Chỉ 9 tỉnh có hiện tượng tặng quà?

Cho ý kiến tại Quốc hội ngày 13/11, đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) băn khoăn về con số chỉ có 9 tỉnh có tình trạng tặng quà và nộp lại quà tặng.

ĐB Nguyễn Thái Học phát biểu tại phiên họp.
ĐB Nguyễn Thái Học phát biểu tại phiên họp.)

Đấu tranh PCTN sẽ duy trì tinh thần “rực lửa”

ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho biết, cách đây vài năm, khi đánh giá về tình hình tham nhũng, văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 nhận định tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Nhận thức tác hại nghiêm trọng của tham nhũng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai, dù đương chức hay nghỉ hưu; làm rõ đến đâu, xử lý đến đó, không cầu toàn, không chờ đợi, sau đó điều tra, xử lý tiếp; phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ từ thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Theo ĐB Nguyễn Thái Học, tuy chỉ là kết quả bước đầu, còn nhiều việc phải làm nhưng với tinh thần nói đi đôi với làm, đấu tranh PCTN đã trở thành phong trào, xu thế tất yếu. “Báo cáo của Chính phủ nhận định: Tham nhũng đang được kìm chế, từng bước đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm. Đây là một kết quả thể hiện tính khách quan, nhìn nhận, đánh giá không chỉ trong nước chúng ta đánh giá mà bạn bè quốc tế cũng thừa nhận như vậy”, ĐB nói.

ĐB Nguyễn Thái Học cho hay, tại cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo trung ương về PCTN ngày 10/11 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban chỉ đạo - có nêu một câu hỏi băn khoăn, lo lắng của cử tri rằng với tinh thần đấu tranh PCTN cao như hiện nay thì sắp tới có lắng xuống không và khi Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước thì có quan tâm đến công tác PCTN không.

“Các đồng chí thường trực Ban chỉ đạo, các đồng chí trong Ban chỉ đạo đều khẳng định một tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong công tác đấu tranh PCTN trong thời gian tới rất “rực lửa” và tinh thần này vẫn còn duy trì. Tôi cho rằng, khi người dân đã phấn khởi, tin tưởng vào công tác đấu tranh PCTN thì công tác đấu tranh PCTN của chúng ta sẽ lan tỏa sâu rộng và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Khi người dân có lòng tin thì chúng ta sẽ có tất cả”, ĐB nhấn mạnh.

Chỉ 9 tỉnh có hiện tượng tặng quà?

ĐB Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) cho rằng, muốn phòng ngừa tham nhũng thì xây dựng phẩm chất đạo đức con người cán bộ là quan trọng hàng đầu.

“Làm nhiều luật, sửa nhiều luật cũng chỉ góp phần ngăn chặn hành động tham nhũng, nhưng con người tham thì họ tìm đủ mọi cách. Nhiều nước tiên tiến có lịch sử pháp luật hàng trăm năm vẫn có kẽ hở, nên cần tập trung xây dựng phẩm chất đạo đức con người đi đôi với tăng nặng hình phạt cho hành vi tham nhũng. Đồng ý pháp luật là công bằng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, người biết luật, người cầm cân nảy mực, người thi hành nhiệm vụ PCTN mà vi phạm pháp luật về PCTN thì tội phải nặng hơn”, ĐB nói.

Đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nhưng ĐB Sơn vẫn băn khoăn cụm từ “chiều hướng thuyên giảm” trong đánh giá về tình hình tham nhũng ở Việt Nam.

“Cảm nhận của tôi về công tác PCTN năm 2018 tốt hơn, mạnh hơn mấy năm trước. Nhân dân tin tưởng hơn, còn thuyên giảm hơn thì chưa hiện rõ. Vì dư luận, báo chí hàng ngày đều nêu nhiều việc sai trái, như tại kỳ họp này có ĐBQH bức xúc cho rằng, một bao cát bỏ trong hẻm, đổi 100 USD ở tiệm vàng cũng nhìn thấy mà nhà cao tầng, biệt phủ, biệt thự xây trái phép nhan nhản không ai thấy. Vậy cái đó là cái gì?”, ĐB nói.

 ĐB Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang).
ĐB Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang).)

Quan tâm đến phần báo cáo của Chính phủ về tặng quà và nộp lại quà tặng, ĐB Sơn cho rằng đây là một điểm mới, đánh dấu hiệu quả của lời kêu gọi của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, nhất là vài năm trở lại đây, năm nào Thủ tướng cũng nhắc các địa phương không được lên Trung ương để tặng quà nhân dịp lễ, tết mà hãy dành phần quà đó đi thăm viếng gia đình chính sách, có công với cách mạng. Theo ĐB, đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn và ngăn chặn tội đút lót, hối lộ.

"Tuy nhiên, con số địa phương được nêu tên ở đây chỉ có 9 tỉnh, băn khoăn của tôi chỉ có 9 tỉnh có tình trạng tặng quà và nộp lại quà tặng, tỉnh ít nhất có một người, tỉnh nhiều nhất có 9 người nhận và nộp với tổng giá trị 451,5 triệu đồng", ông Sơn nói. “Vậy, các địa phương khác có tình trạng này không, hay không có ai tặng quà nên không có việc nộp lại quà tặng?. Nếu đúng như thế là đáng mừng. Tuy nhiên, báo cáo cũng chưa làm rõ ai tặng, tặng ai, quà gì, nộp vào đâu, cấp dưới còn đi biếu quà cho cấp trên không thì chưa được báo cáo Chính phủ đề cập. Tương tự như vậy, báo cáo PCTN có nêu phần thu hồi tài sản bị tham nhũng có cả hiện kim và hiện vật. Vậy, hiện kim đó có phản ánh qua phần thu về ngân sách Nhà nước báo cáo Quốc hội hàng năm không, bởi vì ngân sách nhà nước là tiền thuế của dân, là mồ hôi, nước mắt của dân đóng góp để xây dựng đất nước”.

Theo ĐB, tham nhũng, cố ý làm trái gây thất thoát ngân sách nhà nước, làm mất tiền của người dân. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải thu hồi và nộp lại ngân sách nhà nước. Do đó, ĐB cho rằng phần này cần được Chính phủ báo cáo rõ hơn để Quốc hội giám sát.

Cần kịp thời ngăn chặn tham nhũng vặt

ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) trăn trở về trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, tham nhũng "vặt".

Theo ĐB, báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ tình hình tham nhũng vặt và kết quả thực hiện việc PCTN vặt trên thực tế. “Trong thời gian chưa có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, công tác ngăn chặn hiện tượng tham nhũng vặt được thực hiện như thế nào? Có hiệu quả hay không? Báo cáo của Chính phủ cần thể hiện và đánh giá rõ về nội dung này”, ĐB nói.

ĐB Hà cho rằng, công tác PCTN trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực và thu được nhiều thành tựu đáng kể nhưng chủ yếu mới chỉ tập trung ở những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng còn việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập.

“Tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực điển hình như y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa, trong tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức”, ĐB nhận định.

ĐB Trần Hồng Hà cho rằng dù tình trạng tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo hành vi tiêu cực vì ngại đụng chạm, sợ bị trù dập, bị gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình. Ở một số ngành, địa phương, vẫn còn xảy ra hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp phải dùng những khoản chi phí để bôi trơn khi đi làm các thủ tục hành chính. Người dân đi xin cấp phép xây dựng, làm giấy tờ nhà đất phải đi lại nhiều lần, chờ đợi trong thời gian lâu vì các thủ tục rườm rà.

“Việc tham nhũng của một số cán bộ, nhân viên như vậy tại các cơ quan nhà nước nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân. Vì vậy, cần phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân. Đề nghị Chính phủ nhanh chóng đề ra các biện pháp quyết liệt để kịp thời ngăn chặn tình trạng nêu trên”, ĐB đề nghị.

Theo baophapluat.vn

Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/thoi-su/chi-9-tinh-co-hien-tuong-tang-qua-423284.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin