Chấn động về bê bối “hộ chiếu vàng” của Cyprus: Hệ lụy và những khuyến cáo…

(Pháp lý) – Thế giới mà đặc biệt là các nước thuộc Liên minh Châu Âu mới đây “chấn động” trước thông tin cựu thẩm phán Toà án tối cao Cyprus công bố: có hơn một nửa số “hộ chiếu vàng” trong tổng số 6.779 “hộ chiếu vàng” của nước này đã bị cấp trái phép, trong giai đoạn từ 2007 – 2020… Vậy vì sao gọi là “hộ chiếu vàng” ? Hộ chiếu này có tác dụng ảnh hưởng , giá trị thế nào khiến cho nhiều người muốn có, còn cơ quan chức năng của Cyprus thì bất chấp pháp luật mà cấp trái phép ? Hệ lụy của hộ chiếu vàng được cấp trái phép? Phản ứng, khuyến cáo của EU thế nào trước sự vụ? Tất cả được PV Pháp lý nghiên cứu và giới thiệu trong bài viết sau:

Đổi đầu tư lấy “Hộ chiếu vàng”…

Nằm ở phía Nam của bán đảo Anatolia, Cộng hoà Cyprus (Síp), là quốc đảo thuộc Tây Á lớn thứ ba ở Địa Trung Hải, được đánh giá là quốc gia an toàn nhất Châu Âu, là nơi lý tưởng đế đầu tư kinh doanh và sinh sống. Cyprus có khí hậu ôn hòa, quanh năm có ánh nắng. Những đường bờ biển tuyệt đẹp, những bãi biển cát vàng óng, những làn nước trong xanh hòa quyện hài hòa với những ngọn núi hùng vĩ, đẹp tự nhiên hoang dã và những ngôi làng thanh bình, đẹp như tranh vẽ.

Cyprus còn là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất trong vùng, với nền kinh tế dịch vụ phát triển, tỷ lệ tội phạm thấp, chất lượng cuộc sống cao, cơ sở hạ tầng phát triển, cơ sở y tế, kinh doanh hiện đại, khu mua sắm…Với vị trí chiến lược và vẻ đẹp tự nhiên hiếm có đã biến Cộng hòa Síp thành viên ngọc của Địa Trung Hải qua thời gian. Chính quyền Cộng hòa Síp đã áp dụng chế độ pháp luật và chính sách thuế thân thiện, hiện đại thúc đẩy mọi cá nhân đầu tư không chỉ của cải mà còn giúp mở rộng và phát triển doanh nghiệp của họ, nên đã sớm phát triển quốc đảo thành một trung tâm kinh doanh mang tầm quốc tế.

Cyprus có khí hậu ôn hòa, quanh năm có ánh nắng, những đường bờ biển tuyệt đẹp, những bãi biển cát vàng óng, những làn nước trong xanh hòa quyện hài hòa với những ngọn núi hùng vĩ, đẹp tự nhiên hoang dã…

Tất cả cư dân đang làm việc tại Síp, cũng như những người đang sống tại Síp trên 183 ngày (6 tháng) đều phải trả thuế thu nhập, nếu có tổng thu nhập trước thuế vượt quá số tiền miễn thuế là €19.500. Những công ty được quản lý và kiểm soát tại Síp đều phải đóng thuế trên khoản thu nhập được tính dồn hoặc sinh ra từ mọi nguồn thu nhập tại Síp và nước ngoài. Mọi nguồn cung cấp hàng hóa chịu thuế hay dịch vụ được thực hiện trong phạm vi Cộng hòa Síp đều phải nộp thuế VAT. Hàng nhập vào Cộng hòa Síp và thu mua hàng hóa từ các nước thành viên khác đều tính thuế VAT…(Nguồn: toancauditru.com)

Đặc biệt là kể từ sau khi nước này chính thức gia nhập Liên minh Châu Âu vào năm 2004 và sử dụng đồng tiền chung Châu Âu EURO năm 2008, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại quốc tế và giúp cho quần đảo này trở thành một thị trường phát triển to lớn và nhanh chóng, Cộng hòa Síp đã trở thành vùng đất mở mang nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đầu năm 2007, trong khuôn khổ các chính sách kinh tế khuyến khích và thu hút ngoại lực, Hội đồng Bộ trưởng CH Síp sáng kiến thành lập “Chương trình đầu tư Síp” nhằm để thu hút các cá nhân có tài sản và thu nhập cao đến định cư và kinh doanh tại Síp. Tuy nhiên sự hấp dẫn của Chương trình kể từ khi Hội đồng Bộ trưởng nước này chính thức có đề xuất cải thiện Chương trình đầu tư Cộng hòa Síp, với các tiêu chí và điều khoản mở rộng phạm vi điều chỉnh và áp dụng. Theo đó, kể từ ngày 15/05/2019 (thời điểm Chương trình đầu tư cải thiện có hiệu lực toàn phần), các doanh nhân và nhà đầu tư cùng các thành viên gia đình là công dân nước ngoài (không phải là công dân Síp) trên 18 tuổi, đều có thể nộp đơn tham gia Chương trình Nhập Quốc tịch diện Đầu tư Síp, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

Thứ nhất: Đầu tư tối thiểu 2 triệu EUR vào một trong các tùy chọn sau: + Đầu tư vào các dự án bất động sản, phát triển cơ sở hạ tầng bằng hình thức mua hoặc xây dựng mới hoàn toàn; + Mua, thành lập mới, hoặc tham gia vào doanh nghiệp có trụ sở và đang hoạt động tại Síp (trong đó phải chứng minh sự hiện diện cũng như các hoạt động kinh doanh hiện tại ở Síp và phải thuê ít nhất 5 lao động là công dân Síp hoặc công dân Châu Âu); + Đầu tư vào các Quỹ Đầu tư thay thế hoặc Tài sản tài chính của công ty, tổ chức ở Síp đã được Ủy ban Chứng khoán và giao dịch ngoại hối của nước này cấp phép, thông qua hình thức mua trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán nợ của công ty, tổ chức ở Síp; + Ngoài các hình thức đầu tư tùy chọn nói trên, đương đơn có thể kết hợp các hình thức đầu tư nêu trên với điều kiện tổng mức đầu tư đạt tối thiểu 2 triệu EUR.

Thứ hai: Đóng góp 150.000 EUR cho các cơ quan được Chính phủ nước sở tại chỉ định. Trong đó: 75.000 EUR cho Quỹ Nghiên cứu và sáng tạo; 75.000 EUR cho Tập đoàn Phát triển đất đai Cộng hòa Síp.

Thứ ba: Nhà đầu tư đến từ nước ngoài còn phải đáp ứng các tiêu chí sau: 1) Trong mọi trường hợp, phải sở hữu một BĐS cư trú tại Síp có giá thị trường ít nhất 500.000 EUR cộng thuế giá trị gia tăng; 2) Phải thực hiện các khoản đầu tư cần thiết trong ba năm trước ngày nộp đơn và phải duy trì việc đầu tư nói trên trong thời gian ít nhất 5 năm kể từ ngày nhập tịch; 3) Không có tiền án tiền sự. Ngoài ra, tên của những người nộp đơn không được liệt kê trong danh sách những người có tài sản bị đóng băng do lệnh cấm vận trong ranh giới của Liên minh Châu Âu; 4) Phải có thị thực Schengen còn hiệu lực khi nộp đơn theo quy định.

Tất cả cá nhân tùy chọn đầu tư nêu trên đều cho phép kèm theo người phụ thuộc. “Người phụ thuộc” là vợ/chồng của đương đơn chính, trẻ em dưới 18 tuổi, và người trong độ tuổi từ 18 đến 28 là sinh viên toàn thời gian, phụ thuộc hoàn toàn về tài chính vào đương đơn chính. Cha mẹ của đương đơn chính cũng có thể được bao gồm trong hồ sơ miễn là đáp ứng được các điều kiện bổ sung áp dụng cho Chương trình Nhập Quốc tịch hoặc Thẻ thường trú theo quy định.

Theo Chương trình đầu tư Cộng hòa Síp, các doanh nhân và nhà đầu tư cùng các thành viên gia đình là công dân nước ngoài (không phải là công dân Síp) trên 18 tuổi, đều có thể nộp đơn tham gia Chương trình Nhập Quốc tịch diện Đầu tư Síp, nếu đáp ứng đủ các điều kiện như: Đầu tư tối thiểu 2 triệu EUR vào một trong các tùy chọn sau: + Đầu tư vào các dự án bất động sản, phát triển cơ sở hạ tầng bằng hình thức mua hoặc xây dựng mới hoàn toàn; + Mua, thành lập mới, hoặc tham gia vào doanh nghiệp có trụ sở và đang hoạt động tại Síp (trong đó phải chứng minh sự hiện diện cũng như các hoạt động kinh doanh hiện tại ở Síp và phải thuê ít nhất 5 lao động là công dân Síp hoặc công dân Châu Âu); + Đầu tư vào các Quỹ Đầu tư thay thế hoặc Tài sản tài chính của công ty, tổ chức ở Síp đã được Ủy ban Chứng khoán và giao dịch ngoại hối của nước này cấp phép, thông qua hình thức mua trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán nợ của công ty, tổ chức ở Síp…..

Sức hấp dẫn từ Chương trình Nhập quốc tịch Sip

- Không kiểm tra năng lực ngôn ngữ, độ tuổi. Được sở hữu Quốc tịch của một nước thành viên Liên minh Châu Âu, và là một công dân EU, được hưởng mọi quyền của công dân Liên minh Châu Âu, được bảo vệ theo Pháp chế và Quy định Liên minh Châu Âu: tự do làm việc, học tập, cư trú tại tất cả các quốc gia là thành viên Liên minh Châu Âu, Thụy Sĩ, Na uy, Iceland, Liechtenstein.

- Người mang hộ chiếu Síp sẽ được miễn thị thực du lịch đến 157 quốc gia, bao gồm Canada, Hong Kong, Singapore và Vương quốc Anh.

- Không áp dụng thuế thừa kế và thuế bất động sản, và không đánh thuế thu nhập từ nguồn nước ngoài ở Síp.

- Nhà đầu tư và các thành viên gia đình được cấp Hộ chiếu và Quốc tịch Síp. Thành viên gia đình có thể có Quốc tịch Síp bao gồm vợ/chồng của nhà đầu tư và trẻ vị thành niên cũng như người trưởng thành là người lệ thuộc tối đa 28 tuổi.

- Nhờ vào thuế suất doanh nghiệp EU thấp nhất là 12.5% và vị trí địa lý tuyệt vời nằm giữa Châu Á, Châu Âu và Châu Phi, Síp đã phát triển trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng vì đây là cửa ngõ cho nhiều thị trường mới nổi như Trung Quốc, Iran và Ấn Độ giúp mở rộng doanh nghiệp của họ trên lãnh thổ nước Síp.

Chính vì các lý do trên mà hộ chiếu Cộng hoà Síp được xem là “Hộ chiếu vàng”. Theo Bảng xếp hạng Hộ Chiếu vào năm 2020 (Passport Index), hộ chiếu đảo Síp đứng thứ 6 trong danh sách 10 hộ chiếu quyền lực nhất thế giới với 115 điểm. Bảng xếp hạng này được tính toán dựa trên chỉ số miễn thị thực của mỗi hộ chiếu, tức là số quốc gia mà người sở hữu hộ chiếu đó có thể tới mà không cần visa hoặc vào bằng visa nhập cảnh sân bay; đồng thời, Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cũng là điểm cộng để tính độ “quyền lực” của hộ chiếu.

Cùng với chương trình “Thường trú dòng xét duyệt nhanh qua Chương trình dành cho nhà đầu tư”, với việc giới thiệu thành công chương trình “Nhập quốc tịch của nhà đầu tư” (còn gọi là “Hộ chiếu vàng”) đã thúc đẩy phát triển kinh tế và đưa Síp trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhiều cá nhân có giá trị tài sản ròng cao có nhu cầu hưởng lợi ích từ việc nhập quốc tịch Liên minh Châu Âu. Mặc dù có cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu diễn ra vào năm 2013, CH Síp vẫn vượt qua được những thách thức thông qua các chiến thuật, phương pháp cải tiến và môi trường kinh doanh hiện đại và có thể thích nghi với môi trường thay đổi liên tục nhằm đảm bảo mọi lợi ích cho quần đảo.

Người mang hộ chiếu Síp sẽ được miễn thị thực du lịch đến 157 quốc gia, bao gồm Canada, Hong Kong, Singapore và Vương quốc Anh; Không áp dụng thuế thừa kế và thuế bất động sản, và không đánh thuế thu nhập từ nguồn nước ngoài ở Síp.
Nhờ vào thuế suất doanh nghiệp EU thấp nhất là 12.5% và vị trí địa lý tuyệt vời nằm giữa Châu Á, Châu Âu và Châu Phi, Síp đã phát triển trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng vì đây là cửa ngõ cho nhiều thị trường mới nổi như Trung Quốc, Iran và Ấn Độ giúp mở rộng doanh nghiệp của họ trên lãnh thổ nước Síp.

Những hệ lụy phát sinh từ sự dễ dãi của Chương trình đầu tư tại Sip và những khuyến cáo

Mặc dù theo quy định của Chương trình đầu tư tại CH Sip, để được cấp “Hộ chiếu vàng”, người nộp đơn và các thành viên phụ thuộc phải không có tiền án tiền sự hay nói cách khác phải có “lý lịch sạch” ; hoặc tên của những người nộp đơn không được liệt kê trong danh sách những người có tài sản bị đóng băng do lệnh cấm vận trong ranh giới của Liên minh Châu Âu; và không bị từ chối đơn xin nhập quốc tịch ở bất kỳ quốc gia thành viên nào khác của Liên minh Châu Âu…

Thế nhưng theo tài liệu rò rỉ của Chính phủ CH Síp cho thấy, đảo quốc này bán quốc tịch cho hàng chục nhân vật bị cáo buộc vi phạm pháp luật ở nước khác, mở đường để họ vào Châu Âu. Trong đó đáng chú ý, năm 2019, CH Síp đã cấp hộ chiếu cho một tội phạm tài chính người Malaysia (vì đã biển thủ 4,5 tỷ USD của một Quỹ đầu tư nước này), đang bị nhiều nước truy nã. Để được cấp hộ chiếu, tên tội phạm này đã mang tiền tới CH Síp mua một biệt thự sang trọng trị giá 5 triệu Euro…

Có hơn một nửa số “hộ chiếu vàng” trong tổng số 6.779 “hộ chiếu vàng” của nước này đã bị cấp trái phép, từ 2007 – 2020…

Chương trình đổi đầu tư lấy hộ chiếu của CH Sip vì thế đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ Nghị viện các nước Châu Âu. EU lo ngại rằng, nếu không kiểm soát chặt chẽ, “hộ chiếu vàng” sẽ vô tình trở thành lỗ hổng giúp các băng nhóm tội phạm xâm nhập vào khối, làm suy yếu tính toàn vẹn của quyền công dân EU.

Để hạ nhiệt EU, từ cuối năm 2019, Chính phủ CH Síp đã mở cuộc điều tra với tất cả các nhà đầu tư nhận quốc tịch Síp. Đến tháng 7/2019, Nghị viện Sip thông qua đạo luật cho phép nước này tước quốc tịch các nhà đầu tư “phạm quy” và xem xét lại nhiều trường hợp tương tự. Theo đó mặc dù không nêu tên nhưng Chính phủ quốc đảo này đã mạnh tay thu hồi “hộ chiếu vàng” đã cấp cho 26 nhà đầu tư giàu có nước ngoài ngoài EU cùng người thân trong gia đình họ (gồm 9 người Nga, 5 người Trung Quốc và một số cá nhân từ Malaysia, Kenya, Iran…).

Sau dư chấn trên, những tưởng việc cấp “hộ chiếu vàng” sẽ được nước này thận trọng, dè dặt. Tuy nhiên từ phát biểu của ông Myron Nikolatos - cựu thẩm phán Tòa án tối cao CH Sip, đồng thời là người phụ trách Ủy ban điều tra độc lập “hộ chiếu vàng” của nước này (hôm 7/6/2021), có tới 53% trong tổng số 6.779 người được cấp “hộ chiếu vàng” (giai đoạn 2007-2020) được cấp trái phép, cho thấy Chính phủ nước này không tôn trọng các tiêu chí của Chương trình đặt ra và có dấu hiệu bất chấp luật lệ của Liên minh Châu Âu.

Thậm chí Chương trình còn biến tướng dưới nhiều hình thức khác, người nước ngoài có tiền không cần kinh doanh đầu tư gì cả tại Chypres, không cần cư trú lâu dài vẫn được cấp “hộ chiếu vàng”. Đó thực chất là bỏ tiền ra mua hộ chiếu Châu Âu, để khi tội phạm cần thoát thân thì có cửa đi… Kênh Al Jazeera (Qatar) hồi tháng 8/2020 đã đăng một loạt bài viết dẫn từ tài liệu mật thu thập được hàng chục quan chức cấp cao một số nước và gia đình của họ đã mua “hộ chiếu vàng” này từ cuối 2017 đến cuối 2019 (thời điểm Al Jazeera thu thập được hồ sơ), trong đó có cựu Đại biểu Quốc hội TP.HCM Phạm Phú Quốc. Ông Quốc được cho đã có hộ chiếu Síp vào tháng 12.2018 cùng vợ.

Hồi tháng 10 năm 2020, hãng AP dẫn lời ông Kyriakos Koushos, người phát ngôn của Chính phủ Síp, cho hay nội các đảo quốc này đã chấp nhận đề nghị của các Bộ trưởng nội vụ và tài chính về việc hủy bỏ hoàn toàn Chương trình đầu tư để lấy hộ chiếu Síp. Theo đó quyết định dừng cấp “hộ chiếu vàng” cho các nhà đầu tư giàu có (theo sau một loạt vụ bê bối liên quan chương trình này bị phanh phui), kể từ đầu tháng 11/2020. Cùng thời gian, Ủy ban Châu Âu cũng đã khởi kiện hai nước Malta và Cộng hòa Chypres vì vi phạm luật lệ Liên minh.

Thực ra thông tin mà cựu thẩm phán Myron Nikolatos công bố mới đây là giọt nước tràn ly. Các nước Liên minh Châu Âu đã chỉ trích Chương trình cấp “hộ chiếu vàng” từ lâu. Năm 2019, Ủy ban Châu Âu cũng đã công bố một báo cáo điều tra về “hộ chiếu vàng”, trong đó nêu bật các rủi ro về bảo mật, rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng và nguy cơ để lọt cho tội phạm nước ngoài cư trú và đi lại tự do trong lãnh thổ 27 nước Châu Âu.

“Trao quyền công dân là đặc quyền của các quốc gia thành viên, song các quyền và điều kiện của quốc tịch Châu Âu không nên bị lợi dụng bởi các kế hoạch đầu tư mạo hiểm của từng quốc gia” - Cao ủy tư pháp của EU Didier Reynders nói. Theo ông cần có thời gian để Châu Âu hoàn thiện công cụ kiểm soát, nhưng chắc chắn là thời gian tới “hộ chiếu vàng” vào Châu Âu sẽ khó khăn hơn. Cho đến nay, các cảnh cáo của phía Châu Âu đều không có kết quả, các cam kết của một số nước đều không được các nước đó thực thi. Dựa vào Tòa án để ngăn ngừa và trừng phạt các nước vi phạm là cách mà Ủy ban Châu Âu lựa chọn hiện nay./.

Hiện nay, có khoảng 20 quốc gia có cơ chế cấp " hộ chiếu vàng" hay "thị thực vàng" cho các nhà đầu tư. Ba quốc gia là Bulgaria, Chypres và Malta có cả 2 chương trình này. Giá trị cũng rất khác nhau. Mức đầu tư thấp nhất từ 13.500 euro tại Croatia đến 5 triệu euro tại Luxembourg và Slovakia. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, từ năm 2008 - 2018, EU đã đón trên 6.000 công dân mới và gần 100.000 cư dân mới thông qua chương trình "hộ chiếu vàng". Cũng theo tổ chức này, cơ chế hộ chiếu vàng đã đem lại cho EU đến 25 tỷ euro đầu tư nước ngoài trực tiếp trong 10 năm qua. Các nước Bulgaria, Chypres và Malta thậm chí có những chính sách cho phép cấp quyền công dân cho các nhà đầu tư nước ngoài mà không bắt buộc những người này phải sống tại nước đó, hoặc thậm chí không có mối liên hệ thực chất nào với nước họ có quyền công dân. Chính sự lỏng lẻo đó đang khiến chương trình "hộ chiếu vàng" có nguy cơ bị lợi dụng.

VŨ LÊ MINH

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin