Chênh lệch giá vật tư, hóa chất y tế: Người ta có quyền nghi ngờ có tiêu cực!

26/05/2017 10:21

Bên lề phiên họp sáng nay (25-5), ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đã có cuộc trao đổi nhanh với PV PL&XH về thực trạng đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế theo kết quả Kiểm toán nhà nước.

Theo Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước về đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế được trình Quốc hội mới đây, công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao còn nhiều bất cập; phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất.

Ví dụ, về vật tư có loại gấp 6,7 lần (01 cái Kim cánh bướm: Bệnh viện Việt Đức mua 1.090đ, Bệnh viện Chợ Rẫy 7.350đ); có loại gấp 4,8 lần (01 dây truyền huyết thanh: Bv Bạch Mai 3.675đ, Bv Hữu Nghị Việt Đức 18.000đ).

Còn về hóa chất, có loại gấp 5,8 lần (01 hộp Series Retic Pak reagen kit, 1x380ml+1.900ml: Viện Huyết học Truyền máu TƯ 16.718.000đ, Bệnh viện Thống nhất 2.874.375đ)… Cá biệt, qua kiểm toán phát hiện gói thầu gây thiệt hại 10,77 tỷ đồng.

Bên lề phiên họp sáng nay (25-5), ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đã có cuộc trao đổi nhanh với PV về thực trạng đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế theo kết quả Kiểm toán nhà nước.

+ Bà đánh giá như thế nào về kết quả kiểm toán việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc với một số bệnh viện lớn tuyến TƯ và một số địa phương?

+ Chuyện bệnh viện này mua được rẻ nhưng bệnh viện khác lại bị mua đắt, có sự chênh lệch giá không loại trừ có sự bắt tay, tiêu cực, nhưng cũng có thể do nguyên nhân khách quan, mà phải đi sâu vào từng vụ việc mới nói được. Để kết luận có tiêu cực hay không phải có cơ quan điều tra.

Tôi làm trong ngành, cũng liên quan nhiều đến việc mua sắm từ thuốc đến trang thiết bị, tôi thấy đây là vấn đề rất phức tạp, rất khó giải quyết. Năm nay kiểm toán như thế này, nhưng không gì đảm bảo sang năm, năm nữa việc này không lặp lại, mà nó vẫn tiếp tục lặp lại khi còn cơ chế đấu thầu.

[caption id="attachment_165522" align="aligncenter" width="615"] ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan trao đổi với PV
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan trao đổi với PV[/caption]

Nhưng tại sao chúng ta không giải quyết tận gốc vấn đề này, tại sao cái gì cũng phải đấu thầu? Chúng ta có cơ chế tự chủ trong bệnh viện, tại sao không khoán kinh phí bệnh viện trong năm đó phải khám chữa cho chừng đó bệnh nhân, phải hoàn thành nhiệm vụ và tự chủ thì phải tăng cường năng lực, trách nhiệm của Hội đồng mua sắm thiết bị cho bệnh viện.

Bên cạnh đó, bệnh viện có thể tìm hiểu thông tin của nhau, Vụ trang thiết bị có thể đưa các giá đã trúng thầu lên, nếu như ở nơi đâu có tiêu cực, họ thấy thì cũng phải chùn tay.

Khi đã đấu thầu, không phải lúc nào DN với mặt hàng tốt nhất và giá cả hợp lý nhất cũng vào được vòng trong và trúng thầu. Đôi khi bị rơi rụng trước vì lý do khách quan, hoặc tiêu cực. Vậy tại sao chúng ta không công khai mua bán, cho một khoản tiền rõ ràng, một định mức cho bệnh viện theo từng hạng, với nhu cầu bệnh nhân hàng năm.

Ý bà là cần nhấn mạnh cơ chế tự chủ của các bệnh viện?

+ Phải nghĩ đến cái căn cơ là tính tự chủ của bệnh viện. Nếu đã tự chủ rồi, tại sao đi mua đồ cho mình mà còn không làm được? Các bệnh viện tư nhân có phải mua đắt không, tại sao cứ dính đến tiền nhà nước là có chuyện? Càng đấu thầu, càng chi ly chừng nào thì nguy cơ càng lớn chừng đó, hoặc là bắt tay nhau đề đẩy giá lên, hoặc sẽ làm sao để rẻ nhất thì chất lượng lại có vấn đề.

Tự chủ của bệnh viện nói riêng và đơn vị sự nghiệp nói chung không phải là nhà nước không chi tiền nữa mà phải tự chủ về tổ chức, tự chủ trong trọng dụng người tài. Người nào làm không được anh có thể đuổi ngay, chứ bây giờ tôi đố có thể đuổi được công chức hay viên chức bệnh viện nếu không hoàn thành nhiệm vụ đấy. Vô cùng nhiêu khê.

Còn chuyện bổ nhiệm người tài ở bệnh viện cũng vô cùng khó mà đôi khi có thể được quyết định bởi những cấp chưa chắc đã hiểu gì hết trong công việc của bệnh viện.

Rồi phải tự chủ về tài chính, nếu nhà nước không cho tiền, phải tự trang trải, phải đầu tư chất xám, trí tuệ. Với các bác sĩ, công việc khó khăn như khám chữa bệnh cho bệnh nhân mà còn làm được thì chuyện này dư sức làm, nếu giải quyết được sức sáng tạo của họ.

Chuyện gì vượt quá chuyên môn thì thuê, nhưng bây giờ cứ như bao cấp ngày xưa, suy nghĩ có người nghĩ thay, làm có người làm thay, và cha chung không ai khóc. Sau đấy là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực.

- Nhiều lãnh đạo bệnh viện cho biết, họ tổ chức mua sắm theo gói thầu, nên có thể sản phẩm này giá cao, cái kia giá thấp. Nhưng có thực tế là sản phẩm mua giá thấp lại là những thứ giá trị nhỏ như kim tiêm, còn với hóa chất điều trị ung thư thì giá lại cao. Kết quả, thiệt thòi là bệnh nhân phải chịu?

+ Người ta có quyền nghi ngờ trong chuyện này có tiêu cực. Tôi nghĩ phải xem lại Luật đấu thầu quy định như thế nào, như không tính từng đơn vị, mà tính cả gói thầu, ếu tổng giá trị không vượt quá kế hoạch đưa ra thì không vi phạm. Còn nếu từ đầu đã đưa ra kế hoạch quá cao, tuy không vi phạm nhưng lại “gợn”, không ổn thì phải xem lại luật.

Ví dụ với thuốc, sau này đã yêu cầu giá trúng thầu cả gói không được vượt quá giá kế hoạch đã làm, nhưng giá trúng thầu của từng sản phẩm cũng không được vượt quá luôn. Có thể tới đây không cho đấu thầu trọn gói nữa mà đấu riêng. Nhưng phải chia sẻ cái khó của bệnh viện, phải đấu thầu, phải mua thì bệnh viện mới có máy móc sử dụng.

- Tất cả các bệnh viện đều không mua thiết bị vượt quá giá trần quy định. Vậy theo bà, giá trần này cần được xây dựng như thế nào để tránh cùng một loại thiết bị có chênh lệch lớn giữa các bệnh viện?

+ Khi giá trần xây dựng ban đầu quá thấp, thì sẽ dấn đến đấu thầu thất bại, nhưng khi xây dựng quá cao thì dẫn đến lãng phí, tạo điều kiện cho nâng giá lên. Để hạn chế tình trạng này, Bộ Y tế, Vụ trang thiết bị phải thống kê giá trên thị trường của những mặt hàng này để các bệnh viện tham khảo.

Theo tôi đừng đấu thầu nữa, còn nếu buộc phải đấu thì cần luật hóa việc phải lọc giá những năm trước rồi công khai. Đương nhiên giá đó không phải bắt buộc, nhưng ít ra cũng có cơ sở để tham khảo.

- Chân thành cám ơn bà!

Theo PL&XH

Bạn đang đọc bài viết "Chênh lệch giá vật tư, hóa chất y tế: Người ta có quyền nghi ngờ có tiêu cực!" tại chuyên mục Thông tin kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin