẽ áp dụng đối với khoảng 30.400 người dân California và đem về cho ngân khố bang 7,5 tỉ USD hằng năm. Tuy nhiên, tương tự như dự luật của New York, vấn đề đặt ra là việc định giá tài sản của người giàu và việc ban hành thuế suất có thể khơi mào cho một cuộc tháo chạy của giới siêu giàu.

Ở cấp độ liên bang, Tổng thống Joe Biden đang có kế hoạch tăng thuế đối với các doanh nghiệp từ 21% lên 28% và siết chặt nạn trốn thuế. Tổng thống Mỹ cho biết ông không chống đối các triệu phú và tỉ phú Mỹ, nhưng cho rằng việc các công ty lớn không đóng đồng thuế nào cho chính phủ là không công bằng. Ông dẫn một khảo sát cho thấy 91 công ty trong số 500 công ty lớn nhất thế giới, "những công ty lớn nhất thế giới, bao gồm Amazon… không trả một đồng thuế thu nhập liên bang nào".

Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính Mỹ cho rằng thay vì tăng thuế, chính phủ Mỹ vẫn có thể thu về 1.000 tỷ USD mỗi năm nhờ siết chặt các quy định về báo cáo thu nhập và chi thêm cho công tác kiểm toán. “Rõ ràng, dù hệ thống luật pháp cũ hay mới, siết chặt hay nới rộng hành lang pháp lý vẫn cần những minh bạch, trung thực từ chính những người giàu có nhất để có thể đóng góp cho quốc gia”.

Trần Nguyễn

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin