“Chính phủ mới cần thể hiện rõ vai trò kiến tạo”

05/04/2016 01:12

"Tôi hoàn toàn hy vọng vào Chính phủ được kiện toàn lần này. Đội ngũ cán bộ nhiệm kỳ này đã được chọn lựa tốt hơn, được quy hoạch bài bản hơn sẽ tạo điều kiện giúp họ có phấn đấu tốt hơn. Hy vọng Chính phủ sẽ những chuyển biến mạnh mẽ hơn với những bước đột phá" – TS-ĐBQH Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) nói như vậy với Dân Việt.

Thưa ông, trong tuần này và tuần tiếp theo, nhân sự của Chính phủ sẽ được Quốc hội kiện toàn một cách triệt để. Theo ông, với bộ máy nhân sự mới, Chính phủ sẽ có những thuận lợi gì và đối mặt với những khó khăn gì?

- Khó khăn của bộ máy Chính phủ lần này là chúng ta phải tiếp cận thị trường một cách triệt để hơn, hội nhập quốc tế một cách sâu sắc, toàn diện hơn. Kiến thức của người lãnh đạo không phải là tổng hợp từ hoạt động của Việt Nam mà kiến thức phải đòi hỏi từ hiểu biết của thế giới, những nguyên tắc của thị trường, cách điều hành của các quốc gia, của khu vực thì chúng ta mới có thể hội nhập sâu, đây chính là vấn đề khó khăn. Chúng ta cần hội nhập sâu hơn trước, rồi tạo ra những biện pháp để đột phá, làm cho nhanh hơn, mạnh hơn trong điều hành kinh tế chúng ta chưa có nhiều.

Bên cạnh đó những tồn tại của nền kinh tế thị trường, hay nói cách khác là khuyết điểm nội sinh của chúng ta chưa được khắc phục triệt để. Đó là vấn đề tham nhũng, thủ tục hành chính, cách làm việc của cán bộ, công chức... còn nhiều tồn tại. Đó chính là những khó khăn đòi hỏi Chính phủ mới phải tiếp tục giải quyết.

[caption id="attachment_138097" align="aligncenter" width="410"]Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Viện Cây lương thực và cây thực phẩm ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.Ảnh: Internet Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Viện Cây lương thực và cây thực phẩm ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.Ảnh: Internet[/caption]

Theo ông Chính phủ nhiệm kỳ này đã để lại bài học kinh nghiệm gì cho Chính phủ mới?

- Theo tôi có 3 bài học bước đầu có thể rút ra. Chính phủ và Quốc hội đã đột phá vào vấn đề cải cách thể chế để tiệm cận sát thị trường hơn. Việc giải quyết những vấn đề có tính bức xúc trong đời sống xã hội, Chính phủ nhiệm kỳ này cũng gặt hái được nhiều thành quả có dài hơi. Ví dụ như kiểm soát lạm phát tốt, giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, thuế, quản lý giá vàng, USD...

Tuy nhiên, còn những vấn đề mang tính dài hạn, có tính kiến tạo thì Chính phủ chưa làm được nhiều. Ví dụ như vấn đề cổ phần hóa, cơ cấu lại nền kinh tế, phòng, chống tham nhũng, giải quyết vấn đề môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân qua việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phẩm chất cán bộ...

Theo ông, Chính phủ mới cần phải ưu tiên giải quyết những vấn đề gì để tạo ra bước đột phá thực sự?

- Vấn đề ưu tiên cấp bách là hội nhập quốc tế một cách sâu, rộng có hiệu quả. Chúng ta cần chuẩn bị cơ chế, khoa học kỹ thuật, đào tạo đội ngũ lao động... đó là điều kiện và là yếu tố để hội nhập sâu hơn, rộng hơn.

Thứ hai là cần phải giải quyết vấn đề bức xúc có tính tràn lan trong đời sống xã hội. Những chuyện này gây nhức nhối làm mất lòng tin của người dân như tham nhũng, vệ sinh môi trường, chất lượng cuộc sống của dân, trong đó có cả vấn đề trật tự an toàn xã hội… Những vấn đề này cần phải được kết hợp cách giải quyết trước mắt và lâu dài.

Thứ ba là phải tạo được đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm phục vụ tốt, có kỹ năng lao động tốt, như thế mới có cơ sở vững chắc để hội nhập.

Ông kỳ vọng gì vào Chính phủ mới được kiện toàn, thưa ông?

- Tôi hoàn toàn hy vọng vào Chính phủ được kiện toàn lần này. Đội ngũ cán bộ lần này đã được chọn lựa tốt hơn, được quy hoạch bài bản hơn giúp họ có khả năng phấn đấu tốt hơn. Vì thế hy vọng Chính phủ mới sẽ có những chuyển biến. Nền móng tốt nhất của mọi thời kỳ là thể chế và đội ngũ cán bộ. Thể chế chúng ta phù hợp, đội ngũ cán bộ có năng lực, có phẩm chất dứt khoát vượt qua khó khăn, vấn đề gì cũng có thể tạo chuyển biến.

Xin cảm ơn ông (!)

Theo Danviet

Bạn đang đọc bài viết "“Chính phủ mới cần thể hiện rõ vai trò kiến tạo”" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin